Mổ xẻ, so sánh chế độ mới Bắn hay Trốn của Play Together với Free Fire và PUBG Mobile


Bắn hay Trốn là minigame vừa được ra mắt trong Play Together tại bản cập nhật ngày 15/7. Nó đã tạo ra sự thích thú lớn đối với game thủ. Liệu đây là trò chơi “ăn cắp” hay học hỏi các tựa game bắn súng sinh tồn đi trước?
Từng vướng qua không ít nghi vấn đạo nhái nên Play Together không thể tránh khỏi ánh mắt soi mói và so sánh từ nhiều người. Trong bài viết này, S-Games mang đến cho các con dân của Play Together một góc nhìn phân tích xem Bắn hay Trốn sẽ như thế nào nếu so sánh với Free Fire hay PUBG Mobile.
Hoàn cảnh ra đời
Không phải người đầu tiên nhưng PUBG lại là tựa game khai mở ra một thời kỳ bùng nổ của thể loại game Battle Royale. PUBG Mobile trên nền tảng điện thoại di động cũng nằm trong tình thế tương tự. Vì thế mà PUBG Mobile vô cùng hiên ngang với vị thế là những người đi đầu. Và vô hình chung các tựa game theo sau phần nào cũng sẽ bị cộng đồng gọi là đạo nhái.
Vươn mình mạnh mẽ không lâu sau “phát súng” của PUBG Mobile, Free Fire nhanh chóng chiếm lấy một phần tương đối của “miếng bánh thị phần”. Và như đã đề cập, với vị thế là kẻ theo sau nên Free Fire bị cộng đồng game thủ cho là đạo nhái PUBG Mobile. Nhưng sau một khoảng thời gian phát triển, hướng đi của 2 tựa game này đã dần tách xa nhau.
Play Together là kẻ đi sau cùng cho tới thời điểm này, chưa kể nó còn vướng phải rất nhiều nghi án đạo nhái đã khiến Bắn hay Trốn rơi vào tầm mắt soi mói của mọi người. Nhưng thật khó để kết luận rằng đây là một game đạo nhái ý tưởng.
Lối chơi
Lối chơi chính là mối liên kết vô hình của cả 3 tựa game này. Đều theo thể loại game Battle Royale hay được biết đến nhiều hơn ở Việt Nam là game chiến đấu sinh tồn, các yếu tố như vũ khí, vòng bo, địa hình, thời gian, vật lý... đều có mặt đầy đủ trong các tựa game này. Điểm khác nhau chính là độ chân thực của các yếu tố trên đạt ở mức bao nhiêu để phù hợp với mục tiêu đề ra của nhà sản xuất game.
Với mục tiêu là trở thành vị vua của thể loại Battle Royale, PUBG Mobile đã đẩy các yếu tố vật lý lên cao nhất có thể. Ví dụ như độ giật của súng khi bắn, tương tác của nhân vật hay xe cộ khi di chuyển trên địa hình,... đều rất chân thật. Đối với Free Fire, tựa game của “Gà rán” lại đi theo hệ tư tưởng của Đột Kích “sơn càng đẹp, súng càng mạnh”. Điều này đã làm độ chân thật cũng như tính ổn định của game giảm đi đáng kể, nhất là những game thủ yêu thích một trò chơi dựa vào kỹ năng nhiều hơn.
Cuối cùng là Bắn hay Trốn, với mục tiêu thuần giải trí và không mang ý định ganh đua với các game khác nên mini game này có lối chơi vô cùng đơn giản với chỉ vũ khí, máu, đạn và vòng bo. Việc của người chơi chỉ là tìm và tiêu diệt đối thủ để tồn tại đến cuối cùng mà không cần quan tâm xem súng có được sơn như thế nào hay độ giật là bao nhiêu. Chính điều trên lại tạo nên một trải nghiệm chơi game vô cùng giải trí và thư giãn cho các con dân của Play Together.
Chất lượng hình ảnh
Được tạo nên từ công nghệ Unreal Engine (UE) nên vị trí đứng đầu tất nhiên sẽ thuộc về PUBG Mobile. Unreal Engine cho phép người dùng sáng tạo ra các hình ảnh 3D, các hiệu ứng tương tác với chất lượng hình ảnh cao và chuyển động mượt mà. Nó nổi bật với tính tùy biến bản đồ cao, có thể tạo ra môi trường giàu vật thể với ánh sáng và màu sắc phong phú. Ngoài ra, game engine còn có thể xử lý hiệu ứng âm thanh, hiệu ứng ánh sáng, hiệu ứng va chạm vật lý, xây dựng trí tuệ nhân tạo (AI) để điều khiển hành động của nhân vật trong game.
Tuy có đồ họa không thể sánh được với PUBG Mobile nhưng Free Fire lại mang đến cho người chơi những bộ trang phục đầy màu sắc và vô cùng ấn tượng. Từ trang phục nhân vật cho đến súng hay thú cưng đều được đội ngũ phát triển game của Free Fire chăm chút rất kỹ. Đây cũng là lý do giúp Free Fire vẫn thu hút được nhiều người chơi nữ mặc dù đây là tựa game mang hơi hướng bạo lực.
Đối với Bắn hay Trốn, vốn dĩ đây chỉ là một mini game vậy nên đồ họa của nó cũng chính là đồ họa của Play Together. Nhưng không vì thế mà ta có thể đánh giá thấp đồ họa của mini game này. Theo lối thiết kế chibi làm nên thương hiệu của Play Together, Bắn hay Trốn đã thể hiện được hình ảnh dễ thương và có đôi chút “ngáo ngơ” của nhân vật chibi. Ngoài ra, các yếu tố ngoại cảnh của game cũng được hoàn thiện ở top đầu trong lối thiết kế này.
Kết luận
Sau những phân tích trên, chúng ta có thể kết luận rằng Bắn hay Trốn trong Play Together không phải là một game đạo nhái mà nó chỉ kế thừa những tinh hoa của dòng game Battle Royale. Điều này được thể hiện qua mục đích tạo ra một mini game hấp dẫn, giải trí và thư giãn cho các game thủ Play Together của HAEGIN. Ngoài ra, luận điểm trên còn được chứng minh bằng chính hành động của HAEGIN khi họ đã rất nỗ lực để tạo ra những điểm vô cùng riêng biệt cho đứa con của mình.
[Product_Listing categoryid='1131' propertyid=' customlink='https://cellphones.com.vn/mobile/dien-thoai-gaming.html' title='Danh sách điện thoại Gaming đang được quan tâm nhiều tại CellphoneS']

Bình luận (0)