Trang chủTư vấnMáy tính
TOP 8 chiếc card đồ họa mang danh "tệ nhất lịch sử" mà game thủ không nên mua!
TOP 8 chiếc card đồ họa mang danh "tệ nhất lịch sử" mà game thủ không nên mua!

TOP 8 chiếc card đồ họa mang danh "tệ nhất lịch sử" mà game thủ không nên mua!

TOP 8 chiếc card đồ họa mang danh "tệ nhất lịch sử" mà game thủ không nên mua!

Gia Hưng, Tác giả Sforum - Trang tin công nghệ mới nhất
Gia Hưng
Ngày đăng: 25/12/2024-Cập nhật: 25/12/2024
gg news

Không phải sản phẩm nào cũng thành công, bên cạnh những cái tên nổi bật vẫn tồi tại những chiếc card đồ họa bị chỉ trích thậm tệ, được gọi là những chiếc GPU tệ nhất lịch sử.

Thị trường card đồ họa luôn sôi động, nơi các nhà sản xuất liên tục chạy đua công nghệ để có thể cho ra sản phẩm hấp dẫn nhất. Trong suốt khoảng thời gian qua, đã có không ít siêu phẩm GPU xuất hiện khoáy đảo thị trường công nghệ gaming này này.

Bên cạnh đó cũng không thiếu những "nỗi thất vọng", thậm chí còn gây tranh cãi, làm lộ ra những khuyết điểm chí mạng trong thiết kế, chiến lược tiếp thị của những doanh nghiệp khổng lồ trong lĩnh vực. Hôm nay, Sforum sẽ cùng bạn tìm hiểu 8 cái tên đã từng gây tranh cãi rất nhiều khi chất lượng không đạt như kì vọng, đã từng xuất hiện trên thị trường GPU nhé!

AMD Radeon RX 6500 XT: Thảm họa phân khúc giá rẻ

Giai đoạn đầu năm 2020, thị trường GPU rơi vào khủng hoảng trầm trọng do thiếu hụt một lượng lớn Silicon, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và gián tiếp đẩy giá của những chiếc GPU lên mức cao ngất ngưỡng. Những thương hiệu lớn như AMD và Nvidia vẫn có thể tiếp tục cạnh tranh với nhau trong điều kiện khó khăn này và cho ra những mẫu GPU cao cấp rất hấp dẫn.

Tuy nhiên, đa số người dùng lại không đủ khả năng để có thể tiếp cận những sản phẩm cao cấp này, đặc biệt trong thời điểm kinh tế gặp khó khăn do đại dịch thế kỷ hoành hành.

AMD Radeon RX 6500 XT
AMD Radeon RX 6500 XT

Các game thủ trong giai đoạn này luôn mong muốn phía AMD sẽ ra mắt những sản phẩm ở phân khúc giá rẻ để có thể tạm thời "chữa cháy" trong tình hình khan hiếm card đồ họa bình dân. Để đáp lại nhu cầu của khách hàng, AMD đã thật sự tung ra một mẫu card đồ họa với mức giá chưa đến $200 để xoa dịu tình hình trên thị trường. Nhưng ít ai ngờ đến, đây lại là một trong những "thảm hỏa" lớn nhất mà AMD từng tung ra thị trường.

RX 6500 XT rõ ràng là một sản phẩm "cạn ý tưởng", khi mà AMD chỉ trang bị 4GB VRAM vô cùng hạn chế, bus bộ nhớ 64-bit kém cỏi, và chỉ có 4 lane PCIe. Và không có gì ngạc nhiên khi hiệu năng của nó còn thua cả nhiều GPU đời cũ như GTX 1650 Super và thậm chí là GTX 980 (trong một số trường hợp).

AMD Radeon RX 6500 XT
AMD Radeon RX 6500 XT

Người dùng tin rằng RX 6500 XT vốn là được thiết kế cho GPU laptop, và AMD đã chỉnh sửa để biến nó thành một chiếc card đồ họa desktop "tạm bợ" với hy vọng game thủ sẽ mua bằng bất cứ giá nào trong hoàn cảnh khan hiếm GPU giá rẻ. Và tất nhiên, chiếc card đồ họa này nhận về rất nhiều lời chỉ trích, cáo buộc AMD chỉ đang lợi dụng thị trường khó khăn để kiếm về lợi nhuận từ những người hâm mộ thương hiệu này.

Nvidia GeForce RTX 4060 Ti 8GB: "Vỡ mộng" GPU đời mới vượt trội

Có lẽ bạn sẽ khá ngạc nhiên khi thấy tên của một chiếc card đồ họa đời mới trong danh sách này, nhưng không nhầm lẫn đâu, Nvidia GeForce RTX 4060 Ti 8GB thật sự là một nỗi thất vọng lớn trong giới card đồ họa hiện đại. Nguyên nhân nằm ở hiệu năng của chiếc card mới này lại kém hơn so với người tiền nhiệm RTX 3060 Ti.

Nvidia GeForce RTX 4060 Ti 8GB
Nvidia GeForce RTX 4060 Ti 8GB

Một trong những vấn đề lớn nhất của Nvidia GeForce RTX 4060 Ti 8GB chính là sự thiếu cải tiến về hiệu năng, khiến nó gần như không khác biệt so với mẫu cũ trong thực tế sử dụng. Thậm chí trong một số bài test, RTX 3060 Ti còn cho kết quả tốt hơn so với chiếc card mới này.

Là một game thủ, chắc chắn bạn sẽ không ngừng mong mỏi những sản phẩm mới ra mắt để đón xem những cải tiến hấp dẫn nào sẽ được trang bị trên chiếc GPU này. Tuy nhiên Nvidia lại tung ra một sản phẩm gần như chỉ thay đổi cách gọi, còn mức hiệu năng lại không được cải tiến gì nhiều. Điều này khiến nhiều người không giấu được vẻ thất vọng khi nhắc đến chiếc card  đời mới này của Nvidia.

AMD Radeon R9 Fury X 4GB: GPU giá "cao cấp" nhưng chất lượng kém

AMD Radeon R9 Fury X được cho ra mắt vào tháng 6 năm 2015, đã gặp nhiều khó khăn khiến sản phẩm nhận được đánh giá trái chiều trên thị trường card đồ họa. Dù được định hướng là GPU phân khúc cao cấp, thế nhưng hiệu năng của chiếc card này lại không đáp ứng được kỳ vọng của người dùng, đặc biệt khi so sánh với các sản phẩm của Nvidia cùng thời điểm.

AMD Radeon R9 Fury X 4GB
AMD Radeon R9 Fury X 4GB

AMD Radeon R9 Fury X vốn sở hữu giá thành rất cao do chi phí sản xuất đắt đỏ, liệt tên sản phẩm này vào phân khúc cao cấp bên cạnh những chiếc card đồ họa vô cùng vượt trội khác. Điều này khiến người dùng không tìm được lý do để lựa chọn AMD Radeon R9 Fury X 4GB về trang bị cho chiếc PC của mình.

Ngoài ra thì AMD Radeon R9 Fury X 4GB còn sở hữu nhiều khuyết điểm lớn như sự hạn chế dung lượng bộ nhớ HBM với chỉ 4GB, tiếng ồn lớn và khả năng tùy chỉnh còn hạn chế. Với mức giá cao, hiệu năng không nổi bật lại còn mắc nhiều điểm yếu như vậy, không quá ngạc nhiên khi AMD Radeon R9 Fury X 4GB đã thất bại nặng nề trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này.

Nvidia GeForce GT 1030 DDR4: "Trò đùa" của Nvidia?

Nvidia GeForce GT 1030 DDR4 là một mẫu card đồ họa "tân thủ" với mức giá rất mềm dành cho những bạn đang từ từ tiếp cận với thị trường GPU sôi động. Tuy nhiên mẫu card này lại nhận về rất nhiều đánh giá tiêu cực do sự thay đổi gây tranh cãi về loại bộ nhớ từ GDDR5 nhanh hơn sang DDR4 có tốc độ chậm hơn rất nhiều, trong khi vẫn giữ nguyên tên và số hiệu sản phẩm. 

Nvidia GeForce GT 1030 DDR4
Nvidia GeForce GT 1030 DDR4

Thay đổi này gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu năng của GPU, đặc biệt là đối với băng thông bộ nhớ - một yếu tố quan trọng trong xử lý đồ họa. Quyết định thay đổi này mà không thông báo rõ ràng đã làm gia tăng sự chỉ trích từ phía người dùng. Cộng đồng game thủ cảm thấy bị đánh lừa bởi Nvidia khi hãng cắt giảm chi phí mà không cung cấp thông tin minh bạch, và dần gọi GT 1030 là "trò đùa ác ý".

Nvidia GeForce FX 5800: Giá cao nhưng hiệu năng "khiêm tốn"

Cũng như R9 Fury X, Nvidia GeForce FX 5800 là một chiếc GPU giá được đặt ở phân khúc cao cấp, thế nhưng mức hiệu năng lại vô cùng kém khiến người dùng không khỏi thắc mắc liệu có phải Nvidia đã nhầm lẫn trong việc thiết lập giá bán. Nhắc đến khuyết điểm của chiếc card này, có lẽ nghiêm trọng nhất chính là tiếng ồn khiến nhiều game thủ ám ảnh.

Nvidia GeForce FX 5800
Nvidia GeForce FX 5800

Nvidia GeForce FX 5800 sở hữu một hệ thống tản nhiệt rất kém (đây cũng là một khuyết điểm) khiến Nvidia phải trang bị một hệ thống quạt làm mát công suất cao, và hậu quả đi kèm chính là âm thanh ồn ào đến từ chiếc quạt tản nhiệt này. Điều này đã biến GeForce FX 5800 thành một trong những chiếc card đồ họa ồn ào nhất mọi thời đại.

Tiếng ồn từ chiếc card này nổi tiếng đến mức Nvidia phải thừa nhận trong một video hài hước, nơi họ so sánh âm lượng của nó với các thiết bị như máy sấy tóc, máy thổi lá, thậm chí sử dụng nó để nướng xúc xích, qua đó khẳng định sai lầm trong khâu thiết kế nhiệt và âm thanh của sản phẩm.

AMD Radeon VII: Flagship nhưng bị lãng quên

Dù dòng RTX 20 của Nvidia còn một số vấn đề nhưng nó vẫn đủ sức giúp Nvidia vượt mặt AMD, đặt hãng sản xuất này vào tình trạng báo động. AMD Radeon VII là lựa chọn được phía AMD tung ra để có thể cạnh tranh với đối thủ của mình. Thế nhưng, AMD Radeon VII đáng lẽ không nên tồn tại. Giống như những chiếc RX Vega 56 và 64, nó tiêu thụ rất nhiều điện năng, mặc dù hiệu năng vẫn tương đương với RTX 2080, Radeon VII ngốn hơn tận 70W.

AMD Radeon VII
AMD Radeon VII

Không hỗ trợ ray tracing hay công nghệ nâng cấp hình ảnh, cùng mức giá $700 ngang với RTX 2080 nhưng lại ngốn điện năng kinh khủng, Radeon VII nhanh chóng trở thành "đứa con ghẻ" trên thị trường card đồ họa và thậm chí ngay trong công ty của mình. Điểm tệ nhất là AMD đã trang bị bộ nhớ HBM2 đắt đỏ 16GB, khiến chi phí sản xuất của chiếc card này vượt xa giá bán và kết quả là AMD phải chịu lỗ hoàn toàn với AMD Radeon VII.

RX 5700 XT ra mắt ngay  sau đó vài tháng, giá chỉ $400 nhưng hiệu năng lại đạt 90% so với Radeon VII, điều này đã khiến Radeon VII nhanh chóng bị loại bỏ. Kết cục là  AMD thậm chí đã xóa trang sản phẩm của chiếc card này trên website của hãng, chính thức đưa AMD Radeon VII vào lãng quên.

Nvidia Titan Z: Tham vọng GPU kép thất bại

Ra mắt năm vào 2014 với mức giá cao ngất ngưỡng là $3,000, Nvidia Titan Z gặp khó khăn ngay từ bước đầu tiên bởi mức giá quá cao, vượt ngoài tầm với của đa số game thủ và nhiều người dùng chuyên nghiệp. Mức giá đắt đỏ này càng khó chấp nhận hơn khi các card khác như Titan Black và GTX 780 Ti có thể cung cấp hiệu năng tương đương, cạnh tranh với chi phí thấp hơn rất nhiều.

Nvidia Titan Z
Nvidia Titan Z

Titan Z sử dụng thiết kế GPU kép dựa trên kiến trúc Kepler, thứ đã trở nên lỗi thời khi Maxwell ra mắt. Điều này khiến Titan Z kém hấp dẫn đối với những ai đang tìm kiếm công nghệ tiên tiến hơn. Ngoài ra, mức tiêu thụ điện năng kinh khùng cùng khả năng tản nhiệt kém đã khiến Titan Z cang trở nên kém hấp dẫn hơn, đặc biệt là đối với những ai có vỏ PC kích cỡ nhỏ.

Kết quả không ngoài dự đoán, Nvidia Titan Z trở thành một sản phẩm thất bại trực tiếp gián một đòn chí mạng vào tham vọng GPU kép mà Nvidia ấp ủ bấy lâu qua.

Nvidia GeForce GTX 480: Thiết kế bất ổn

Nvidia GeForce GTX 480 được cho ra mắt vào năm 2010 là nỗ lực của Nvidia khi cố gắng phát triển một chiếc card đồ họa mạnh mẽ trên tiến trình 40nm của TSMC. Tuy nhiên bản thiết kế lại không thể cân bằng giữa hiệu năng và các yếu tố khác, thế là Nvidia GeForce GTX trở thành một chiếc card đồ họa quá nóng, quá ồn, và quá đắt.

Nvidia GeForce GTX 480
Nvidia GeForce GTX 480

Mặc dù đúng là Nvidia GeForce GTX 480 có mức hiệu năng mạnh mẽ, thậm chí còn vượt mặt Radeon HD 5870 của AMD tới 10% hiệu năng, thế nhưng giá của GTX 480 lại có mức giá lên đến $500, một mức giá rất cao ở thời điểm bấy giờ (trong khi HD 5870 chỉ có giá $380). Ngoài ra thì GTX 480 còn tiêu thụ 200W điện năng và nhiệt độ luôn quá tải ở mức 90 độ C, khiến Nvidia phải ngay lập tức thay thế bằng GTX 500 series và biến Nvidia GeForce GTX 480 trở thành một trong những dòng sản phẩm GPU có vòng đời ngắn nhất lịch sử.

Những thất bại này đã khiến GTX 480 trở thành một bài học đắt giá về sự bất ổn trong thiết kế của GPU vào thời điểm đó.

Tạm kết

Thị trường GPU vẫn đang vô cùng sôi động và phát triển liên tục, bên cạnh những sản phẩm tiêu biểu rất được lòng người tiêu dùng vẫn tồn tại những cái tên thất vọng, bị người dùng "ghẻ lạnh". Nvidia và AMD vẫn đang không ngừng cạnh tranh và cho ra mắt nhiều sản phẩm hơn trong tương lai, tuy nhiên liệu sẽ có thêm một thất bại nào khác hay 2 "ông lớn" này đã rút ra được những bài học trong quá khứ, chúng ta phải tiếp tục chờ xem.

Xem thêm: Tại sao mình luôn sạc laptop đầy 100% pin, dù biết nó không tốt?

danh-gia-bai-viet
(0 lượt đánh giá - 5/5)

Mình là Gia Hưng, cây viết mới tại Sforum. Với niềm đam mê không ngừng trong việc sáng tạo nội dung, mình luôn đặt mục tiêu mang đến những bài viết không chỉ thú vị mà còn dễ dàng cuốn hút bạn ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Dành thời gian khám phá, nghiên cứu và kể lại những câu chuyện hấp dẫn, mình hy vọng mỗi bài viết sẽ để lại ấn tượng mạnh mẽ và giá trị sâu sắc cho bạn đọc.

Bình luận (0)

sforum facebook group logo