Trang chủĐánh giáMáy tính
Đánh giá ASUS TUF Gaming F16 (2025): Khi RTX 5050 chẳng ngại chơi game AAA nặng nhất!
Đánh giá ASUS TUF Gaming F16 (2025): Khi RTX 5050 chẳng ngại chơi game AAA nặng nhất!

Đánh giá ASUS TUF Gaming F16 (2025): Khi RTX 5050 chẳng ngại chơi game AAA nặng nhất!

Đánh giá ASUS TUF Gaming F16 (2025): Khi RTX 5050 chẳng ngại chơi game AAA nặng nhất!

Tiz , Tác giả Sforum - Trang tin công nghệ mới nhất
Tiz
Ngày cập nhật: 15/07/2025
gg news

Đánh giá ASUS TUF Gaming F16 FX608JHR-RV037W để xem hiệu năng và khả năng chơi game thực tế của RTX 5050 ra sao và chiếc laptop này có đáng mua hay không.

ASUS TUF Gaming F16 FX608JHR-RV037W là một trong những sản phẩm tiên phong được trang bị GPU RTX 5050. Tuy nhiên, với một cấu hình có phần "không cân đối" khi kết hợp con chip Intel Core i7-14650HX hiệu năng cực cao với một GPU phổ thông, liệu đây có phải là một lựa chọn đáng cân nhắc, cùng Sforum tìm hiểu nhé.

Đánh giá ASUS TUF Gaming F16 2025

Chi tiết cấu hình ASUS TUF Gaming F16 FX608JHR-RV037W

 

Thông số kỹ thuật

CPU

Intel Core i7-14650HX (16 nhân, 24 luồng: 8 P-Cores + 8 E-Cores)

GPU

NVIDIA GeForce RTX 5050 Laptop, 8GB VRAM GDDR7, TGP 115W

RAM

16GB DDR5 (1 thanh) (Tại CellphoneS khách hàng sẽ được tặng thêm 1 thanh 16GB)

Lưu trữ

1TB PCIe Gen 4 NVMe M.2 SSD

Màn hình

16-inch, IPS, Full HD+ (1920x1200), 16:10, 165Hz, 100% sRGB

Bàn phím

Bàn phím Chiclet Full-size, có đèn nền RGB một vùng (One-Zone)

Cổng kết nối

1 x Thunderbolt 4 (hỗ trợ DisplayPort)

1 x USB 3.2 Gen 2 Type-C (hỗ trợ DisplayPort/Power Delivery)

3 x USB 3.2 Gen 2 Type-A

1 x HDMI 2.1

1 x RJ45 LAN

1 x Jack cắm tai nghe/mic 3.5mm

Kết nối không dây

Wi-Fi 6

Pin

90WHrs, 4-cell Li-ion

Adapter sạc

280W

Hệ điều hành

Windows 11 Home SL

Trọng lượng

2.2 kg (Máy) + ~0.8 kg (Adapter)

Chi tiết đánh giá ASUS TUF Gaming F16 FX608JHR

Để có cái nhìn toàn diện nhất, chúng ta sẽ cùng phân tích từng khía cạnh của ASUS TUF Gaming F16, từ thiết kế bên ngoài, chất lượng hiển thị, cho đến hiệu năng xử lý của CPU và GPU, khả năng tản nhiệt và thời lượng pin.

Thiết kế và hoàn thiện

ASUS TUF Gaming F16 vẫn trung thành với ngôn ngữ thiết kế đã làm nên tên tuổi của dòng TUF: mạnh mẽ, tối giản và có phần "nghiêm túc". Máy sở hữu mặt A được làm từ nhôm, tạo cảm giác cao cấp và chắc chắn khi tiếp xúc với logo TUF tối giản tinh tế thay vì các chi tiết màu mè. 

Đánh giá ASUS TUF Gaming F16 2025

Các mặt còn lại như mặt C và mặt D được hoàn thiện từ nhựa, dù không sang trọng bằng các dòng ROG cao cấp hơn nhưng vẫn đảm bảo độ cứng cáp cần thiết cho một chiếc laptop gaming. Khi tác động lực mạnh, phần bàn phím vẫn có một chút hiện tượng flex nhẹ, nhưng trong điều kiện sử dụng và gõ phím thông thường, điều này gần như không thể nhận ra.

Đánh giá ASUS TUF Gaming F16 2025

Về cổng kết nối, ASUS TUF F16 được trang bị khá đầy đủ cổng kết nối. Bên phải là hai cổng USB-A 10Gbps, rất tiện lợi cho việc cắm chuột và các thiết bị ngoại vi khác. Bên trái là một cổng USB-A 10Gbps nữa, một jack cắm tai nghe 3.5mm, một cổng USB-C 10Gbps và một cổng Thunderbolt 4 tốc độ 40Gbps cho khả năng kết nối đa dạng. 

Ngoài ra, máy còn có cổng HDMI 2.1, cổng mạng RJ45 và một cổng sạc riêng của ASUS.

Bàn phím và touchpad: Trải nghiệm ở mức ổn, đủ dùng

TUF F16 được trang bị một bàn phím full-size với cụm phím số (numpad). Chất lượng bàn phím tổng thể ở mức ổn với hành trình phím khá sâu. Tuy nhiên, cảm giác gõ hơi nặng một chút, có thể không phải là lựa chọn lý tưởng cho những người thường xuyên phải soạn thảo văn bản. 

Trên tay ASUS TUF Gaming F16 2025

Bốn phím WASD được làm trong suốt để nổi bật hơn, một chi tiết đặc trưng cho game thủ. Đèn nền bàn phím là RGB nhưng chỉ là dạng one-zone, tức là chỉ hiển thị được một màu tại một thời điểm.

Trên tay ASUS TUF Gaming F16 2025

Touchpad của máy có diện tích khá lớn, cho trải nghiệm tracking ổn định và mượt mà cho các tác vụ hàng ngày. Tuy nhiên, một điểm trừ nhỏ là bề mặt của nó hơi trơn bóng, thiếu đi độ nhám cần thiết để có được cảm giác di chuột chính xác tuyệt đối. Dù vậy, đối với một chiếc laptop gaming, phần lớn thời gian người dùng sẽ sử dụng chuột rời nên đây không phải là vấn đề quá lớn.

Trên tay ASUS TUF Gaming F16 2025

Màn hình: 165Hz và màu sắc tốt cho cả gaming và sáng tạo

ASUS TUF F16 sở hữu màn hình 16 inch với độ phân giải Full HD+ (1920x1200) và tỷ lệ 16:10 mang lại không gian hiển thị theo chiều dọc tốt hơn. Điểm sáng giá nhất của màn hình này chính là tần số quét 165Hz và độ phủ màu 100% sRGB. Tần số quét cao mang lại trải nghiệm chơi game, đặc biệt là các tựa game FPS, cực kỳ mượt mà và phản hồi nhanh.

Về chất lượng màu sắc, màn hình của TUF F16 nhìn chung khá ổn. Khi so sánh với các thiết bị có độ chuẩn màu cao như iPhone hay MacBook, màu sắc hiển thị khá tương đồng. Điều này có nghĩa là ngoài việc chơi game, bạn hoàn toàn có thể sử dụng chiếc laptop này cho các công việc sáng tạo như chỉnh sửa ảnh hay edit video ở mức độ không quá chuyên sâu.

Hiệu năng: RTX 5050 tương đương RTX 4060

ASUS TUF Gaming F16 (2025) được trang bị Intel Core i7-14650HX đi cùng GPU NVIDIA GeForce RTX 5050 115W, 16GB RAM và 1TB SSD. Đáng chú ý là máy được trang bị 1 cây RAM 16GB, vì vậy hiệu năng dưới đây có thể chưa phải hiệu năng tốt nhất, đặc biệt là GPU. Khi mua tại CellphoneS, bạn sẽ được tặng ngay thêm 1 thanh RAM 16GB nữa để chạy kênh đôi, đảm bảo hiệu năng và khả năng đa nhiệm tốt nhất.

Hiệu năng CPU Intel Core i7-14650HX 

Con chip Core i7-14650HX với 16 nhân 24 luồng cho một hiệu năng khá mạnh mẽ, mạnh hơn Core Ultra 7 155H khoảng 10-15% và mạnh hơn Core i7-12700H từ 20-30%. Tuy nhiên, sức mạnh này phải đánh đổi bằng mức tiêu thụ điện năng rất cao, lên đến 126W, khiến máy khá nóng khi stress test CPU. 

Đánh giá ASUS TUF Gaming F16 2025
Đánh giá ASUS TUF Gaming F16 2025

Dù vậy, hiệu năng khi chạy bằng pin vẫn rất tốt, với hơn 17,000 điểm Cinebench R23 ở chế độ hiệu năng cao và 10,500 điểm ở chế độ tiết kiệm năng lượng.

Hiệu năng ở các mức công suất khác nhau
Hiệu năng ở các mức công suất khác nhau

Hiệu năng GPU NVIDIA GeForce RTX 5050 115W 

ASUS TUF Gaming F16 (2025) là một trong những laptop đầu tiên được trang bị mẫu GPU NVIDIA RTX 5050. Trong các bài test benchmark tổng hợp như 3DMark, hiệu năng của RTX 5050 115W nằm đâu đó ngang bằng với một chiếc RTX 4060 chạy ở công suất thấp (khoảng 100W). Nó yếu hơn RTX 4060 140W nhưng lại mạnh hơn đáng kể so với RTX 3060 hay RTX 4050. 

Đánh giá ASUS TUF Gaming F16 2025
Đánh giá ASUS TUF Gaming F16 2025
Đánh giá ASUS TUF Gaming F16 2025

Điểm cộng lớn là RTX 5050 có 8GB VRAM GDDR7, mang lại băng thông bộ nhớ cao hơn, hứa hẹn lợi thế trong một số tựa game.

Hiệu năng chơi game thực tế

Shadow of the Tomb Raider: Trong bài test benchmark quen thuộc của Shadow of the Tomb Raider, RTX 5050 trên TUF F16 ghi được 136 FPS. Kết quả này gần như tương đương với hiệu năng của một chiếc RTX 4060 chạy ở mức công suất tối đa 140W.

Shadow of the Tomb Raider
Shadow of the Tomb Raider

Black Myth: Wukong: Với tựa game bom tấn Black Myth: Wukong, ở thiết lập đồ họa High, độ phân giải Full HD+, tắt Ray Tracing và bật Frame Generation, máy đạt được mức 88 FPS, mang lại một trải nghiệm khá mượt mà. Tuy nhiên, khi bật Ray Tracing lên dù chỉ ở mức Medium, FPS đã giảm xuống còn khoảng 52. Điều này cho thấy để có trải nghiệm tốt nhất, người dùng nên hy sinh hiệu ứng Ray Tracing để đổi lấy tốc độ khung hình ổn định.

Cyberpunk 2077: Đây là nơi sức mạnh của công nghệ Frame Generation trên dòng 5000-series thể hiện rõ nhất. Ở độ phân giải Full HD, khi bật cả Ray Tracing và Path Tracing nhưng tắt Frame Generation, máy chỉ đạt được khoảng 30-31 FPS. Nhưng khi bật Frame Generation 4X, FPS đã tăng vọt lên hơn 100, một sự cải thiện đến hơn 3.3 lần. Nếu tắt hoàn toàn Ray Tracing và chỉ giữ Frame Generation, FPS có thể đạt đến ngưỡng 235-236, thoải mái để trải nghiệm tựa game này.

Forza Horizon 5: Với Forza Horizon 5, giới hạn của 8GB VRAM bắt đầu lộ rõ. Khi bật mức thiết lập đồ họa cao nhất là Extreme, game ngay lập tức báo thiếu bộ nhớ.

Mình buộc phải giảm xuống mức Ultra. Ở thiết lập này, khi bật DLSS, Frame Generation và Ray Tracing, máy cho mức FPS rất cao, dao động trong khoảng 160-170. Một điểm thú vị là khi tắt Frame Generation, FPS chỉ giảm xuống khoảng 110-120, cho thấy tính năng này chỉ giúp tăng khoảng 40-50% hiệu năng trong tựa game này, không ấn tượng bằng Cyberpunk 2077.

PUBG: Với tựa game eSports phổ biến này, ở mức thiết lập High, máy cho tốc độ khung hình ổn định từ 130 đến 140 FPS. Khi đẩy lên mức Ultra, FPS sẽ giảm xuống còn khoảng 110-120. Tuy nhiên, cần lưu ý là ở mức Ultra, GPU sẽ tiêu thụ điện nhiều hơn, khiến máy nóng hơn một chút. Do đó, để có trải nghiệm cân bằng và mát mẻ nhất, thiết lập High là lựa chọn tối ưu.

Nhiệt độ và độ ồn 

Khá thú vị khi dù đã bật chế độ Turbo trong Armory Crate để có được hiệu năng tốt nhất, GPU lại chỉ ăn trung bình 80-90W. Chỉ khi chơi PUBG ở mức Ultra thì GPU mới ăn tầm 95W và rất hiếm khi lên được 100W dù lý thuyết TGP của RTX 5050 trên TUF Gaming F16 có thể ăn tới 115W (100W + 15W Dynamic Boost).

Nhờ việc GPU chỉ tiêu thụ trung bình khoảng 80-90W, nhiệt độ của nó khá mát mẻ, chỉ khoảng 70°C trong điều kiện lý tưởng. Tuy nhiên, CPU lại khá nóng, thường xuyên trên 80°C do mức tiêu thụ điện năng cao. 

Một điểm cộng lớn là phần bàn phím khi chơi game lại khá mát, chỉ hơi ấm nhẹ, mang lại cảm giác dễ chịu. Đổi lại, quạt tản nhiệt của máy khá ồn khi hoạt động hết công suất và bạn nên sử dụng tai nghe để có trải nghiệm tốt nhất.

Thời lượng pin

Khá bất ngờ khi một chiếc laptop gaming mạnh mẽ với pin 90Wh lại cho thời lượng pin rất tốt. Máy có thể phát video 4K trên YouTube liên tục trong 5.5 giờ. Với các tác vụ làm việc online, bạn có thể kỳ vọng máy trụ được khoảng 4 đến 4.5 tiếng. 

Để đạt được điều này, bạn cần chuyển sang chế độ tiết kiệm năng lượng và để GPU hoạt động ở chế độ Standard hoặc Optimized trong Armory Crate để máy tự động chuyển sang iGPU khi cần.

Có nên mua ASUS TUF Gaming F16 (2025)?

ASUS TUF Gaming F16 với RTX 5050 là một chiếc laptop thú vị nhưng cũng khá khó để đề xuất ở thời điểm hiện tại với mức giá khá cao. Dù đã giảm xuống còn khoảng 36.6 triệu (khi mới lên kệ khoảng 38 triệu đồng), cấu hình của máy không thực sự cân đối cho việc chơi game thuần túy, khi CPU quá mạnh so với GPU.

Trên tay ASUS TUF Gaming F16 2025

Nếu bạn là một game thủ, việc lựa chọn một chiếc laptop khác với RTX 4060 và CPU yếu hơn một chút ở mức giá khoảng 30 triệu sẽ hợp lý hơn. Ở tầm giá này, bạn hoàn toàn có thể cố thêm một chút để lấy bản RTX 5060 với giá khoảng 39 triệu hoặc chọn ASUS TUF Gaming F15 FX507VI-LP088W với RTX 4070 và giá chỉ 34.5 triệu đồng sẽ hợp lý hơn.

Tuy nhiên, nếu bạn cần một CPU mạnh cho các công việc như lập trình, xử lý dữ liệu, đồ họa 2D/3D và chỉ chơi game như một nhu cầu phụ thì đây lại là một lựa chọn đáng cân nhắc, đặc biệt khi máy chắc chắn sẽ còn giảm giá trong tương lai. Hiệu năng của RTX 5050 vẫn rất tốt, tương đương một chiếc RTX 4060 công suất thấp và có lợi thế về VRAM 8GB GDDR7.

Xem thêm:

Tham khảo ngay ASUS TUF Gaming F16 (2025) tại CellphoneS:

[Product_Info id='106284']

danh-gia-bai-viet
(0 lượt đánh giá - 5/5)

Với hơn 9 năm làm nội dung công nghệ, trải nghiệm qua hàng trăm sản phẩm smartphone, laptop khác nhau, mình hy vọng sẽ mang đến cho các bạn nhiều thông tin bổ ích.

Bình luận (0)

sforum facebook group logo