Đánh giá nhanh camera Sony Xperia 1 V: Phần cứng ngon, phần mềm chưa xứng tầm và... vẫn kén người dùng



Thông số kỹ thuật
Dòng Xperia 1 Series nói chung và các máy Sony hiện nay nói chung thì định hướng của hãng là nhắm vào các đối tượng chuyên nghiệp, có kinh nghiệm về nhiếp ảnh, biết chỉnh tay các thông số hoặc đã từng dùng qua các hệ máy Sony Alpha, máy quay của Sony để làm nên hệ sinh thái đồng nhất.
Mình sơ lược lại thông số hệ thống camera trên chiếc Sony Xperia 1 V:
- Camera chính: 48MP, f/1.9, cảm biến xếp chồng Exmor T mới nhất 1/1.35', tiêu cự 24mm, lấy nét Dual Pixel PDAF, chống rung OIS
- Camera tele: 12MP, f/2.3, 85mm, f/2.8, 125mm, cảm biến 1/3.5', lấy nét Dual Pixel PDAF, 3.5x-5.2x continuous optical zoom, OIS
- Camera góc siêu rộng: 12 MP, f/2.2, 16mm, 1/2.5', lấy nét Dual Pixel PDAF
Đầu tiên chúng ta hãy thử trải nghiệm chất lượng ảnh chụp của chiếc Sony Xperia 1 V trong điều kiện ánh sáng thông thường, thuận sáng nhé, mình sẽ thử chụp dưới góc nhìn một người dùng bình thường tức chỉ đơn thuần giơ máy lên và chụp thôi.
Giao diện chụp ảnh trên Sony Xperia 1 V
Ở bài trên tay nhanh chiếc Sony Xperia 1 V lần trước, mình đã đề cập vấn đề đây là thiết bị không dành cho người dùng phổ thông hiện nay. Nó thể hiện ở ngay giao diện chụp ảnh như bên dưới.
Bạn có thể thấy đây là phần giao diện chụp ảnh chế độ Auto (Tự động), nhưng tổng quan hơi rối rắm hơn so với các máy iPhone, Samsung rất nhiều. Với những ai lần đầu sử dụng có lẽ cũng phải nhanh lắm vài ngày mới làm quen được.
Chưa dừng ở đó, Sony Xperia 1 V còn có thể chuyển qua các chế độ chụp khác như P (P là chế độ phơi sáng tự động có điều chỉnh), chế độ S (chụp ưu tiên theo tốc độ màn trập), và cuối cùng là M - Manual (Chỉnh tay thủ công).
Nếu bạn nào đã từng dùng qua các máy ảnh Sony Alpha thì việc này sẽ dễ dàng làm quen ngay thôi vì giao diện này thửa từ giao diện trên các hệ máy ảnh đó. Còn chưa thì có lẽ nên dành ít nhất vài ngày mài mò với làm quen hoàn toàn được.
Camera chính
Tổng quan Sony Xperia 1 V xử lý rất tốt trong mọi góc chụp, song cũng vẫn sẽ có một số tấm thì sẽ xuất hiện độ tương phản sáng tối và màu sắc lệch nhiều so với thực tế, nhất là một số chỗ mình nghĩ phần sáng (highlight) nên gắt thêm tí chút sẽ hút mắt hơn.








Màu sắc cũng bị cảm giác thiếu sức sống hơn so với thực tế. Mình vẫn không hiểu sao máy lại xử lý thế này khi có thể làm cho 'no màu' theo thực tế được. Bù lại độ sắc nét tốt, không bị kiểu cố đẩy quá mức bị 'gai mắt', mà gần như giữ nguyên.
Màu xanh lá có vẻ luôn là thế mạnh của nhà Sony khi tái tạo lại rất chân thật, cái sắc xanh này luôn làm mình cảm thấy mát và ưng mắt.
Quay lại chụp cho anh bạn của mình 1 tấm sống ảo, tấm này mình khá là thích vì cái cách Sony Xperia 1 V xử lý rất tốt. Các bạn có thể thấy tương quan giữa dải sáng, tối đều rất hài hòa đồng đều. Thậm chí nhìn kĩ có thể thấy rõ phần hậu cảnh phía sau có bị 'blur' nhẹ do khẩu độ f/1.9 tạo nên sự xóa phông, và cũng phần lớn do cảm biến mới thể hiện tốt.
Màu da và màu tóc cũng được lên rất thật, tone màu vàng, nâu, cam được tách bạch rõ, hông bị hòa lẫn vào nhau. Kể cả màu đỏ ở vạch xe taxi, màu đỏ trên dãy số ở xe khách phía sau vẫn có sắc độ khác nhau. Vùng tối thì sao nhỉ, các bạn có thể soi vào trong ống kính máy ảnh, vẫn có thể thấy phần nào ống kính phía sau lớp thấu kính, khá rõ.
Ống kính zoom tele
Ở chiếc Sony Xperia 1 V thì ống kính tele dường như là phần mình khá thất vọng và khó hiểu khi chất lượng có thể nói chưa xứng tầm flagship. Tại sao thì có bạn xem qua một số bức ảnh mình chụp dưới đây:






Có thể thấy chất lượng ở mức đủ xem ảnh, nhiễu noise khá nặng, chi tiết cũng gọi là tạm chấp nhận mà thôi. Một số bức ảnh thì bị nhòe, nhợt nhạt dù mình đã cố gắng giữ vững tay, cảm giác như thuật toán trên ống kính tele của Sony hoạt động chưa được tốt lắm.
Nhưng lạ lùng ở một số trường như lúc trời mưa, trong lúc đang trú tạm thấy mưa có vẻ khá lãng mạn, mình nổi hứng lên chụp nhanh thì chất lượng ảnh lại có phần ổn áp hơn, thậm chí soi rõ từng giọt mưa đang rơi tạo nên bức ảnh tổng thể 'nghệ'.
Đến 2 tấm cố ý dùng ống kính tele của Sony Xperia 1 V để chụp cận cảnh, đặc tả đồ vật cũng vậy. Màu sắc, chi tiết, dải tương phản đều ổn, WB lúc này có hơi ngả xanh một chút.
Ánh sáng trong nhà
Mình có thử tiến vào bên trong bưu điện để chụp thử vài tấm, tuy lúc này có ánh sáng từ bên ngoài chiếu vào nhưng bên trong vẫn cần có các bóng đèn để trưng bày các quầy hàng lưu niệm.
Có thể thấy khả năng chụp môi trường thiếu sáng của Sony Xperia 1 V dường như cải thiện hơn rất nhiều so với các thế hệ tiền nhiệm khi mà tổng quan từ màu sắc, ánh sáng, tương phản đều rất tốt. Nhất là WB của các bóng đèn được nhận diện chính xác.
Vì lúc này khá đông khách tham quan nên mình khá là khó sử dụng camera chính để tìm góc chụp đúng ý, sẵn mình tận dụng luôn ống kính tele để xem Sony Xperia 1 V thể hiện ra sao. Khẩu độ sẽ tự thay đổ tùy theo tiêu cự zoom bạn chọn, thấp nhất là f/2.3 cho đến f/2.8.
Có thể thấy chất lượng ảnh zoom trong môi trường này chỉ gọi là đủ xem vui vẻ thôi, thậm chí có bức ảnh khá tệ khi nhiễu noise nặng và độ chi tiết cũng mất rất nhiều, gần như là bệt hoàn toàn. Tấm ổn nhất là tấm chụp anh chàng áo vàng.
Lần này mình thử với ống kính góc siêu rộng ultra-wide, ảnh có phần tối hơn một chút nhưng chi tiết, độ sắc nét vẫn tốt. Màu sắc có phần hơi nhợt nhạt so với thực tế, phần highlight chỗ các bóng đèn mình cảm thấy ở mức trung bình khá thôi, vẫn còn kiểu lóa mờ xưa đục hơi khó chịu.
Ống kính góc siêu rộng
Cả nhân mình thấy thế giới smartphone Android thì rất ít hãng đầu tư mạnh vào ống kính siêu rộng (ultra-wide) và Sony cũng vậy. Cảm quan của mình chất lượng ống kính góc rộng này cũng chỉ dừng ở mức khá mà thôi, đủ xài phục vụ cho một số tình huống cần thiết.
Bản thân mình cũng là người hiếm khi nào sử dụng nhiều đến ống kính này, mình thường chụp cận cảnh nên sẽ nghiêng về ống kính tele hơn.
Chế độ chụp chân dung xóa phông
Ở khoản này thì chiếc Sony Xperia 1 V thể hiện tốt, phần hậu cảnh được xóa mờ rất thật, hiệu ứng bokeh mềm mịn và trải đều đặn theo khoảng cách từ chủ thể đến hậu cảnh phía xa dần.
Còn chủ thể có độ nổi khối rõ ràng, chi tiêt đủ, nét vừa phải không bị 'gai' mắt. Màu sắc bối cảnh và cả màu da người được thể hiện đúng thực tế không bị lệch màu.
Song nhìn chung nếu được cải tiến luôn cảm biến cho hệ thống camera tele cũng như thuật toán với AI tối ưu hơn thì mình tin chắc chất lượng sẽ còn tiến xa hơn nữa. Thế này thì vẫn chưa thõa mãn mình lắm.
Chụp ảnh định dạng RAW
Vì là định hướng dành cho dân chuyên, có kinh nghiệm chụp và xử lý ảnh nên Sony Xperia 1 V vẫn có thể hiện thế mạnh nằm ở khả năng chụp chỉnh tay, người dùng có thể tự do can thiệp vào các thông số cần thiết khi chụp như tốc độ màn trập (Shutter Speed), độ nhạy sáng (ISO), Cân bằng trắng (White Balance)...
Sau đây loạt các bức ảnh file RAW với định dạng đuôi .DNG, mình sẽ để theo cặp gồm ảnh trước và sau khi hậu kì để các bạn cảm nhận sự khác biệt thế nào, mình chỉ thả ảnh vào Lightroom để tùy chỉnh thử một số thông số.


Tấm này mình chụp bằng cam tele khi đứng trú mưa. Rõ có thể thấy với file ảnh RAW ban đầu, bị dư sáng khá nặng, nhưng khi hậu kì lại mình đã 'lấy' lại hầu hết các chi tiết tưởng chừng bị mất. Thậm chí nếu khéo tay bạn còn có thể cho ảnh thêm độ nổi khối, tách bạch với hậu cảnh hơn.


Chắc hẳn các bạn cũng thích chụp phong cách panning (lia máy) theo chủ thể như mình. Mình có sử dụng ống kính tele để chụp cơ mà vẫn chưa theo kịp tốc độ với chủ thể cũng như tốc độ chụp mình chỉnh chưa tới. Nhưng mà hậu kì lại cũng được đấy nhỉ, ảnh trong veo và tương phản hơn.


Lại tiếp tục một tấm ảnh dư sáng và sau khi hậu kì nhẹ nhàng đơn giản là đã 'ngon lành' trở lại, hoàn toàn có thể chia sẻ ngay lên Facebook hay Instagram.


Phong cảnh, đường phố thì dễ rồi còn với chụp người thì sao. Với file RAW của Sony Xperia 1 V thì mọi thứ dường như dễ dàng hơn rất nhiều, tất nhiên đó là câu chuyện về khả năng hậu kì ảnh của mỗi người nữa.
Thậm chí chất lượng ảnh từ ống kính siêu rộng khi chụp bằng định dạng RAW thì rất là thích hợp các bạn đam mê phong cảnh, bối cảnh lớn và nhiều chủ thể. Tấm ảnh này mình chỉ tăng giảm vài thông số cơ bản thôi là đã thấy có thể xài sống ảo ngay rồi.


Cơ bản file ảnh từ Sony Xperia 1 V rất chất lượng, đa số có thể dùng 'cứu' các bức ảnh dư sáng hoặc dư tối quá nhiều và còn có thể làm nhiều hơn thế nữa. Mình nghĩ chỉ cần có chút kinh nghiệm trong việc hậu kì ảnh thôi thì việc chụp ảnh trên chiếc máy này cũng sẽ trở nên dễ hơn rồi.
Kết luận
Tổng quan thì có vẻ Sony Xperia 1 V vẫn là một chiếc máy kén người dùng, hoàn toàn không dành cho số đông đã và đang quen với việc chụp nhanh, bắt khoảnh khắc tức thời và chất lượng ảnh gần như có thể sử dụng chia sẻ lên mạng xã hội nhanh chóng.
Đây vẫn là chiếc máy thích hợp với các tín đồ, fan lâu năm của Sony và các dân chơi mê nhiếp ảnh, quay phim vốn đã có kinh nghiệm thông qua việc sử dụng loạt máy ảnh máy quay, nhất là hệ máy Sony Alpha. Còn nếu bạn mới lần đầu sử dụng e là sẽ thất vọng và còn mất khá nhiều thời gian để làm quen.
Bên cạnh đó mức giá 35,990,000đ với duy nhất một phiên bản bộ nhớ 256GB cũng là nhược điểm khá lớn. Mình cũng mong Sony có lẽ nên mạnh tay đầu tư, cải tiến các thuật toán, AI để chất lượng ảnh chụp từ các máy Xperia 1 Series này trở nên hoàn hảo hơn xứng đáng giá tiền hơn.
Còn nếu vấn đề giá cả cũng như độ kén của thiết bị này không làm khó bạn thì đây vẫn là một trong những chiếc flagship đẹp, mạnh và đáng sở hữu dành cho bạn. Hiện Cellphone S chưa có giá bán chính thức và ngày về hàng chính thức, bạn đọc quan tâm có thể đăng kí nhận thông tin sản phẩm phía bên dưới nhé.
[cpsSubscriber id='59593']

Bình luận (0)