Trang chủTư vấnMáy tính
Cẩm nang build PC: Nhiệt độ bo mạch chủ và những gì bạn cần biết
Cẩm nang build PC: Nhiệt độ bo mạch chủ và những gì bạn cần biết

Cẩm nang build PC: Nhiệt độ bo mạch chủ và những gì bạn cần biết

Cẩm nang build PC: Nhiệt độ bo mạch chủ và những gì bạn cần biết

Bookgrinder , Tác giả Sforum - Trang tin công nghệ mới nhất
Bookgrinder
Ngày đăng: 13/05/2023-Cập nhật: 23/01/2024
gg news

Nhiệt độ bo mạch chủ bao nhiêu là bình thường? Làm sao để đo nhiệt độ bo mạch chủ? Khi nào thì bạn nên tìm cách hạ nhiệt? Có những giải pháp nào để làm điều này? Sforum sẽ hướng dẫn bạn tất cả những gì cần biết trong bài Cẩm nang build PC hôm nay.

Trong khi những linh kiện như CPU, RAM, card đồ họa thường được người dùng PC chăm chút và tìm cách để chúng hoạt động mát mẻ, trơn tru thì bo mạch chủ lại thường xuyên bị bỏ qua. Điều này là bình thường bởi món linh kiện này không dễ bị quá nhiệt như CPU hay GPU, và có cơ chế 'tự vệ' riêng là tự động tắt máy khi quá nóng. Dù vậy, việc biết được nhiệt độ bo mạch chủ và giữ nó chạy ở mức mát mẻ cũng rất có ích.

Nhiệt độ nào là an toàn cho bo mạch chủ?

Thông thường, các bo mạch chủ được thiết kế để hoạt động ở mức nhiệt độ từ 30 đến 80 độ C, tùy vào vị trí trên bo mạch. Ngay cả khi nhiệt độ cao hơn 80 độ C thì bạn cũng chưa cần phải lo lắng vì đây vẫn chưa phải là mức nguy hiểm. Nó cũng phụ thuộc vào những yếu tố khác như nhiệt độ môi trường và phần mềm / game mà bạn đang sử dụng, khả năng thông khí của thùng máy,…

Hầu hết các nhà sản xuất bo mạch chủ sẽ ghi rõ thông số về nhiệt độ an toàn ngay trên vỏ hộp hoặc trong sách hướng dẫn. Một số bo mạch có linh kiện chịu được mức nhiệt độ 125 độ C, thường là module điều chỉnh điện áp (VRM). Nhìn chung thì khi nhiệt độ của bo mạch chưa vượt qua 100 độ C thì bạn hoàn toàn có thể yên tâm.

Nhiệt độ nào là an toàn cho bo mạch chủ?

Vậy nếu nhiệt độ của bo mạch chủ đạt đến 100 độ C thì sao? Ở mức này, các tính năng bảo vệ sẽ được kích hoạt, chẳng hạn giảm điện áp khiến sức mạnh xử lý của các linh kiện lắp trên bo mạch yếu đi, hoặc tắt hẳn máy để tránh các rủi ro hư hỏng.

Làm sao để biết nhiệt độ bo mạch chủ?

Cũng như CPU và GPU, để đọc nhiệt độ bo mạch chủ, thông thường chúng ta dựa vào các cảm biến nhiệt độ ngay trên bo mạch. Chúng thường được trang bị ở những vị trí quan trọng như chip cầu bắc (North Bridge), VRM,… Tuy nhiên không phải bo mạch chủ nào cũng có những cảm biến này.

Để có thể đọc được nhiệt độ của cảm biến, chúng ta có thể cài đặt các phần mềm quen thuộc như CPUID HW Monitor, hoặc HWInfo. Chúng là các phần mềm miễn phí bạn có thể dễ dàng tải về từ internet. Sau khi cài đặt và mở phần mềm lên, bạn sẽ thấy nhiệt độ của các vị trí trên bo mạch chủ được liệt kê rõ ràng như hình dưới:

Làm sao để biết nhiệt độ bo mạch chủ?

Như bạn có thể thấy, một số cảm biến nhiệt độ được đặt những cái tên khó hiểu như TMPIN3, TMPIN6 hay SYSTIN, nhưng nhiệt độ của mainboard và CPU được ghi rõ ràng và dễ hiểu. Nếu muốn biết các cảm biến TMPIN nằm ở vị trí nào trên bo mạch, bạn cần phải xem sách hướng dẫn của mainboard mà mình sử dụng.

Làm sao nếu nhiệt độ bo mạch chủ quá cao?

Đôi khi bạn sẽ nhìn thấy nhiệt độ của một vài vị trí trên bo mạch tăng lên đến 125 độ C, nhưng nếu máy vẫn chưa tự tắt thì đừng quá lo lắng. Lý do của điều này là bởi một số phần mềm được cài đặt để hiển thị con số này khi nó không thể đọc được dữ liệu từ cảm biến trên bo mạch chủ. Nguyên nhân của vấn đề có thể chỉ là cảm biến hư hỏng mà thôi.

Trong trường hợp này, bạn có thể thử dùng một phần mềm báo nhiệt độ khác, cập nhật BIOS để khắc phục bug (nếu có) hoặc mua một máy đo nhiệt hồng ngoại (IR Thermometer) để kiểm tra cho chính xác. Nhưng bạn cũng có thể phớt lờ mọi thứ và sử dụng máy như bình thường, vì như Sforum đã nhắc đến bên trên, bo mạch chủ sẽ tự tắt máy nếu nhiệt độ thực sự quá cao.

Vậy nếu nhiệt độ của mainboard thực sự cao, chúng ta cần làm gì?

Cải thiện lưu thông không khí trong thùng máy

  • Cách đơn giản nhất để làm điều này là… mở nắp hông thùng máy. Giải pháp này sẽ khiến thùng máy có nhiều bụi bặm hơn, nên chỉ là tạm thời.
  • Kê thùng máy lên cao hơn một chút. Điều này sẽ giúp thùng máy dễ dàng hút được không khí lạnh bên dưới vào trong, cải thiện khả năng tản nhiệt.
  • Cách lâu dài và tốt nhất là mua thêm quạt tản nhiệt về lắp vào thùng máy của mình để cải thiện nhiệt độ.

Làm sao nếu nhiệt độ bo mạch chủ quá cao?

Làm vệ sinh thùng máy

Bụi bặm lấp kín các khe hút khí trên thùng máy hoặc bao phủ các linh kiện cũng là lý do khiến nhiệt độ linh kiện, bao gồm cả bo mạch chủ tăng cao. Việc vệ sinh thùng máy, quạt tản nhiệt và lưới lọc bụi bằng cọ mềm, bình xịt khí nén sẽ giúp bạn giảm nhiệt độ của tất cả linh kiện một cách hiệu quả.

Ngừng overclock

Có thể bạn không overclock, nhưng nhiều mainboard và CPU có tính năng tự động overclock để đáp ứng nhu cầu sử dụng. Hãy tắt các tính năng này đi nếu có thể.

Bôi lại keo tản nhiệt

Các bo mạch chủ 'xịn' ngày nay thường có các lá tản nhiệt kim loại tại các 'khu vực nóng' như khe M2, VRM, chip cầu bắc,… Chúng tiếp xúc với các linh kiện bằng keo tản nhiệt, tương tự như CPU hay card đồ họa. Theo thời gian, keo này có thể biến chất và mất tác dụng, bạn có thể tháo tản nhiệt và bôi lại keo để giúp hạ nhiệt độ. Chú ý là bạn chỉ nên làm điều này khi mainboard đã hết bảo hành.

Làm sao nếu nhiệt độ bo mạch chủ quá cao?

Lời kết

Tóm lại, trong đại đa số trường hợp thì bạn không cần quan tâm đến nhiệt độ của mainboard, nhưng việc giữ linh kiện quan trọng này mát mẻ sẽ giúp nó có tuổi thọ lâu hơn và máy hoạt động ổn định hơn. Nếu bo mạch chủ thực sự nóng và bạn vẫn còn trong thời hạn bảo hành, hãy liên hệ với nhà sản xuất trước khi thử các giải pháp tản nhiệt bên trên nhé.

[Product_Listing categoryid='1007' propertyid=' customlink='https://cellphones.com.vn/linh-kien/mainboard-bo-mach-chu.html' title='Danh sách Mainboard đang được quan tâm nhiều tại CellphoneS']
danh-gia-bai-viet
(0 lượt đánh giá - 5/5)

Game thủ nghiêm túc, mong muốn chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, và đam mê của tôi với mọi người qua những bài viết và video về trò chơi trực tuyến hot nhất của tôi.

Bình luận (0)

sforum facebook group logo