Quan điểm của ông Quảng ủng hộ việc Apple từ bỏ chuẩn Lightning, chuyển sang sử dụng chuẩn USB-C phổ biến hơn nhằm bảo vệ môi trường một cách hiệu quả hơn nữa.
Có lẽ ở thời điểm hiện tại, người dùng đều đã biết việc Apple đang và sẽ cắt giảm củ sạc cũng như tai nghe kèm theo iPhone được bán ra trong tương lai. Lý do được Apple đưa ra là nhằm giảm thiểu lượng nhựa thải ra môi trường. Điều này có phần đúng bởi hàng năm, có tời hàng trăm triệu chiếc iPhone được bán ra trên toàn thế giới, giảm thiểu củ sạc kèm theo máy có thể là nỗ lực của Apple giúp bảo vệ môi trường hơn. Tất nhiên, điều này cũng gây ra không ít những ý kiến trái chiều trong cộng đồng người dùng công nghệ.
Đưa ra ý kiến về vấn đề này, mới đây CEO của BKAV là ông Nguyễn Tử Quảng đã đăng tải một bài đăng trên mạng xã hội Facebook, nêu rõ quan điểm cá nhân về việc Apple cắt giảm phụ kiện để giảm lượng tiêu thụ vật liệu cũng như rác thải điện tử.
“Với tư cách một nhà sản xuất smartphone, tôi cho rằng ý tưởng này không phải là không có lý. Tuy nhiên, để bảo vệ môi trường ở mức cao hơn, tôi nghĩ đồng nghiệp Tim Cook nên chọn thêm giải pháp đơn giản là THAY CỔNG KẾT NỐI Lightning bằng USB-C.
Hiện có hàng tỷ bộ sạc điện thoại đang được sử dụng hàng ngày trên thị trường. Và một phần rất lớn trong số này thuộc về các hãng điện thoại Android và chúng sử dụng cổng kết nối USB-C.
Apple chỉ cần đơn giản thay thế cổng Lightning bằng USB-C, như họ đã làm với iPad và máy tính Macbook, là đã khiến cho việc dùng chung sạc trở nên khả thi hơn nhiều, giúp bảo vệ môi trường.”
Quan điểm được ông Quảng đưa ra cũng là một trong những vấn đề được cộng đồng công nghệ bàn luận trong thời gian vừa qua. Quả thật, việc Apple chuyển sang sử dụng cổng sạc USB-C trên iPhone hoàn toàn là điều Apple có thể làm được để giúp nỗ lực bảo vệ môi trường có ý nghĩa hơn. Hiện tại gần như 100% smartphone Android hiện nay đều đã chuyển qua sử dụng cổng kết nối này, khiến USB-C trở nên phổ biến hơn so với cổng Lightning của iPhone.
Người dùng hoàn toàn có thể sử dụng chung củ sạc của Android hoặc laptop để có thể sạc cho iPhone, từ đó không cần phải mua thêm phụ kiện, điều nghiễm nhiên biến việc “bảo vệ môi trường” trở nên mất ý nghĩa.
Để kết luận, ông Quảng cũng không quên nhắc tới Bphone 2017. Theo ông Quảng Bphone 2017 là “một trong những smartphone đầu tiên trên thế giới được trang bị cổng USB-C”.
Mặc dù vậy, thống kê từ GSMArena cho thấy kể từ năm 2016 trở về trước đó, đã có tới hơn 100 chiếc smartphone Android được trang bị chuẩn kết nối này. Xét về khía cạnh nào đó, rõ ràng Bphone 2017 cũng thuộc top 200 thiết bị Android đầu tiên trang bị chuẩn kết nối USB-C.
Chuẩn USB-C hiện đang trở thành một chuẩn kết nối chung cho gần như tất cả các thiết bị điện tử. Chuẩn này đã xuất hiện trên điện thoại, laptop, màn hình, máy ảnh hay thậm chí là nhiều thiết bị điện tử gia dụng khác.
Việc chuyển sang sử dụng cổng USB-C sẽ giúp bản thân người dùng cũng như các nhà sản xuất smartphone có thể tận dụng dây sạc, củ sạc của các thiết bị khác để dùng chung các loại điện thoại với nhau, không cần phải bỏ thêm tiền để mua thêm phụ kiện.