Tại sao tắt và khởi động lại router Wi-Fi chữa được "bách bệnh" liên quan tới kết nối?


Trong quá trình sử dụng internet, bắt Wi-Fi tại nhà, cơ quan,… chắc hẳn chúng ta đã từng gặp phải tình trạng nghẽn mạng, mất kết nối với internet mặt dù thanh kí hiệu sóng Wi-Fi vẫn “full” sóng. Từ lâu, mọi người đã truyền tai nhau về việc tắt router Wi-Fi và chờ đợi một khoảng thời gian ngắn rồi khởi động lại là sẽ tiếp tục truy cập được vào mạng internet. Sự thật là như thế và đó cũng là cách để giải quyết vấn đề. Thế nhưng ít ai biết rằng tại sao việc khởi động lại router Wi-Fi lại giải quyết được nhiều vấn đề như vậy.
[caption id='attachment_701857' align='aligncenter' width='1140']

Router Wi-Fi hoạt động như một “máy tính thu nhỏ”
Có thể khó tin nhưng bên trong router Wi-Fi có thể được gọi là một “máy tính thu nhỏ” vì phía bên trong lớp vỏ của nó là bộ CPU, bộ nhớ và bộ lưu trữ cục bộ, tất cả điều chạy chung trên một nền tảng. Giống như những chiếc máy tính thông thường và các món đồ điện tử khác, router Wi-Fi đôi khi cũng gặp những vấn đề trục trặc. Một trong số những lỗi thường gặp trên router Wi-Fi ảnh hưởng tới quá trình kết nối mạng chính là rò rỉ bộ nhớ, CPU quá nóng hoặc một nguyên nhân nào đó về nguồn điện ảnh hưởng tới cả router.
Để trả lời cho câu hỏi tại sao sau khi tắt router Wi-Fi, chúng ta phải đợi một khoảng thời gian ngắn rồi mới khởi động lại thì hãy cùng nhau đi vào chi tiết cấu tạo bên trong router. Thông thường, các thiết bị điện tử nói chung và router Wi-Fi nói riêng đều có sử dụng tụ điện, đây cơ bản là những viên pin dung lượng cực thấp để giúp cho hệ thống hoạt động thêm vài giây trước khi “tắt ngủm”. Đó là lý do tại sao đôi khi chúng ta ngắt kết nối nguồn điện khỏi các thiết bị điện nhưng vẫn thấy đèn báo nguồn nhấp nháy trong vài giây trước khi tắt hoàn toàn.
Có cần thiết phải chờ đợi hàng chục giây trước khi khởi động lại router Wi-Fi không?
Có thể nói, việc ngắt kết nối router Wi-Fi với nguồn điện và đợi trong khoảng vài chục giây sẽ giúp cho tụ điện được xả hết năng lượng và mọi thông tin bên trong bộ nhớ sẽ bị xóa. Điều này đảm bảo rằng router Wi-Fi đang gặp vấn đề sẽ được khởi động lại hoàn toàn, điều này bao gồm cả những vấn đề khiến cho việc kết nối với internet của người dùng gặp trục trặc. Đó chính là lý giải cho việc mọi người truyền tai nhau về khởi động lại router Wi-Fi sẽ giải quyết mọi vấn đề.
[caption id='attachment_701859' align='aligncenter' width='1200']

Thế nhưng trên thực tế, chúng ta có cần phải chờ đợi hàng chục giây trước khi khởi động lại hay không? Câu trả lời còn tùy thuộc vào lý do khiến cho router Wi-Fi gặp vấn đề về kết nối. Có rất nhiều lý do khiến cho chúng ta lâm vào tình huống khó chịu như vậy nhưng không phải lúc nào cũng cần phải chờ hàng chục giây trước khi khởi động lại. Tuy nhiên, một người dùng thông thường sẽ khó lòng biết được bộ định tuyến đang gặp vấn đề gì, hư hỏng ở đâu và có cần thiết phải chờ đợi để khởi động hay không. Thế nên tốt nhất, chúng ta cứ chờ đợi cho tụ điện xả năng lượng trước khi khởi động để giải quyết vấn đề.
Các lỗi có thể khắc phục nhanh bằng cách reset router Wi-Fi
Giống như bất kỳ các thiết bị điện tử nào khác, router Wi-Fi cũng có thể gặp những vấn đề đơn thuần khiến chúng không hoạt động bình thường. Một số các sự cố liên quan tới router Wi-Fi thường gặp và xử lý bằng cách reset sẽ được liệt kê dưới đây:
Xung đột địa chỉ IP
Thông thường, bộ định tuyến hay còn gọi là router sẽ quản lý cả địa chỉ IP riêng tư và công cộng nên đôi khi sẽ bị xung đột. Nếu hai hoặc nhiều thiết bị sử dụng mạng của bạn có cùng địa chỉ IP hoặc khi router không có địa chỉ IP cập nhật thì kết nối có thể sẽ gặp vấn đề. Quay lại vấn đề ngắt kết nối và chờ đợi hàng chục giây trước khi khởi động lại router Wi-Fi sẽ đặt lại các địa chỉ IP và giải quyết được vấn đề này.

Router bị quá nhiệt
Các thiết bị điện tử thường sẽ hoạt động không ổn định khi bị quá nhiệt và router Wi-Fi cũng không phải là ngoại lệ. Nếu cảm thấy router Wi-Fi đang trong tình trạng quá nhiệt thì ngay lập tức hãy ngắt kết nối thiết bị với nguồn điện. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, một trong số đó có thể là bụi bẩn lâu ngày che khuất lỗ thông hơi khiến quá trình tản nhiệt của thiết bị gặp khó khăn. Chính vì vậy mà chúng ta nên có kế hoạch vệ sinh router Wi-Fi định kỳ để thiết bị hoạt động ổn định.
Hãy cố gắng chờ cho bộ định tuyến bớt quá nóng và sau đó chúng ta sẽ bật và sử dụng lại. Nên để router Wi-Fi ở một vị trí thoáng mát, tránh ẩm và không thoáng khí.
Rớt mạng
Mạng rớt khiến cho tín hiệu Wi-Fi bị ảnh hưởng, dấu hiệu dễ thấy nhất để nhận biết vấn đề này là đèn báo cáp modem nháy liên tục. Để giải quyết tình trạng này, chúng ta nên thay bộ chuyển đổi trong trường hợp dùng chung với đường dây điện thoại cố định. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể sử dụng bộ splitter 2 chiều để gia tăng kết nối và sự ổn định cho hệ thống mạng.

Một cách đơn giản hơn, chúng ta nên ngắt kết nối Wi-Fi của thiết bị di động, máy tính,… và sau đó bật lại để kết nối lại với Wi-Fi để giải quyết vấn đề.
Router Wi-Fi bị tắt đột ngột
Router phải hoạt động liên tục trong nhiều ngày có thể dẫn tới việc hỏng hóc gây ra tình trang tắt đột ngột ở thiết bị. Chúng ta nên đặt router một nơi thoáng mát, kèm theo đó kiểm tra để đảm bảo các lỗ thông hơi trên chúng không bị bụi bẩn hay dị vật che khuất. Rút ổ cắm nguồn của router để một lúc sau cắm lại.
Trên thị trường hiện tại có rất nhiều loại router đời mới cho phép chúng ta có thể tùy chỉnh thiết bị tự động tắt hoặc về chế độ nghỉ khi không sử dụng tới. Giải pháp này hoàn toàn có thể sử dụng thay thế cho thiết bị cũ.
Tín hiệu Wi-Fi bị yếu và dễ mất kết nối
Nếu đặt bộ phát Wi-Fi ở vị trí tầng trệt và di chuyển lên những tầng cao hơn hoặc vào phòng có nhiều vách ngăn, sóng Wi-Fi sẽ bị yếu đi rõ rệt. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta cần kiểm tra và điều chỉn ăng ten của router. Ngoài ra, để giúp sóng được truyền đi ổn định và mạnh hơn, hãy nghĩ ngay tới việc trang bị thêm bộ kích sóng Wi-Fi cho các khu vực cách xa router hay bị nhiều vật cản che chắn.

Nâng cấp firmware cho router
Firmware cho router là hệ điều hành mà một nhà sản xuất thiết kế cho một dòng router riêng biệt. Việc nâng cấp firmware cho router sẽ giúp khắc phục được nhiều lỗi mà phiên bản firmware hiện tại đang mắc phải. Đồng thời sẽ cập nhật thêm các tính năng mới cũng như nâng cao hiệu suất hoạt động của router tổng, hỗ trợ cải thiện tốc độ cũng như đường truyền của router.
Kết luận
Nếu tất cả các vấn đề trên đã được thực hiện nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề kết nối và sự ổn định của mạng internet, chúng ta nên nghĩ tới việc thay thế hoặc nâng cấp lên một bộ định tuyến mới hơn. Giống như những thiết bị điện tử khác, chúng điều có tuổi thọ hoạt động và đôi khi sẽ gặp những hư hỏng dù chưa tới “tuổi”. Chính vì vậy nên chúng ta cần phải thay thế một bộ router Wi-Fi mới để giải quyết mọi vấn đề trên và lúc đó, chúng ta cũng chẳng cần phải ngắt kết nối dòng điện với router và chờ đợi để khởi động lại nữa.
- Xem thêm bài viết chuyên mục Khám phá

Bình luận (0)