Trang chủĐánh giáMáy tính
Đánh giá ASUS ProArt PX13: Laptop AI đỉnh nhất cho Creator chuyên nghiệp năm 2024?
Đánh giá ASUS ProArt PX13: Laptop AI đỉnh nhất cho Creator chuyên nghiệp năm 2024?

Đánh giá ASUS ProArt PX13: Laptop AI đỉnh nhất cho Creator chuyên nghiệp năm 2024?

Đánh giá ASUS ProArt PX13: Laptop AI đỉnh nhất cho Creator chuyên nghiệp năm 2024?

Wolffe Trần, Tác giả Sforum - Trang tin công nghệ mới nhất
Wolffe Trần
Ngày đăng: 23/08/2024-Cập nhật: 23/08/2024
gg news

ASUS ProArt PX13 được thiết kế 2 trong 1 rất gọn nhẹ thời trang và chuyên nghiệp. Nó còn sở hữu sức mạnh khủng để sử dụng cho mọi nhu cầu nâng cao với nhiệt độ rất mát, từ chơi game cho đến các tác vụ sử dụng NPU AI. Việc sử dụng AMD Ryzen AI 300 chính là nguồn cơn của hiệu năng vừa mạnh vừa mát, xứng tầm đọ sức 1-1 với Apple năm nay. 

ASUS ProArt PX13 có rất nhiều ưu điểm lớn, rõ rệt nhất là hiệu năng cực kỳ mạnh mẽ, ổn định và nhiệt độ rất mát. Ngoại hình đen mờ bóng bẩy, màn hình OLED sắc nét và GPU Nvidia GeForce RTX 4050, ProArt PX13 thực sự là một cỗ máy được tạo ra dành cho những Creator chuyên nghiệp nhất trong năm 2024. 

Sau nhiều ngày sử dụng và tận mắt tận tay trải nghiệm sức mạnh tuyệt vời của chiếc laptop AI 2 trong 1 này của ASUS, mình đã tự hỏi rằng: “Liệu Apple có nguy cơ bị soán ngôi vương Ultrabook tốt nhất cho Creator hay không khi ProArt PX13 xuất hiện?”. Cùng tìm hiểu ngay trong bài đánh giá chi tiết bên dưới đây. 

Thiết kế 2 trong 1, gập mở 360 độ

ASUS ProArt PX13 có ngôn ngữ thiết kế mà mình cảm thấy rất yêu thích, thật sự thì kiểu laptop gập mở màn hình từ trước ra sau 360 độ thì đã có khá nhiều, như HP Envy X360 chẳng hạn. Nhưng điều đáng nói ở đây, là phần vỏ máy được làm bằng nhôm, bề mặt xử lý nhám mờ với tone màu đen, và các đường nét trên thân máy, lưới tản nhiệt làm rất đẹp và đậm chất cơ khí.

ProArt PX13 có ngoại hình mà ngoài hai từ “chuyên nghiệp” ra, mình còn cảm thấy chiếc máy này rất đậm tính cơ học. Khung máy được làm gần như là vuông vức xung quanh các cạnh màn hình và body. Bản lề 2 trục gập mở với các họa tiết đường kẻ song song tạo một chút điểm nhấn. Dù chỉ mỏng 1.8cm, nhưng mình vẫn cảm thấy được sự đầm chắc nguyên khối của máy. 

Một chi tiết rất rõ rệt thể hiện tính chất cơ khí của máy, đó chính là có rất nhiều cụm lưới tản nhiệt và các lỗ thoát nhiệt nằm ở hai bên sườn máy, cạnh sau và mặt đáy của ASUS ProArt PX13. Điều này cũng góp thêm một phần to lớn vào khả năng tản nhiệt để hiệu năng luôn ổn định nhất có thể dù con cpu AMD Ryzen AI 300 của máyị đã là mát lắm rồi. 

Tất nhiên rằng, một chiếc laptop thiết kế 2 trong 1 như ASUS ProArt PX13 hoàn toàn có thể gập ngược màn hình ra đằng sau 360 độ. Rồi cầm trên tay và sử dụng như một chiếc máy tính bảng thực thụ theo chiều ngang rất dễ dàng vì máy cũng chỉ mỏng có 1.8cm và nặng có 1.38kg. Có thể sử dụng máy với tất cả các loại bút cảm ứng như ASUS Pen, ProArt Pen, Adonit, v.v…

Cổng kết nối đầy đủ nhưng tại sao lại là slot Micro SD?

Điểm mặt gọi tên các loại cổng kết nối của ASUS ProArt PX13. Nổi bật nhất là 2x cổng Type-C PD/DisplayPort, chia đều mỗi bên sườn máy một cổng. Rất tiện dụng để cắm sạc cho máy hay cắm các thể loại ổ cứng, thiết bị ngoại vi đầu Type-C bên nào cũng được. Cùng với đó là một cổng HDMI, một jack cắm AUX 3.5mm, 1x cổng USB-A 3.2 và 1x khe đọc thẻ nhớ Micro SD. 

Mình khá thắc mắc là tại sao ASUS lại cho một chiếc laptop cao cấp chuyên nghiệp cho Creator loại khe thẻ nhớ này. Vì nếu một người làm đa tác vụ multi-media, thì không chỉ sử dụng các thiết bị ghi hình nhỏ gọn, sử dụng thẻ Micro SD như GoPro, DJI Osmo Pocket, v.v… mà còn xài cả máy ảnh DSLR với thẻ nhớ SD. 

Vì vậy, mình nghĩ rằng sẽ tiện lợi hơn, đa dạng hóa trải nghiệm xuất và lưu trữ hình ảnh, video khi mà khe đọc thẻ nhớ là SD thay vì là Micro SD. Số lượng cổng USB-A chỉ dừng lại ở 1x cũng là một sự bất tiện nhẹ nếu bạn là người sử dụng nhiều thiết bị có dây USB cùng lúc. Tuy nhiên, các loại Hub mở rộng trên thị trường hiện tại cũng có rất nhiều loại và giá cũng rất dễ mua để bạn lựa chọn. 

Màn hình độ sáng vừa đủ, DCI-P3 chưa tới 100%

Với kích thước là 13.3 inch, viền màn hình 4 cạnh mỏng đều, thì màn hình của ASUS ProArt PX13 sử dụng tấm nền OLED với độ phân giải 3K (2880 x 1800). Tỉ lệ màn hình 16:10 rộng rãi dễ nhìn, tần số làm mới 60Hz, và theo như ASUS công bố thì độ sáng có thể đạt tới 500 nits khi xem các nội dung HDR, 100% DCI-P3. Tuy nhiên thực tế thì lại kém hơn một chút. 

Khi so sánh với Lenovo Yoga Pro 9i 16 Gen 9 và Lenovo Yoga Slim 7x, thì ASUS ProArt PX13 chỉ tái tạo được 80% gam màu DCI-P3 mà thôi. Hai mẫu laptop 2 trong 1 của Lenovo vừa kể trên có DCI-P3 lần lượt là 105% và 155%, cao hơn ASUS ProArt PX13 rất nhiều. 

Về độ sáng cũng tương tự, ASUS ProArt PX13 có độ sáng màn hình thực tế chỉ là 350 nits, Lenovo Yoga Pro 9i 16 Gen 9 là 373 nits và Lenovo Yoga Slim 7x là 464 nits. 

Cụm bàn phím với Touchpad kết hợp DialPad độc đáo

Tuy ASUS ProArt PX13 có body rất khiêm tốn và nhỏ gọn, nhưng cụm bàn phím được thiết kế và bố trí layout nút không hề đem lại cảm giác tù túng và chật chội khi gõ. Khoảng cách giữa các phím bấm đều nhau, độ nẩy của phím khi gõ là khá đáng kể với hành trình phím vừa phải cho một cảm giác êm ái. Mình dễ dàng đạt được tốc độ 104 từ/phút với độ chính xác 98% trên website MonkeyType. 

Touchpad của của ASUS ProArt PX13 có kích thước vừa phải, phù hợp với thân máy 13.3 inch, và đem lại cảm giác sờ chạm, lả lướt ngón tay và cảm ứng nhanh chóng mượt mà. Đặc biệt, ở góc bên trái phía trên sẽ có một cụm vòng tròn đồng tâm, đây là DialPad đóng vai trò như một con trỏ cảm ứng chính xác để thao tác chỉnh sửa hình ảnh, video trong các phần mềm như Adobe Photoshop hoặc Premiere Pro. 

Khi không sử dụng cùng với các phần mềm đồ họa, mình cũng có thể dùng DialPad này để điều chỉnh độ sáng màn hình hoặc tăng giảm âm lượng ngay trên Touchpad khá tiện lợi. DialPad này có thể bật và tắt bằng thao tác chạm và trượt ngón tay chéo xuống từ góc trên bên phải của Touchpad. Có thể nhận biết trạng thái tắt hoặc mở của DialPad thông qua bóng đèn LED ngay giữa trọng tâm hình tròn. 

Ngoài ra, còn có một ứng dụng gọi là Asus Dial and Control Panel để tùy chỉnh các chức năng DialPad để sử dụng cho các ứng dụng khác nhau, giống như thiết lập các phím tắt tùy chỉnh như trên bàn phím hoặc chuột máy tính. 

Đánh giá hiệu năng và sử dụng với AI

Nói sơ qua một chút về cấu hình, ASUS ProArt PX13 được trang bị dòng vi xử lý AMD AI mới nhất là Ryzen™ AI 9 HX 370, xung nhịp tối đa đạt 5.1GHz với 12 lõi và 24 luồng. Bên trong còn có iGPU AMD Radeon™ 890M Graphics và NPU AI AMD XDNA™ với sức mạnh 50TOPS. Đi kèm với GPU rời NVIDIA® GeForce RTX™ 4050 Laptop GPU 6GB GDDR6. 

Đúng như tên gọi, ProArt PX13 được thiết kế dành cho những người sáng tạo với các ứng dụng như Adobe Photoshop và Premiere Pro. Các ứng dụng sáng tạo có thể tiêu tốn rất nhiều tài nguyên, vì vậy bạn cần điểm chuẩn hiệu suất mạnh để đảm bảo máy có thể đáp ứng các tác vụ đồ họa nặng. Và ProArt PX13 đã cho thấy hiệu suất ấn tượng trong mọi tác vụ như mong đợi.

Trong bài kiểm tra Geekbench 6, AMD Ryzen™ AI 9 HX 370 của ASUS ProArt PX13 đạt điểm hiệu năng đơn nhân là 2,845 điểm, và hiệu năng đa nhân lên đến 15,203 điểm. Bộ đôi điểm số này đã vượt mặt 2 đối thủ đến từ nhà Lenovo là Yoga Pro 9i 16 Gen 9 (Intel Core Ultra 9) và Yoga Slim 7x (Snapdragon X Ellite X1E-78-100) dù cả hai chiếc laptop này đều có điểm hiệu năng cũng không phải gọi là thấp. 

Trong thời gian sử dụng và trải nghiệm, đồng thời test sức mạnh của ASUS ProArt PX13, có thể nhận thấy rằng chiếc laptop AI này chạy rất nhanh và mượt. Xử lý mọi nhu cầu sử dụng và các tác vụ từ duyệt web đến chơi game mà không gặp bất kỳ sự cố nào dù là nhỏ nhất. 

ProArt PX13 khởi chạy ứng dụng và trò chơi rất nhanh chóng, mở các nội dung video nhanh và sử dụng đa tác vụ tốt. Máy cũng đem tới hiệu suất cao cho các tác vụ thông thường hàng ngày, kể cả khi chạy các ứng dụng sáng tạo của Adobe. 

Nhiệt độ của các bộ trên thân máy của ASUS ProArt PX13 khi đang chạy benchmark với hiệu năng được bung ra tối đa sẽ như sau: Nhiệt độ CPU đạt 95 độ C, cụm Touchpad và bàn phím không quá nóng với 77 độ và 89 độ. Phần tỏa ra nhiều nhiệt lượng nhất khi chạy benchmark đó chính là dải lưới tản nhiệt nằm ở phía sau máy, bên dưới màn hình với 95 độ C. Nhìn chung là ngưỡng nhiệt độ bình thường, không thể gọi là quá nóng. 

AI của AMD không đùa được đâu

AMD Ryzen™ AI 9 HX 370 được trang bị bên trong ASUS ProArt PX13 đã đem đến tên gọi PC AI cho chiếc laptop 2 trong 1 này vì bên trong được tích hợp một bộ xử lý Neural Engine AMD XDNA™ NPU với sức mạnh là 50TOPS. 

So sánh và chạy benchmark điểm chuẩn hiệu năng AI của ASUS ProArt PX13 với 2 chiếc laptop AI khác đến từ nhà Lenovo, vẫn là Yoga Pro 9i 16 Gen 9 sử dụng Intel Core Ultra 9 với GPU RTX 4050 và Yoga Slim 7x sử dụng Snapdragon X Ellite X1E-78-100 và iGPU Adreno. Kết quả cho thấy chiếc laptop AI của ASUS đã dẫn đầu ngoạn mục với điểm số là 3,587 điểm Geekbench ML CPU. 

Tuy nhiên, Lenovo Yoga Pro 9i 16 Gen 9 lại vượt mặt ASUS ProArt PX13 và Yoga Slim 7x về điểm chuẩn Geekbench ML GPU với 11,228 điểm. 

Nhìn lại Lenovo Yoga Slim 7x, dù được trang bị CPU Qualcomm Snapdragon X Elite mới nhất với công nghệ AI tiên tiến và bộ đồ họa tích hợp Adreno. Nhưng CPU AI này vẫn chưa được update và tối ưu sức mạnh tốt ở hiện tại, và không được trang bị GPU rời nên điểm số ML CPU và ML GPU chưa thể theo kịp 2 đối thủ ASUS ProArt PX13 và Lenovo Yoga Pro 9i 16 Gen 9.

Phải xem xét riêng điểm hiệu năng của CPU, thay vì là GPU vì ASUS ProArt PX13 và Lenovo Yoga Pro 9i 16 Gen 9 đều sử dụng RTX 4050 giống nhau. Cho thấy rằng AMD Ryzen AI 9 HX 370 mang lại hiệu suất AI tốt nhất, tiếp theo là Qualcomm Snapdragon X Elite X1E-78-100 và cuối cùng là Intel Core Ultra 9 185H. 

Nếu hiệu suất AI là yếu tố mà bạn ưu tiên quan tâm hàng đầu, thì các kết quả thử nghiệm benchmark này đã cho thấy CPU dòng Ryzen AI 300 trên ASUS ProArt PX13 mang lại hiệu suất toàn diện cực kỳ tốt. 

Sức mạnh gaming đủ thỏa mãn

ASUS ProArt PX13 vì được trang bị GPU rời RTX 4050 nên việc thử nghiệm sức mạnh gaming là không thể bỏ qua. Trước tiên là đo điểm chuẩn hiệu năng chơi game với 3DMark Fire Strike, kết quả so sánh với GPU RTX 4050 của Lenovo Yoga Pro 9i 16 Gen 9 và GPU Adreno của Lenovo Yoga Slim 7x, cho thấy rằng ASUS ProArt PX13 có sức mạnh kém Yoga Pro 9i 16 Gen 9 khoảng 400 điểm và bỏ lại rất xa GPU Adreno chỉ có 5,800 điểm.

ASUS ProArt PX13 đạt 18,634 điểm trong điểm chuẩn đồ họa 3DMark Fire Strike và đạt trung bình 115 FPS trong tựa game Sid Meier's Civilization VI: Gathering Storm. Con số này thấp hơn một chút so với điểm số của Lenovo Yoga Pro 9i nhưng vượt xa hiệu suất của Lenovo Yoga Slim 7x. 

Chơi thử tựa game Assassin's Creed: Valhalla, ASUS ProArt PX13 đã xử lý khá tốt khi đem lại FPS dao động từ 36 - 75 tùy khung cảnh trong game với mức setting đồ họa Ultra High. Giảm xuống setting ở mức High, FPS được tăng cường thêm một chút với 44 - 87 FPS. 

Mình cũng chơi thử 2 tựa game là Enshrouded và Hades với ASUS ProArt PX13 đều chạy rất tốt. Đạt FPS trung bình là 60 với cả hai trò chơi và không gặp bất kỳ giật lag hoặc vấn đề đồ họa nào. Mình đều có những trải nghiệm đồ họa sống động và hiển thị đầy chi tiết, màu sắc tươi tắn rực rỡ trên màn hình OLED của PX13.

Thời lượng pin là điểm yếu “nhỏ”

Thời lượng pin thực tế của ASUS ProArt PX13 là gần 10 tiếng, thấp hơn một chút so với thời lượng pin tiêu chuẩn 10 tiếng 39 phút đối với các dòng laptop cao cấp phổ thông hiện tại. Và thua kém một vài phút so với thời lượng 9 tiếng 51 phút của Lenovo Yoga Pro 9i. 

Nhưng, cả ASUS và Lenovo Pro 9i đều bị đánh bại bởi Copilot+ PC mới nhất sử dụng Snapdragon X Elite là Yoga Slim 7x với thời lượng pin gần 15 tiếng cực kỳ ấn tượng. 

Tổng kết: Pin sẽ là một rào cản nho nhỏ

ASUS ProArt PX13 thực sự là một chiếc laptop AI dành cho Creator chuyên nghiệp đáng để chọn lựa và cân nhắc. Vì thật ra mà nói, thời lượng pin gần 10 tiếng cũng là quá đủ để làm việc thực tế hàng ngày. Đặc biệt là nhiệt độ và sức mạnh hiệu năng xử lý hình ảnh tuyệt vời đi kèm với NPU AI 50TOPS đã biến chiếc laptop 2 trong 1 gập mở 360 độ gọn nhẹ này trở thành một công cụ đầy quyền năng và chuyên nghiệp để sáng tạo mọi lúc mọi nơi. 

Nguồn: Laptopmag

Xem thêm: 

Hiện tại, ASUS ProArt PX13 sẽ được ra mắt và bày bán tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Trong thời gian này, mời bạn đọc tham khảo những chiếc laptop AI thế hệ mới đang có sẵn tại CellphoneS trong phần bên dưới đây. 
[Product_Listing categoryid="2197" propertyid="" customlink="https://cellphones.com.vn/laptop/ai.html" title="Danh sách Laptop AI đang được quan tâm nhiều tại CellphoneS"]

danh-gia-bai-viet
(0 lượt đánh giá - 5/5)

Tên thật là Nhật Quang, hiện đang là Content Creator tại Sforum, đã có 4 năm tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm với nhiều thiết bị công nghệ khác nhau. Đặc biệt là những món đồ về Âm thanh, Tai nghe có dây, True Wireless, Chuột và Bàn phím cơ, Laptop văn phòng và Gaming. 


Rất hân hạnh được mang đến cho bạn đọc những bài viết chuyên sâu nhất, đầy đủ thông tin nhất để cùng trải nghiệm công nghệ với mình và Sforum.

Bình luận (0)

sforum facebook group logo