Cẩm nang build PC: Những sai lầm mà ngay cả “pro” cũng mắc phải khi ráp máy

Cẩm nang build PC: Những sai lầm mà ngay cả “pro” cũng mắc phải khi ráp máy

Dù bạn đã dày dạn kinh nghiệm hay chỉ mới chuẩn bị thực hiện bộ máy đầu tay của mình, hãy tham khảo những sai lầm thường gặp trong quá trình lắp ráp, build PC nhé.

Việc tự build PC không khó – bạn có thể hoàn thành mọi công đoạn từ A đến Z bằng hai tay và một chiếc tua vít phù hợp. Tuy nhiên vẫn có những sai lầm mà cả tân thủ lẫn những người giàu kinh nghiệm đều có thể mắc phải khi ráp máy. Bài viết này của Sforum xin được chia sẻ về những sai lầm đó, giúp bạn có thể né tránh và lắp ráp máy tính thuận lợi hơn.

Thiếu công cụ

Như Sforum đã nhắc đến ở đầu bài viết này, bạn chỉ cần một chiếc tua vít để có thể build PC. Tuy nhiên việc sở hữu một số công cụ khác sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình lắp ráp PC, cụ thể là khay và vít từ tính.

Một dàn PC thường có nhiều linh kiện cần được cố định bằng ốc vít, và chúng có kích thước rất nhỏ, chỉ vài mm. Vì vậy, chỉ cần một lần tuột tay là những con vít này có thể rơi tọt vào các khe hẹp trong thùng máy hoặc tệ hơn là “mất tích” giữa đống hộp, giấy, sách mà bạn để xung quanh. Vít từ tính sẽ giúp giải quyết vấn đề này, còn khay từ tính cho phép bạn dễ dàng sắp xếp và phân loại các con vít của mainboard, thùng máy, bộ nguồn,… và tránh nhầm lẫn hay thất lạc.

Chạm tay trần vào các khe, chân kết nối

Các linh kiện PC được kết nối với nhau bằng chân cắm và khe cắm với màu vàng sáng rực rỡ. Bạn nên tuyệt đối tránh chạm tay vào các vị trí này, bởi bàn tay chúng ta thường dính dầu, mồ hôi, ẩm ướt, bụi bặm và tất cả những thứ này có thể bám vào các chân cắm, khiến chúng tiếp xúc không tốt. Và thế là bạn sẽ gặp phải một loạt hậu quả, từ đơn giản như máy không nhận RAM đến bất ổn khi hoạt động.

Để tránh mắc phải sai lầm này lại rất đơn giản, bạn có thể dùng găng tay hoặc cầm ở các cạnh, nơi không có các chân cắm tiếp xúc. Nếu đã lỡ làm điều này và cảm thấy máy không hoạt động tốt, bạn có thể lau chùi bằng isopropyl alcohol  hoặc mua các loại dung dịch tẩy rửa chuyên dụng cho bo mạch hoặc thiết bị điện tử nhạy cảm khác.

Ngoài ra, việc chạm tay vào linh kiện còn có một rủi ro nữa là tĩnh điện. Đây là một điều thường xuyên xảy ra trong quá trình ráp máy, và có thể làm hỏng món linh kiện đắt tiền của bạn. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, nhưng để ngăn ngừa nó cũng rất đơn giản: bạn chỉ việc mua vòng chống tĩnh điện hoặc đứng chân trần trên bề mặt cứng (sàn nhà gạch, gỗ,…). Tránh đứng trên thảm lông hay mặc áo lông vì nó sẽ khiến bạn bị nhiễm tĩnh điện.

Bắt vít quá chặt

Sai lầm này thường xảy ra khi các “tân thủ” lắp tản nhiệt CPU. Chúng ta đều biết rằng việc tản nhiệt tiếp xúc sát với bề mặt CPU sẽ giúp truyền nhiệt tốt hơn, nhưng nếu bạn vặn vít quá chặt thì có thể gây biến dạng, hư hỏng cho mainboard và các chân cắm CPU. Đây là lý do tại sao Intel sử dụng quạt tản nhiệt có chân cắm thay cho bắt vít. Một số mainboard dành cho máy chủ và máy trạm được thiết kế để ngăn cản vấn đề này. Việc ngăn ngừa sai lầm này rất dễ dàng: bạn chỉ việc bắt vít chặt vừa phải, ngừng lại khi cảm thấy đủ cứng. Đừng “gồng” để tiếp tục bắt vít vào sâu hơn.

Quá nhiều keo tản nhiệt

Các quạt tản nhiệt – dù là bán rời hay đi kèm CPU – thường đều đã được bôi sẵn keo tản nhiệt, nhưng sẽ có lúc người dùng muốn tự mình bôi keo. Việc này là khá dễ dàng nhưng hãy chú ý sử dụng vừa đủ lượng keo để bao phủ bề mặt tiếp xúc chứ đừng dùng thừa, bởi nó có thể phản tác dụng và khiến nhiệt độ không thể được giải thoát một cách hiệu quả khỏi CPU. Trong trường hợp tệ nhất khi keo quá nhiều và chảy vào trong socket CPU, nó có thể gây hư hại cho máy tính của bạn.

Để có thể dùng keo tản nhiệt hiệu quả, đầu tiên hãy làm nóng keo trong bình chứa / xi lanh bằng cách xoa trong lòng bàn tay hoặc nhỏ nước ấm. Điều này sẽ giúp keo mềm hơn và dễ sử dụng hơn. Sau đó, lấy một lượng nhỏ keo bằng khoảng hạt gạo bôi lên mặt tiếp xúc, rồi trải đều lớp keo này trên bề mặt trước khi áp nó lên mặt CPU.

Dùng trộn lẫn các thanh RAM

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà sản xuất RAM đều bán theo bộ 2 thanh hoặc 4 thanh để giúp chúng ta sử dụng bộ nhớ ở chế độ kênh đôi (dual channel) dễ dàng hơn và đạt hiệu quả tối đa. Ngay cả khi chúng ta mua 2 thanh RAM lẻ cùng một model, chúng thật ra vẫn có thể khác biệt: các nhà sản xuất RAM đôi khi sẽ thay đổi nhà cung cấp chip nhớ cho mình. Vậy nên việc mua phải một thanh dùng chip Samsung, một thanh dùng chip Hynix dù chúng cùng thuộc một model là có thể xảy ra. Thường thì điều này không ảnh hưởng gì nhiều đến hiệu năng và máy sẽ vẫn chạy kênh đôi bình thường, nhưng đôi khi nó có thể khiến máy hoạt động bất ổn, ảnh hưởng đến hiệu năng và hơn thế nữa.

Quên lắp ốc đỡ mainboard và tấm che I/O

Đây là hai sai lầm phổ biến nhất trong cộng đồng build PC. Tấm che I/O (I/O Shield) giúp tăng tính thẩm mĩ, ngăn cản côn trùng chui vào bên trong thùng máy, giúp phòng ngừa chạm mạch khi bạn lỡ cắm các đầu USB sai vị trí. Đây là những tác dụng rất quan trọng bởi thằn lằn hay gián hoàn toàn có thể khiến linh kiện của bạn chạm mạch, rỉ sét bằng chất thải của chúng. Nếu quên tấm che I/O này, bạn sẽ phải tháo cả mainboard ra để lắp lại và đây là điều rất phiền hà, do đó hãy để nó ở vị trí dễ thấy, tốt nhất là ngay ở chỗ của nó trên thùng máy khi bạn vừa khui mainboard ra khỏi hộp của mình.

Các con ốc nâng đỡ mainboard cũng là một món thường bị bỏ quên khi ráp máy tính. Chúng thường có hình lục giác và được bán kèm theo thùng máy, có thể là đã được lắp sẵn vào vị trí hoặc trong một hộp rời. Bạn cần lắp đủ các chốt này vào các vị trí để có thể giúp mainboard được giữ chặt vào thùng máy, tránh việc mainboard bị cong, vênh khi các linh kiện nặng nề như tản nhiệt hay card đồ họa được lắp lên.

Mời bạn tham gia group Facebook của Sforum.vn cùng nhau trao đổi, thảo luận các thông tin hot về thị trường công nghệ Việt Nam, tham gia ngay tại: Sforum – Sunsee Tech.