Trang chủĐánh giá
Đánh giá chi tiết MacBook Air 2018: Bản nâng cấp toàn diện, trừ… hiệu năng
Đánh giá chi tiết MacBook Air 2018: Bản nâng cấp toàn diện, trừ… hiệu năng

Đánh giá chi tiết MacBook Air 2018: Bản nâng cấp toàn diện, trừ… hiệu năng

Đánh giá chi tiết MacBook Air 2018: Bản nâng cấp toàn diện, trừ… hiệu năng

Tiz
08:51 ngày 26/12/2018
gg news
Macbook Air 2018 đánh dấu sự thay đổi toàn diện về thiết kế, màn hình, nâng cấp hệ thống âm thanh, bổ sung cảm biến vân tay cùng nhiều thay đổi khác cho trải nghiệm rất tốt, tuy nhiên hiệu năng của máy gần như không thay đổi do chuyển sang sử dụng chip dòng Y tiết kiệm năng lượng.

Thiết kế lột xác hoàn toàn

MacBook Air 2017 trở về trước luôn có một khoảng cách khá xa so với MacBook Pro chỉ xét riêng phần thiết kế. Ngay cả khi so với dòng Pro 2015 trở về trước. Nhưng mọi chuyện thay đổi trên MacBook Air 2018, máy thừa hưởng rất nhiều tinh hoa từ dòng MacBook Pro 13 inch non Touch Bar.

Nổi bật ở nắp máy vẫn là logo táo khuyết nhưng không còn phát sáng giống trên MacBook Air 2017 mà giống với MacBook Pro 2016 về sau, tức dùng kim loại sáng bóng. Máy còn gọn hơn, nhẹ hơn khoảng 100g so với MacBook Air đời cũ.

Thay đổi rõ nhất chính là ở phần màn hình và bàn phím. Nếu như MacBook Air cũ thường bị phàn nàn nhiều vì viền màn hình kim loại khá lạc tông với màn hình bên trong cho cảm giác hơi… rẻ tiền thì MacBook Air 2018 được phủ kín kín bằng mặt gương bóng loáng như dòng Pro. Khi tắt màn hình thì toàn bộ đều có màu đen với viền kim loại chạy xung quanh cao cấp hơn hẳn.

Viền màn hình được làm mỏng hơn cho cảm giác hiện đại hơn, sang hơn và quan trọng là giảm được kích thước của máy.

Loa được nâng cấp

Tiếp theo là phần loa ngoài, ở các dòng Air trước hai loa được bố trí ở mặt dưới còn năm nay Apple đã quyết định manh lên mặt trên như Pro. Hai dải loa nằm hai bên phần bàn phím và chất lượng có sự thay đổi rõ rệt. Từ âm lượng đến chất lượng đều tiệm cận với dòng Pro. Âm thanh có chiều sâu, bass tốt hơn phục vụ khá tốt cho nhu cầu nghe nhạc, xem phim.

Trackpad rộng rãi

Trackpad cũng được làm mới hoàn toàn, giống như những chiếc MacBook Pro 2 năm trở lại đây, phần rê chuột của MacBook Air 2018 được làm rất lớn. Bề rộng chiếm gần hết chiếu nghỉ tay, Apple cho biết diện tích Trackpad mới tăng 20% so với thế hệ trước.

Trải nghiệm với Trackpad của MacBook thì có lẽ không phải nói quá nhiều vì thực sự nó đã quá tốt từ trước đến nay. Việc tăng diện tích giúp cho các thao tác đa điểm, kéo thả dễ thực hiện hơn. Cảm ứng lực Force Touch tất nhiên cũng không thể thiếu cho chúng ta có thể tùy chỉnh mức độ nhấn cũng như mở rộng thêm tính năng.

Nếu có ai lo lắng vấn đề đè tay lên phần bàn rê khi đánh máy thì các bạn hãy yên tâm, các máy của Apple đều có khả năng nhận diện khá thông minh, nếu trong lúc đánh máy có đặt tay lên Trackpad thì con trỏ chột cũng không di chuyển.

Bàn phím cánh bướm thế hệ 3

Thừa hưởng từ MacBook Pro 2018, chiếc MacBook Air mới cũng có bàn phím cánh bướm thế hệ 3. Apple cho biết bàn phím mới cho cảm giác gõ thật hơn và hạn chế bụi bẩn lọt vào trong nhờ đến silicon. Tuy nhiên trải nghiệm thực tế thì cũng không khác nhiều bàn phím cánh bướm các thế hệ trước. Nhưng tất nhiên khác nhiều bàn phím dòng Air cũ hay Pro 2015.

Nếu mới tiếp xúc với bàn phím cánh bướm bạn sẽ thấy hành trình phím rất nông nên mất chút thời gian làm quen, rất may kích thước và bố cục phím không có gì thay đổi nên rất dễ làm quen - tất nhiên là đối với người dùng đã dùng MacBook nhưng là bàn phím cũ.

Cảm biến vân tay

Trên bàn phím mới còn có một tính năng sẽ là thiếu sót lớn nếu bỏ qua là cảm biến vân tay. Cảm biến này đặt ở vị trí nút nguồn trước đây, phủ một lớp gương bóng và có kích thước chỉ khoảng 1/2 nút các f cùng hàng. Chúng ta cũng không cần ấn nút này để mở nguồn mà chỉ cần lật màn hình lên nguồn sẽ tự khởi động. Giống như cảm biến vân tay trên điện thoại, đây cũng là cảm biến một chạm, chỉ cần chạm là mở chứ không cần ấn (khi màn hình đăng nhập đã hiện ra).

Cổng kết nối

Như dòng Pro gần đây, MacBook Air 2018 đã loại hết các cổng quen thuộc như USB-A, HDMI, khe thẻ nhớ… Máy chỉ còn hai cổng USB-C kiêm luôn cổng sạc và may mắn là Apple vẫn giữ lại cổng âm thanh 3.5 mm. Để sử dụng với các thiết bị ngoại vi hay xuất màn hình qua HDMI thì người dùng phải mua thêm một cổng chuyển từ USB-C ra.

Chất lượng màn hình

Cảm nhận bằng mắt thường chất lượng màn hình gần như không có sự khác biệt với MacBook Pro 13 inch 2018 về màu sắc, chất lượng hiển thị, độ sắc nét... Tuy nhiên độ sáng thấp hơn kha khá vì thế nếu sử dụng ở các quán cafe ngoài trời, văn phòng dạng mở có nguồn sáng mạnh sẽ gặp khó khăn. Còn nếu chỉ dùng trong nhà vẫn thoải mái sử dụng.

Còn nếu so với phiên bản cũ thì chắc chắn MacBook Air 2017 không “có cửa” vì chỉ được trang bị màn hình LCD thông thường độ phân giải 900 x 1440 pixel. Còn MacBook Air 2018 là màn hình Retina 2560 x 1600 pixel. Đây cũng là nâng cấp được mong chờ chất trên chiếc MacBook Air mà cho đến tận năm nay Apple mới chiều lòng người dùng.

Đánh giá hiệu năng sản phẩm

Cấu hình máy thử nghiệm

Chiếc MacBook Air 2018 được trang bị con chip Intel Core i5-8210Y, thuộc dòng Y tiết kiệm điện với công suất chỉ 7W. Đây là con chip 2 nhân có xung cơ bản là 1.6GHz và có thể tăng lên đến 3.6GHz khi chạy tác vụ nặng. Phiên bản thử nghiệm trong bài viết có 8GB RAM và 128GB SSD.

Bên cạnh phiên bản 128GB thì còn có thêm tùy chọn 256GB cho người dùng có nhu cầu lưu trữ. Và lời khuyên là các bạn nên chọn bản 256GB vì dù nhu cầu ít hay nhiều thì ổ cứng cũng sẽ đầy theo thời gian. Và SSD chỉ hoạt động tốt nhất khi dung lượng còn trống khoảng 15 - 20%, tức bản 128GB bạn chỉ nên lưu trữ hơn 100GB một chút, nếu quá đầy sẽ làm chậm ổ cứng đi đáng kể kéo theo giảm hiệu suất chung của hệ thống.

Đo hiệu năng bằng phần mềm

Để đo hiệu năng của chiếc MacBook Air 2018, mình sử dụng một số phần mềm quen thuộc như Cinebench R15, Geekbench 4 và sử dụng Disk Speed Test để đo tốc độ ổ cứng. Kết quả đo được như bên dưới:

Điểm số đo được với Geekbench 4 cho điểm số cao hơn đáng kể, tham khảo trên trang thống kê của Geekbench thì phiên bản MacBook Air năm ngoái chỉ đạt được hơn 6000 điểm, cũng dễ hiểu vì thực tế xung nhịp của i5-8210Y lên đến 3.6GHz còn i5-5350U chỉ là 2.9GHz. Hơn nữa RAM của MacBook Air 2018 là 2133MHz còn phiên bản cũ là 1600MHz.

Còn với Cinebench R15 gần như tương đương với MacBook Air 2017 phiên bản Core i5 cả về CPU lẫn GPU. Một trong những lý do làm cho điểm Geekbench 4 cao hơn nhưng điểm Cinebench R15 lại chỉ tương đương là đo độ phân giải màn hình. Ở các đời trước màn hình của MacBook Air chỉ có 1440 x 900 pixel nhưng năm nay Apple đã sử dụng màn hình giống bản Pro tức 2560 x 1600 pixel - cao hơn rất nhiều làm cho GPU phải hoạt động nhiều hơn. Đáng chú ý là con chip trên MacBook Air mới có công suất chỉ 7W, chưa bằng một nửa (15W) trên chip thế hệ cũ nhưng vẫn có điểm hiệu năng tốt hơn thực sự là một điểm đáng khen. Với phần mềm đo tốc độ ổ cứng, tốc độ đọc thì nhanh hơn phiên bản tiền nhiệm khá nhiều (bản 2017 tốc độ đọc chỉ khoảng 1.3GB/s) nhưng tốc độ ghi lại có phần hơn chậm hơn (bản 2017 là khoảng 700MB/s). Với tốc độ đọc cao nên quá trình khởi động máy cũng như mở ứng dụng nhanh, mượt mà, chạy các phần mềm chỉnh sửa hình ảnh như Lightroom, Photoshop ổn định hơn.

Sử dụng thực tế

Vốn là một chiếc laptop sinh ra cho dân văn phòng ưu tiên mỏng nhẹ nên chúng ta không thể đòi hỏi quá nhiều. Tuy vậy thì ít nhất cũng phải đáp ứng được những nhu cầu cơ bản như lướt web, chỉnh sửa hình ảnh cơ bản, sử dụng bộ Office… Để kiểm tra hiệu suất sử dụng thực tế của máy mình đã mở hơn 20 tab Chrome cùng phần mềm Photoshop chỉnh sửa hình ở mức cơ bản. Trong lúc thử nghiệm mình sử dụng QuickTime quay lại màn hình nên chắc chắn có ảnh hưởng đến hiệu năng của máy, nếu sử dụng thông thường sẽ mượt mà hơn:

https://www.youtube.com/watch?v=N_g7_qQXaxo&feature=youtu.be

Các bạn có thể thấy vừa mở hơn 20 tab Chrome - trình duyệt ngốn nhiều cả RAM và CPU cùng với Photoshop nhưng máy vẫn quản lý đa nhiệm tốt không tab nào phải load lại, chạy khá mượt Photoshop. Sau vài ngày trải nghiệm sử dụng hỗn hợp với các tác vụ gồm sử dụng Chrome, Lightroom + Photoshop để xử lý ảnh chụp sản phẩm, sử dụng Excel, cài thêm Outlook để nhận email thì nhìn chung đáp ứng đủ nhu cầu.

Thời lượng pin + thời gian sạc

MacBook Air 2017 được trang bị dung lượng pin 54Wh nhưng để làm mỏng nhẹ hơn bản 2018 đã giảm xuống một chút còn 50.3Wh nhưng điều này không hề ảnh hưởng đến thời lượng pin của sản phẩm. Thậm chí thời gian sử dụng một lần sạc của MacBook Air 2018 còn tốt hơn thế hệ trước nhờ sử dụng con chip 7W.

Sử dụng thực tế nếu dùng trình duyệt Safari để lướt web và sử dụng Word + Excel ở độ sáng màn hình khoảng 70% - đủ dùng trong phòng sáng vừa phải thì máy có thể trụ được 8 - 9 giờ. Khi sử dụng Chrome thì thời gian sử dụng sẽ giảm đáng kể chỉ còn 6 - 7 giờ tùy mức độ sử dụng.

Nếu sử dụng hỗn hợp thêm cả Photoshop, Office và Chrome máy sẽ trụ được khoảng 5 giờ. Với một chiếc laptop mỏng nhẹ thì thực sự đây là kết quả rất tuyệt vời, nhu cầu văn phòng thông thường chỉ lướt web vẫn có thể đáp ứng đủ một ngày làm việc. Trong quá trình sử dụng trừ khi chạy các phần mềm Lightroom hay Photoshop liên tục thì máy mới nóng lên nhưng không quá cao, còn nếu chủ lướt web bình thường máy rất mát.Về thời gian sạc, để sạc đầy chiếc MacBook Air 2018 từ 15% mất khoảng 2 tiếng 10 phút. Cục sạc đi kèm có công suất 30W, thời gian sạc không quá ấn tượng nhưng nhìn chung với một chiếc laptop có pin trâu và phần lớn người dùng thường vừa cắm sạc vừa sử dụng thì cũng không quá quan trọng.

Tổng kết

MacBook Air 2018 là một bản nâng cấp với rất nhiều ưu điểm:- Thiết kế đẹp hơn, sang hơn, gọn nhẹ hơn, nhiều màu - Trackpad rộng rãi, trải nghiệm tốt- Màn hình Retina chất lượng- Chất lượng loa được cải thiện - Thời lượng pin tốt, máy mát mẻ nhờ con chip tiết kiệm điện- Tích hợp thêm cảm biến vân tay tiện lợi

Nhưng vẫn còn một số điểm đáng cân nhắc như:- Hiệu năng hầu như không cải thiện, chỉ có ổ cứng và RAM nhanh hơn- Ít cổng giao tiếp nên cần mua thêm phụ kiện- Mức giá khá cao, cao ngang ngửa MacBook Pro 2017Vậy sản phẩm sẽ phù hợp với những người dùng văn phòng, không cần nhiều về hiệu năng mà ưu tiên mỏng nhẹ, pin trâu. Sản phẩm đặc biệt phù hợp với các bạn nữ vì với ngoại hình đẹp, nhẹ gọn gàng.Tuy nhiên cùng mức giá, MacBook Pro 2017 vẫn là lựa chọn tốt hơn cho người dùng cần hiệu năng ổn định, có thể dựng video mức cơ bản và chạy tốt các phần mềm chỉnh sửa hình ảnh. MacBook Pro 2017 cũng chỉ nặng hơn 120g, chênh lệch là không lớn.
avatar Tiz
QTV
Tiz Bài đã đăng: 2095

Với hơn 9 năm làm nội dung công nghệ, trải nghiệm qua hàng trăm sản phẩm smartphone, laptop khác nhau, mình hy vọng sẽ mang đến cho các bạn nhiều thông tin bổ ích.