Trang chủS-GamesGame PCTrải nghiệm
Đánh giá Dying Light 2: Trải nghiệm sinh tồn đáng nhớ nhất 2022
Đánh giá Dying Light 2: Trải nghiệm sinh tồn đáng nhớ nhất 2022

Đánh giá Dying Light 2: Trải nghiệm sinh tồn đáng nhớ nhất 2022

Đánh giá Dying Light 2: Trải nghiệm sinh tồn đáng nhớ nhất 2022

Bookgrinder , Tác giả Sforum - Trang tin công nghệ mới nhất
Bookgrinder
Ngày đăng: 07/02/2022-Cập nhật: 07/02/2022
gg news
Vào ngày 4/2/2022 vừa qua, tựa game sinh tồn zombie Dying Light 2 đã chính thức được phát hành. Trò chơi này tiếp nối nội dung của phiên bản đầu tiên, nhưng đen tối hơn bởi nhân loại nay đã bị virus đánh bại và nền văn minh con người bị dồn vào trong một số khu vực trú ẩn nhỏ.

Trong Dying Light 2, không gian sống của con người đã bị zombie thâu tóm gần như toàn bộ. Hàng tỉ người đã chết và số còn lại cũng chỉ đang kéo dài hơi tàn. Bạn là Aiden, một người sống sót ở Villedor, một trong các thành phố lớn cuối cùng còn sót lại, nhưng thành phố này cũng sắp sụp đổ vì áp lực sinh tồn và mâu thuẫn nội bộ. Liệu bạn có thể giúp Villedor tiếp tục sinh tồn trong khi thỏa mãn mục đích cá nhân?

Lối chơi cực thú vị của Dying Light 2

Không khác gì người tiền nhiệm của mình, Dying Light 2 sở hữu một thế giới mở khổng lồ, lớn hơn rất nhiều so với những gì game thủ nghĩ là toàn bộ thế giới của game. Thành phố Villedor của nó bao gồm nhiều quận (district) tạo thành hai khu vực lớn, bị ngăn cách với nhau và game thủ chỉ có thể khám phá phần lớn hơn của bản đồ sau một thời gian chơi. Ngoài ra, còn có một vùng đất rộng bao quanh các quận này mà game thủ có thể tự do ghé qua, dù chúng không có nhiều nội dung để khám phá. Rất có thể những khu vực này sẽ được cập nhật thêm trong các bản DLC tương lai, bởi nhà phát triển Techland hứa rằng họ dự tính sẽ tiếp tục tung ra thêm nội dung mới cho game trong ít nhất 5 năm nữa.

https://www.youtube.com/watch?v=2MD4gTitmzw

Việc khám phá thế giới này thực sự cực kỳ thú vị. Không như đại đa số game zombie khác để game thủ lê lết trên mặt đất, Dying Light 2 có một phương thức di chuyển hoàn toàn khác biệt, được nâng cấp và phát triển từ phiên bản đầu. Nhân vật chính của chúng ta là Aiden sở hữu khả năng parkour vượt trội, cho phép anh chàng “tung tăng” ở mọi độ cao của thành phố Villedor, và thực hiện những pha bay nhảy mà những tựa game khác có nằm mơ cũng không thể làm được. Điều này đẩy niềm vui khám phá và di chuyển trong thế giới của game lên một tầm cao mới, đến mức Sforum tin rằng sẽ có không ít game thủ bỏ qua tính năng teleport để chạy nhảy trong thế giới của game.

Bên cạnh đó, hệ thống combat của Dying Light 2 cũng đủ khác biệt. Dù đây là một tựa game lấy bối cảnh hiện đại, bạn hoàn toàn không thể tìm thấy súng đạn trong trò chơi này (lý do được giải thích trong game). Thay vì các loại hàng nóng, vũ khí lạnh luôn là lựa chọn hàng đầu của Aiden. Anh chàng có thể tung ra những đòn tấn công thực sự có lực, tạo ra những tình huống chiến đấu thực sự sướng mắt, đã tay. Dĩ nhiên là tính năng tùy biến và nâng cấp vũ khí trong Dying Light cũ vẫn có mặt: game thủ có thể gắn thêm lưỡi dao hay kim chích điện vào món vũ khí của mình để gây thêm sát thương hoặc khiến đối thủ tê liệt trong một thời gian ngắn.

Khi kết hợp cả chiến đấu và parkour lại với nhau, chúng ta có một gameplay cực kỳ thú vị. Aiden có thể lao vùn vụt qua các tòa nhà của Villedor, né tránh kẻ địch một cách điệu nghệ, nhặt lấy các vật phẩm mình cần rồi nhanh chóng biến mất trước khi lũ zombie vật vờ biết được điều gì đang xảy ra. Đôi khi bạn sẽ hụt chân, lỡ bước và rơi thẳng vào vòng vây của kẻ địch, nhưng những sai lầm như thế này chỉ tăng phần thú vị cho trò chơi, tạo ra những tình huống đào thoát đầy hào hứng và hồi hộp mà bạn có thể dùng để bốc phét với bạn bè.

Dĩ nhiên là game thủ cũng có thể thử chọn phương thức cày qua tất cả những kẻ địch cản đường, nhưng Sforum không khuyên bạn làm điều này trong khoảng… 20 tiếng đầu tiên. Aiden cần có thời gian để học hỏi những động tác parkour mới và chế tạo vũ khí mới, trong khi bạn cũng cần làm quen với hệ thống chiến đấu của trò chơi. Lũ zombie trong game cũng không phải chỉ toàn những cái xác lờ đờ chậm chạp mà còn bao gồm nhiều loại zombie đặc biệt tương tự Left 4 Dead hay Back 4 Blood, chẳng hạn siêu trâu, siêu nhanh, phun nước bọt, nổ tung,… có thể khiến bạn phải chạy vắt giò lên cổ nếu chưa đủ tự tin với khả năng chiến đấu của mình.

Chu kỳ ngày – đêm quen thuộc của Dying Light cũng được Techland đem vào phiên bản mới. Cũng tương tự như bản gốc, ban ngày là thời điểm khá an toàn mà game thủ có thể dùng để lang thang nhặt nhạnh và thu thập tài nguyên, trong khi ban đêm cực kỳ nguy hiểm do lượng lớn zombie lảng vảng trên đường. Nếu bạn đủ “pro” để ra ngoài vào ban đêm thì sẽ có cơ hội nhận những phần thưởng hoành tráng hơn, trong khi các tòa nhà cũng ít zombie hơn và kinh nghiệm chúng đem lại cũng cao hơn hẳn. Nhưng dù Aiden đã mạnh đến thế nào đi nữa thì việc thám hiểm Villedor trong đêm luôn đầy kích thích, vừa đáng sợ vừa thú vị khiến game thủ không muốn dừng lại.

Hình ảnh, âm thanh

Đồ họa của Dying Light 2 được xây dựng trên nền tảng engine riêng của Techland là C-Engine. Nếu sở hữu một PC mạnh với card đồ họa RTX, game thủ có thể thưởng thức những khung hình cực đẹp nhờ phiên bản PC hỗ trợ ray-tracing và các hiệu ứng ánh sáng tiên tiến khác. Xbox Series X và PS5 cũng có ray-tracing, nhưng không hoàn toàn đầy đủ như bản PC.

Nhưng ngay cả khi không có được hiệu ứng đồ họa thời thượng này, Dying Light 2 cũng đủ đẹp. Tác giả thực sự yêu thích việc lên các mái nhà và ngắm nhìn cảnh vật từ trên cao khi mặt trời mọc hoặc lặn, bởi nó phủ lên cả thế giới những màu sắc hết sức ấn tượng. Nếu đủ điều kiện để đẩy tầm nhìn lên mức cao nhất, toàn bộ thành phố Villedor sẽ hiện ra trước mắt bạn, giúp cho việc thưởng lãm vẻ đẹp điêu tàn của nó trở nên dễ dàng hơn.

Một điều đáng nói về phần đồ họa của game là nó hiện không được tối ưu cho lắm. Nhiều game thủ phàn nàn rằng ngay cả trên PC hàng khủng, Dying Light 2 cũng có vấn đề hiệu năng và không thể chạy ổn định ở mức 60 FPS. Trên máy được dùng để thử nghiệm (với card đồ họa RTX 2070), Dying Light 2 chạy khá mượt mà ở độ phân giải 2560x1440, nhưng cần giảm bớt một số hiệu ứng hình ảnh và tắt ray-tracing. Trên một máy khác sử dụng GTX 1060 cũ hơn, game chỉ có thể chạy ở mức thấp và đạt 40 FPS nhưng vẫn chơi được. Một số game thủ cho rằng đây là vấn đề của giải pháp bảo vệ bản quyền được Techland sử dụng – Denuvo.

Âm nhạc của game được thực hiện bởi Olivier Derievere, một nhà soạn nhạc khá quen thuộc với game thủ qua các tựa game như Assassin’s Creed IV: Black Flag hay Street of Rage 4. Dù là Aiden đang leo trèo trên các con phố của Villedor, bị cả một đàn zombie truy đuổi giữa đêm đen hay lén lút vượt qua những xác sống trong các tòa nhà đổ nát, các bài nhạc nền của Dying Light 2 luôn tạo ra được bầu không khí phù hợp, gợi nên những cảm xúc chuẩn xác, cường hóa trải nghiệm của người chơi. Trong khi đó, âm thanh của các loại vũ khí lạnh va chạm vào mục tiêu đều đủ chân thực và đem lại cảm giác lực cần thiết, giúp game thủ cảm nhận được sức mạnh từ đòn đánh của mình.

Cốt truyện và bug game

Là một tựa game thế giới mở rộng lớn, bug trong Dying Light 2 là không thể tránh khỏi. Ngay trong ngày đầu tiên game ra mắt, Techland đã tung ra một bản patch sửa hơn 1,000 lỗi khác nhau trong game. Khá nhiều lỗi trong số này là nghiêm trọng, có thể khiến game thủ không thể chơi tiếp được, trong khi số khác chỉ là chuyện vặt vãnh như không thể nhặt item, vật phẩm không xuất hiện,… Trong thời gian tới, sẽ còn nhiều bản patch khác tiếp tục ra đời để sửa nốt những lỗi cũ còn tồn đọng, cũng như các lỗi mới mà game thủ khám phá ra.

Nhưng số lượng lỗi khổng lồ không phải là điều đáng thất vọng nhất ở Dying Light 2. Theo Sforum, điều đáng tiếc nhất ở tựa game này là cốt truyện của nó đã không phản ứng với những lựa chọn của game thủ đủ mạnh mẽ như lời quảng cáo của nhà phát triển. Quả thật game thủ sẽ bắt gặp nhiều nhiệm vụ với những kết thúc khác nhau tùy thuộc vào quyết định của người chơi nhưng đa số chỉ là những nhiệm vụ nhỏ, không để lại ảnh hưởng thực sự sâu xa nào (dù vẫn rất thú vị).

Đa số các lựa chọn trong các nhiệm vụ dù lớn hay nhỏ đều trở nên vô dụng bởi khi đến cuối game, Dying Light 2 buộc bạn phải chọn giữa hai kết cục khá đơn điệu và nhàm chán, chẳng khác gì cái kết 3 màu của Mass Effect 3 năm nào. Bắt cặp cùng với kết cục đáng thất vọng này là motif 'con người mới tàn ác nhất' đã quá cũ và bị khai thác 'tan nát' trong vô vàn game zombie trước đây. Sforum không đánh giá cao cốt truyện này, nhưng ít ra thì quá trình chơi Dying Light 2 đủ thú vị để khiến game thủ bỏ qua cái kết đáng thất vọng của nó.

Đánh giá Dying Light 2

Dying Light 2 đem lại cho game thủ vài mươi giờ giải trí đầy thú vị trong một thế giới rộng lớn, được gặp gỡ không ít nhân vật đáng nhớ và trải qua nhiều nhiệm vụ hấp dẫn. Game cũng có hệ thống chiến đấu sướng tay, các màn parkour hào hứng và một sân chơi rộng lớn để khám phá. Trò chơi chỉ bị kéo lùi bởi một lượng bug khổng lồ và các lựa chọn không thực sự để lại ấn tượng trong lòng game thủ. Vậy nên nếu nhìn nhận một cách công bằng, Dying Light 2 là một tựa game thực sự đáng chơi.

Cấu hình tối thiểu cho Dying Light 2:

  • CPU: Intel Core i3-9100 / AMD Ryzen 3 2300X
  • Hệ điều hành: Windows® 7
  • RAM: 8GB
  • Card đồ họa: NVIDIA® GeForce® GTX 1050 Ti / AMD Radeon™ RX 560 (4GB VRAM)
  • Ổ cứng: 60 GB.
danh-gia-bai-viet
(0 lượt đánh giá - 5/5)

Game thủ nghiêm túc, mong muốn chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, và đam mê của tôi với mọi người qua những bài viết và video về trò chơi trực tuyến hot nhất của tôi.

Bình luận (0)

sforum facebook group logo