Thiết bị nhỏ này có thể giúp người dùng nhắn tin vệ tinh không khác gì đặc vụ Kingsman


Dù công nghệ đã phát triển vượt bậc suốt nhiều thế kỉ qua, nhưng vẫn còn rất nhiều nơi mà bạn phát hiện ra mình không thể truy cập được internet, gọi điện hoặc nhắn tin, đây là một rủi ro thường gặp khi đi leo núi hay vào sâu trong rừng. Đừng hoảng, nếu gặp trường hợp như vậy bạn có thể liên lạc qua vệ tinh ngay bây giờ mà không cần mua thêm một thiết bị cồng kềnh nào cả.
Không có vùng phủ sóng di động? Không sao cả, bất kỳ một chiếc điện thoại thông minh nào cũng có thể nhắn tin qua vệ tinh nếu được hỗ trợ với thiết bị mới này.
Công nghệ kết nối vệ tinh tương lai trên di động
Apple đã gây được sự chú ý với công nghệ SOS vệ tinh của mình, khiến cho những hãng công nghệ khác phải chạy đua để triển công nghệ kết nối khi người dùng đang ở trong điều kiện xấu. Công nghệ kết nối vệ tinh thông qua điện thoại thông minh là một trong những xu hướng công nghệ đã nổi lên rầm rộ vào năm ngoái. Nhiều công ty khác nhau cũng đã công bố và đưa ra các giải pháp liên lạc dựa trên vệ tinh thông qua điện thoại thông minh hoặc các thiết bị di động khác.
Cho tới hiện tại, công nghệ này đã chứng minh tính thực tiễn của mình khi nhiều người đã được cứu sống nhờ tính năng điện thoại vệ tinh. Câu hỏi được đặt ra là liệu mọi người có sẵn sàng trả tiền để sở hữu một thiết bị chuyên biệt hỗ trợ tính năng này? Các công ty công nghệ có muốn nhảy vào để đốt tiền phát triển chúng hay không?
Ngay tại sự kiện MWC 2023, hai gã khổng lồ về chip là Qualcomm và MediaTek đã đưa ra những thông báo có dấu hiệu tích cực đến sự phát triển của công nghệ này. Một số thương hiệu điện thoại cũng đã công bố kế hoạch giúp hỗ trợ tính năng nhắn tin bất chấp việc mất sóng điện thoại trên các mẫu máy trong tương lai.
Có thể nói, ở thời điểm hiện tại đây là một công nghệ có tiềm năng cực lớn nhưng không nhất định phải có. Thậm chí công nghệ này được đánh giá là khó phát triển hơn mạng 5G nên sẽ là một thách thức không hề dễ dàng.
Kết nối vệ tinh đơn giản và nhỏ gọn hơn với Motorola Defy
Trước đây, để sở hữu tính năng này, người dùng phải bỏ ra một số tiền lớn để mua những điện thoại vệ tinh có thiết kế cồng kềnh như bộ đàm với ăng-ten lớn ở cạnh trên. Chúng thậm chí còn thiếu đi những tính năng giải trí đơn thuần của smartphone ngày nay và chỉ được trang bị những tính năng cơ bản của điện thoại phổ thông. Tuy nhiên, với việc công nghệ luôn phát triển thì đến nay chúng ta đã có thể lựa chọn những cách khác, đó là giải pháp đến từ Bullitt Group công ty đứng sau thương hiệu điện thoại siêu bền CAT.
Thiết bị mới này có tên gọi là Motorola Defy, giá công bố 99 đô la (tương đương 2.3 triệu đồng), kết nối bằng Bluetooth và tương thích với bất kỳ thiết bị Android hoặc iOS nào. Nó sẽ cho phép thiết bị di động kết nối với một mạng lưới các vệ tinh địa tĩnh (geostationary satellites). Từ đó, người dùng có thể gửi và nhận tin nhắn văn bản ngắn, chia sẻ vị trí hiện tại và truy cập vào các dịch vụ khẩn cấp ngay cả trong các môi trường mà mạng di động khó tiếp cận.
Mục tiêu của sản phẩm này rõ ràng hướng đến những người dùng yêu thích hoạt động ngoài trời, những người muốn được yên tâm hơn khi đi bộ đường dài trong các cánh rừng, đi câu cá, trượt tuyết hoặc chỉ đơn thuần là khám phá thiên nhiên. Nó cho thấy được sự hữu ích đối với bất kỳ ai sống ở vùng sâu vùng xa hoặc muốn có thêm một phương thức liên lạc dự phòng trong trường hợp có bão, mất điện hoặc động đất.
Thiết bị nhỏ gọn này có dung lượng pin 600mAh, theo nhà sản xuất sẽ kéo dài được vài ngày, không thấm nước và khả năng chống sốc, vì vậy nó có thể dễ dàng hoạt động ngoài trời khi đeo lên tay hay balo trong suốt chặng đường trải nghiệm của bạn. Motorola Defy có hai nút bấm vật lý bao gồm nút chia sẻ vị trí của bản thân và nút liên hệ với các dịch vụ khẩn cấp, tính năng này hoạt động ngay cả khi không kết nối thiết bị với điện thoại thông minh.
Người dùng sẽ cần phải cài đặt ứng dụng nhắn tin riêng của Bullitt có tên là Bullitt Satellite Messenger. Khi được kết nối với Wi-Fi hoặc mạng di động, ứng dụng sẽ hoạt động giống các ứng dụng nhắn tin thông thường như Messenger hay WhatsApp. Khi đặt ở chế độ vệ tinh, người nhận tin nhắn sẽ được gửi đến một văn bản dưới dạng tin nhắn SMS bao gồm liên kết cài đặt ứng dụng Bullitt để trả lời lại nhắn tin đó. Tuy nó là một phương thức giao tiếp chậm, khá cồng kềnh, nhưng khi ở trong những tình huống ngặt nghèo và không có bất cứ sóng liên lạc nào với bên ngoài thì thiết bị này có thể trở thành báu vật vô giá để cứu sống bạn.
Tuy nhiên, đây mới thật sự là thứ khiến người dùng do dự khi sử dụng những thiết bị kết nối vệ tinh, khách hàng sẽ phải trả tiền thuê bao hàng tháng cho dịch vụ này với giá bắt đầu từ 5 đô la (khoảng 117 ngàn đồng) mỗi tháng. Đây không phải là số tiền quá lớn nhưng cũng cần cân nhắc, không phải mỗi ngày chúng ta đều đi vào rừng và cần thiết bị này hỗ trợ.
Motorola Defy được cung cấp cùng một chipset MediaTek tương tự như mẫu smartphone Motorola Defy 2, một điện thoại cũng có chức năng vệ tinh tương tự. Có lẽ hãng sản xuất mong muốn kết hợp cả hai sản phẩm để cung cấp tính năng liên kết hai chiều (gửi và nhận tin nhắn) giữa hai thiết bị này. Trước đó, tại sự kiện 'Far Out' Apple đã ra mắt tính năng kết nối vệ tinh cho iPhone 14 Pro và Apple Watch Ultra tuy còn nhiều hạn chế, điển hình như chúng chỉ có thể nhắn tin cho các dịch vụ khẩn cấp.
Về lâu dài, kết nối vệ tinh có khả năng trở thành một tính năng tiêu chuẩn của điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh và các thiết bị không dây khác, cho đến lúc đó các giải pháp độc lập như Motorola Defy có thể là một cứu cánh cần thiết.
Kết nối vệ tinh sẽ trở thành tương lai?
Khả năng ứng dụng các công nghệ mới đối với các thiết bị di động diễn ra khá chậm chạp, một phần vì chúng yêu cầu các cải tiến về mặt phần cứng lẫn phần mềm. Một ví dụ khác đó là việc chuyển đổi sang mạng 5G, tuy gần như đã nắm bắt được công nghệ này nhưng vấn đề nâng cấp cơ sở hạ tầng và phủ sóng đồng đều ở tất cả các thành phố là không hề dễ dàng chứ đừng nói đến việc phủ sóng cả trong các khu rừng.
Sở hữu khả năng liên lạc vệ tinh mang lại vô vàn lợi ích trong việc giao tiếp của con người, đặc biệt là môi trường quân sự. Chắc mỗi chúng ta đều đã từng thắc mắc các điệp viên, đặc vụ trong phim ảnh đã liên lạc với nhau như thế nào khi làm nhiệm vụ ở nhiều quốc gia khác nhau. Tuy vậy, việc nhắn tin trao đổi thông qua vệ tinh được đánh giá là phức tạp hơn nhiều so với việc trang bị kết nối cho mạng 5G, đặc biệt là chúng phải phụ thuộc của các vệ tinh địa tĩnh vốn rất khó khăn để triển khai và đưa vào hoạt động thương mại dân dụng.
Tóm lại, đây có thể là bước đệm quan trọng trong tương lai giúp người dùng sử dụng mạng không dây thông qua vệ tinh giúp giữ liên lạc mọi lúc và mọi nơi trên Trái Đất. Ngay cả khi người dùng không gặp các tình huống xấu thì tính năng này vẫn hoạt động như một mạng lưới bảo an. Thị trường điện thoại đã tiến hóa liên tục suốt chặng đường lịch sử của loài người và chẳng bao lâu nữa các smartphone thế hệ mới sẽ chứng minh rằng việc kết nối ở 'bất kỳ nơi đâu' không còn là viễn tưởng.
- Xem thêm bài viết chuyên mụcKhám phá

Bình luận (0)