Đánh giá bàn phím cơ không dây Logitech POP Keys: Thiết kế bắt mắt, kết nối tiện dụng, tuyệt vời cho người mới "nhập môn" phím cơ


POP Keys là chiếc bàn phím nằm trong loạt sản phẩm Logitech Studio Series hướng đến đối tượng người trẻ, thế hệ 'Gen Z' ưa dịch chuyển, mang nhiều màu sắc cá tính.
Thuộc dòng Studio Series mới của Logitech, được hãng niêm yết giá 2,499,000 triệu đồng, POP Keys đang góp mặt trong sân chơi vô cùng sôi động với các đối thủ từ FLEsports, AKKO hay Keydous. Sau một thời gian dùng chiếc bàn phím này, hãy cùng mình đánh giá xem liệu POP Keys có xứng đáng là cú hích mới trong làng bàn phím tầm trung không nhé.
Thiết kế hiện đại trong nét đương đại
Ngoại hình là điểm cộng cho POP Keys ngay từ cái nhìn đầu tiên chạm mắt. Chiếc bàn phím mang dáng dấp từ người anh cùng một nhà K380 trước đây, với các cạnh được vát cong mềm mại, cùng keycap bo tròn. Rất dễ nhận ra khi đặt cạnh K380, thế nhưng cạnh trên của POP Keys đã ngắn hơn và cũng không còn dòng chữ Logitech đặt giữa, cùng với đó là phần gù nhô ra - nơi chứa pin, USB của bàn phím.

Dù vậy, khi đặt cạnh Qwerkywriter, POP Keys tỏ rõ sự hiện đại nằm trong thiết kế của mình, vẫn có phần gù nằm phía trên nhưng của POP Keys thanh gọn hơn, không cục mịch như đối thủ, cũng không có phần thanh gạt xuống dòng, điều này giúp POP Keys dễ dàng tiếp cận đến đại đa số người dùng hơn là chiếc Qwerkywriter - vốn sinh ra để mang tất cả nét đặc trưng của một chiếc máy đánh chữ typewriter trở lại. Đường nét POP Keys cũng có xu hướng mềm mại hơn, không cứng nhắc, góc cạnh như đối thủ.


Build của POP Keys cũng là thứ đáng để nói tới, mặc dù độ dày phần vỏ có phần mỏng hơn các bàn phím cơ hiện nay nhưng lại không hề tạo ra bất kì cảm giác ọp ẹp nào khi cầm nắm cũng như tạo cảm giác đầm, khi gõ vào mặt sau không tạo ra âm thanh rỗng thường thấy ở những mẫu bàn phím giá rẻ. Dù vẫn giữ phong cách ghép nối các phần tạo ra vỏ nhưng các đường ghép nối rất liền lạc, rất ít kẽ hở, cho thấy sản phẩm của Logitech được gia công chính xác và tỉ mỉ.
Phần đáy vỏ cũng có đế cao su chống trượt, do không có kick-stand nên phím chỉ có một độ cao duy nhất, dù sao POP Keys cũng không hẳn nằm vuông góc mặt phẳng mà được nâng đôi chút nhờ phần gù ở sau lưng máy.

Gỡ nắp lưng ra chúng ta bắt gặp khe pin và hộc đựng USB nằm bên trong, thiết kế này có phần tiện dụng khi người dùng không còn lo việc thất lạc USB nữa. Bàn phím sử dụng hai viên pin AAA để cấp nguồn, theo công bố của nhà sản xuất lên đến ba năm thời gian sử dụng. Con số này là đáng tin tưởng khi bàn phím sử dụng Bluetooth Low Energy cũng như việc không có đèn nền và các tính năng hao tốn pin khác. Thực tế cho thấy trên thị trường không hiếm những mẫu bàn phím cơ tương tự có thời lượng pin trên 1 năm.
Nhắc đến POP Keys nói riêng và các sản phẩm Studio Series nói chung mà bỏ qua màu sắc là một thiếu sót vô cùng lớn. Chiếc bàn phím này có ba phiên bản: Blast - Heartbreaker - Daydream. Tuỳ theo sở thích người dùng có thể lựa chọn phiên bản màu sắc cho riêng mình. Cả ba đều có chung cấu hình, điểm khác biệt duy nhất chỉ nằm ở sự phối hợp màu sắc, nhưng thay vì chỉ lựa chọn được màu sắc phần vỏ cũng như keycap, Logitech cho người dùng đổi cả màu switch, có nghĩa khi bạn mua phiên bản màu nào thì switch phiên bản đó cũng sẽ mang màu sắc theo chủ đề bạn chọn mà vẫn chung một thông số.
Trong bài sử dụng phiên bản màu Blast, là sự pha trộn màu vàng đậm cùng với keycap YOB (Yellow on Black), điểm thêm một vài nút xám cùng hàng Emoji Keys BOY (Black on Yellow), đặc biệt nổi bật là nút 'Esc' được xử lí mang màu vàng bóng láng. Sự sắp xếp các mảng màu của Logitech đem đến cho POP Keys một phong cách lịch sự nhưng không thiếu phần trẻ trung và có thể nói hoàn toàn nổi bật trong số đông các bàn phím hiện nay trên thị trường xét trên phương diện phím stock từ nhà sản xuất.

Ngoài nét nổi bật về màu sắc, keycap của phím cũng đáng khen khi được xử lí nhám bề mặt, giảm bớt hiện tượng bám mồ hôi tay trong quá trình sử dụng, vẫn sử dụng chất liệu nhựa ABS trên bộ keycap đi kèm, dù ưu điểm là màu sắc lên rất đẹp nhưng sẽ bị bóng sau một thời gian sử dụng.
Profile keycap cũng 'đậm cá tính' riêng của Logitech khi không đi theo bất kì khuôn khổ nào trên thị trường bàn phím hiện nay mà quyết định quay về nét retro của những chiếc máy đánh chữ ngày xưa, tương tự như Qwerkywriter. Keycap được bo các góc, khác với Qwerkywriter, bề mặt keycap lại phẳng chứ không làm lõm xuống, vì thế người dùng mới sẽ hơi khó làm quen với những lần sử dụng đầu tiên.
Cảm giác lướt chữ trên bề mặt keycap này không thực sự chính xác nếu bạn có thói quen gõ nhanh, nếu Logitech xử lí bề mặt keycap lõm xuống một chút thì sẽ phù hợp hơn. Nhưng vấn đề này hoàn toàn có thể khắc phục dễ dàng với việc thay keycap, khá đáng tiếc nếu thay thế bộ keycap đi kèm theo phím vì chúng hoà hợp đến độ sinh ra để dành cho nhau. Hy vọng thời gian tới Logitech sẽ bán riêng bộ keycap này ra thị trường kèm một chút sửa đổi về độ lõm bề mặt và chất liệu để phù hợp với đa dạng đối tượng người dùng hơn.
Dùng layout 75% nên độ cơ động của POP Keys rất linh hoạt, layout phím dạng nhỏ cùng thiết kế tối ưu các chi tiết khác nên tổng thể kích thước của POP Keys dễ dàng mang theo. Phím hoàn toàn thuận tiện trong việc bỏ vào balo, đó cũng là mục đích mà hãng hướng tới khi nhắm vào phân khúc người dùng thường xuyên di chuyển, cần một chiếc bàn phím gọn nhẹ để có thể mang đi học, đi làm hằng ngày.
Tóm lại, thiết kế của POP Keys rất hiện đại và trẻ trung, mang dáng dấp cổ điển, gọn nhẹ và cơ động, không chỉ là bàn phím, POP Keys như một món đồ trang trí cho góc làm việc của bạn nhờ màu sắc cá tính.
Thông số chi tiết và cảm giác gõ
Sau khi ngắm nhìn ngoại hình của POP Keys, chúng ta hãy cùng đi vào chi tiết nội thất của chiếc bàn phím này
- Switch: tactile, TTC gia công
- Keycap: ABS
- Kết nối: Bluetooth 5.1(tối đa 3 thiết bị), USB LogiBolt receiver
- Tiện ích: Emoji Keys, các phím chức năng lập trình được
Sử dụng switch cơ Brown được gia công bởi TTC, mình tạm gọi đây là Pop Switch vì thông tin về switch này là rất hạn chế do được TTC gia công riêng cho Logitech. Tìm kiếm hầu như không bày bán công khai. Hãng lựa chọn loại switch tactile (Brown) có khấc để cảm nhận rõ được sự 'cơ' so với linear (Red), nhưng lại không quá ồn ào như clicky (Blue). Cá nhân mình thấy lựa chọn này của hãng là hoàn toàn hợp lí với người dùng mới bắt đầu sử dụng phím cơ, giúp người dùng dễ dàng làm quen và có được những ấn tượng ngay từ lúc đầu.

Housing switch màu vàng đậm (đối với phiên bản Blast), stem (trục switch) màu nâu cho tất cả các phiên bản. Cá nhân mình thấy sự đồng bộ màu sắc housing của Logitech rất hợp lí và thẩm mỹ, sẽ thay đổi tuỳ theo phiên bản màu sắc mà người dùng lựa chọn. Phần stem cũng được làm dạng Cherry nên rất dễ dàng trong việc thay thế keycap.
Cấu tạo của phím không được công bố nhưng thông qua ngoại hình mình có thể đoán POP Keys được cấu tạo theo kiểu tray-mount. Ngoài ra hãng cũng không cho biết phím có khả năng hotswap hay không nhưng theo truyền thống trước giờ của Logitech thì thường là không, switch sẽ được hàn chết để tránh tình trạng hư hỏng, chập chờn sau một thời gian sử dụng.
Về cảm giác gõ, nếu bạn chuyển sang sử dụng POP Keys từ những bàn phím cao su thông thường khác, khác biệt dễ dàng nhận ra khi sử dụng. Mặc nhiên cảm giác làm quen loại switch này lại dễ dàng hơn những chiếc bàn phím cơ giá rẻ trên thị trường, khi hầu như sẽ tuỳ chọn sử dụng switch clicky (hay Blue Switch). Tactile là loại switch có khấc khi nhấn xuống mặc dù vậy lại không tạo ra âm thanh 'click', cũng không trơn tuột thẳng từ trên xuống dưới như linear. Trải nghiệm gõ trên POP Keys so với phím cao su là hoàn toàn vượt bậc, bạn cảm nhận được hành trình của switch và tiếng kêu của khấc cũng như từ keycap đập xuống, tạo ra 'âm thanh cơ học đúng nghĩa' như những chiếc máy đánh chữ trước đây.
Quá trình dùng Pop Switch, cá nhân mình cảm thấy khá sạn, khấc cũng 'hiền', không quá cục nhưng là thiếu so với một loại switch tactile, cảm giác này khá giống với Cherry Brown cũng như Gateron Brown. Về phần stabilizer, hơi thất vọng khi hãng làm khá xộc xệch, dù được cố định chặt nhưng cảm giác gõ các phím dài chưa được 'sướng', hiện tượng tick xảy ra rõ. Đó là với những người đã từng sử dụng phím cơ sẽ thấy chưa tốt. Còn với người dùng phổ thông mới sử dụng phím cơ lần đầu, mình hoàn toàn tin chắc trải nghiệm gõ của POP Keys đem lại sự hài lòng.
Tựu chung lại, người dùng chuyển lên từ bàn phím cao su truyền thống sẽ nhận thấy rõ sự khác biệt khi trải nghiệm POP Keys, cảm giác gõ sẽ rất sướng. Tuy vậy vẫn còn một vài điểm chiếc bàn phím này cần cải thiện để làm hài lòng những người dùng khó tính.
Kết nối đa dạng, thuận tiện
Trang bị hai loại kết nối không dây hoàn toàn: Bluetooth 5.1 và USB Receiver, Logitech hướng đến đối tượng người dùng cần chiếc bàn phím thuận tiện trong làm việc, không phải kết nối dây nhợ loằng ngoằng cũng như sử dụng trên nhiều loại thiết bị khác nhau.
USB của phím được trang bị công nghệ LogiBolt, công nghệ kết nối không dây nhanh chóng và đảm bảo độ tin cậy, tương tự như công nghệ Lightspeed sử dụng trên các dòng chuột gaming của hãng. Tương tự với công nghệ Bluetooth Low Energy với chuẩn 5.1 mới nhất đem lại độ tin cậy khi sử dụng. Việc kết nối vô cùng nhanh chóng, nếu sử dụng USB, chỉ cần cắm vào cổng kết nối của máy tính là đã sẵn sàng sử dụng. Trải nghiệm tương tự với Bluetooth.
Hãng hướng đến sự thuận tiện nhất cho người dùng vì thế mà việc chuyển đổi qua lại giữa các thiết bị đã thể hiện tiên chỉ của Logitech, thông qua các nút được nhà sản xuất định sẵn, người dùng có thể dễ dàng chuyển đổi giữa các thiết bị đã kết nối với bàn phím qua tổ hợp FN+ F1, F2, F3 tương ứng với thứ tự thiết bị, nếu tính cả USB không dây thì tổng cộng POP Keys có thể kết nối được tối đa 4 thiết bị. Quá trình sử dụng mình có kết nối bàn phím bằng USB với máy tính đồng thời sử dụng Bluetooth với điện thoại, việc chuyển đổi nhanh chóng, không có khó khăn nào, gõ phím trên điện thoại cũng không nhận ra độ trễ.
Với công nghệ LogiBolt, bạn hoàn toàn có thể sử dụng bàn phím này cho mục đích chơi game giải trí, thử nghiệm với tựa game CSGO - một game FPS có tiết tấu cao đòi hỏi thiết bị phải xử lí kịp thời thao tác của người dùng, phím có thể đáp ứng được. Việc giải trí thư giãn sau giờ học, làm việc căng thẳng, POP Keys đủ khả năng thoả mãn nhu cầu của người dùng phổ thông
Ngoài ra bàn phím cũng hỗ trợ linh hoạt các loại layout ngay cả MacOS, mặc định sẽ thay đổi theo thiết bị mà người dùng kết nối, không phải chuyển thủ công.
Emoji Keys và các chức năng khác
Điểm nổi bật của POP Keys là tính năng Emoji Keys, đây gần như là mẫu bàn phím duy nhất trên thị trường tính đến hiện nay trang bị tính năng này.

Hàng phím Emoji nằm bên phải, sử dụng keycap hoàn toàn tách biệt khỏi những nút còn lại. Kí hiệu tương ứng với những cài đặt mặc định của phần mềm, bên cạnh đó cũng có 4 nút khác thay thế đi kèm.
Cá nhân mình đánh giá tính năng này cực kì phù hợp với các tín đồ của mạng xã hội, thường xuyên sử dụng các ứng dụng nhắn tin hay các nền tảng tương tự. Dễ dàng gõ nhanh emoji để bày tỏ cảm xúc, thuận tiện hơn so với việc dùng bàn phím emoji riêng và phải tìm kiếm icon muốn sử dụng. Ngoài những emoji được định sẵn thì Logitech cũng hỗ trợ người dùng thay đổi linh hoạt các emoji thường dùng thông qua phần mềm đi kèm - Logitech Options, số emoji hỗ trợ cũng rất đa dạng.
Thế nhưng, tính năng này hiện chỉ hoạt động trên máy tính, phím vẫn chưa hỗ trợ sử dụng emoji trên các thiết bị di động. Bên cạnh đó, phím cũng đã được cài đặt sẵn các nút chức năng nhanh nằm ở phím F4 trở đi, nhanh chóng tăng giảm âm lượng, chụp màn hình hay mở phần mềm được định sẵn thông qua Logitech Options. Tính năng này là khá hữu ích. Có thể thấy rằng phần lớn các tuỳ chỉnh của phím chủ yếu dựa vào phần mềm, không thể keymap bằng phần cứng VIA hay QMK. Dù không có đèn nền, POP Keys vẫn có đèn báo ở một số vị trí nhất định như phím 'Caps Lock', F1, F2, F3.
Nói chung, các chức năng trên POP Keys không đa dạng nhưng hầu hết đều rất cần thiết và hữu ích trong quá trình sử dụng và làm việc hằng ngày. Thiếu đi các tuỳ chọn can thiệp sâu vào phần cứng.
Phần mềm
Giống như các sản phẩm gaming gear của Logitech có phần mềm G Hub, dòng sản phẩm làm việc của hãng cũng có phần mềm Logitech Options đi kèm theo.
Tổng quan giao diện phần mềm, thiết kế đơn giản và trực quan, dễ dàng làm quen với người dùng mới. Sau khi kết nối bàn phím với máy tính, phần mềm sẽ tự động nhận diện thiết bị để đưa ra các cài đặt phù hợp theo sản phẩm. Gồm hai thẻ chính: 'Keyboard' và 'Easy Switch'. Thẻ 'Keyboard' dùng để tuỳ chỉnh cho phím Emoji và hàng phím chức năng, thẻ còn lại dùng để cài đặt cho ba nút F1, F2, F3 trong việc chuyển đổi giữa các thiết bị.


Các nút chức nắng ở hàng phím F đều có thể được lập trình theo mong muốn của người dùng, tương tự với hàng Emoji Keys. Bên cạnh Logitech Options, còn có phần mềm LogiBolt, dùng để update driver bàn phím.
Tổng kết
POP Keys là luồng gió mới trong series dòng bàn phím làm việc của Logitech, với đối tượng người trẻ tuổi, ưa xê dịch, muốn thay đổi, nâng cấp trải nghiệm gõ so với bàn phím cao su truyền thống nhưng lại ngại mang theo những bàn phím nặng nề. POP Keys sẽ là sự lựa chọn tối ưu cho những setup làm việc cần sự gọn gàng, nhanh chóng với kết nối không dây hoàn toàn nhưng vẫn phải mang tính thẩm mỹ nhờ vẻ ngoài trau chuốt.
So tài cùng các đối thủ khác trong tầm giá, dù vẫn còn một vài điểm cần cải tiến để POP Keys thực sự chạm đến với những người dùng khó tính, chiếc bàn phím này vẫn là một đối thủ khá nặng ký khi thiết kế hoàn toàn phá cách và độc đáo. Thể hiện điểm cộng về mặt kết nối ổn định cùng thời lượng pin bền bỉ. Phần mềm cũng được hãng chăm chút đầy đủ các tính năng cần thiết của một chiếc bàn phím làm việc. Ngoài ra còn sự tin tưởng đến từ thương hiệu Logitech - một hãng sản xuất với danh tiếng lâu đời về phụ kiện công nghệ.
Một số hình ảnh về sản phẩm:











Bình luận (0)