Liệu Sony có thể "hồi sinh" Concord như 4 tựa game từng một thời thảm họa sau đây?


Ngày mai 6/9/2024, Concord sẽ bị Sony đóng cửa để "suy xét hướng đi mới". Rất có thể đội ngũ lãnh đạo Sony tin rằng trò chơi này còn có thể được cứu vãn sau khi xem xét 4 trường hợp trở về từ cõi chết sau đây.
Trong quá khứ, đã có nhiều tựa game ra mắt như thảm họa nhưng lại thành công vùng dậy nhờ nỗ lực của đội ngũ phát triển. Bốn cái tên được Sforum nhắc đến sau đây rất có thể là nguồn động lực khiến Sony tin rằng họ còn có thể cứu vớt Concord, tựa game vừa "speedrun" xong vòng đời của nó chỉ sau 2 tuần.
Xem thêm: "Siêu phẩm" Concord đóng cửa sau 2 tuần ra mắt

No Man's Sky
Trước khi ra mắt vào tháng 8/2016, No Man's Sky được đông đảo game thủ thế giới đặt rất nhiều kỳ vọng sau những lời hứa có cánh của nhà phát triển Hello Games. Họ kỳ vọng Hello Games sẽ tung ra một siêu phẩm của thể loại khám phá không gian, nơi các phi công có thể tự do khám phá 18 tỉ tỉ hành tinh, với địa hình và hệ sinh thái hoàn toàn khác biệt. Nó được xây dựng dựa trên nguồn cảm hứng về khám phá không gian trong những tác phẩm viễn tưởng của những thập niên 70 và 80, khiến fan của thể loại này hết sức mong đợi.
Tuy nhiên khi game chính thức ra mắt thì game thủ nhận ra rằng mình đã bị "úp sọt", bởi trò chơi hoàn toàn không giống gì so với trí tưởng tượng của game thủ lẫn những lời hứa của nhà phát triển. Dù bản thân trò chơi có những ưu điểm nhất định về kỹ thuật, nhiều tính năng được hứa hẹn đã không xuất hiện trong No Man's Sky. Game thủ càng tức giận khi Hello Games im hơi lặng tiếng trong suốt nhiều tháng trời sau đó, khiến họ cảm thấy đã bị lừa.
Thế nhưng nhà phát triển Hello Games đã sửa sai và trong suốt 8 năm qua, hàng chục bản update lớn nhỏ khác nhau đã lần lượt ra mắt, tất cả đều miễn phí. Đến lúc này, chúng ta có thể nói rằng No Man's Sky đã vượt qua những gì đội ngũ phát triển hứa hẹn ban đầu, cho Starfield "hít khói" nhiều năm ánh sáng và thậm chí sẽ càng đi xa hơn khi các phiên bản mới được tung ra. Nó được xem là ví dụ điển hình nhất của một tựa game đứng dậy sau vấp ngã.

Liệu Concord có làm được điều này? Nếu Sony muốn vung thêm tiền, hẳn vẫn còn có hi vọng cho nó trong tương lai. Nhưng cũng phải nói rằng No Man's Sky có một ưu điểm lớn là không có đối thủ cạnh tranh nào ngoài EVE, và được yêu thích từ khi chưa ra mắt. Còn Concord chỉ có… tai tiếng trước ngày phát hành, chưa kể đến sự tồn tại của hàng loạt kẻ địch đáng gờm, từ Overwatch 2, VALORANT, và sắp tới là cả Deadlock do Valve phát triển.
For Honor
Đây là một tựa game đến từ Ubisoft, và có giai đoạn ra mắt thuộc hàng bi kịch nhưn đã "lột xác" để trở nên chất lượng hơn rất nhiều. Game thủ của nó yêu thích những trận đọ sức bằng vũ khí lạnh không chỉ đòi hỏi phản xạ mà còn đầy cân não, giữa các chiến binh mạnh mẽ đến từ nhiều nền văn minh khác nhau. Đây là trò chơi mà bạn có thể thấy hiệp sĩ Thập Tự Chinh choảng nhau với Samurai, hay Viking đấu với sát thủ và những cặp đấu khó ngờ khác.
Tuy nhiên vấn đề của For Honor ngày ra mắt là sự chênh lệch về sức mạnh – một số nhân vật cực kỳ mạnh mẽ trong khi số khác chiến đấu như thể họ là tàn tật. Các chế độ chơi cũng không đem lại sự cân bằng cần thiết, chỉ số của trang bị không hợp lý, và lượng tiền ảo cực kỳ keo kiệt mà Ubisoft "thưởng" cho game thủ dù thắng hay thua. Game thủ phản ứng mạnh mẽ với những vấn đề này và khiến Ubisoft hứa hẹn khắc phục.

May mắn là sau từng mùa, từng bản update, đội ngũ phát triển đã ghi nhận phản hồi của cộng đồng và bắt đầu cải thiện game một cách mạnh mẽ. Vào thời điểm này – 7 năm sau ngày ra mắt – For Honor vẫn đang sống khỏe và được sự yêu thích của một cộng đồng game thủ trung thành. Dù đã qua thời hoàng kim, For Honor vẫn đang có khoảng gần 4,000 game thủ đăng nhập mỗi ngày, thứ mà Concord có nằm mơ cũng không thấy được.
Xem thêm: Top 5 game mới, đáng mong đợi nhất trên PC trong tháng 9
Rainbow Six Siege
Dù cũng thuộc về Ubisoft nhưng tình hình của Rainbow Six Siege khác hơn một chút so với For Honor. Vào thời điểm trò chơi này ra mắt thì "Rainbow Six" đồng nghĩa với thể loại bắn súng chiến thuật, nơi game thủ và đồng đội đọ súng với những băng đảng khủng bố hay tội phạm tại những địa điểm quan trọng. Hai phiên bản trước đó là Rainbow Six Vegas và Vegas 2 đã có được những thành công rực rỡ, nên khi Ubisoft công bố hủy bản Patriot và phát triển Siege làm game multiplayer, các fan của series khóc ngất trên bàn phím của mình.
Công bằng mà nói, Rainbow Six Siege có những ý tưởng rất sáng tạo vào thời điểm đó và vẫn là một trong số ít game làm được chúng hiện tại. Ví dụ gameplay tập trung mạnh mẽ vào yếu tố do thám và thông tin, khả năng phá hủy bản đồ hay tạo ra những chướng ngại vật mới,… Vậy nên dù nó được bán với giá 20 USD, vẫn có không ít game thủ yêu thích trò chơi và kiên trì bám trụ mặc cho hàng loạt tai tiếng lớn nhỏ, bao gồm cả một màn tự kiểm duyệt để phù hợp với thị trường Trung Quốc.

Đến thời điểm này, Sforum có thể tự tin nói rằng Rainbow Six Siege đã trở thành một trong những cột trụ về doanh thu của Ubisoft. Họ đã tổ chức một giải eSports riêng cho game, và ngay lúc Sforum viết bài này thì có khoảng 40,000 game thủ đang online cùng lúc. Nó thậm chí còn có một tựa game spin-off của riêng mình mang tên Rainbow Six Extraction, được phát triển dựa trên một mode tạm thời khá được yêu thích. Dù không hoàn toàn tương đồng với Concord, nhưng chúng ta cũng có thể xem đây là một đối thủ mà Sony phải dè chừng nếu có ý định mang Concord quay lại làng game.
Final Fantasy XIV
Trong năm 2024 này thì khi nhắc đến FF14, chúng ta nghĩ ngay đến tựa game online top đầu thế giới, là đối trọng của World of Warcraf và nhận được sự yêu thích mãnh liệt của game thủ. Nhưng khi mới ra mắt hồi năm 2010 thì tình trạng của nó lại rất bi đát: sau 5 năm phát triển, chỉ có đồ họa và âm nhạc của Final Fantasy XIV là được khen ngợi, còn lối chơi, giao diện – những thứ quan trọng nhất của một tựa game online – đều bị "tổng xỉ vả".
Những lời chỉ trích nặng nề này khiến Square Enix phải ngừng thu phí hàng tháng, hoãn phiên bản Play Station 3 vô thời hạn, và thậm chí là đổi luôn cả lãnh đạo nhóm phát triển. Họ đưa Naoki Yoshida (nổi tiếng với series Dragon Quest) lên lãnh đạo đội ngũ phát triển và ông bắt tay vào thực hiện những cải tiến nhỏ cho gameplay. Tuy nhiên "trừ khi làm lại hoàn toàn hệ thống giao diện, chiến đấu, cơ chế tương tác giữa game thủ, tiến bộ nhân vật, và thế giới, thì Final Fantasy XIV rất khó để trở nên hấp dẫn" là những gì được đánh giá về tựa game này. Hay nói cách khác là Square Enix phải… đập đi xây lại game.
Và họ làm vậy thật. Sau 2 năm tồn tại, Final Fantasy XIV đóng server bằng một màn hủy diệt thế giới hoành tráng vào nửa cuối 2012, nhường chỗ cho phiên bản mới A Realm Reborn ra mắt năm 2013. Kể từ đó đến nay, hơn một thập kỷ đã trôi qua và Final Fantasy XIV tiếp tục là một tựa game hàng đầu của Square Enix – trong báo cáo tài chính họ tung ra hồi tháng 2/2024, Final Fantasy XIV cùng Dragon Quest X đã mang về cho hãng khoảng 34.8 tỉ yên.

Khi nhìn vào thành công của Final Fantasy XIV, Sforum nghĩ rằng rất có thể Sony cũng đang mong muốn làm cho Concord "hồi sinh" theo phương thức tương tự. Sau khi đóng cửa server Concord vào ngày mai 6/9/2024, Sony sẽ xem xét hướng đi mới cho trò chơi – có thể họ sẽ tiếp tục đổ thêm tiền vào đó để khiến trò chơi "lột xác", thay vì vứt bỏ số tiền hơn 200 triệu USD mà họ đã bỏ ra để tạo ra Concord. Chỉ mong rằng họ sẽ tìm được một đội ngũ phát triển tốt hơn!
Xem thêm: Riot tăng mạnh giá nạp Liên Minh Huyền Thoại tại Việt Nam
Dù Sony có thành công cứu vãn Concord, biến nó thành một tựa game đáng chơi hay không thì bạn vẫn cần một dàn gaming PC tốt để có thể chiến những tựa game hấp dẫn bên trên:
[Product_Listing categoryid="934" propertyid="" customlink="https://cellphones.com.vn/may-tinh-de-ban/pc-gaming.html" title="Danh sách PC Gaming đang được quan tâm nhiều tại CellphoneS"]

Bình luận (0)