Trang chủĐánh giáMáy tính
Đánh giá ASUS Vivobook S 14 OLED (S5406): Thiết kế và màn hình đẹp, pin tốt, hiệu năng chưa quá ấn tượng
Đánh giá ASUS Vivobook S 14 OLED (S5406): Thiết kế và màn hình đẹp, pin tốt, hiệu năng chưa quá ấn tượng

Đánh giá ASUS Vivobook S 14 OLED (S5406): Thiết kế và màn hình đẹp, pin tốt, hiệu năng chưa quá ấn tượng

Đánh giá ASUS Vivobook S 14 OLED (S5406): Thiết kế và màn hình đẹp, pin tốt, hiệu năng chưa quá ấn tượng

Tiz
Ngày đăng: 15/05/2024-Cập nhật: 17/05/2024
gg news

Với mức giá khoảng 26 triệu đồng, ASUS Vivobook S 14 OLED (2024) là một chiếc laptop Windows đáng chú ý ở thời điểm hiện tại với hàng loạt ưu điểm như màn hình OLED, tương đối nhẹ, pin trâu, hiệu năng tốt.

Năm nay, ASUS đã làm cho Vivobook giống với Zenbook cao cấp hơn, trang bị bộ xử lý Intel Core Ultra mới nhất tích hợp GPU Intel Arc, NPU và đồng thời cũng có cả phím Copilot chuyên dụng mang đến những trải nghiệm AI mới mẻ. Nhưng liệu với tất cả những nâng cấp đó thì đây có thực sự là một chiếc laptop đáng sở hữu hay không, cùng Sforum tìm hiểu nhé.

Thông số cấu hình ASUS Vivobook S 14 OLED (2024)

Dưới đây là thông số cấu hình cơ bản của chiếc ASUS Vivobook S 14 OLED (2024) được sử dụng trong bài đánh giá.

Danh mụcThông số kỹ thuật
CPU

Intel Core Ultra 5 125H

14 nhân 18 luồng (4P + 8E + 2LPE)

Tối đa 4.5GHz

GPU

Intel Arc 7 Xe-cores (896 SP)

Tối đa 2.2GHz

RAM16GB LPDDR5X onboard
SSD512GB PCIe 4
Màn hình

14 inch, OLED, 2880 x 1800 pixel (16:10)

120Hz, 400nits, 100% P3, HDR600

Cổng kết nối

2x USB 3.2

2x Thunderbolt

1x HDMI 2.1

1x 3.5mm audio

1x đầu đọc microSD

Pin

75Wh

Adapter 90W Type-C

Trọng lượng1.3kg

Như vậy điểm mới đáng chú ý nhất về mặt cấu hình chính là bộ xử lý Intel Core Ultra 5 125H hoàn toàn mới. Đây là một bộ xử lý có tới 3 cụm nhân khác nhau cho tổng cộng 14 và 18 luồng. Bộ xử lý này có dải TDP cực rộng, nhà sản xuất có thể cấu hình từ 28W đến 115W. ASUS cho biết TDP trên ASUS Vivobook S 14 OLED (S5406) là 50W, cụ thể chúng ta sẽ tìm hiểu bên dưới.

Ngoài ra, Core Ultra 5 125H cũng đi kèm với GPU tích hợp mạnh hơn rất nhiều. Cụ thể ở đây là Intel Arc với 7 Xe-cores hay 896 SP. Để so sánh thì Intel Iris Xe với 96EU trên các bộ xử lý i7 và i9 thế hệ trước chỉ có 768 SP và xung tối đa là khoảng 1.5GHz. Trong khi đó Intel Arc mới có xung tối đa tới 2.2GHz, như vậy cả số lượng lẫn tốc độ đều cao hơn đáng kể. 

Core Ultra mới cũng tích hợp NPU để xử lý các tác vụ AI trên thiết bị, nhưng thực sự mà nói thì thời điểm hiện tại NPU trên máy tính Windows chưa làm được gì nhiều. 

Các tác vụ AI phức tạp như Copilot thì vẫn dựa trên đám mây. Những thứ nhẹ nhàng như Windows Studio Effects thì không phải ai cũng dùng và cũng không thường xuyên sử dụng. Chưa kể những tác vụ này GPU tích hợp xử lý tốt và còn mạnh hơn nữa. Ưu điểm duy nhất của NPU chuyên dụng là tiết kiệm năng lượng hơn mà thôi.

Một điểm sáng khác về cấu hình là trang bị sẵn RAM 16GB LPDDR5X, đủ cho hầu hết nhu cầu văn phòng, giải trí nhẹ nhàng, thiết kế hay edit video "nghiệp dư".

Hiệu năng thực tế: GPU là điểm sáng, CPU tầm thường

Như đã nói ở trên, Core Ultra là một con chip có dải TDP rất rộng, việc giới hạn điện năng chắc chắn sẽ làm cho hiệu năng bị bóp lại ít nhiều. Thử nghiệm nhanh với Cinebench R23 cho điểm đơn nhân lẫn đa nhân có thể nói là khá thất vọng, chỉ hơn 1600 điểm đơn nhân và hơn 12,000 điểm đa nhân. Về đơn nhân, nó thua cả các thế hệ trước. Về đa nhân chỉ nhỉnh hơn các CPU dòng P chứ thua cả các bộ xử lý như i5-13500H.

Điều thú vị là TDP ghi nhận được tới 65W, cao hơn so với ASUS công bố tuy nhiên cũng đi với nhiệt độ tương đối cao mặc dù hệ thống tản nhiệt đã được cải thiện đáng kể so với trước đây. Nhưng nhìn chung nếu không bắt máy render liên tục thì nhiệt độ vẫn ở mức dễ chịu thoải mái. Đặc biệt khi làm việc văn phòng thì máy hoàn toàn mát mẻ. 

So sánh một chút, các bộ xử lý như AMD Ryzen 7 7740HS cũng với 65W và ra mắt đã khoảng 1 năm trước có thể đạt 16,000 điểm đa nhân và khoảng 1700 điểm đơn nhân. Ryzen 7 7740HS cũng có NPU mạnh, cũng có GPU tích hợp mạnh. 

Về mặt thông số hay benchmark thì Intel Arc có thể cao hơn GPU trong Ryzen 7 7740HS nhưng về khả năng chơi game thì GPU AMD tối ưu hơn nhiều vì Intel chỉ mới làm GPU rời gần đây, vẫn đang trong quá trình tối ưu và có thể cần thêm vài năm nữa để tối ưu hết được cá tựa game phổ biến.

Tuy vậy nếu dùng để làm việc như đồ họa, edit video không quá cầu kỳ dành cho dân nghiệp dư... thì nhìn chung sức mạnh của CPU và GPU Intel Core Ultra 5 vẫn đáp ứng tương đối tốt. 

Thử nghiệm với một số tựa game eSport ở độ phân giải full màn hình tức 2.8K thì mức fps đạt được hoàn toàn đủ để trải nghiệm. Nếu hạ xuống mức Full HD thì kết quả còn tốt hơn nữa. Trong quá trình chơi game mức tiêu thụ năng lượng của GPU tích hợp lên tới trên 30W, tương đương mức tiêu thụ GPU tích hợp của AMD Radeon trong các bộ xử lý Ryzen 7040 hay 8040 series.

Về tốc độ SSD, Vivobook S 14 OLED (2024) cũng chỉ được trang bị một ổ cứng vào loại "thường thường bậc trung" với tốc độ đọc ghi khoảng 5000/3500 MB/s. Với các SSD PCIe 4 chất lượng thì con số này có thể lên tới 7000/5000, trong khi các SSD PCIe 3 tốt nhất đã có thể đạt ~3500/3200.

Thiết kế và màn hình: Đẹp

Với một chiếc laptop sinh viên văn phòng như Vivobook S 14 OLED (2024) thì thực sự không còn mong đợi gì hơn về thiết kế và chất lượng màn hình. Điểm trừ nho nhỏ là phần lớn khung vỏ vẫn bằng nhựa nhưng nhìn chung nó vẫn đủ cứng cáp, liền mạch và trọng lượng tương đối nhẹ. 1.3kg cho một chiếc laptop 14 inch kèm viên pin 75Wh là quá ổn, đủ nhẹ nhàng để mang theo sử dụng hàng ngày.


Màn hình OLED 2.8K 100% P3 120Hz là quá tuyệt vời cho nhu cầu giải trí, xem phim và tất nhiên là cả những nhu cầu đồ họa, chỉnh ảnh, edit video thông thường.

Về cổng kết nối, đối với mình thì đầu đọc microSD thực sự là hơi "phế". Nếu hướng đến người dùng sử dụng nhiều các phần mềm multimedia thì đầu đọc SD sẽ hữu ích hơn. Còn lại thì chẳng có gì để đắn đo, nó có đủ cả USB-A, Thunderbolt 4, HDMI đủ cho hầu hết trường hợp sử dụng.

Bàn phím và touchpad: Đủ sử dụng

Vivobook S 14 OLED (2024) năm nay có thêm bàn phím tích hợp đèn nền RGB nhưng độ sáng không cao vì vậy tác dụng trang trí không hiệu quả khi sử dụng trong môi trường nhiều ánh sáng. Tuy nhiên nó vẫn cực kỳ hiệu quả khi sử dụng trong môi trường tối. 

Việc có thể thay đổi đèn nền bàn phím không chỉ để "làm màu" mà với trải nghiệm của mình thì nó thực sự hữu ích khi làm việc vào ban đêm. Thay vì chỉ có màu trắng làm chói mắt, chúng ta có thể đổi đèn nền qua màu vàng nhẹ nhàng hoặc một màu sắc nào đó mà mình cảm thấy dễ chịu để tập trung làm việc hơn.

Về cảm giác gõ cũng như bố cục bàn phím theo mình là khá tốt và dễ làm quen. Bố cục bàn phím cân đối và khoảng cách vừa đủ. Điểm trừ nhỏ là các phím bấm được làm vuông vức, đẹp nhưng cảm giác đầu ngón tay khi chạm vào không thực sự thoải mái.

Touchpad của máy có diện tích tương đối rộng, tracking chính xác và đa điểm tốt, đủ để làm việc học tập thông thường mà không cần sử dụng thêm chuột rời. Nhưng tất nhiên nếu so với MacBook thì nó vẫn còn một khoảng cách rất xa.

AI - câu chuyện của tương lai

Phím Copilot chuyên dụng hay NPU trên các bộ xử lý hiện tại thực sự mà nói là không có quá nhiều ứng dụng vào thực tế. Mặc dù Copilot đôi lúc cũng khá tiện để tra cứu thông tin nhưng mình tin rằng thói quen sử dụng trình duyệt web, Google để tìm kiếm thông tin vẫn khó có thể thay đổi. Mà Copilot thì cũng dựa trên đám mây chứ không xử lý trên máy.

Nhìn chung, máy tính AI mới chỉ bắt đầu, chúng ta sẽ cần đợi thêm một thời gian nữa để Microsoft, các nhà sản xuất máy tính cũng như các công ty phát triển phần mềm làm cho nó hữu ích hơn. Còn hiện tại AI hữu ích nhất thì vẫn phải xài internet.

Xem thêm: 1 tuần trải nghiệm phím Copilot trên laptop AI: Ưu điểm duy nhất hiện tại là không có nhược điểm

Thời lượng pin tốt

Test trên trường hợp độ sáng + âm thanh 50%, chế độ whisper mode (silent) để xem video YouTube ở độ phân giải FullHD, CPU ăn khoảng 8W, nếu chỉ làm việc nhẹ nhàng, không mở YouTube thì mức độ tiêu thụ trung bình có thể thấp hơn. Với dung lượng pin 75Wh, thời gian sử dụng có thể đáp ứng tốt mức sử dụng trung bình khoảng 6 - 8 tiếng mỗi ngày.

Tạm kết

Nhìn chung, ASUS Vivobook S 14 OLED (S5406) là một chiếc laptop Windows đáng chú ý trong phân khúc. Nếu bạn đang tìm một chiếc laptop đáp ứng nhu cầu văn phòng, sáng tạo nội dung với yêu cầu gọn nhẹ, đẹp, màn hình xuất sắc và thời lượng pin tốt thì đây là một sản phẩm đáng cân nhắc.

Nhưng nếu bạn tìm kiếm sự lột xác về hiệu năng hay trải nghiệm thì Core Ultra chưa đủ để tạo nên sự khác biệt. Nó có cải thiện về hiệu quả năng lượng so với các thế hệ trước nhưng không quá nhiều, chưa thể vượt qua AMD. Còn AI hay Copilot thì là câu chuyện của tương lai, bạn không nên kỳ vọng quá nhiều vào các yếu tố này.

Xem thêm: Trên tay ASUS Vivobook S 14 OLED (2024): Lột xác thiết kế, đèn nền RGB, CPU AI, xuất hiện nút Copilot, giá 25.9 triệu

Nếu quan tâm đến các sản phẩm laptop Vivobook của ASUS bạn có thể tham khảo thêm bên dưới nhé:

[Product_Listing categoryid='778' propertyid=' customlink='https://cellphones.com.vn/laptop/asus/vivobook.html' title='Danh sách Laptop ASUS Vivobook đang được quan tâm nhiều tại CellphoneS']

Với hơn 9 năm làm nội dung công nghệ, trải nghiệm qua hàng trăm sản phẩm smartphone, laptop khác nhau, mình hy vọng sẽ mang đến cho các bạn nhiều thông tin bổ ích.