7 “chiêu trò” marketing từ các thương hiệu điện thoại mà bạn nên biết (phần 1)


Những chương trình bán hàng mập mờ, những thông số vô nghĩa cho đến những tính năng thiếu thực tế, đây là một số chiêu trò marketing mà bạn nên để ý khi mua hàng.
Các thương hiệu điện thoại thông minh luôn có những thủ thuật tiếp thị thông minh nhằm giúp sản phẩm của họ thu hút sự chú ý hơn từ khách hàng và đạt nhiều doanh số hơn trong quá trình bán hàng.
Tuy nhiên đã gọi là quảng cáo thì tất nhiên bất kỳ thương hiệu nào cũng muốn sản phẩm của họ tốt hơn, nổi bật hơn so với thực tế. Nhiều quảng cáo quá lố đã gây không ít phản cảm cho khách hàng khi đã trót trao chọn niềm tin và sở hữu những thiết bị này. Đây là một vài ví dụ điển hình cho điều này!
Chất lượng ảnh chụp ảo diệu
Một chiêu trò marketing phổ biến mà hầu như bất kỳ thương hiệu điện thoại nào cũng sử dụng, từ tầm trung cho đến cao cấp đó là sử dụng hình ảnh được chụp bằng máy ảnh chuyên dụng (DSLR) để quảng cáo cho chất lượng máy ảnh trên điện thoại.
Huawei đã từng sử dụng thủ thuật này vài lần trong quá khứ, chẳng hạn như với mẫu Huawei P9 vào năm 2016 và một điện thoại dòng Nova vào năm 2018. Họ bị lật tẩy vì một người mẫu trong buổi chụp ảnh đã vô tình đăng một bức ảnh hậu trường lên mạng xã hội Instagram và để lộ rằng họ không thực sự chụp ảnh selfie mà là máy ảnh DSLR đã chụp ra tấm ảnh này.
Nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc, Samsung cũng không ngoại lệ. Đơn vị kinh doanh của họ tại Brazil đã đăng tải những hình ảnh gốc và quảng bá rằng chúng được chụp từ điện thoại Galaxy A8. Nhưng một người dùng trên Twitter đã phát hiện ra một vài hình ảnh được chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số và chúng đang được đăng bán trên trang GettyImages.


Sau đó, Samsung Brazil đã giải thích một số hình ảnh trong đó là do sơ suất chứ không phải vì mục đích xấu, nhưng nó vẫn gây hiểu lầm nghiêm trọng và nhiều khách hàng đã tỏ ra thất vọng vì họ cho rằng camera trên điện thoại tại thời điểm đó đã đạt được chất lượng tốt như vậy.
Qua những trường hợp này, chắc hẳn bạn cũng đang tự hỏi liệu những hình ảnh mà các thương hiệu điện thoại quảng bá có thực sự được chụp từ máy ảnh của máy hay không phải không nào. Nên nhớ rằng đây chỉ là những lần mà các công ty này bị bắt gặp, có thể còn nhiều trường hợp hơn nữa mà chúng ta chưa phát hiện ra.
Gian lận điểm kiểm tra hiệu năng
Các điểm chuẩn hiệu năng (benchmark) không hoàn toàn thể hiệu hết hiệu suất thực tế của điện thoại, nhưng nhìn chung thì nó có thể cho chúng ta biết sơ bộ về sức mạnh của các điện thoại khi so sánh với nhau. Thật không may, gian lận điểm chuẩn đã trở thạnh vùng đất màu mỡ cho các thương hiệu điện thoại quảng bá sức mạnh phi thực tế trên thiết bị của họ.
Các nhà sản xuất điện thoại (thậm chí cả các nhà sản xuất chip xử lý) có thể can thiệp vào quá trình khởi chạy ứng dụng kiểm tra hiệu năng và nhanh chóng chuyển điện thoại sang chế độ tăng hiệu suất. Nó sẽ bỏ qua thời lượng pin để tập trung hoàn toàn vào khả năng xử lý của thiết bị và mang lại những điểm số tuyệt vời. Nhưng sự thật là chế độ tăng cường hiệu suất, tiết kiệm pin này không phản ánh chính xác hiệu suất thực tế của điện thoại so với khi nó được đặt ở trạng thái bình thường.
Một số công ty nổi tiếng đã từng liên quan đến gian lận điểm chuẩn hoặc bị lật tẩy chiêu trò 'hack điểm' bao gồm Mediatek, Huawei, Oppo, Xiaomi, Honor và HTC.
Hình ảnh sai lệch so với thực tế
Một chiêu trò khác không còn quá xa lạ đó các nhà sản xuất smartphone sử dụng những hình ảnh render (ảnh dựng kỹ thuật số) trông bóng bẩy và đẹp hơn thực tế rất nhiều để quảng cáo cho sản phẩm. Có thể là viền benzel mỏng hơn, một rãnh nhỏ hơn hoặc cụm camera ít lồi hơn, nhiều thương hiệu đã sử dụng hình ảnh quá 'hoa mỹ', gây hiểu lầm cho người dùng.
Trường hợp nổi bật nhất phải kể đến là chiếc điện thoại Z5 của Lenovo, khi giám đốc điều hành của hãng này đã giới thiệu thiết kế điện thoại tràn viền hoàn toàn. Nhưng thực tế lại vô cùng trái ngược, điện thoại có thiết kế tai thỏ to đùng tương tự như iPhone.
Xiaomi và Huawei, hai nhà sản xuất nổi tiếng đến từ Trung Quốc cũng đã không ít lần bị khách hàng lên án vì sử dụng hình ảnh đại điện cho điện thoại có thiết kế mỏng hơn và viền màn hình mỏng hơn rất nhiều so với thực tế.
Flash sale và thông báo cháy hàng
OnePlus được cho là thương hiệu đầu tiên khởi xướng phòng trào bán hàng theo kiểu flash sale. Có nghĩa là họ chỉ bán một số lượng thiết bị giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định và sau đó tuyên bố cháy hàng. Hành động này tạo nên cơn sốt ảo cho sản phẩm và sẽ khiến người dùng cảm thấy khó khăn khi sở hữu mẫu điện thoại đó và hình thành hành vi theo dõi cũng như ngóng chờ cho đợt mở bán tiếp theo.
Mặc dù flash sale vẫn mang lại lợi ích để cân bằng cung và cầu khi mang lại ưu đãi tốt nhất cho một nhóm người thực sự có nhu cầu mua sản phẩm, tuy nhiên nhiều công ty đã sử dụng nó như một chiến thuật quảng cáo, tạo cảm giác sản phẩm khan hiếm và sẽ có nhiều người muốn mua nó hơn. Xiaomi và Realme là hai hãng đang tiếp nối trào lưu này một cách mạnh mẽ trong thời gian gần đây.
Một chiêu trò không kém khác đó là các thương hiệu điện thoại sẽ thông báo số tiền họ kiếm được vào ngày đầu tiên mở bán hoặc trong một đợt bán hàng nhất định nào đó. Ví dụ: một thương hiệu nào đó tự hào công bố họ đã đạt doanh thu 1 triệu đô la trong một ngày cho một mẫu điện thoại nào đó, nhưng nếu mẫu điện thoại được đề cập có giá là 1,000 đô la thì có nghĩa là họ chỉ bán được đúng 1,000 máy. Con số này không phải quá lớn ở những thị trường khổng lồ như Trung Quốc, Ấn Độ hay Mỹ.
Thông tin về thông số kỹ thuật gây hiểu lầm
Đây là một chiến thuật marketing sơ sài khác được các thương hiệu điện thoại thông minh sử dụng, họ thường bỏ qua những thông số yếu kém trên điện thoại.
Không có gì lạ khi thấy các hãng điện thoại và các đối tác bỏ qua thông tin về công nghệ màn hình (OLED hay LCD) và loại chip xử lý được sử dụng trên trang web của họ. Một ví dụ điển hình là chúng ta thường thấy một số thiết bị giá rẻ được thông tin sử dụng bộ xử lý 8 nhân thay vì tên chính xác mẫu chipset được trang bị bên trong, nhưng rõ ràng có sự khác biệt lớn giữa chip xử lý 8 nhân giá rẻ và chip xử lý 8 nhân cao cấp. Việc cung cấp thông tin không cụ thể như trên khiến cho những người dùng cơ bản lầm tưởng về sức mạnh thực tế của thiết bị mà họ dự định mua.
Nói thêm về máy ảnh, chúng ta cũng thấy nhiều thương hiệu chào hàng smartphone với cụm 3 hoặc 4 camera cực khủng chúng thường bao gồm: ống kính tiêu chuẩn, góc siêu rộng, ống kính tele và macro. Đối với người dùng phổ thông hay các thiết bị giá rẻ thì khả năng chụp macro gần như vô dụng. Nhưng các nhà sản xuất vẫn muốn khoe khoang điện thoại của họ được trang bị đến 3 hoặc 4 camera, đặc biệt là trên những thiết bị giá rẻ, trong khi có 4 camera đi nữa thì nó vẫn không thể chụp đẹp được.
Như thế nào mới thực sự là trong suốt?
Xu hướng này đã từng rất thịnh hành vào năm 2018 với các mẫu điện thoại nổi bật nhất là HTC U12 Plus và Xiaomi Mi 8 Explorer Edition đều được quảng cáo sở hữu một mặt lưng trong suốt và có thể nhìn thấy các linh kiện bên trong của thiết bị.
Nhưng thực thế thì sao? Những gì bạn nhìn thấy bên trong điện thoại Xiaomi không phải là 'hàng thật', nhà sản xuất đã xác nhận rằng các bộ phận được nhìn thấy qua mặt lưng trong suốt này là mô hình và mục đích trưng bày cho đẹp. Cụ thể hơn, chúng là các bộ phận thật nhưng đơn giản là không hề có chức năng, thay vào đó tác dụng của chúng là che đậy các mạch điện bên dưới. Đây sẽ không phải là một vấn đề quá lớn nếu Xiaomi đã tuyên bố điều này khi ra mắt sản phẩm, tất nhiên họ đã không làm như vậy.
Đổi tên thương hiệu, tạo dựng thương hiệu con
Đây là một chiến thuật marketing gây rối não cho người dùng, các công ty điện thoại đơn giản chỉ phát hành cùng một chiếc điện thoại nhưng đi kèm một cái tên mới và một vài điều chỉnh nhỏ về thông số kỹ thuật. Điều này quá quen thuộc với các thương hiệu như Huawei, Oppo, Oneplus, Realme và Xiaomi.
Chiêu trò này thường được thực hiện để tiết kiệm thời gian và tiền bạc khi phải thiết kế lại một thứ gì đó từ đầu. Ví dụ: Redmi K40 ra mắt ở Trung Quốc nhưng lại là Poco F3 tại thị trường quốc tế. Một nguyên nhân khác là thương hiệu chính của họ có thể thể không phổ biến ở một thị trường nào đó, đơn cử như Huawei rất được ưa chuộng tại thị trường Châu Á nhưng lại 'thất sủng' tại khu vực Châu Âu và Honor chính là con bài 'kim thiền thoát xác' được sinh ra từ Huawei để tạo ấn tượng tốt hơn với những khách hàng tại đây.
Thoạt nhìn, đây không phải là chiêu trò tệ nhất trong bài viết này, nhưng thường sẽ có sự thiếu minh bạch xung quanh việc thực hiện và động cơ khiến họ phải xây dựng lại thương hiệu.
Tạm kết
Bên trên là những cái nhìn về một vài thủ thuật tiếp thị điện thoại thông minh khác nhau được các thương hiệu trên thế giới sử dụng. Sforum sẽ còn quay lại với phần 2 của chuyên mục này, nếu bạn có biết thêm chiêu trò nào khác hãy chia sẻ với mình ở phần bình luận bên dưới nhé.

Bình luận (0)