Konami: Huyền thoại trên con đường tự hủy


Việc dính phốt của các công ty phát triển game vốn từ lâu đã không phải là một chuyện gì đó quá xa lạ với cộng đồng game thủ. Đơn giản bởi suy cho cùng thì các công ty cũng chỉ được điều hành bởi con người, mà con người thì ai mà chẳng có sai lầm? Thế nhưng bên cạnh những người biết rút ra bài học và sửa lỗi thì lại có những kẻ thiểu năng đến mức cứ liên tục đi hết từ sai lầm đến sai lầm khác. Và trong ngành công nghiệp game, những kẻ ngu ngốc nổi tiếng nhất không ai khác ngoài những người đứng đầu Konami.
Và ngày hôm nay hãy cùng Sforum phân tích hành trình những kẻ ngốc này biến huyền thoại làng game trở thành “một đống rác rưởi”.
Từ một công ty huyền thoại
Ban đầu, Konami là một hãng chuyên sửa chữa và kinh doanh máy bán đĩa tự động. Đến năm 1973, công ty chuyển sang thiết kế các trò chơi theo dạng máy thùng rồi lấn sân qua làm game một cách chính thức với hàng loạt tên tuổi như Contra, Castlevania, Metal Gear Solid hay quen thuộc nhất với game thủ Việt chính là Pro Evolution Soccer – PES. Với những cái tên đã làm nên thương hiệu này, Konami giành được vô số giải thưởng và nhanh chóng trở thành một trong số những kẻ đứng đầu ngành công nghiệp game.

Cho đến những nứt gãy đầu tiên
Mọi thành công của Konami có được một phần lớn nhờ vào giám đốc điều hành Hideo Kojima, chính ông là người đã định hình lối chơi cho những tựa game hành động và cũng là người đứng sau rất nhiều cái tên làm nên thương hiệu cho cho hãng như Metal Gear, Snatcher hay Silent Hill.
Mọi chuyện bắt đầu khi Kojima bất đồng quan điểm với những kẻ thượng tầng của Konami. Kojima muốn xây dựng những con game chất lượng, đem đến cho người chơi một trải nghiệm phim ảnh tuyệt vời thông qua những đứa con của mình. Tuy nhiên điều đó đòi hỏi rất nhiều thời gian và chi phí. Không may cho Kojima khi mà thời điểm đó, Konami lại rất thành công với những tựa game đơn giản, ít được đầu tư mà nổi bật nhất chính là Dragon Collection và Sengoku Collection. Chính vì điều này mà các lãnh đạo của công ty game Nhật Bản tin rằng họ chẳng cần phải tốn kém để tạo ra các siêu phẩm làm gì trong khi chỉ cần tạo ra các tựa game kiểu gacha là đã đủ hốt bạc.
Đỉnh điểm của sự bất đồng này chính là việc Konami cắt chức giám đốc điều hành của Kojima. Quá đáng hơn, sau khi Kojima rời công ty, Konami đã xóa tên của ông trong credit của Metal Gear Solid V,Phantom Pain và cả The Legacy Collection. Tệ hơn nữa, gã tài phiệt Nhật này còn không cho Kojima đến nhận giải thưởng The Game Awards 2015 dành cho tựa game mà chính ông tạo nên.
Rõ ràng là sự cống hiến 30 năm của Hideo Kojima trong mắt những kẻ hám tiền ở Konami chỉ là bong bóng xà phòng: phủi nhẹ là tan biến. Chính vì sự bội bạc đó mà Kojima đã quyết định đầu quân cho đối thủ khác của Konami là Sony.

Chuyển mình thành một công ty tư bản bóc lột
Sau sự rời đi đầy ồn ào của cựu giám đốc điều hành, Konami liên tục bị bóc phốt bởi chính những nhân viên cũ của mình. Từ chuyện môi trường làm việc tồi tệ cho đến chính sách bạc đãi nhân tài. Thật khó có thể tưởng tượng một công ty lớn với doanh thu cả triệu đô như Konami lại không trả tiền bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên. Và bất ngờ hơn khi các nhân viên của Konami chỉ có 2 phương thức liên lạc duy nhất trong công ty là email và…miệng. Có lẽ các sếp ở đây rất sợ bị nhân viên lập group nói xấu thì phải? Bên cạnh việc bị giám sát bới hệ thống camera dày đặc, các nhân viên làm việc không hiệu quả ở công ty bên cạnh công việc chính của mình sẽ kiêm luôn các vị trí cấp thấp như tạp vụ hay bảo vệ. Thậm chí họ còn biến cả những lập trình viên của mình thành nhân viên sản xuất máy đánh bạc cho công ty.
Với những nhân viên rời khỏi Konami, đừng nghĩ như vậy là xong. Công ty này sẽ cho họ vào danh sách đen và gửi nó đến những công ty khác như một cách bôi xấu và chặn đứng cơ hội tìm việc đối với người cũ của mình. Đúng là đã xấu còn hay đóng vai ác!
Từng bước trở thành công ty hút máu chuyên nghiệp
Quay trở lại với hoạt động sản xuất game của mình, sau khi nhận thấy khoản lợi khủng từ các tựa game đơn giản ít đầu tư, Konami đã bắt tay đẩy mạnh việc sản xuất các tựa game dành cho máy đánh bạc của Nhật Bản gọi là Pachinko. Thậm chí kính khủng hơn, Konami còn biến những tên tuổi của mình như Castlevania hay Silent Hill trở thành công cụ để tăng sức hấp dẫn cho Pachinko, thậm chí họ còn không ngần ngại thêm vào những cảnh khoe thân trơ trẽn với mục đích thu hút thêm nhiều người chơi.

Chưa cảm thấy hài lòng với doanh thu thông qua hoạt động kinh doanh đánh bạc, Konami còn tích cực hút máu thông qua các nội dung trong trò chơi điện tử. Nếu chỉ đơn thuần hút máu bằng các bộ trang phục, battle pass hay vòng quay gacha thì chẳng nói làm gì bởi nhà phát hành nào cũng làm thế cả. Thế nhưng Konami còn quá đáng đến mức bán cả slot save game đấy bạn có tin được không? Cụ thể là Metal Gear Survive còn bán cả slot save game với giá 10 Đô La Mỹ, bạn không nghe nhầm đâu, hơn 200K chỉ để dành cho một chỗ save game thôi đấy.
Đặt dấu chấm hết cho những huyền thoại
Ngay sau sự rời đi của Kojima, Konami đã gây bất ngờ với cộng đồng game thủ khi tuyên bố hủy bỏ phát triển Silent Hills, mặc kệ cho việc nó đã có một buổi giới thiệu hoành tráng và tạo nên cơn sốt ngay từ bản demo
Với những tựa game may mắn được phát triển thì cũng không hẳn là may mắn. Đầu tiên phải kể đến Metal Gear, sau phần game cuối cùng do chính Kojima sản xuất: Metal Gear Solid V: The Phantom Pain, tựa game này hoàn toàn mất tích 3 năm sau đó. Năm 2018, Konami bất ngờ cho ra mắt Metal Gear Survive. Ngoài vụ bán slot save game, game thủ còn bức xúc khi dòng game của họ bỗng trở thành một thứ nửa nạc nửa mỡ, nhân vật chính huyền thoại thì bị giết bởi một lũ zombie chưa từng xuất hiện trong game, thay thế là một nhân vật hoàn toàn mới và yếu đuối đến khó tả.

Tuy nhiên ít ra thì Metal Gear cũng chưa bạc phước như Contra hay Bomberman khi nó sở hữu được một nền đồ họa đỉnh cao. Về phần Contra, game thủ đã sốc nặng khi chứng kiến một Contra Rogue Corps được phát hành trên console, pc và xbox nhưng đồ họa còn thua xa cả mấy con game mobile hiện nay. Nếu có thể an ủi cho Contra thì ít nhất là nó còn giữ được cái tên huyền thoại của mình chứ không như Bomberman. Trò chơi này không chỉ bị Konami đổi tên thành Bombergirl mà thậm chí cả những nhân vật quen thuộc của trò chơi cũng bị thay thế bởi những cô nàng nữ sinh Nhật Bản để thu hút mấy ông wibu.
Và gần đây nhất, Konami đã tạo nên một cơn địa chấn trong giới game thủ khi tuyên bố kết thúc tựa game tên tuổi cuối cùng của mình: PES. Cụ thể là vào tháng 7 vừa rồi, Konami chính thức khai tử dòng game đá bóng con cưng của mình và đổi tên nó thành eFootball. Rất nhiều hứa hẹn mỹ miều đã được đưa ra bởi Konami như đây là một tựa game miễn phí vĩnh viễn, không Pay to win như FIFA, phát hành dưới dạng Digital trên mọi nền tảng, đồ họa được xây dựng dựa trên công nghệ mới nhất là Unreal Engine 4. Thậm chí nhà sản xuất của PES là Seitaro Kimura còn tuyên bố họ sẽ chỉ tạo ra một phiên bản eFootball duy nhất và các bản cập nhật cũng sẽ hoàn toàn miễn phí.

Với quá nhiều hứa hẹn như vậy, tất nhiên eFootball đã ngay lập tức thu hút sự chú ý không chỉ từ các fan của PES mà là cả cộng đồng game thủ nói chung. Nhưng hi vọng nhiều thì thất vọng nhiều, ngay sau khi ra mắt, trò chơi này đã phải nhận cơn mưa gạch đá từ cộng đồng: cầu thủ thì thiếu chân thực, gameplay nghèo nàn và đặc biệt là quá nhiều lỗi. Rất nhiều fan trung thành của PES đã tuyên bố họ sẽ chuyển sang FIFA chứ không thể chấp nhận việc thần tượng của mình trông như mới “chơi đồ” trước khi ra sân vậy.
Tạm kết
Có lẽ đã tới lúc các fan chân chân chính của PES, Contra hay Metal Gear phải cất poster vào một góc để lưu giữ những kỉ niệm cuối cùng còn sót lại về một Konami tuyệt vời ngày xưa. Trước khi nó chính thức tàn lụi vào một ngày có lẽ là không còn xa. Kỉ niệm đáng nhớ nhất về Konami ngày xưa của bạn là gì? Chia sẻ nó với Sforum ở phần comment nhé. Tạm biệt!

Bình luận (0)