Trang chủS-GamesGame PCTrải nghiệm
Đánh giá Death's Door, tựa RPG nhỏ mà ấn tượng bất ngờ
Đánh giá Death's Door, tựa RPG nhỏ mà ấn tượng bất ngờ

Đánh giá Death's Door, tựa RPG nhỏ mà ấn tượng bất ngờ

Đánh giá Death's Door, tựa RPG nhỏ mà ấn tượng bất ngờ

Bookgrinder , Tác giả Sforum - Trang tin công nghệ mới nhất
Bookgrinder
Ngày đăng: 27/07/2021-Cập nhật: 04/08/2021
gg news
Một con quạ thường làm gì? Ngoài đời thực, chúng nhặt nhạnh đủ thứ rác và làm người ta cảm thấy phiền hà vì tiếng kêu chói tai của mình. Trong Death’s Door, chúng là sứ giả của cái chết, xách theo những món vũ khí nguy hiểm và đánh bại đủ thứ quái vật lạ lùng mà bạn sẽ gặp gỡ trong game. Xem thêm tin tức game máy tính sau đây để biết thêm thông tin.

Death's Door - Gameplay rút gọn nhưng vẫn đủ tính năng

Nếu phải so sánh, có lẽ chúng tôi sẽ gọi Death’s Door là sự kết hợp giữa The Legend of Zelda với Dark Souls, không phải ở độ khó mà là ở gameplay và cách mà nó thiết kế thế giới cũng như cách chơi.

https://www.youtube.com/watch?v=NjnEg3ucXpc

Vùng đất đằng sau cánh cửa của cái chết (Death’s Door) mà bạn sẽ khám phá trong game là một thế giới không rộng lớn nhưng được thiết kế một cách thông minh. Nó có nhiều tầng lớp, được kết nối với nhau bằng nhiều hành lang, cầu thang, hẻm núi và bị phân tách bằng những cánh cửa, các câu đố hoặc những cây cầu bị khóa chặt. Nhờ góc nhìn xéo từ trên cao, game khoe cho người chơi thấy được có những gì đang chờ đợi và khiêu khích họ không ngừng dấn bước vào những câu đố mới, khám phá những bí mật mới nằm ngoài lộ trình chính của mình.

Nhiều tựa game khiến game thủ ngại ngần khám phá bởi chúng buộc họ phải lết bộ trở lại điểm xuất phát ban đầu, nhưng Death’s Door không mắc sai lầm đó. Mỗi khi bạn vượt qua một khu vực phụ, game đều sẽ mở ra một con đường dẫn bạn quay về với vị trí ban đầu. Nếu có chơi qua Dark Souls, bạn sẽ dễ dàng nhận ra cách thiết kế bản đồ này và biết rằng ưu điểm của nó là khuyến khích game thủ khám phá trong khi không khiến họ phải mất quá nhiều thời gian quay trở lại điểm xuất phát.

Tựa game death

Đồng thời thế giới này cũng chứa đầy các câu đố (puzzle) hứa hẹn tưởng thưởng cho game thủ sau khi được giải quyết. Các câu đố này sử dụng các cơ chế quen thuộc như thu thập chìa khóa, mở cổng, kéo công tắc,… nhưng bạn sẽ ít khi cảm thấy nhàm chán bởi chúng đủ thử thách và khiến bạn cảm thấy mình “200 IQ” sau mỗi lần tìm ra đáp án. Một số bí ẩn và câu đố cũng đòi hỏi các loại vật phẩm mà nhân vật chính tạm thời chưa có, khiến game thủ phải ghi nhớ chúng trong đầu và quay trở lại khi đã có hàng nóng, theo đúng kiểu The Legend of Zelda.

Hệ thống chiến đấu của Death’s Door rất đơn giản, khi nhân vật chính được trang bị một cây cung và một thanh kiếm, đồng thời có thêm một chiêu lăn tròn để né tránh. Tác dụng của cung thì khỏi phải bàn, còn thanh kiếm có thể được dùng để đánh bại kẻ địch, đỡ và phản đòn tấn công từ xa. Đôi khi chú quạ của chúng ta sẽ học được một kỹ năng mới từ các hầm ngục, nhưng các kỹ năng này thường là công cụ để giải đố hơn là vũ khí (dù bạn vẫn có thể dùng chúng để đánh nhau).

Mô hình của game death

Các loại vũ khí khác cũng tồn tại để thay cho thanh kiếm cơ bản, chẳng hạn bạn sẽ tìm được một cặp dao găm có tốc độ đánh chóng mặt, một cây búa khổng lồ có tầm đánh rộng, đại kiếm với sát thương khủng,… Chúng có thể được nâng cấp bằng linh hồn mà bạn thu thập trong game. Cả cung và kỹ năng đều có giới hạn số lần sử dụng và sẽ phục hồi dần nhằm ngăn người chơi dùng chúng để bào máu của quái hoặc trùm, buộc họ phải nhờ đến các loại vũ khí cận chiến đáng tin cậy hơn hẳn.

Bạn sẽ chỉ mất khoảng 30 giây để làm quen với hệ thống chiến đấu này, và sau đó game sẽ không ngừng huấn luyện bạn trở thành một chiến binh giỏi hơn trong các trận đọ kiếm ngày càng hào hứng. Ban đầu, có thể nhân vật chính chỉ phải chém vài con quái ù lì chậm chạp, nhưng chỉ ít lâu sau bạn sẽ thấy mình lăn tròn giữa những con quái cứ lao xổ vào mình, đánh bay những quả cầu ma pháp từ những con mage tầm xa rồi bắn gục chúng bằng những mũi tên chuẩn xác. Nói một cách đơn giản, bạn sẽ sớm trở thành một vũ công đầy lông gieo rắc cái chết cho những kẻ dám cản đường.

death

Tương tự như bản thân nhân vật chính, những con trùm trong Death’s Door cũng không quá phức tạp. Chúng chỉ có một vài chiêu thức đơn giản nhưng vẫn đủ thử thách bởi chúng ra chiêu liên tục và để lại rất ít thời gian cho game thủ tấn công. Việc “tham” đánh thêm vài đòn có thể khiến bạn mất thêm một điểm HP, một sự trừng phạt nặng nề bởi thanh máu của chú quạ rất ngắn ngay cả sau nhiều lần nâng cấp. Cũng cần phải nói rằng nhà phát triển đã rất hài hước và đầy sức tưởng tượng khi thiết kế những con trùm này, chẳng hạn một con trùm là kết hợp giữa robot + lâu đài + phi thuyền, hay một bà lão. Con trùm cuối của game thậm chí còn có tên là… Chúa Tể Của Những Cánh Cửa!

Hình ảnh, âm thanh đơn giản mà chất lượng

Dù có phần đơn giản, mảng đồ họa của Death’s Door vẫn đủ sức phục vụ cho việc truyền tải nội dung trò chơi. Thế giới trong game được tạo ra với tông màu hơi nhạt nhòa, đem lại cho bạn ấn tượng về một vùng đất đã cổ xưa và không còn nhiều sinh khí - rất phù hợp bởi đây là miền đất nằm trong cánh cửa của cái chết. Những con quái trong game được thiết kế kết hợp giữa sự ma quái đáng sợ với nét ngộ nghĩnh hoạt hình, khiến không khí của trò chơi nhẹ nhàng mà vẫn giữ được bầu không khí hơi âm u cần thiết cho game.

Âm thanh của death

Tác giả cũng muốn dành một lời khen ngợi cho tính bạo lực của game. Trong Death’s Door, không có một con quái nào được “đặc quyền” biến mất trong một làn khói khi hết máu. Chúng được áp hiệu ứng vật lý và rag-doll rõ ràng, khiến game thủ cảm nhận được uy lực của từng đòn đánh, từng phép thuật mình tung ra. Đây là một sự đổi gió rất thú vị cho cá nhân tác giả sau một thời gian dài cày cuốc Genshin Impact, tựa game rất ít hình ảnh bạo lực.

Trong khi đó, âm thanh của game hết sức phù hợp với những gì đồ họa đem lại. Death’s Door có những bài nhạc nền chậm rãi, nhạt nhòa cũng như tiếng gió rì rào càng tôn lên cảm giác cô độc mà phần hình ảnh mang lại. Điều này sẽ lập tức thay đổi khi bước vào các trận chiến, nơi những bản nhạc với nhịp điệu dồn dập, réo rắt tạo ra sự căng thẳng và khuyến khích game thủ lao vào kẻ địch của mình.

Cấu hình cần thiết cho Death’s Door

Với phần hình ảnh đơn giản, dĩ nhiên Death’s Door cũng không đòi hỏi cấu hình máy cao. Bạn có thể dễ dàng “chiến” game với một dàn PC khá cũ:

  • Hệ điều hành Windows 10 64 bit
  • CPU: Intel Core i5-8250U, AMD Phenom II X4 965 trở lên.
  • RAM: 8 GB
  • Card đồ họa: GeForce MX 150; Radeon R7 260X
  • Ổ cứng: 5 GB.

Cấu hình của tựa game

Nếu muốn chơi ở chất lượng đồ họa cao nhất một cách mượt mà, máy tính của bạn cần thỏa cấu hình sau:
  • Hệ điều hành Windows 10 64 bit
  • CPU: Intel Core i5-4670K; AMD FX-8350
  • RAM: 8 GB
  • Card đồ họa: GeForce GTX 1050; Radeon RX 580
  • Ổ cứng: 20 GB.

Ngoài ra, game còn có mặt trên các hệ console của Microsoft là Xbox One, Xbox Series X, Xbox Series S. Không rõ tại sao Death’s Door không được phát hành trên các hệ máy của Sony hay Switch.

Kết luận về Death’s Door


Có thể nói rằng Death’s Door là một tựa game vừa đủ. Tất cả những gì nhà phát triển Acid Nerve đưa vào game đã tạo ra một trải nghiệm nhỏ nhưng cô đọng và chặt chẽ, đem lại cho người chơi sự kết hợp hoàn hảo giữa chiến đấu đã tay, khám phá thú vị và những câu đố vừa phải. Chúng cũng thay phiên nhau xuất hiện rất đúng lúc, giúp game thủ không bao giờ cảm thấy nhàm chán vì cứ phải động não mà không được động thủ hay ngược lại. Nếu thích hành động chặt chém và đang cần một tựa game thú vị để xả stress, hãy chơi Death’s Door và bạn sẽ không cảm thấy thất vọng đâu.
danh-gia-bai-viet
(0 lượt đánh giá - 5/5)

Game thủ nghiêm túc, mong muốn chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, và đam mê của tôi với mọi người qua những bài viết và video về trò chơi trực tuyến hot nhất của tôi.

Bình luận (0)

sforum facebook group logo