Tất tần tật về cơ hoạt động, cơ chế và khả năng gõ phím của bàn phím cơ


Vậy thực chất bên trong chiếc bàn phím cơ hoạt động như thế nào? Và làm thế nào nó có thể nâng cao khả năng gõ phím và trải nghiệm gaming của chúng ta? Hãy cùng khám phá trong bài viết dưới đây.
Bàn phím cơ và bàn phím thường có gì khác nhau?
Bàn phím membrane (tạm dịch là “màng”) phổ biến hơn và rẻ hơn, hoạt động nhờ một vòm cao su dưới mỗi phím. Khi bạn nhấn một phím, cao su sẽ bị nén lại và phím tạo ra kết nối điện với bảng mạch của bàn phím. Nó tạo ra cảm giác bấm khá nhợt nhạt và “nhão” – hơi khó mô tả bằng lời, nhưng bất kỳ ai đã bấm thử cả hai loại bàn phím sẽ hiểu cảm giác mà Sforum muốn nhắc tới ở đây.
Bàn phím cơ có cấu tạo rất khác - thay vì cao su, chúng có một công tắc (switch) được tạo thành từ nhiều linh kiện nằm dưới phím giúp kết nối được thông suốt. Không phải ngẫu nhiên mà những người kiếm ăn bằng bàn phím yêu thích loại này: nó có tác động rất lớn đến cách gõ phím, và thực sự “gây sướng” cho người dùng.

Bàn phím cơ có cấu tạo như thế nào?
Về nguyên tắc, công tắc bàn phím là một thiết bị đơn giản. Nó bao gồm một trụ gắn vào keycap (nút bấm mà bạn trực tiếp tiếp xúc khi gõ), được giữ bởi một lò xo. Khi bạn ấn keycap xuống, trụ này sẽ được đẩy xuống, cho phép hai điểm tiếp xúc điện chạm vào nhau, tạo ra tín hiệu điện báo cho máy tính biết rằng bạn đã bấm nút.
Đây chính là điều tạo ra sự khác biệt về cảm giác bấm giữa bàn phím membrane và mechanical. Bởi vì mỗi phím cơ đều được điều khiển bởi một lò xo, bạn sẽ có được sự đồng bộ giữa tất cả các phím với lực ấn bằng nhau. Bạn không bao giờ cần phải dự đoán xem liệu cú ấn phím của mình có “ăn” hay chưa.
Ngoài loại công tắc tuyến tính (linear) chỉ phát ra âm thanh khi keycap chạm đáy (bottom out),còn có những công tắc khác được thiết kế để người dùng dễ xác nhận cú ấn phím hơn nữa. Chúng bao gồm switch tạo cảm giác phản hồi (tactile), phát ra âm thanh giữa hành trình phím (clicky), hoặc vừa có cảm giác vừa có âm thanh (tactile clicky).
Hiện tại, thương hiệu sản xuất switch cho bàn phím cơ được ưa chuộng nhất thế giới là Cherry của Đức, với nhiều loại như red (linear), blue (tactile clicky), brown (tactile). Nhiều hãng Trung Quốc đã làm nhái các mẫu switch của Cherry và sử dụng trong các bàn phím cơ giá rẻ của họ, chẳng hạn như Kailh (và được Razer chọn dùng).
Ngoài ra thì còn có một vài loại switch cơ khác nữa. Có thể kể đến switch Topre “hàng khủng” với thiết kế hoàn toàn khác biết và được ưa chuộng bởi một lượng người dùng không nhỏ. Một vài loại switch mới được phát triển gần đây sử dụng từ trường cho phép thay đổi điểm kích hoạt (actuation point), switch low profile được thiết kế cho các laptop, switch quang học với cấu tạo tương tự nhưng lại kích hoạt bằng ánh sáng, giúp giảm thiểu tiếp xúc từ đó gia tăng độ bền,…
Nhưng dù là loại công tắc nào thì tác dụng của chúng cơ bản là giống nhau: bàn phím cơ giúp bạn gõ nhanh hơn bằng cách ghi nhận cú ấn phím chính xác hơn.
Bàn phím cơ có những size nào?
Không như bàn phím membrane thường khá ít size, bàn phím cơ có rất nhiều kích cỡ để game thủ lựa chọn. Những ai có diện tích mặt bàn lớn có thể chọn các bàn phím tiêu chuẩn hoặc lớn hơn nữa với đủ phần phím số cộng thêm macro, multimedia,… Game thủ có nhiều gear trên bàn có thể chọn compact (đủ phím nhưng sát nhau, đôi khi còn được gọi là 96%) hoặc tenkeyless, trong khi người thích xê dịch có thể chọn 60% với size nhỏ gọn, phù hợp để nhét vào ba lô và lên đường.
Mỗi kích thước bàn phím lại có các tính năng khác nhau. Cũng có các bàn phím bố cục khác, ít phổ biến hơn là 75%, 65%, 55% và 40%. Khi bàn phím càng thu nhỏ lại, bàn phím số, cụm phím home chính, hàng chức năng, các phím mũi tên và số sẽ bị loại bỏ. Tùy vào nhu cầu sử dụng và túi tiền, người dùng sẽ phải quyết định chọn kích cỡ bàn phím cơ phù hợp với mình. Tuy nhiên hãy nhớ là không phải lúc nào nhỏ hơn cũng rẻ hơn đâu nhé!
Keycap bàn phím cơ có đáng chú ý không?
Với người mới làm quen thì không cần chú ý đến keycap (tức các phím bấm) – những keycap được lắp sẵn trên bàn phím hoàn toàn đủ đáp ứng nhu cầu của bạn. Nhưng như Sforum từng nhắc tới trong bài viết trước, mua bàn phím cơ có thể chỉ là sự khởi đầu. Các “dân chơi” thứ thiệt đâm đầu vào niềm đam mê hít nhựa bàn phím cơ sẽ nói cho bạn biết rằng keycap lắm khi mắc gấp nhiều lần cái bàn phím bạn vừa mua.
Ban đầu, người chơi bàn phím cơ sẽ hài lòng với việc mua vài bộ phím được in sẵn hàng loạt từ Taobao, thay thế các phím đặc biệt, thường dùng như WSAD, cách, Enter, Esc… Sau đó họ sẽ biết đến keycap doubleshot, loại được tạo thành từ 2 mảnh nhựa với độ bền vượt trội so với keycap in bình thường. Đi sâu hơn, chúng ta sẽ đến với các phím custom với số lượng ít ỏi được mua theo nhóm. Cuối cùng, ở “đáy vực” là các phím artisan được các nghệ nhân thực hiện – mỗi phím bấm có giá từ vài mươi đô đến… vài ngàn đô.
Chất lượng và chất liệu làm keycap cũng đáng được chú ý. Các keycap giá rẻ thường khá mỏng, được làm từ nhựa ABS với mẫu mã đa dạng, nhưng lại kém bền – sau một thời gian sử dụng, bề mặt phím sẽ bóng loáng trông khá lạ. Keycap tốt hơn sẽ được sản xuất bằng nhựa PBT với bề mặt nhám, chống mài mòn và bụi bẩn tốt hơn, chịu được hóa chất,… Tuy nhiên PBT lại giòn hơn ABS, khó đổ khuôn và khó nhuộm màu nên lựa chọn cũng ít hơn.
Ngoài keycap ra thì chúng ta còn có nhiều cách custom bàn phím cơ khác nữa, từ dùng vòng cao su đệm dưới các keycap để giảm hành trình phím cũng như tiếng ồn nó tạo ra cho đến làm hẳn một bàn phím từ A đến Z “không đụng hàng”.
Lời kết
Như vậy, Sforum đã cùng bạn khám phá chi tiết hơn về cấu tạo bàn phím cơ, bao gồm switch và keycap – những thứ tạo ra sự khác biệt giữa nó với bàn phím membrane. Bên dưới bề mặt này, các nhà sản xuất có thể sử dụng các công nghệ phần mềm, phần cứng riêng của mình để tạo ra sự khác biệt, nhưng tựu trung thì “linh hồn” của bàn phím cơ vẫn chỉ nằm trong switch mà thôi.
[Product_Listing categoryid='1005' propertyid=' customlink='https://cellphones.com.vn/phu-kien/chuot-ban-phim-may-tinh/ban-phim/gaming.html' title='Các sản phẩm bàn phím Gaming đang được quan tâm nhiều tại CellphoneS']

Bình luận (0)