Trang chủĐánh giáMáy tính
Đánh giá ASUS TUF Gaming A14 (2024): Laptop dưới 1.5kg chơi mượt Wukong, mạnh và mát đến bất ngờ!
Đánh giá ASUS TUF Gaming A14 (2024): Laptop dưới 1.5kg chơi mượt Wukong, mạnh và mát đến bất ngờ!

Đánh giá ASUS TUF Gaming A14 (2024): Laptop dưới 1.5kg chơi mượt Wukong, mạnh và mát đến bất ngờ!

Đánh giá ASUS TUF Gaming A14 (2024): Laptop dưới 1.5kg chơi mượt Wukong, mạnh và mát đến bất ngờ!

Tiz , Tác giả Sforum - Trang tin công nghệ mới nhất
Tiz
Ngày đăng: 05/09/2024-Cập nhật: 05/09/2024
gg news

ASUS TUF Gaming A14 (2024) sở hữu cấu hình siêu mạnh với AMD Ryzen AI 9 HX 370 và GPU RTX 4060 nằm trong một thân máy nặng chỉ 1.46kg và dày chưa đến 2cm, chơi mượt tựa game Wukong hot nhất hiện nay.

Sức mạnh của ASUS TUF Gaming A14 (2024) thậm chí có sánh ngang những mẫu laptop gaming hàng khủng của 1 - 2 năm trước, đặc biệt là về hiệu năng CPU.

ASUS TUF Gaming A14 (2024)

Thông số cấu hình ASUS TUF Gaming A14 (2024)

Đầu tiên chúng ta sẽ điểm qua về thông số cấu hình của chiếc A14 được sử dụng trong bài viết này.

 

ASUS TUF Gaming A14 (2024)

CPU

AMD Ryzen AI 9 HX 370 12 nhân 24 luồng

GPU tích hợp

Radeon 890M

GPU rời

NVIDIA GeForce RTX 4060 100W (75W+25W Dynamic Boost), 8GB GDDR6

NPU

50TOPS

Màn hình

14-inch, 2560 x 1600, sRGB 100.00%,165Hz, G-Sync, MUX Switch + NVIDIA Advanced Optimus

RAM

32GB LPDDR5X 7500 onboard

SSD

1TB

Cổng kết nối 

1 giắc cắm âm thanh combo 3,5mm

1x HDMI 2.1 FRL

2x USB-A 3.2 Gen 2

1x USB 3.2-C Gen 2 hỗ trợ DisplayPort

1 x cổng Type-C USB 4 hỗ trợ DisplayPort™ / power delivery

1 x đầu đọc thẻ (microSD) (UHS-II)

Pin, adapter

73Wh, 200W

Trọng lượng

1.46 Kg

Kích thước

31.1 x 22.7 x 1.69 ~ 1.99 cm

Hệ điều hành

Windows 11 Home

Tặng kèm Microsoft Office Home & Student 2021

Nhìn vào cấu hình có thể thấy ASUS TUF Gaming A14 (2024) thực sự quá ấn tượng khi sở hữu GPU 100W cùng một CPU hiệu năng cao trong một thiết kế quá mỏng nhẹ. Liệu hệ thống tản nhiệt của máy có đủ để duy trì hiệu năng của máy, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài đánh giá này nhé.

ASUS TUF Gaming A14 (2024)

Thiết kế mỏng nhẹ nhưng chưa cao cấp

Công bằng mà nói thì mức giá trên 40 thì ASUS TUF Gaming A14 (2024) thực sự chưa đủ thuyết phục nếu xét về ngoại hình. Máy chỉ có mặt A và mặt D kim loại còn mặt C và viền màn hình thì vẫn là nhựa. Thiết kế tổng thể của máy dừng lại ở mức độ đơn giản, gọn gàng, mỏng nhẹ (so với cấu hình) chứ chưa thể coi là cao cấp.

So với thiết kế của G14 các năm trước thì TUF A14 vẫn thua một bậc. Cảm giác cầm trên tay cũng ở mức ổn, chưa nhiều cảm xúc so với một chiếc laptop trên 40 triệu đồng.

Chi tiết hơn về mặt thiết kế bạn có thể xem thêm trong bài viết: Trên tay ASUS TUF Gaming A14 (2024): Mỏng nhẹ, mạnh, tản nhiệt tốt, CPU AMD "out trình" Intel Core Ultra.

Màn hình, bàn phím và touchpad khá tốt

Chất lượng màn hình của ASUS TUF Gaming A14 khá tốt với kích thước 14 inch độ phân giải 2560 x 1600 tỷ lệ 16:10, 100% sRGB. Điểm cộng là màn hình có tần số 165Hz cực kỳ mượt mà và hỗ trợ đầy đủ G-Sync, MUX Switch + NVIDIA Advanced Optimus. Nhìn chung nếu chơi game thì không có gì phải phàn nàn nhưng nếu dùng trong việc chỉnh ảnh, thiết kế, sáng tạo nội dung thì màu sắc cũng ở mức vừa đủ chứ chưa quá xuất sắc.

Về phần bàn phím và touchpad, điểm cộng là bàn di chuột khá lớn cho trải nghiệm tốt còn bàn phím ở mức vừa đủ, chỉ tương đương các dòng TUF khác chứ chưa thể so với ROG Zephyrus.

Hiệu năng ấn tượng, tản nhiệt hiệu quả

ASUS TUF Gaming A14 (2024) sở hữu hiệu năng CPU ấn tượng

Bộ xử lý AMD Ryzen AI 9 HX 370 thực sự khiến mình bất ngờ khi sở hữu hiệu năng đơn lõi lẫn đa lõi đều cực kỳ ấn tượng trong khi mức tiêu thụ điện năng chỉ 80W. Để mô tả ngắn gọn về sức mạnh của Ryzen AI 9 HX 370 bạn có thể hình dung như sau: Hiệu năng đơn lõi mạnh hơn và hiệu năng đa lõi gần bằng Intel Core i7-14700HX 20 nhân 28 luồng chạy ở mức ~160W, tức gấp đôi bộ xử lý AMD. 

Và bạn biết đấy, Core i7-14700HX chỉ được trang bị trên các mẫu laptop gaming hàng khủng, và cũng chỉ có những mẫu laptop có hệ thống tản nhiệt ít nhất cũng phải cỡ Legion 5 Pro trở lên mới đủ làm mát cho con CPU nóng bỏng này.

Khi chạy ở mức công suất 80W, hiệu năng đa lõi trong Cinebench 2024 cũng mạnh hơn đáng kể so với Snapdragon X Elite.

Ở các mức công suất thấp hơn, Ryzen AI 9 HX 370 chỉ cần 45W để đạt hơn 20,000 điểm Cinebench R23, vượt xa Core Ultra 9 185H chạy ở 115W.

Ở mức 30W, tức chỉ bằng CPU trên các mẫu laptop văn phòng mỏng nhẹ thì CPU Zen 5 của AMD vẫn đạt gần 16500 điểm, đâu đó tương đương Ryzen 9 8945HS chạy ở 80W. Để so sánh thì 8840HS Zen 4 cùng TDP 30W chỉ đạt khoảng 11500 điểm. Và đáng chú ý là cả hai thế hệ CPU đều sản xuất trên tiến trình 4nm. 

Ngoài ra mình cũng có thử nghiệm hiệu năng với Geekbench 6, hiệu năng cũng cực kỳ ấn tượng, đặc biệt là hiệu suất đơn lõi.

Geekbench 6, điểm đơn nhân quá ấn tượng
Geekbench 6, điểm đơn nhân quá ấn tượng

Khả năng tản nhiệt tuyệt vời

Mình đã đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác khi chạy bài test Cinebench 2024 10 phút để kiểm tra khả năng tản nhiệt và độ ổn định, kết quả cuối cùng cho ra số điểm giống hệt nhau.

Chạy 1 lần
Chạy 1 lần
Chạy 10 phút
Chạy 10 phút

Điều đó cho thấy ASUS TUF Gaming A14 (2024) hoàn toàn đủ khả năng để CPU có thể duy trì hiệu năng cao liên tục trong thời gian dài.

Mặt D của ASUS TUF Gaming A14 (2024) có rất nhiều lỗ hút gió
Mặt D của ASUS TUF Gaming A14 (2024) có rất nhiều lỗ hút gió

Sức mạnh GPU và khả năng chơi game trên TUF Gaming A14

Tiếp theo chúng ta sẽ thử nghiệm hiệu năng của GPU trên TUF Gaming A14 cũng như khả năng chơi game thực tế của chiếc máy này. Nhắc lại một chút về thông số, TUF Gaming A14 được trang bị GPU NVIDIA GeForce RTX 4060 100W (75W+25W Dynamic Boost), mặc dù còn kém khá xa mức 140W trên nhiều mẫu laptop gaming nhưng nó vẫn đã là quá khủng trên chiếc laptop chưa đầy 1.5kg.

Đầu tiên vẫn là các thử nghiệm benchmark quen thuộc:

3DMark Time Spy: Điểm CPU rất cao, điểm GPU cân mượt mọi loại game
3DMark Time Spy: Điểm CPU rất cao, điểm GPU cân mượt mọi loại game
3DMark Time Spy Extreme
3DMark Time Spy Extreme

Ngoài ra mình cũng có thử nghiệm hiệu năng với GPU tích hợp trên chip, sức mạnh của iGPU 890M thì Sforum cũng đã có nhiều bài viết có nguồn từ các tester nước ngoài và nó thực sự rất mạnh.

3DMark Time Spy với đồ họa tích hợp, sức mạnh cũng không đùa được đâu
3DMark Time Spy với đồ họa tích hợp, sức mạnh cũng không đùa được đâu
Điểm OpenCL của đồ họa tích hợp Radeon 890M: Mạnh hơn cả GTX 1650 Max-Q 
Điểm OpenCL của đồ họa tích hợp Radeon 890M: Mạnh hơn cả GTX 1650 Max-Q 

Về trải nghiệm chơi game thực tế, Sforum cũng đã kịp test tựa game Black Myth: Wukong hot nhất hiện nay. Và như trong video bên dưới, ASUS TUF Gaming A14 (2024) hoàn toàn đủ sức cân mượt tựa game này ở mức Full HD và thiết lập đồ họa cao:

Một điều đáng lưu ý là dung lượng RAM mà game chiếm dụng là rất lớn, vì vậy để có được trải nghiệm tốt nhất thì bạn thực sự nên chọn phiên bản 32GB RAM vì chiếc laptop này không thể nâng cấp về sau.

Với tựa game PUBG, máy cũng hoàn toàn cân mượt thiết lập Ultra, độ phân giải Full HD, fps cho ra ổn định ở trên 120. 

Khi chỉ sử dụng đồ họa tích hợp Radeon 890M vẫn đủ chơi PUBG setting low ở 60 - 80fps, hoàn toàn đủ để trải nghiệm tựa game này. TGP của đồ họa tích hợp được MSI Afterburner hiển thị là lên tới 60W.

Benchmark với Shadow of the Tomb Raider ở thiết lập đồ họa cao, Full HD, fps trung bình đạt tới ~130fps.

Shadow of the Tomb Raider cho mức fps khá cao
Shadow of the Tomb Raider cho mức fps khá cao

Còn đây là kết quả benchmark với iGPU, một con số thực sự quá ổn. Cuối năm nay AMD sẽ ra mắt Strix Halo với số lõi GPU gấp 2.5 lần Radeon 890M hứa hẹn hiệu năng bùng nổ.

Shadow of the Tomb Raider với đồ họa tích hợp
Shadow of the Tomb Raider với đồ họa tích hợp

Khi chơi game, GPU có thể ăn tối đa 100W, trung bình khoảng 70 - 80W, nhiệt độ ở mức 70 - 80 độ liên tục và đáng chú ý là nhiệt độ mặt C sẽ khá cao nên mình nghĩ bạn nào mua chiếc laptop này thì không nên chơi game nặng liên tục trong thời gian dài.

Làm việc thực tế với các tác vụ nặng rất ổn áp

Trong các tác vụ làm việc thực tế như sử dụng Lightroom, Photoshop, Premiere, các phần mềm thiên về tính toán thì hiếm khi nào cả CPU và GPU cùng phải chạy ở công suất cao. Ngay cả khi render video trên Premiere thì GPU chỉ ăn tối đa khoảng 60W nếu cấp nguồn và 45W khi không cấp nguồn. Lúc đó máy cực kỳ mát mẻ và ổn định.

Đáng chú ý là ngay cả khi không cấp nguồn, hiệu năng làm việc vẫn rất tốt vì như đã test ở trên, CPU thì vẫn đạt >20,000 điểm Cinebench R23 còn RTX 4060 vẫn ăn 45W, không kém mức 60W khi cấp nguồn quá nhiều. Tuy vậy nếu chơi game thì sẽ khác vì lúc chơi game GPU thường ăn 70 - 80W, đôi lúc nhảy lên 90 - 100W, nếu không cấp nguồn sẽ bị giảm đáng kể hiệu năng cũng như rất nhanh hết pin.

Tốc độ ổ cứng ASUS TUF Gaming A14 khá cao

ASUS TUF Gaming A14 (2024) được trang bị 1TB SSD PCIe Gen4 cho tốc độ khá cao, chưa phải con số lý tưởng của ổ Gen4 nhưng đã quá ổn đối với một SSD đi kèm với máy.

Thời lượng pin và adapter 

ASUS TUF Gaming A14 được trang bị adapter 200W, thoải mái để cả CPU + GPU cùng chạy ở mức công suất tối đa. Bên cạnh đó nếu muốn nhỏ gọn hơn khi di chuyển thi bạn cũng có thể sắm các bộ sạc GaN 100W, tốt nhất là bộ sạc của ASUS. 

Mình có thử cấp nguồn bằng adapter 90W thì máy báo sạc chậm nhưng khi làm việc văn phòng nhẹ nhàng thì % pin vẫn tăng khá nhanh. Khá dễ hiểu vì khi làm việc văn phòng CPU chỉ dùng 3 - 5W, tính cả màn hình và mọi linh kiện khác không quá 10W.

Về phần pin, dung lượng pin 73Wh của máy thực sự có thể đáp ứng 8 tiếng làm việc thực tế với nhiều tác vụ hỗn hợp. Mình đã sử dụng ASUS TUF Gaming A14 để làm việc online, thỉnh thoảng có dùng Photoshop để chỉnh ảnh thì mỗi giờ chỉ hết khoảng 11 - 12% pin.

Còn khi phát video Full HD YouTube thì mỗi giờ sẽ sử dụng khoảng 8 - 9% với độ sáng màn hình 50%, tức là bạn có thể cày phim xuyên đêm với TUF Gaming A14 mà không cần cấp nguồn. Tất nhiên kết quả này còn lâu mới bằng Snapdragon X Elite nhưng rõ ràng một chiếc laptop Windows x86 với AMD Ryzen AI 9 HX 370 hoàn hảo hơn rất nhiều so với laptop Windows ARM còn rất nhiều vấn đề về tương thích phần mềm, khả năng chơi game, bộ xử lý đồ họa yếu.

ASUS TUF Gaming A14 (2024) có đáng mua không?

Các kết quả thử nghiệm hiệu năng của ASUS TUF Gaming A14 (2024) đều rất ấn tượng, đặc biệt là khi xét về yếu tố kích thước và trọng lượng. Tuy nhiên mức giá hơn 40 triệu đồng sẽ là rào cản lớn đối với người dùng. Mặc dù có nhiều ưu điểm thế nhưng thương hiệu TUF từ lâu đã được định hình là gaming tầm trung - giá rẻ, thiết kế cũng chưa đủ ấn tượng chắc chắn sẽ làm nhiều người đắn đo.

Nhưng nếu bạn thực sự hiểu nhu cầu của mình, bạn đang tìm một chiếc laptop gọn nhẹ để tiện di chuyển, phục vụ nhu cầu công việc nhiều hơn là chơi game thì TUF A14 thực sự rất đáng quan tâm. ROG Zephyrus G14 có khá nhiều ưu điểm, cao cấp, ấn tượng hơn nhưng hiện tại lại đang dừng lại ở Ryzen 8040 series cho hiệu năng CPU thấp hơn đáng kể. 

Trên thị trường laptop chính hãng ở Việt Nam mình cũng chưa thấy có mẫu laptop nào gọn nhẹ, mạnh mẽ, tản nhiệt tốt như ASUS TUF Gaming A14, vì vậy sản phẩm vẫn sẽ có một nhóm đối tượng khách hàng riêng. 

Xem thêm: AI Gaming laptop đáng sở hữu nhất hiện nay gọi tên Asus TUF A14

Phiên bản ASUS TUF Gaming A14 FA401WV-RG061WS trong bài viết có mức giá niêm yết 46.99 triệu đồng tại CellphoneS, tham khảo và đặt hàng ngày trong khung sản phẩm dưới đây:

[Product_Info id='87585']

danh-gia-bai-viet
(0 lượt đánh giá - 5/5)

Với hơn 9 năm làm nội dung công nghệ, trải nghiệm qua hàng trăm sản phẩm smartphone, laptop khác nhau, mình hy vọng sẽ mang đến cho các bạn nhiều thông tin bổ ích.

Bình luận (0)

sforum facebook group logo