Trang chủĐánh giáDi động
Đánh giá chi tiết OPPO Pad Air: Lần đầu mang tablet về Việt Nam mà OPPO đã "ngon" đến thế này!
Đánh giá chi tiết OPPO Pad Air: Lần đầu mang tablet về Việt Nam mà OPPO đã "ngon" đến thế này!

Đánh giá chi tiết OPPO Pad Air: Lần đầu mang tablet về Việt Nam mà OPPO đã "ngon" đến thế này!

Đánh giá chi tiết OPPO Pad Air: Lần đầu mang tablet về Việt Nam mà OPPO đã "ngon" đến thế này!

Sforum CTV
06:56 ngày 24/08/2022
gg news
Vừa qua trong sự kiện chính thức ra mắt các sản phẩm tầm trung của mình trong năm nay tại Thị Trường Việt Nam. OPPO đã trình làng rất nhiều sản phẩm công nghệ ấn tượng, đặc biệt trong số đó đến từ chiếc máy tính bảng đầu tiên tại thị trường Việt Nam - OPPO Pad Air.

Tương tự như nhiều sự kiện ra mắt dòng điện thoại OPPO Reno trước đây, các sản phẩm mà OPPO mang tới đều sở hữu thiết kế ấn tượng, vẻ ngoài bắt mắt thu hút mọi ánh nhìn. Đằng sau những chiếc điện thoại bóng bẩy, OPPO còn mang tới chiếc máy tính bảng OPPO Pad Air, mang lại luồng gió mới trong phân khúc tầm trung.

Tuy không phải lần đầu tiên OPPO tung ra bản thương mại cho dòng sản phẩm máy tính bảng. Gần đây nhất, vào đầu năm nay, hãng đã cho ra siêu phẩm máy tính bảng của mình sử dụng chip Snapdragon 870. Sau đó vài tháng, tiếp tục ra mắt OPPO Pad Air và cũng là chiếc máy tính bảng được mang về Việt Nam. Điều này mang lại cho mình rất nhiều hứng khởi, thích thú và hãy cùng Sforum đánh giá chi tiết OPPO Pad Air. Liệu rằng với mức giá 6,990,000 đồng có thực sự trở thành ‘món hời’.

Thiết kế sang trọng, vỏ kim loại

OPPO Pad Air mang trên mình thiết kế ấn tượng với phong cách vuông vức thực sự đang rất rầm rộ trên mọi phân khúc, từ điện thoại cho đến máy tính bảng. Các mảng màu xám được OPPO sử dụng tinh tế mang lại cho mình cảm giác trẻ trung, năng động nhưng không kém phần sang trọng và quý phái.

Phần mặt lưng của OPPO Pad Air làm mình khá phân vân không biết được làm từ chất liệu gì, Theo một số nguồn tin thì OPPO công bố thiết bị được làm từ kim loại nhưng cảm giác khi sờ vào hay gõ vào mặt lưng không có cảm giác giống kim loại lắm, có lẽ đến từ lớp phủ công nghệ mà OPPO trang bị.

Công nghệ này được OPPO gọi bằng tên OPPO Glow. Điều này giúp cho OPPO Pad Air sở hữu thiết kế thanh lịch, bóng bẩy ở mặt lưng nhưng vẫn đảm bảo được khả năng chống bám vân tay, gây bẩn hay trơn trượt. Điểm ấn tượng đến từ phần nhựa có màu sắc nhạt hơn ở phía trên, được lấy cảm hứng từ cồn cát lúc hoàng hôn vừa giúp máy trở nên đặc biệt hơn vừa giúp bắt sóng tốt hơn.

Về thiết kế, thật khó có thể chê OPPO ở phong cách đến trải nghiệm cầm nắm của người dùng. Điều này đã được minh chứng trên nhiều dòng điện thoại và OPPO Pad Air cũng không phải ngoại lệ. Dù mang trên mình phong cách thiết kế vuông vức nhưng OPPO Pad Air vẫn được bo cong mềm mại ở những vị trí trọng điểm mang lại cảm giác cầm nắm của mình thực sự tốt, kể cả lúc sử dụng nằm ngang hay sử dụng một tay khi cầm dọc.

Nếu bạn đang tìm cho mình chiếc máy tính bảng có thể dễ dàng mang đi lại mà không gặp quá nhiều bất tiện thì OPPO Pad Air thực sự lựa chọn không hề tệ. Sở hữu trọng lượng nhẹ chỉ 440g cùng cân nặng 6.94mm. Mình dễ dàng mang thiết bị đi học hay đi làm dễ dàng, không hề gặp khó khăn, thậm chí mình có thể mang kèm theo một chiếc ultrabook nữa mà trọng lượng cũng không có nhiều cảm giác khác biệt.

Các phím bấm của OPPO Pad Air được tập trung chủ yếu ở góc trên bên phải (đặt dọc) tương tự như những chiếc iPad. Các phím bấm được hoàn thiện chắc chắn, độ nảy tốt mang lại cảm giác bấm chính xác. Tuy nhiên, việc đặt các phím bấm này chỉ thực sự thuận tiện khi bạn cầm ngang còn đối với việc cầm dọc thì rất với và khó chịu.

Màn hình sắc nét, chất lượng cao trong tầm giá

OPPO Pad Air sở hữu màn hình 10.36 inch ở mặt trước với viền mỏng chỉ 8mm giúp cho mình có trải nghiệm liền mạch, đắm chìm hơn khi xem phim hay chơi game nhưng vẫn vừa đủ để người dùng có thể tì tay mà không lo chạm vào màn hình. Cùng với đó, màn hình trên OPPO Pad Air còn sở hữu tấm nền IPS LCD, độ phân giải 2K (1200 x 2000 pixel), tỉ lệ 5:3 và khả năng hiển thị lên đến 1 tỷ màu.

Trên thực tế, mình chưa thấy quá nhiều điểm khác biệt giữa màn hình 1 tỷ màu trên OPPO Pad Air so với các sản phẩm tốt khác trong phân khúc. Phần màn hình được hoàn thiện liền mạch với phần khung máy giúp cho hình ảnh nổi và thực hơn. Màu sắc vẫn được tái tạo sống động, dải màu rộng mang lại độ tươi tắn khi xem phim hay chơi game nhưng với tấm nền IPS LCD chắc chắn sẽ không mang lại màu đen sâu như màn hình OLED được.

Điểm cộng đến từ độ phân giải 2K đáp ứng khả năng tái tạo các nội dung được giàu chi tiết hơn, hình ảnh sắc nét trên kích thước lớn 10.36 inch. Tuy nhiên, độ sáng trên màn hình chỉ dừng lại ở mức 360 nits nên sẽ hạn chế ở nhiều môi trường làm việc. Đặc biệt với những bạn thường xuyên cầm máy ra ngoài cà phê, hay những nơi có nhiều ánh sáng thì sẽ khá khó chịu. Lúc này hình ảnh sẽ mờ hơn, phản chiếu cảnh vật trên mặt kính của màn hình tương đối rõ và thật khó để có thể làm việc, giải trí hiệu quả.

Mặc khác, OPPO Pad Air cũng không được trang bị màn hình tần số quét cao 90Hz hay 120Hz mà chỉ dừng lại ở 60Hz. Điều này mang lại cảm giác không được thoải mái, mượt mà khi vuốt chạm, thao tác hay lướt web trên máy. Việc cắt giảm đáng tiếc này mặc dù không thua thiệt so với các đối thủ trong phân khúc nhưng sẽ là điểm cộng lớn bù qua cho phần cấu hình không được mạnh mẽ.

Cấu hình vừa đủ, hạn chế đa nhiệm

OPPO Pad Air mang trong mình vi xử lý Snapdragon 680 với tiến trình 6nm tiên tiến. Về cơ bản, Snapdragon 680 sử dụng kiến trúc gần giống như trên Snapdragon 675 và được tăng xung nhịp nên cơ bản sẽ thiên về tiết kiệm năng lượng nhiều hơn về hiệu năng.

Để làm rõ hơn về phần này mình có chấm điểm qua các bài benchmark. Đầu tiên với Antutu, OPPO Pad Air dễ dàng đạt được số điểm hơn 252,000, trong đó bao gồm 85,703 điểm CPU, 37,762 điểm GPU, 63,803 điểm memory và 65,203 điểm UX. Nhìn chung, với số điểm mà OPPO Pad Air đạt được vẫn có thể chiến mượt mà nhiều tựa game phổ biến nhất hiện nay với mức cài đặt trung bình, khá.

Tuy nhiên, khi so sánh OPPO Pad Air với các sản phẩm khác trong cùng phân khúc đang sử dụng G90T thì Snapdragon 680 vẫn còn thua kém khá nhiều. Mình lấy ví dụ trên bảng xếp hạng của Antutu công bố, Redmi Note 8 Pro sử dụng Helio G90T, RAM 6GB và 128GB bộ nhớ trong. Điểm số trên máy cho ra lên đến 328,861 điểm, trong đó điểm CPU lên đến 92,685 điểm và GPU 91,179 điểm. Điểm số chỉ mang tính chất tham khảo nhưng cũng đủ cho ta thấy sự chênh lệch nhiều đến mức nào.

Tiếp đến mình sử dụng phần mềm Geekbench để chấm ra những điểm số chi tiết nhất về cả đơn nhân và đa nhân. Tương tự như những nhận xét trong số điểm Antutu, mặc dù máy không nóng và khá tiết kiệm điện năng nhưng hiệu năng mà Snapdragon 680 mang lại vẫn chỉ đủ để giải quyết các vấn đề cơ bản như tác vụ hàng ngày hay chơi game. Cụ thể số điểm mà OPPO Pad Air mang lại rơi vào 381 điểm đơn nhân và 1619 điểm đa nhân.

Không chỉ so sánh qua những con số, mình bắt đầu giải trí với tựa game đầu tiên - Liên Quân Mobile. Tựa game này tương đối vừa phải không quá nặng nề nhưng vẫn là một trong những tựa game phổ biến nhất hiện nay nên mình chọn mức cài đặt đồ họa cao nhất. Tuy nhiên bạn sẽ không thể nào bật được hiệu năng cao nhất và phải lùi setting xuống một nấc.

Bước vào trận chiến, mình không quá ngạc nhiên khi máy có thể duy trì mức FPS tối đa 60 vì mọi thứ chưa bắt đầu ‘nóng’ lên. Các thao tác của mình vẫn được đáp ứng mượt mà nhanh chóng. Tuy nhiên, cách bắt WiFi khi cầm máy chơi game có chút vấn đề, mức WiFi bình thường ở 4 vạch nhưng khi cầm chỉ còn 2 - 3 vạch.

Đáng khen hơn hết với hệ thống 4 loa mang lại những âm thanh sinh động, tái tạo chi tiết tăng thêm tính hấp dẫn khi chiến game. Ngược lại, khi xem phim hay nghe nhạc thì máy vẫn còn thiếu đôi chút. m thanh tinh chỉnh bởi Dolby Atmos đã tốt rồi nhưng có lẽ chất lượng phần cứng vẫn còn chút gượng nên dải âm cao và âm trung vẫn chưa thực sự thể hiện rõ ràng và chi tiết.

Sau hơn 25 phút chơi game, bước vào những giây phút combat căng thẳng hơn, mình cảm nhận được những lần rớt khung hình nhẹ chỉ vào khoảng 55 - 57 FPS không quá ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu bạn chơi game nghiêm túc, leo rank đỉnh cao thì vẫn còn thiếu tính ổn định nhất, có thể cản trở những trận chiến nảy lửa.

Tiếp đến với PUBG Mobile, ở tựa game này mình cần sự ổn định và FPS cao nhất để chiếm thế thượng phong so với đối thủ. Chính vì thế mình lựa chọn mức FPS cao nhất và mức cài đặt đồ họa mượt.

Thao tác trong PUBG Mobile được sử dụng khá mượt mà, phản hồi tốt với các cử chỉ của mình. Thậm chí những tình huống hay giảm FPS nhiều như chạy xe hay combat trong vòng bo nhỏ hơn đều không hề diễn ra quá nhiều. Các lần giảm FPS cũng hạn chế và được duy trì ổn định trong suốt quá trình mình chơi. Có lẽ mức cài đặt đồ họa cân bằng đã giải quyết tốt vấn đề trên OPPO Pad Air.

Mặt khác, dung lượng RAM 4GB và dung lượng bộ nhớ trong 64GB khá khiêm tốn. Nếu bạn đang cần chiếc máy làm việc đa nhiệm với nhiều tác vụ nặng nề cùng lúc. Chỉnh sửa ảnh cùng với hàng chục Tab Chrome thì chắc chắn OPPO Pad Air sẽ không thể đáp ứng vì hạn chế cả về dung lượng RAM và vi xử lý.

Tuy nhiên, OPPO Pad Air vẫn đáp ứng tốt nhu cầu giải trí thuần với các tựa game phổ biến trừ Genshin Impact ra nhé. Làm việc cơ bản như trên Google hay tìm kiếm tài liệu bằng Google Chrome. Hạn chế đa nhiệm và sử dụng nặng như chỉnh ảnh, edit video thì máy vẫn đáp ứng mượt mà. OPPO có công bố máy có cơ chế mở rộng thêm 3GB RAM nhưng dùng bộ nhớ trong để mở rộng RAM chưa bao giờ là ý hay.

Cùng với đó, dung lượng bộ nhớ trong cũng không khả quan hơn nhiều lắm. Dung lượng 64GB chỉ vừa đủ để đáp ứng các nhu cầu cơ bản như dữ liệu cá nhân, phần mềm hỗ trợ hay những tựa game cơ bản đã sắp tràn đầy. Tuy nhiên, dữ liệu cá nhân bạn vẫn có thể mở rộng qua thẻ nhớ nên tạm thời có thể chấp nhận được.

Camera đầy đủ, phần mềm hỗ trợ tốt

OPPO Pad Air được OPPO trang bị ‘hoài cổ’ với camera đơn ở mặt sau. Độ phân giải 8MP, khẩu độ f/2.0 mang lại hình ảnh đảm bảo được chi tiết vừa đủ. Tuy nhiên, như nhiều mẫu máy tính bảng khác, chất ảnh trên OPPO Pad Air vừa đủ để lưu lại những khoảnh khắc tiệt lợi hoặc gửi cho bạn bè. Nếu muốn đăng những bức ảnh đẹp lên mạng xã hội thì cần những chiếc máy tốt hơn, màu sắc ảnh cho ra còn khá nhợt nhạt nên có lẽ bạn sẽ phải hậu kỳ rất nhiều đấy.

Ngược lại ở mặt trước, camera selfie được đặt nằm ngang ở cạnh phải của máy. Điều này thực sự tiện lợi cho các công việc yêu cầu hội họp nhiều, thường sử dụng máy để nằm ngang để call video. Đồng thời các tính năng làm đẹp mạnh mẽ như trên các dòng điện thoại cũng được OPPO trang bị. Nhưng với độ phân giải 5MP, khẩu độ f/2.2 nên chi tiết còn khá rổ, hình ảnh chưa thực sự sắc nét và màu sắc vẫn bị nhợt nhạt, thiếu sáng.

Về mặt phần mềm, OPPO Pad Air được tích hợp khá nhiều các tính năng cao cấp trên hệ điều hành ColorOS 12.1 (Android 12). Tính năng mình thấy hữu ích nhất và hay sử dụng nhất là kéo 2 ngón tay ở giữa màn hình để chia đa nhiệm 2 cửa sổ giúp mình thao tác được nhiều công việc hơn trên máy.

Cùng với đó, khả năng stream màn hình từ điện thoại OPPO sang OPPO Pad Air tương tự như những gì Huawei đã làm với tính năng Super Device. Điều này góp phần tăng thêm sự tiện lợi cho thiết bị, khi bạn làm việc. Không cần phải cầm 2 thiết bị cùng lúc để check tin nhắn hay ứng dụng. Đồng thời phần nào đó giải quyết tạm thời được vấn đề hiệu năng khi làm việc đa nhiệm.

Ngoài ra, bạn cũng có thể mở thêm các ứng dụng nổi bằng cách kéo cạnh bên ra và kéo thả các ứng dụng vào để đa nhiệm thoải mái hơn. Tuy nhiên, như đã đề cập ở phần cấu hình, bạn chỉ nên dừng lại ở những ứng dụng cơ bản chứ đừng lên những ứng dụng nặng nề vì những hạn chế đến từ RAM và vi xử lý.

Pin ấn tượng cả ngày, sạc vẫn chưa ổn

OPPO Pad Air mang trong mình dung lượng pin lớn lên đến 7100 mAh đáp ứng thời lượng sử dụng ấn tượng. Mình có kiểm tra qua nhu cầu sử dụng thực tế một ngày làm việc tại nhà. Ban đầu mình sử dụng máy 1 tiếng để nghe nhạc, xem MV thông qua YouTube. Lúc này mức pin từ 100% giảm còn 91%.

Sau đó, mình tiếp tục thêm 30 phút nghe nhạc và pin còn khoảng 87%. Tiếp theo mình chuyển sang những giây phút giải trí với game Liên Quân Mobile. Sau khoảng 1 tiếng ‘chiến đấu’ căng thẳng với bạn bè, OPPO Pad Air còn lại vẫn đạt lên đến 76%.

Và cuối cùng mình sử dụng máy để đáp ứng nhu cầu làm việc hỗn hợp trong một ngày. Sau cuối ngày mình vẫn còn lại được khoảng 60%. Lúc này thời gian Onscreen mình đã đạt đến 4 giờ 28 phút sử dụng liên tục. Mức pin này vẫn cực kỳ dư giả so với nhu cầu sử dụng cơ bản trong một ngày của mình. Đối với các bạn chơi game nghiêm túc, sử dụng ‘chiến đấu’ cả ngày dài thì vẫn trụ được từ 4 - 5 giờ.

Tuy nhiên, sạc pin thì không được ấn tượng như vậy, OPPO Pad Air chỉ được trang bị sạc nhanh PD tiêu chuẩn 18W. Việc sạc đầy viên pin điện thoại 4500 - 5000 mAh đã quá khổ thì viên pin 7100 mAh trên OPPO Pad Air sẽ trở thành ác mộng. Tuy nhiên, thời gian chờ tốt nên các bạn cứ việc sạc qua đêm để nạp đầy năng lượng trong khi mình ngủ cũng cực tiện lợi.

Tóm lại

OPPO Pad Air mặc dù vẫn còn nhiều điểm thiếu sót nhưng với nhu cầu giải trí, làm việc cơ bản thì vẫn đáp ứng tốt. Đặc biệt với màn hình 2K sắc nét, màu sắc sống động, thể hiện được lên đến 1 tỷ màu mang lại điểm cộng lớn. Thêm vào đó, thiết kế thời thượng, trẻ trung, năng động nhưng không kém phần sang trọng. Phần nào đó cũng bù lấp được khoảng trống mà cấu hình để lại.

Quả thực 6,990,000 đồng dành cho OPPO Pad Air để thuần giải trí, làm việc cơ bản vẫn xứng đáng. Tuy nhiên, với những bạn có nhu cầu cao hơn hay cần chiếc máy chính để học tập, làm việc chính thì cần cân nhắc nhiều hơn.


[Product_Info id='50056']
avatar Sforum CTV
QTV
Sforum CTVBài đã đăng: 21842

Trang tin công nghệ Sforum.vn được thành lập từ năm 2013, đến nay đã hơn 10 năm tuổi. Chúng tôi vẫn không luôn ngừng đổi mới và thử nghiệm các chuyên mục, nội dung mới để phục vụ bạn đọc. Hi vọng các thông tin công nghệ, game hay mẹo vặt từ Sforum sẽ giúp ích được cho bạn đọc trong đời sống cũng như có những phút giây giải trí lành mạnh.