Các chuyên gia cảnh báo Trái Đất sẽ phải đối mặt với nhiều đợt bão mặt trời hơn trong tương lai


Gần đây, nếu thường xuyên theo dõi tin tức và mạng xã hội chắc hẳn bạn đọc đã từng biết qua về cơn bão Mặt Trời vừa lướt qua Trái Đất của chúng ta vào ngày 19-7 vừa qua. Thông tin này lần đầu tiên được báo cáo bởi Tiến sĩ Tamitha Skov, được biết đến với biệt danh 'Người phụ nữ thời tiết không gian' nổi tiếng tại Mỹ.
Theo Tiến sĩ Tamitha Skov, tác động của một 'sợi dây với hình thù con rắn' từ Mặt Trời sẽ đánh thẳng vào Trái Đất. Điều này sẽ khiến chúng ta phải đối mặt với một số gián đoạn về tín hiệu GPS, sóng điện thoại và vô tuyến. Ngoài ra ánh sáng cực quang cũng có thể sẽ xuất hiện ở một số vùng trên Trái Đất.

Các cơn bão Mặt Trời đã không còn quá xa lạ với các cư dân trên hành tinh xanh. Chúng được xếp hạng theo cấp độ từ G1 đến G5, G5 là cấp mạnh nhất. Theo SpaceWeather, một cơn bão cấp G1 - 'nhỏ' nhưng vẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động của các vệ tinh - có thể tấn công Trái Đất vào ngày 20 hoặc 21 tháng 7.
Nguồn gốc của các cơn bão này đến từ việc Mặt Trời giải phóng một lượng plasma và năng lượng từ trường. Chúng nhảy ra khỏi Mặt Trời vào ngày 15 tháng 7. Những vụ phun trào này có khả năng giải phóng năng lượng gấp 100,000 lần so với tất cả các nhà máy điện trên Trái Đất tạo ra trong suốt một năm.

Những cơn bão này xảy ra khi Mặt Trời đang trong giai đoạn hoạt động của chu kỳ kéo dài 11 năm, do đó những sự cố như thế này được dự kiến sẽ trở nên phổ biến hơn trong những năm sắp tới. Các cơn bão năng lượng Mặt Trời có thể gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con người.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng nhiều vệ tinh đã bị rơi ra khỏi quỹ đạo của chúng. Nguyên nhân chính là do hoạt động của gió Mặt Trời tăng lên. Và việc đi sai quỹ đạo của các vệ tinh này có thể gây ra thiệt hại lên đến hàng chục triệu Đô la Mỹ.

Bên cạnh đó, các cơn bão còn có thể gây gián đoạn trên diện rộng đối với hệ thống định vị toàn cầu GPS và có thể làm trì trệ hành trình của các máy bay, tàu nhỏ. Ngoài ra thì không có quá nhiều điều đáng lo ngại. Các nhà khoa học có thể tìm cách để dự đoán trước những cơn bão này và điều này có thể giúp chúng ta bảo vệ những cơ sở hạ tầng dễ bị tổn thương như lưới điện, thiết bị liên lạc và internet.
Mặc dù các cơn bão địa từ Mặt Trời chưa gây ra tác hại lớn nào, nhưng các nhà khoa học cho rằng chúng là dấu hiệu của các cơn bão mạnh hơn trong tương lai.

Sangeetha Abdu Jyothi, một phó giáo sư tại Đại học California, đã viết trong bài báo nghiên cứu của mình rằng một cơn bão Mặt Trời nghiêm trọng có thể đẩy thế giới vào một 'ngày tận thế internet'. Đơn giản bởi vì cơ sở hạ tầng của chúng ta vẫn chưa đủ sức để đối phó với một sự kiên bão Mặt Trời trên quy mô lớn.
Gần đây, chỉ có hai cơn bão thật sự nguy hiểm được ghi nhận - một vào năm 1859 và một vào năm 1921. Sự cố năm 1859 được gọi là Sự kiện Carrington, đã tạo ra một sự xáo trộn địa từ nghiêm trọng trên Trái Đất đến mức khiến các dây điện bùng cháy và cực quang - thường chỉ có thể nhìn thấy gần các cực của hành tinh - lại xuất hiện gần xích đạo Colombia.

Kể từ đó, nền văn minh của loài người đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Internet toàn cầu. Trong bài báo của mình, phó giáo sư Abdu Jyothi đã cố gắng chỉ ra những lỗ hổng lớn trong cơ sở hạ tầng này. Tin tốt là các kết nối internet cục bộ và khu vực sẽ có nguy cơ bị hỏng thấp vì bản thân cáp quang không bị ảnh hưởng bởi dòng điện cảm ứng địa từ.
Tuy nhiên, đối với những sợi cáp internet dài dưới đáy biển kết nối các lục địa lại là một câu chuyện khác. Các loại cáp này được trang bị bộ lặp để tăng tín hiệu quang học, cách nhau khoảng 50 - 150 km. Các bộ lặp này dễ bị ảnh hưởng bởi các dòng địa từ và chỉ cần một bộ lặp bị hỏng thì toàn bộ dây cáp có thể trở nên vô dụng.
Khi cơn bão Mặt Trời lớn tiếp theo nổ ra,Trái Đất sẽ có khoảng 13 giờ để chuẩn bị. Hãy hy vọng rằng chúng ta có thể sẵn sàng tận dụng tối đa khoảng thời gian đó.
- Xem thêm các bài viết chuyên mụcKhám phá

Bình luận (0)