Android và iOS và hai hệ điều hành smartphone phổ biến nhất hiện nay. Cái bóng quá lớn đó gần như khiến các nhà sản xuất khó mà chen chân vào thị trường này được.
Khi thị trường di động chỉ còn là cuộc đua của Android và iOS
Chúng ta đã không còn quá xa lạ với hai cái tên Android và iOS. Android là hệ điều hành được sản xuất bởi Google dưới dạng mã nguồn mở, cho phép các nhà sản xuất smartphone có thể cài đặt trên thiết bị của mình trong khi iOS thì ngược lại, là “đứa con” độc quyền của Apple, được sản xuất chỉ để chạy trên các dòng điện thoại iPhone và máy tính bảng iPad của nhà Táo.
Tuy đối lập về bản chất nhưng cả hai nền tảng di động này đều có một điểm chung rất lớn, đó là sự thành công. Theo số liệu thống kê của IDC vào cuối năm 2017, tổng thị phần của hai tên tuổi này đạt 99.8%, trong đó Android chiếm 85.1%, gấp 6 lần so với con số 14.7% của iOS, 0.2% còn lại được chia cho các hệ điều hành khác. Đến hết năm 2018, con số này đã được “làm tròn” lên 100% với thị phần lần lượt là 85.1% và 14.9%, những cái tên khác gần như đã bị “xóa sổ”.
Tại hội nghị nhà phát triển Google I/O diễn ra hồi đầu tháng 5 vừa qua, Stephanie Cuthbertson – Giám đốc cấp cao của Android đã công bố rằng hiện có tới 2.5 tỷ thiết bị Android đang hoạt động, tăng trưởng 25% so với con số 2 tỷ mà công ty này đã công bố cũng tại sự kiện này cách đây hai năm. Các thiết bị iOS mặc dù có sự chững lại trong thời gian gần đây nhưng tỉ trọng vẫn không có sự thay đổi đáng kể.
Sự thành công của Android phần lớn đến từ chiến lược khôn ngoan mà Google đã vạch ra. Công ty này cung cấp mã nguồn mở và bất kỳ nhà sản xuất nào cũng có thể sử dụng hệ điều hành này. Mỗi thương hiệu sẽ có tùy biến khác nhau trên các dòng smartphone của mình, do đó hệ sinh thái Android trở nên vô cùng đa dạng. Người dùng yêu thích Android nhờ sự tùy biến cao, dễ sử dụng và nhiều tính năng thú vị.
Đối lập với Android, iOS là một nền tảng đóng và chỉ có thể hoạt động trên điện thoại và máy tính bảng của Apple. Tuy nhiên, chính vì lí do này mà hệ điều hành này có thể tối ưu trên các thiết bị phần cứng, mang lại trải nghiệm mượt mà, đa nhiệm tốt và độ bảo mật cao. Đây cũng chính là ưu điểm nổi trội nhất của các sản phẩm đến từ nhà Táo.
Bên cạnh đó, cả hai nền tảng này đều có mối quan hệ khá tốt với các bên thứ ba. Ngay cả với iOS, mặc dù là hệ điều hành khép kín nhưng nó vẫn có thể sử dụng các ứng dụng của Facebook hay Google, mang lại trải nghiệm người dùng smartphone đa dạng và thống nhất hơn. Từ những phân tích trên đây, có thể thấy, Android và iOS gần như đã “nuốt chửng” toàn bộ thị trường hệ điều hành di động.
Liệu có còn cửa để một cái tên khác có thể chen chân?
Thật ra khi nhắc đến hệ điều hành di động, chúng ta không chỉ có mỗi hai tên tuổi này. Còn nhớ trong quá khứ, Windows Phone, Symbian hay BlackBerry OS là những cái tên đã từng gây được tiếng vang và có một quá khứ huy hoàng ở thị trường di động. Tuy nhiên, không may mắn là đến thời điểm hiện tại, chúng gần như đã bị khai tử và ít người còn nhớ đến sự tồn tại của những cái tên này.
Hãy bắt đầu với Windows Phone, đây là hệ điều hành được sản xuất bởi Microsoft, ra mắt vào năm 2010 dựa trên nền tảng Windows Mobile cũ. Cái tên này từng gây sóng gió trên thị trường bởi sự tối ưu trải nghiệm người dùng – vừa đóng vừa mở – cho phép điện thoại tương tác tốt với các nền tảng ngoài hệ thống những vẫn đảm bảo tính bảo mật và khả năng xử lí mượt mà.
Tuy nhiên đến đầu năm nay, Microsoft đã chính thức tuyên bố sẽ khai tử hệ điều hành này vào tháng 12/2019, để lại nhiều nuối tiếc cho huyền thoại một thời. Thất bại đến từ sự hạn chế hợp tác với bên thứ 3, đơn cử là Google và Facebook, hai cái tên lớn trong làng công nghệ, dẫn đến các ứng dụng “quốc dân” không được trang bị trên điện thoại chạy Windows Phone. Đồng thời, khả năng lập trình ứng dụng của Microsoft cũng khá tệ và không mang lại trải nghiệm tốt nhất.
Tương tự, Symbian, cái tên từng làm mưa làm gió trong suốt thời kỳ đầu của ngành công nghiệp smartphone cũng sớm trở thành một “nền tảng chết”. Sự khốc liệt trong thị trường di động cộng với việc kém tương thích với các thiết bị smartphone đã biến huyền thoại này trở thành “cố nhân”. Và BlackBerry cũng có cái kết không mấy tốt đẹp hơn.
Nói như vậy để thấy rằng, việc tạo ra hệ điều hành không khó nhưng việc giữ cho nền tảng đó có thể tồn tại lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Thậm chí là ở thời điểm hiện tại, khi mà Android và iOS trở nên quá mạnh, khó có cái tên nào có thể nổi lên và chen chân vào được thị trường này chứ đừng tính tới chuyện duy trì được lâu dài.
Những trở ngại của một hệ điều hành mới đầu tiên là kho ứng dụng. Sẽ tốn không ít thời gian để một nhà sản xuất tạo ra các ứng dụng đủ để phục vụ nhu cầu quá đỗi khắt khe như hiện tại, đồng thời chúng còn phải tương thích tốt với các thiết bị. Cũng là vấn đề tương thích, không phải dễ dàng mà một nền tảng có thể hoạt động tốt trên các thiết bị, Android và iOS có được ngày hôm nay là cả một quá trình. Do đó, việc tạo ra một hệ điều hành mới không phải một sớm một chiều.
Tiếp đó, người dùng hiện đã quen thuộc với các thao tác, giao diện cũng như cách sử dụng Android và iOS, điều này sẽ ngăn cản họ chuyển sang dùng một hệ điều hành khác mới toanh. Về thị phần, hầu hết các nhà sản xuất smartphone hiện nay đều lựa chọn Android cho thiết bị của mình, và sẽ thật khó để thuyết phục họ mạo hiểm cho một điều chưa chắc mang lại kết quả.
Hơn nữa, dù có thể tạo ra một hệ điều hành mới tương thích tốt với các dòng smartphone nhưng để có thể đấu lại Android và iOS lại là điều không tưởng. Cả Google và Apple đều là những “lão làng” trong thị trường công nghệ, là đế chế gần như bất diệt, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất cả phần cứng và phần mềm. Từ đó có thể thấy rằng, xác suất một nền tảng di động mới có thể thành công đang tiệm cận về con số 0.
Hongmeng của Huawei liệu có phải cái tên sẽ làm nên chuyện?
Khó khăn chồng chất trong những ngày qua có thể sẽ đẩy Huawei đến bờ vực sụp đổ, do đó công ty này cần phải thiết lập lại mọi thứ cho riêng mình nếu không muốn bị “xóa sổ” khỏi bản đồ smartphone. Trong đó, Hongmeng là hệ điều hành mà Huawei đã xây dựng trong trường hợp chính phủ Mỹ cắt đứt mối quan hệ của họ với Google, có lẽ sẽ được hãng giới thiệu trong thời gian tới.
Nếu không tính tới chuyện các công ty phần cứng khác đều đã quay lưng với Huawei, chỉ xét riêng phần mềm, thương hiệu điện thoại số 2 thế giới này chắc chắn sẽ gặp vô vàn khó khăn rồi. Tự tạo ra một hệ sinh thái ứng dụng, phần mềm và dịch vụ riêng, đồng thời thay đổi thói quen sử dụng của người dùng sẽ là một nhiệm vụ oái ăm mà Huawei cần phải thực hiện. Ngoài ra, chắc chắn trong thời gian đầu khi ra mắt, hệ điều hành này sẽ khó mà giúp điện thoại hoạt động ổn định.
Sự thống trị của Android và iOS là cái bóng quá lớn mà khó có tên tuổi nào có thể vượt qua, vậy liệu có còn cơ hội nào cho Huawei? Vẫn còn quá sớm để kết luận rằng “ngày tàn” đã đến với Huawei, tuy nhiên một điều chắc chắn rằng con đường để biến Huawei thành một Apple thứ 2 sẽ không hề dễ đi. Cùng chờ xem những động thái tiếp theo của thương hiệu đến từ Trung Quốc này nhé.
———————————————————————————————————————
Hiện tại, để giúp quý khách hàng nắm được thông tin về những khuyến mãi khủng, CellphoneS chính thức thành lập group Facebook với tên gọi “CellphoneS Group”, tại đây các thông tin khuyến mãi sẽ luôn được ban quản trị cập nhật liên tục.
Ngoài ra, group cũng sẽ là nơi để tất cả mọi người có thể trao đổi về các vấn đề liên quan đến công nghệ và đời sống. Hãy cùng tham gia group theo đường link: https://www.facebook.com/groups/cellphonesgroups/
_ Tham gia group Thảo luận công nghệ CellphoneS: Tại đây
_ Like/follow fanpage Sforum.vn: FB.com/SforumTech