Trang chủThị trường
Sai lầm lớn nhất trong chiến lược của Google: Đối đầu trực tiếp với Apple
Sai lầm lớn nhất trong chiến lược của Google: Đối đầu trực tiếp với Apple

Sai lầm lớn nhất trong chiến lược của Google: Đối đầu trực tiếp với Apple

Sai lầm lớn nhất trong chiến lược của Google: Đối đầu trực tiếp với Apple

An Đông Nghệ
04:20 ngày 26/10/2019
gg news

Kể từ khi ra mắt điện thoại Pixel đầu tiên, chiến lược của Google là giành lấy người dùng từ thay Apple. Tuy nhiên mục tiêu này có vẻ quá xa khi mà trong giới Android, Google vẫn chưa thực sự nổi bật.

Google và tham vọng 'cướp' người dùng từ tay Apple

Google Pixel thế hệ đầu tiên được ra đời mang theo tham vọng của Google trong thị trường di động là khiến càng nhiều người dùng iPhone chuyển sang dùng smartphone của họ càng tốt. Dòng Pixel ngầm được Google định vị là những chiếc iPhone trong làng smartphone Android. Càng về sau, Google Pixel càng thể hiện rõ hướng đi này khi mà Google chọn cách đối đầu 1:1 với Apple.

Google và Pixel và iPhone đều có điểm chung là những chiếc điện thoại không chạy theo cuộc đua cấu hình. Dù nằm trong phân khúc flagship cao cấp nhưng Pixel và iPhone đều có dung lượng pin khá thấp, dung lượng RAM và bộ nhớ trong hoàn toàn bị lấn át nếu so sánh với các tên tuổi khác trong cùng thị trường.

Có thể kế đến chiếc Pixel 4 vừa ra mắt, chỉ được trang bị RAM 6GB và dung lượng lưu trữ ở mức cơ bản là 64GB, con số này gần như là quá thấp ở một chiếc điện thoại Android cao cấp thời điểm hiện tại, thậm chí nhiều thiết bị tầm trung cũng dễ dàng vượt qua những thông số kỹ thuật như vậy. Rõ ràng, Pixel đang mang hơi hướng của những chiếc 'iPhone chạy Android'.

Bên cạnh đó, với 2 thế hệ Pixel mới nhất, Google đang cho thấy thiết kế smartphone của mình dần bị “Apple hóa” khi mà Pixel 3 hay Pixel 4 đều chạy theo những gì mà Apple vạch ra trước. Trong khi Google Pixel 3 XL gây tranh cãi khi mang thiết kế “tai trâu”, đương nhiên là “hơn”... nhưng chỉ là kích thước so với “tai thỏ” của iPhone X. Mới đây, Pixel 4 cũng gây thất vọng khi được cho là “ăn theo” cụm camera vuông trên iPhone 11.

Ngoài ra, về dịch vụ phần mềm, cả hai nhà sản xuất này cũng “ăn miếng trả miếng” với nhau khi đồng loạt phát triển các tính năng và dịch vụ “trùng hợp” đến kinh ngạc, có thể kể tới như hệ thống điều hướng bằng cử chỉ, tính năng AR nâng cao, phát triển các ứng dụng di động trên máy tính và xa hơn là đồng bộ hoàn toàn điện thoại và máy tính.

Từ những dẫn chứng trên đây, có thể thấy rằng Google đang nuôi tham vọng giành lấy người dùng trực tiếp từ tay Apple chứ không phải các nhà sản xuất Android khác. Chọn chiến lược đối đầu 1:1 với nhà Táo sẽ giúp Google dễ dàng giành lấy chỗ đứng cao trong làng công nghệ, song điều này chưa bao giờ là đơn giản...

Cái kết của Google: 'Trèo cao thì ngã đau'

Trải qua hơn 3 năm kể từ khi ra mắt chiếc Pixel đầu tiên, sẽ thật buồn khi nói đến “thành quả” mà Google đang nhận được so với mục tiêu đặt ra ngay từ đầu. Không “tự lượng sức mình” khi chọn đối đầu với một đối thủ quá mạnh, Google đang phải trả giá cho những gì mình đã làm.

Công bằng mà nói, chất lượng của iPhone gần như vượt trội hoàn toàn so với toàn bộ nên công nghiệp smartphone chứ không so sánh riêng với Google Pixel, chính điều này đã hoàn toàn đánh đổ tham vọng của Google. iPhone thực sự đã cung cấp cho người dùng một trải nghiệm tốt về tổng thể chứ không phải chỉ là những con số trên giấy tờ.

Không cần RAM khủng, chẳng cần pin dung lượng cao, những chiếc điện thoại từ nhà Táo vẫn hoàn toàn có thể giải quyết hoàn toàn những nhu cầu sử dụng từ cơ bản đến các nhiệm vụ khó nhằn nhất. Đó chính xác là lý do tại sao chúng sẽ không nghe thấy Apple đề cập đến dung lượng RAM cụ thể hoặc dung lượng pin trong các sự kiện ra mắt iPhone mới.

Những gì Apple công bố là “Đây là chiếc iPhone nhanh nhất mà chúng tôi từng tạo ra” hay “Chiếc iPhone này sẽ cung cấp cho bạn thời lượng pin cho cả ngày dài sử dụng”. Chính những điều này đã tạo ra một Apple gần như bất bại ở thị trường smartphone cao cấp, tạo ra một bức tường chắn vững chãi mà Google khó mà xô đổ được.

Về phía Google thì sao, tham vọng muốn chứng minh cho cả thế giới thấy rằng mình có thể làm được những gì Apple đang làm, thậm chí là tốt hơn khiến gã khổng lồ này ngày càng trở nên nhàm chán, không có nhiều điều để mong đợi. Từ Google Pixel 3 đến thế hệ Pixel 4, những gì mà chúng ta mong đợi ở Google gần như là không có, ngoại trừ camera.

Thậm chí Google còn không nhận ra rằng vị thế của mình hiện tại chẳng thể so sánh với Apple ở thị trường smartphone được. Apple làm tai thỏ, Apple hot, Apple làm camera vuông, Apple cũng hot. Thậm chí dù dung lượng pin thấp thì những bài test so sánh thời lượng pin với đối thủ cũng làm iPhone được chú ý nhiều. Còn Google Pixel, sức nóng của cái tên này chưa đủ để thu hút nhiều sự quan tâm như vậy.

Ngay cả trong thị trường Android Phone, Google cũng không phải là một cái tên thực sự nổi bật. Không có sức nóng ở mỗi sự kiện ra mắt, cũng không được xướng tên trong “bảng vàng” doanh số bán, có thể thấy, khi chưa thể thống lĩnh Android, Google đã vội vàng tấn công Apple và đây chính là cái giá mà họ phải trả.

Đã đến lúc Google cần thay đổi chiến lược

Google cần một sự tỉnh táo trong việc quyết định và đưa ra chiến lược hành động của mình. Người dùng không hề cần một Apple thứ 2 trong giới Android, họ cần một Google đúng nghĩa có thể đánh đổ Apple. Do đó, việc mà Google cần phải làm không phải là làm tốt hơn những thứ mà Apple đang làm mà phải làm được những gì Apple chưa nghĩ đến hoặc không thể làm.


Hơn nữa, để dễ dàng hơn trong việc chiến thắng Apple, ít nhất thì Google cũng phải là “con cọp” trong làng smartphone Android trước đã, kẻo “lỡ” có vượt mặt được Apple thì Google cũng không bị kiệt sức và rồi bị các anh em Android cùng nhà đè bẹp. Đến lúc cần cảnh tỉnh rồi Google ơi!
avatar An Đông Nghệ
QTV
An Đông NghệBài đã đăng: 515