Theo trào lưu #PubertyChallenge đang gây sốt trên mạng xã hội những ngày này, hãy nhìn lại những chiếc smartphone đã từng rất phổ biến nhiều năm trước đây để thấy rõ những thay đổi lớn nhỏ trong thiết kế của chúng và xem liệu những iPhone, Galaxy hay Xperia là “dậy thì thành công” nhất.
Apple iPhone Original vs. iPhone 7 Plus (2007 – 2016)
Dòng smartphone phổ biến nhất hành tinh tất nhiên sẽ được nhắc tới đầu tiên. Chiếc iPhone đời đầu được ra mắt từ cách đây 10 năm, đánh dấu sự biến chuyển trong thị trường di động khi mà người ta bắt đầu chuyển sang màn hình cảm ứng toàn phần cỡ lớn hơn, loại bỏ các phím cứng thừa thãi.
iPhone Original được thiết kế với phong cách tối giản, mềm mại với các góc bo cong đều, phím Home cũng tròn trịa. Mặt lưng nhám với dải đen phía dưới đuôi trông không thực sự bắt mắt nhưng phần khung viền mạ chrome bóng đã đủ để khiến máy trông nổi bật hơn.
9 năm sau, iPhone 7 Plus ra mắt, không đánh dấu sự “đầu tiên” nào về mặt thiết kế nhưng vẫn gây chú ý vì sự chỉn chu, mượt mà và hiện đại hơn ( so với thế hệ iPhone 6 Plus, tất nhiên). Cụm camera kép từng là một điểm yếu vì bị chê bai khá nhiều, nhưng nhìn chung thì nó vẫn không hẳn quá xấu xí nếu so với các đối thủ khác.
Hiện tại, iPhone 8 cũng sắp ra mắt, và người ta đang kì vọng máy sẽ lại “dậy thì” thêm lần nữa với xu hướng màn hình cong tràn, viền cạnh siêu mỏng đang rất được ưa chuộng.
Điểm đánh giá “dậy thì thành công”: 8/10
Samsung Galaxy S vs. Galaxy S8 (2010 – 2017)
Chiếc Galaxy S đời đầu tiên được ra mắt vào đầu năm 2010 và từng bị cho là “nhái” thiết kế của những chiếc iPhone vì cũng có mặt trước bo cong 4 góc và phím Home cứng dưới màn hình. Nhìn chung, vẻ ngoài của máy trông khá là hợp với thời điểm ra mắt, nhưng nếu so với Galaxy S8 bây giờ thì quả thực là đã quá lỗi thời.
Nói về Galaxy S8, có lẽ cũng không cần phải bàn luận nhiều vì sự “đẹp” của nó đã được chứng minh bằng bao lời khen ngợi của cộng đồng người dùng khắp nơi. Không những vậy, Galaxy S8 cũng là một trong những smartphone đầu tiên mở ra kỉ nguyên smartphone với màn hình vừa không viền mà vừa cong tràn 2 cạnh.
Điểm đánh giá “dậy thì thành công”: 10/10
Sony (Ericsson) Xperia X10 vs. Xperia XZ Premium (2009 – 2017)
Thực ra thì dòng Xperia được khởi nguồn từ chiếc Xperia X1 chạy Windows Mobile ra mắt năm 2008, nhưng chúng ta sẽ so sánh từ chiếc Xperia chạy Android đầu tiên là Xperia X10 để công bằng hơn.
Xperia X10 (và rất nhiều chiếc điện thoại khác của Sony thời bấy giờ) từng được khen ngợi vì phong cách thiết kế cực kì tinh tế, đậm chất tương lai. Không đi theo hướng tối giản như Apple nhưng các chi tiết trang trí, những đường kẻ, viền máy, phím cứng… đều ăn nhập một cách thú vị, tạo được sự khác biệt pha trộn giữa hai nền văn hóa của Nhật Bản và Thụy Điển.
8 năm sau, Xperia chỉ còn là của Sony, và thiết kế của dòng Xperia cũng dần trở nên nhàm chán hơn. Xperia XZ Premium tiếp tục kế thừa phong cách vuông vức, mạnh mẽ với viền màn hình siêu dày của hàng chục model Xperia trước đó như Xperia Z1, Z2, Z3…
Tất nhiên, nó vẫn có những điểm khác biệt một cách tinh tế và đầy “nghệ thuật” như ngôn ngữ Monolythic nguyên khối, phong cách Loop Design tạo ra sự liền mạch giữa cả 4 mặt của chiếc điện thoại, nhưng sự nhàm chán cũng là thứ mà Sony cần quan tâm, kể cả khi sản phẩm của họ luôn được đánh giá là đẹp trên mức trung bình.
Điểm đánh giá “dậy thì thành công”: 5/10
*Sở dĩ cá nhân người viết cho điểm thấp như vậy là bởi sự khác biệt giữa trước và sau “dậy thì” của máy là không nhiều chứ không phải là do nó kém đẹp*
Nokia Lumia 800 vs. Nokia 6 (2011 – 2016)
Nokia là một trong số ít những thương hiệu phải chuyển hẳn từ Windows Phone sang Android, và phong cách thiết kế của họ cũng đã thay đổi gần như hoàn toàn trong 5 năm phát triển (hay lụi tàn…?).
Lumia 800 khi ra mắt đã gây một cơn sốt không nhỏ vì có thiết kế quá đẹp mắt, vừa tươi trẻ nhờ lớp vỏ nhựa màu sắc, vừa tinh tế với những chi tiết kim loại và đường bo cong quanh thân. Nó cũng là một trong những chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới sử dụng mặt kính cường cực cong 2.5D mà bạn đang thấy “tràn ngập” trên thị trường, tạo ra sự mượt mà về cả thiết kế lẫn trải nghiệm cảm ứng.
Nokia 6 thì không được may mắn như vậy. Nó sinh ra ở cái thời điểm mà Nokia đã “tàn tạ”, phải sống nương tựa vào các công ty khác. Có thể nói, thiết kế của Nokia 6 là kết quả của HMD Global và Foxconn chứ không phải của Nokia, vì phần lớn các chi tiết của máy đều na ná hàng trăm chiếc smartphone Android khác sinh ra tại Trung Quốc, duy chỉ có cụm camera là vẫn thấy một chút gì đó của Lumia.
Điểm đánh giá “dậy thì thành công”: -1/10
OPPO Find 5 vs. OPPO F3 Plus (2012 – 2017)
OPPO là cái tên non trẻ nhất trong những thương hiệu được nhắc tới trong bài viết này. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà hãng lại nhanh chóng học hỏi được từ những sai lầm của những ông lớn đã từng gục ngã.
OPPO Find 5 ban đầu không được chú ý nhiều, nhưng nó cũng được đánh giá cao về chất lượng thiết kế nhờ phong cách khá hiện đại, kết hợp hài hòa giữa những đường cong và đường thẳng. Kiểu thiết kế này cũng được OPPO lựa chọn để mang lên hàng loạt thiết bị mới hơn, từ cao cấp như Find 7 cho tới giá rẻ như Neo 3.
Nhiều năm sau đó, OPPO quyết định bỏ qua phân khúc smartphone cao cấp mà tập trung vào tầm trung và giá rẻ. Đó chính là lý do mà những thiết bị như F3 Plus ra đời. Chúng có thiết kế cao cấp, hiện đại chẳng kém các mẫu flagship trên thị trường nhưng cấu hình chỉ nằm ở mức đủ dùng. Tuy nhiên, cũng như Nokia 6, vẻ ngoài của F3 Plus không có đặc điểm khác biệt nào đáng kể so với phần lớn smartphone tầm trung hiện nay, chứng tỏ sự “lười biếng” đáng chê trách của OPPO trong khâu thiết kế sản phẩm.
Điểm đánh giá “dậy thì thành công”: 5/10
LG Optimus G vs. LG G6 (2012 – 2017)
Hai anh chàng hàng xóm thân thiết xứ Hàn thường xuyên học hỏi nhau trong quá trình phát triển smartphone, nhưng phong cách thiết kế của họ thì lại không giống nhau cho lắm. Chiếc Optimus G của LG có vẻ ngoài vuông vức hơn, cụm camera lồi đậm chất mà ai cũng nhận ra ngay lập tức cùng bộ phím cảm ứng phía dưới màn hình thay vì nút cứng. Những năm sau đó, thiết kế của dòng máy flagship cũng được LG thay đổi nhiều lần và mang tính thử nghiệm cao hơn.
Với G6, Samsung và LG lại một lần nữa chạm mặt khi cả hai đều hướng tới phong cách không viền, tỉ lệ màn hình 18:9 và 4 góc bo cong lạ mắt. Tuy nhiên, G6 vẫn tiếp tục hướng tới sự cứng cáp, bền bỉ với các cạnh và viền vuông vức hơn, cụm camera kép lớn và mặt kính phẳng hoàn toàn chứ không phải cong 2.5D theo xu hướng nữa.
Điểm đánh giá “dậy thì thành công”: 7/10
HTC Desire vs. HTC 10 (2010 – 2016)
Cũng là một thương hiệu từng thử nghiệm với rất nhiều phong cách thiết kế khác nhau nhưng những thiết bị của vẫn HTC thường được đánh giá cao hơn. Chiếc flagship HTC Desire mang đậm phong cách hoài cổ với nhiều phím bấm cứng, thân hình tròn trịa mà đúng là chỉ hợp với giao diện Sense UI cũ kĩ ngày xưa.
Nhiều năm sau đó, HTC đã trưởng thành hơn, thể hiện rõ qua sự tinh tế mà hãng mang lên thiết kế của dòng One. Chiếc flagship HTC 10 ra mắt từ năm ngoái thực sự nhìn vẫn chưa hề lỗi thời nhờ bộ vỏ nhôm nhám đẹp mắt, những chi tiết cắt xẻ, phím bấm kim loại đều được làm tỉ mỉ, toát lên vẻ hiện đại, thời trang dễ hài lòng bất kì người dùng nào.
Điểm đánh giá “dậy thì thành công”: 8/10
Vậy là trên đây, tôi đã so sánh và đánh giá thiết kế của hầu hết các thiết bị flagship nổi bật của các thương hiệu di động những năm gần đây. Với bạn thì sao? Đâu là dòng smartphone “lột xác” ngoạn mục nhất? Hãy để lại comment phía dưới nhé!
_ Tham gia group Thảo luận công nghệ CellphoneS: Tại đây
_ Like/follow fanpage Sforum.vn: FB.com/SforumTech