Đánh giá Harman Kardon Onyx Studio 9: Đáp ứng tốt cả tiêu chí di động lẫn thẩm mỹ!


Đánh giá Harman Kardon Onyx Studio 9, thế hệ mới này vẫn giữ thiết kế tổng thể dạng tròn đặc trưng của Onyx Studio series nhưng đã có nhiều thay đổi quan trọng trong chi tiết hoàn thiện lẫn chất âm.
Harman Kardon Onyx Studio 9 đang được niêm yết với mức giá khoảng 5,99 triệu đồng, rẻ hơn thế hệ Onyx Studio 8 khi mới ra mắt. Sau 1 tháng trải nghiệm thực tế, mình muốn chia sẻ lại với anh em cái nhìn chân thật nhất: từ thiết kế, chất âm, thời lượng pin.
Hy vọng bài viết đánh giá Harman Kardon Onyx Studio 9 sẽ giúp anh em có thêm nhiều thông tin về em nó hơn trước khi quyết định “xuống tiền” hoặc tìm một chiếc loa di động phù hợp.
Thiết kế tối giản nhưng sang trọng, phù hợp decor nhiều không gian
Mình khá ấn tượng với thiết kế mới trên Harman Kardon Onyx Studio 9, mặc dù không còn nét độc đáo như trên thế hệ trước, thiết kế có phần tối giản hơn nhưng khi decor lại cực kì nổi bật.
Nếu hai phiên bản tiền nhiệm lấy cái khung kim loại vòng cung làm điểm nhấn, tạo cảm giác “dải ngân hà” thì em này lại tích hợp luôn khung kim loại vào phần thân. Điều này tạo nên sự liền mạch, không có cảm giác tách rời như trước. Thay đổi này mang đến vẻ tinh tế, thanh lịch, ít cồng kềnh hơn khi anh em đặt trong phòng khách hoặc trên kệ tủ.
Chất liệu khung kim loại của Onyx Studio 9 được hoàn thiện đến 90% là từ nhôm tái chế, bề mặt xử lý khá xịn, đồng thời khung này kiêm luôn tay cầm và chân đế.


Toàn bộ hai mặt trước/sau bao phủ bởi vải Kvadrat cao cấp, sờ mịn và rất đẹp.
Logo Harman Kardon ở chính diện nhỏ nhắn, không quá phô trương. Nhờ thiết kế hình tròn kết hợp vải bọc, Onyx Studio 9 trông như món đồ decor, đặt đâu cũng dễ hài hòa với nội thất.


Phần khung kim loại phía trên, ngay tầm tay cầm, là nơi bố trí cụm nút bấm vật lý: gồm nút nguồn, Bluetooth, tăng/giảm âm lượng, phát/dừng (Play/Pause) và kích hoạt Auracast. Cách đặt nút ở chỗ này giúp mình điều chỉnh nhanh, không phải lần mò qua mặt loa như đời cũ. Nhưng do chúng được thiết kế cùng màu, dạng chìm, đôi khi anh em sẽ khó quan sát nếu môi trường thiếu sáng.


Mặt sau của loa có cổng nguồn (chân số 8), cổng AUX 3.5mm, cùng cổng USB-C để sạc ngược cho điện thoại với công suất 10W. Tuy nhiên, không có dây AUX tặng kèm trong hộp, thế nên nếu anh em muốn kết nối có dây với TV, PC thì phải mua riêng cáp này.
Ngoài ra, Onyx Studio 9 không tích hợp micro như một số phiên bản cũ, đồng nghĩa anh em sẽ không dùng loa để đàm thoại rảnh tay hoặc tương tác trợ lý ảo.
Tuy được coi là loa di động, nhưng anh em cần lưu ý là trọng lượng của em nó lên đến 3,36 kg nên mình chưa đánh giá cao khả năng di động của Onyx Studio 9.
Nếu anh em chỉ cầm loa trên tay và di chuyển trong không gian khoảng vài trăm mét thì không vấn đề, nhưng để xách tay mang ra ngoài thường xuyên (kiểu như đi du lịch, dã ngoại) thì chưa thực sự tiện cho lắm.
Thêm nữa, Onyx Studio 9 không có khả năng chống nước/bụi, nên mình cũng ngại mang em nó ra ngoài công viên hoặc hồ bơi. Mình chủ yếu xách qua lại giữa phòng khách và phòng ngủ, có hôm mang lên sân thượng để chill cùng bạn bè, chứ đi xa thì mình vẫn ưu tiên mấy con loa gọn nhẹ khác.


Nếu mục đích chính của anh em là đặt loa cố định trong không gian đẹp, sang trọng, Onyx Studio 9 thực sự rất đáng cân nhắc. Phong cách tối giản và màu sắc (đen hoặc trắng xám) giúp loa hòa nhập với nhiều kiểu decor nội thất, từ hiện đại, tối giản đến cả vintage. Chỉ có điều vì trọng lượng khá nặng và thiếu chống nước, Onyx Studio 9 không phải chiếc loa lý tưởng để “tha lôi” đi đây đó hàng ngày.
Nhiều tính năng nổi bật và khả năng kết nối ổn định
Một cải tiến được Harman Kardon nhấn mạnh ở Onyx Studio 9 là Bluetooth 5.3. Mình dùng điện thoại Samsung và laptop Windows đều thấy tốc độ kết nối nhanh, tín hiệu ổn định. Mình thường để loa trong phòng khách, còn mình hay đi đi lại lại phòng ngủ cũng cách 10-12 mét, vẫn thấy tín hiệu tốt, ít khi bị ngắt quãng trừ khi có quá nhiều vật cản.
Tính năng Auracast cho phép mình ghép 2 loa Onyx Studio 9 để tạo hiệu ứng âm thanh stereo hoặc kết nối nhiều loa Harman Kardon khác nhau để mở rộng không gian. Mình chỉ thử hai chiếc Onyx 9, công nhận âm trường được mở rộng đáng kể, “đã tai” hơn nhiều, phù hợp tổ chức tiệc tùng trong phòng lớn. Nếu anh em có điều kiện sở hữu 2 chiếc loa như vậy, chắc chắn sẽ tận dụng tốt Auracast.
Như các loa HK đời mới, Onyx Studio 9 cũng được hỗ trợ app Harman Kardon One trên Android và iOS. App này giúp anh em:
- Kiểm tra dung lượng pin còn lại
- Cập nhật firmware khi cần (mình sạc pin đầy và cập nhật phần mềm trong 10 phút)
- Tùy chỉnh EQ nếu muốn (có sẵn mấy preset như Signature Sound, Vocal, Energetic, Chill…)
- Điều khiển các chế độ ghép nối loa, chọn stereo hay multi-loa


Điểm mình thấy hơi bất tiện: kết nối giữa app và loa hơi chậm khi mình mở app lần đầu, đôi khi phải chờ 5-10 giây loa mới hiển thị đầy đủ thông tin. Nhưng nói chung, đây vẫn là ứng dụng hữu ích để anh em tinh chỉnh chi tiết chất âm theo sở thích.
Ngoài ra, Harman Kardon còn tích hợp công nghệ Constant Sound Field và tính năng tự động cân bằng âm thanh (Self-Tuning). Mình nhận thấy khi đặt loa ở các vị trí khác nhau (góc tường, giữa phòng, sát ghế sofa…), ngay từ lúc mở loa, Onyx Studio 9 sẽ tự “scan” không gian và điều chỉnh đôi chút để âm thanh không bị dội hay ù. So với thế hệ cũ, mình công nhận Onyx Studio 9 ít bị hiện tượng “dội bass” vào góc tường, âm thanh nghe đồng đều hơn. Tất nhiên, không phải “phép màu” gì quá thần thánh, nhưng sự điều chỉnh này giúp loa linh hoạt hơn khi anh em đổi chỗ đặt.
Chất lượng âm thanh tốt nhưng chưa quá nổi bật trong tầm giá
Nói về chất âm, trước giờ Harman Kardon nổi tiếng với dải trầm uy lực, phù hợp nghe nhạc sôi động, pop, EDM, R&B. Trải qua 1 tháng, mình đã test nhiều thể loại nhạc để có góc nhìn toàn diện.
Onyx Studio 9 trang bị 1 woofer 120mm (phụ trách dải trầm) và 3 tweeter 20mm. Hãng công bố “3 kênh” trong đó có một kênh trung tâm đảm nhiệm vocal, kết hợp công nghệ Constant Sound Field để mở rộng âm trường và tăng độ chi tiết. Công suất loa khi cắm nguồn là 50W (giống đời trước), còn khi dùng pin sẽ thấp hơn đôi chút.
Mình đánh giá Onyx Studio 9 cho tiếng bass chắc, sâu, không bị rè hay vỡ kể cả khi mình mở đến 70-80% volume. Thử mấy bài Pop, Rap của Ariana Grande, Britney Spears, tlinh,... loa tạo ra “sức nặng” đầy đặn, làm nền khá tốt.


Tuy nhiên, nếu anh em kỳ vọng bass “quẩy tung nóc” thì em này không đến mức đó. Bass có uy lực nhưng vẫn giữ sự kiểm soát tốt, không quá bùng nổ. Tóm lại, phù hợp kiểu bass chắc khỏe, không “bè” các dải khác.
Nhờ có kênh trung tâm chuyên xử lý vocal, mình đánh giá Onyx Studio 9 làm giọng hát khá tách bạch, nghe rõ từng lời, đặc biệt là các bản acoustic hay ballad. Giọng Ariana Grande trong “Save Your Tears” vang lên ngọt, chi tiết, có chiều sâu.
Mình cảm thấy so với Onyx Studio 7 thì Onyx Studio 9 cho vocal sạch sẽ, ít bị bass lấn. Dù vậy, nếu để so với loa cỡ 6 triệu đồng của một vài hãng khác (chẳng hạn Marshall, Bose, hay các dòng bookshelf có ampli rời), thì mid của Onyx Studio 9 chưa hẳn vượt trội.
Dải cao của Onyx Studio 9 khá trong trẻo, không bị chói gắt. Những nhạc cụ như guitar, violin, cymbal thể hiện độ rõ ràng tốt. Mình chưa thấy hiện tượng méo tiếng dù volume cao. Anh em nào nghe jazz, classical sẽ thấy loa đủ đáp ứng nhưng đừng kỳ vọng độ chi tiết siêu việt như mấy bộ loa hi-fi tầm trung. Treble khá an toàn, không quá leng keeng nên nghe lâu sẽ đỡ mệt tai.
Mình phải khen Constant Sound Field đã giúp Onyx Studio 9 có không gian âm thanh rộng hơn kích thước vật lý. Anh em có thể để loa ở góc phòng khoảng 30-40m², âm thanh vẫn “lấp đầy” không gian một cách khá đều đặn, không bị thiếu lực. Dù vậy, để hát karaoke thì không có micro, và loa cũng không hỗ trợ cắm micro ngoài. Anh em có thể dùng tạm để phát nhạc nền trong các buổi tụ tập, tiệc nho nhỏ.
Trong khoảng dưới 6 triệu đồng, Onyx Studio 9 chưa chắc là lựa chọn số 1 về thuần chất âm, bởi vẫn có những đối thủ khác cũng đáng gờm (nhiều loa bookshelf có ampli, hay loa bluetooth từ Marshall, Bose, Sony,...). Thế mạnh của Onyx Studio 9 là chất âm toàn diện, dải bass mạnh, vocal khá tốt, treble sáng vừa phải, thiết kế đẹp. Nếu anh em ưu tiên nhạc dance, pop, R&B, acoustic, ballad – Onyx Studio 9 hoàn toàn ổn. Còn nếu anh em kiểu audiophile khó tính, đòi hỏi chi tiết siêu cao, thì có thể sẽ cân nhắc những phương án khác.
Thời lượng pin đủ dùng trong 1 ngày
Hãng công bố pin tầm 8 giờ ở mức âm lượng trung bình. Trên thực tế, mình thường mở khoảng 40% volume để nghe nhạc nhẹ, trung bình 5-6 giờ/ngày, có bữa mình nghe lắt nhắt suốt cả ngày, kết quả đo được tầm 9 giờ thì phải cắm sạc. Khi mở âm lượng cao hơn 60-70% hoặc party, thì pin sẽ rút nhanh hơn, có khi chỉ 6-7 giờ.
Như vậy, pin đủ cho một buổi tối bên bạn bè, hoặc một ngày nghe ở mức âm lượng vừa phải, chứ không quá “khủng”.
Loa không hỗ trợ sạc nhanh. Từ lúc báo pin yếu (khoảng 10%) đến khi đầy 100%, mình đo được khoảng gần 4 tiếng. Nếu anh em nào cần sạc gấp để đi tiệc, đây sẽ là điểm hơi bất tiện, vì phần lớn các thiết bị di động bây giờ đều hỗ trợ sạc nhanh. Mặc dù 4 giờ sạc cho một cục pin “cỡ lớn” trên một chiếc loa cũng không phải quá dài, nhưng vẫn xếp vào nhược điểm so với các đối thủ có sạc nhanh khoảng 2-3 giờ.
Mặt sau của loa có cổng USB-C cho phép anh em sạc ngược cho smartphone hoặc tai nghe. Công suất tối đa khoảng 10W, cũng không phải sạc nhanh, chỉ đủ “chữa cháy” trong những lúc cần kíp. Mình đã thử cắm cáp USB-C để sạc Galaxy S24 Ultra, tốc độ khá chậm, nhưng vẫn giúp điện thoại không bị hết pin giữa chừng.
Onyx Studio 9 tiếp tục xu hướng “bán di động” của dòng Onyx Studio. Mình nghĩ Harman Kardon vẫn hướng loa này đến việc đặt cố định tại nhà (trên kệ, bàn phòng khách, phòng ngủ, quán cà phê) thay vì cầm đi liên tục ở không gian ngoài trời. Thời lượng pin 8 giờ là vừa đủ, không có gì quá ấn tượng, bù lại khi cắm điện trực tiếp thì anh em có công suất tối đa 50W và không cần lo hết pin giữa chừng.
Tạm kết
Sau khi dùng hơn 1 tháng, mình đánh giá Onyx Studio 9 qua những tóm gọn sau:
- Thiết kế thực sự đẹp, tối giản và tinh tế, rất hợp để trang trí trong phòng khách hoặc phòng ngủ có phong cách hiện đại.
- Âm thanh tổng thể tốt, nhất là dải trầm, khá toàn diện trong tầm giá 6 triệu.
- Trọng lượng vẫn là một “chướng ngại” nếu anh em thật sự muốn xách đi khắp nơi.
- Pin được công bố 8 giờ, mình thì xài ở mức 30-40% volume thì được lâu hơn một chút, nhưng thời gian sạc 4 tiếng cũng là một điểm cần cân nhắc.
Mình thấy Harman Kardon Onyx Studio 9 là lựa chọn “tốt đều” cho anh em cần một chiếc loa có thiết kế bắt mắt, sang trọng, dễ bố trí ở nhiều không gian khác nhau, từ phòng khách, phòng ngủ, cho đến các quán cà phê nhỏ.
Nếu anh em đã “phải lòng” kiểu thiết kế tròn tròn sang chảnh của Harman Kardon và muốn một chiếc loa bluetooth để chủ yếu nghe nhạc trong phòng, Onyx Studio 9 vẫn là một lựa chọn đáng tham khảo. Bỏ ra khoảng 5,99 triệu, anh em sẽ có một sản phẩm đủ “chất” từ ngoại hình đến âm thanh, giúp góc phòng của anh em thêm phần đẳng cấp và thoải mái tận hưởng âm nhạc ở mức khá tốt.
[Product_Info id='59965']
Xem thêm hình ảnh của Harman Kardon Onyx Studio 9 dưới đây:









Bình luận (0)