Cẩm nang build PC – Phần 8: “Nhập môn” cách chọn một màn hình cho dàn PC của bạn

Người ta nói đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, và đối với chiếc máy tính thì màn hình là cửa sổ của nó. Nếu không chọn màn hình chuẩn, tất cả những gì bạn làm trên dàn máy tính của mình đều sẽ “xuống sắc” hẳn theo đúng nghĩa đen. Vậy nên dù là xem phim, chơi game, edit hình ảnh, dựng video hay thậm chí là lướt Facebook, bạn đều luôn muốn có một màn hình chất lượng. Trong bài viết này, Sforum xin được chia sẻ cùng bạn những lời khuyên để chọn được một màn hình phù hợp với quá trình Build PC của mình, thỏa mãn nhu cầu “xem cho sướng mắt” của bạn.
Những thông số cần biết khi chọn màn hình
Nếu bạn là tay mơ hoàn toàn chưa biết gì về màn hình và muốn tìm hiểu các thông số cơ bản quyết định chất lượng màn hình, phần này là dành cho bạn. Còn nếu đã rành hơn, xin mời nhảy sang phần kế tiếp của bài viết này để biết các quy tắc nhanh khi chọn màn hình nhé.
Độ phân giải
Một màn hình máy tính ngày nay thường được tạo thành từ hàng triệu điểm ảnh nhỏ li ti (pixel) xếp ngay hàng thẳng lối trên bề mặt khung hình. Số lượng pixel chính là độ phân giải của màn hình, ví dụ màn có độ phân giải 1920x1080 thì cạnh ngang của nó có 1920 pixel, còn chiều thẳng đứng có 1080 pixel, tổng cộng là 2,073,600 pixel.
Thời gian phản hồi
Còn được gọi là Response Time, đây là khoảng thời gian mà một pixel cần để đổi từ màu này sang màu khác. Thời gian này càng thấp càng tốt và game thủ luôn có đòi hỏi rất khắt khe với thông số này.
Tần số quét
Tần số quét, hay Refresh Rate đều là một. Con số này quyết định số lần mà màn hình có thể hiển thị một hình ảnh mới mỗi giây, và được đo bằng Hertz (Hz). Ví dụ nếu màn hình có tần số quét 144 Hz, nó có thể vẽ 144 khung hình mỗi giây. Con số này càng cao thì trải nghiệm của bạn càng mượt mà hơn, tương tự như trên điện thoại di động. Chỉ số này được các game thủ cực kỳ quan tâm và các màn hình 144hz, 165hz,... cũng rất được quan tâm và yêu thích.
https://www.youtube.com/watch?v=pUvx81C4bgs
Ngoài ba thông số trên, còn có một vài con số khác nhưng chúng không quá quan trọng trong trải nghiệm của bạn. Chúng tôi sẽ thực hiện một bài viết khác giải thích kỹ hơn về chúng sau.
Những quy tắc nhanh để chọn màn hình
Ngày nay, các nhà sản xuất màn hình thi nhau tung ra rất nhiều sản phẩm phục vụ nhiều nhu cầu ở mọi mức giá khác nhau. Bạn có thể tìm được những thứ quái chiêu như… màn hình di động (portable monitor) siêu nhỏ gọn, màn hình phẳng cổ điển cho đến các màn cong thời thượng nhắm thẳng vào cộng đồng game thủ.
Chúng cũng có nhiều thông số kỹ thuật khác nhau như độ phân giải, tần số quét, thời gian phản hồi,… và các tính năng như FreeSync, G-Sync, lọc ánh sáng xanh, không nhấp nháy,… Nhưng trước khi bận tâm đến tất cả những vấn đề đó, hãy cùng xem qua các quy tắc đơn giản khi chọn màn hình máy tính của Sforum.
Quyết định mục tiêu sử dụng. Chơi game, chỉnh sửa ảnh / video cần những màn hình rất khác nhau. Game thủ muốn tần số quét cao và thời gian phản hồi thấp, trong khi người dùng cần chỉnh sửa ảnh / video chuyên nghiệp muốn màn hình có tông màu chính xác nhất có thể.
Độ phân giải càng cao, hình càng đẹp nhưng cần card đồ họa càng mạnh. 1920x1080 (hay còn được gọi là 1080p, FHD, Full HD) là độ phân giải phổ biến nhất hiện nay. QHD và 4K đem lại chất lượng hình ảnh tốt hơn nhiều nhưng cũng đắt hơn nhiều.
Kích thước cũng quan trọng. Không phải cứ càng to càng tốt, ví dụ nếu màn 27 inch mà độ phân giải 1920x1080 thì sẽ rất chán vì mắt bạn thấy rõ từng pixel trên màn hình.
Loại tấm nền (panel) quyết định chất lượng hình ảnh. Cho dễ nhớ thì TN < IPS < VA, nhưng mỗi loại cũng có ưu điểm riêng. TN có thời gian phản hồi nhanh nhất, IPS chậm hơn một chút còn VA chậm nhất.
Xem xét màn hình cong. Loại màn hình này mới xuất hiện vài năm gần đây nhưng rất hot bởi ưu điểm vượt trội về góc nhìn (Field of view), khiến trải nghiệm game, phim ảnh của bạn chân thực hơn. Chúng cũng có kích thước rất lớn (thường trên 30 inch) và khá đắt đỏ. G-Sync hay FreeSync? Đây là những cái tên khác nhau mà NVIDIA và AMD đặt cho tính năng giảm xé hình, giật hình của họ. Việc chọn giữa G-Sync với FreeSync tùy theo bạn dùng card đồ họa hãng nào: AMD dùng FreeSync, còn NVIDIA dùng G-Sync.
Chọn một màn hình chơi game
Có rất nhiều lựa chọn khó hiểu và các thuật ngữ quảng cáo thậm chí còn khó hiểu hơn mà bạn phải đối mặt khi mua một màn hình chơi game mới. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể phớt lờ chúng và tập trung vào ba chỉ số cơ bản là độ phân giải, tần số quét và thời gian phản hồi.
Các game thủ thực sự nghiêm túc với thành tích của mình và muốn leo rank trong các game đối kháng nên ưu tiên tốc độ làm mới cao (144 Hz trở lên), cũng như thời gian phản hồi thấp nhất có thể, tốt nhất là không quá 5ms. Dĩ nhiên những đòi hỏi này sẽ khiến giá cả đội lên, và một PC đủ sức đáp ứng 144Hz cũng không rẻ, nhưng những gì bạn nhận được là xứng đáng.
Nếu bạn là một game thủ bình thường và nghĩ rằng mình không có nhu cầu chơi game ở tần số quét cao hoặc kinh phí hạn hẹp, 75 Hz hoặc 60 Hz cũng là đủ. Khi chọn màn hình theo hướng này, bạn có thể dành kinh phí vào việc tăng kích thước và độ phân giải của nó.
[Product_Info id='30715']
Màn hình cho những người chuyên nghiệp
Nếu làm việc với hình ảnh (nhiếp ảnh gia, photoshoper, thiết kế web, dựng phim, thiết kế game,…), bạn không thể sử dụng màn hình của game thủ bởi chúng thường dùng panel TN và hiển thị màu sắc của hình ảnh không đủ chính xác. Khi là một người dùng máy tính cho nhu cầu chuyên nghiệp, hẳn bạn đã rành rẽ về màn hình và vì thế chúng tôi sẽ chỉ tóm lược những điều cần chú ý.
Đầu tiên, bạn nên tìm một màn hình sử dụng panel IPS – đây là công nghệ tấm nền đem lại độ chính xác màu sắc cao nhất, vượt xa VA và TN. Đừng bận tâm đến những chỉ số như tần số quét hay thời gian phản hồi bởi chúng chẳng có tác dụng gì khi bạn làm việc với hình ảnh tĩnh. Một người dùng chuyên nghiệp sẽ muốn có màn hình có khả năng hiển thị ít nhất 100% sRGB, ít nhất 90% Adobe RGB và DCI-P3.
[caption id='attachment_585417' align='aligncenter' width='1185'] Sự khác biệt giữa độ sâu màu 8 bit và 10 bit.[/caption]
Khi chọn màn hình cho mục đích công việc như thế này, tối thiểu bạn sẽ cần một màn hình cho phép cân chỉnh lại màu sắc, có thể là thông qua giao diện trên màn hình (On-Screen Display – OSD), qua phần mềm, hoặc thiết bị chuyên nghiệp. Chống flicker cũng sẽ hữu ích cho đôi mắt của những ai phải nhìn vào màn hình suốt cả ngày làm việc. Nên chọn màn hình có độ sâu màu (bit-depth) tối thiểu là 10 bit, và nếu có thể thì chọn loại 12 bit.
Kích thước và độ phân giải màn hình cũng khá quan trọng, bởi bạn sẽ muốn có nhiều không gian hơn trên màn hình để đặt các thanh công cụ, cửa sổ và phần mềm của mình. 1440p (tức là 2560x1440) là khởi đầu tốt nhưng nếu có thể thì bạn nên lên hẳn 4K để có trải nghiệm tốt nhất.
[Product_Info id='44828']
Tạm kết
Hi vọng rằng các thông tin được chia sẻ trong bài viết này đã giúp ích cho bạn trong việc chọn một màn hình PC phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình. Nếu vẫn còn có thắc mắc, hãy để lại câu hỏi ở cuối bài hoặc chờ đợi những bài viết chi tiết hơn về các thông số và nhu cầu sử dụng màn hình sẽ được chúng tôi cho ra mắt trong tương lai.
[Product_Listing categoryid='878' propertyid='nhu_cau_su_dung|973' customlink='https://cellphones.com.vn/laptop.html?nhu_cau_su_dung=973' title='Danh sách Laptop Gaming đang được quan tâm nhiều tại CellphoneS']

Bình luận (0)