Đánh giá Galaxy Z Fold3 sau 1 thời gian dài sử dụng: Món hời công nghệ hay chỉ là trào lưu nhất thời?


Ở thời điểm này, Galaxy Z Fold3 đã có mức giá vô cùng tốt, máy cũ và đẹp chỉ còn khoảng 17 triệu đồng, đây là một mức giá có thể rất tốt với một chiếc điện thoại gập cao cấp.
Hiệu năng đỉnh cao, màn hình Dynamic AMOLED 2X 120Hz, hỗ trợ ghi chú với bút S Pen hay camera ẩn là điểm nổi bật của Samsung Galaxy Z Fold3? Đối với mình đó chỉ là những thứ phụ trợ cần có ở một chiếc smartphone cao cấp. Thứ làm mình ấn tượng nhất ở chiếc điện thoại gập này chính là độ hoàn thiện ấn tượng từ phần cứng cho đến phần mềm.
Samsung Galaxy Z Fold3 là chiếc điện thoại gập đầu tiên mà mình có cơ hội được trải nghiệm trong năm vừa qua. Lý do mình bỏ qua Galaxy Z Fold và Fold 2 thì mình nghĩ đây là hai chiếc điện thoại gập để Samsung phô diễn công nghệ của mình cũng như là bước đệm cho sự nâng cấp vượt trội sau này trong khi đó Z Fold4 thì mức giá thì lại hơi cao so với số tiền mà mình có. Và mình đã không thất vọng với sự lựa chọn này.
Thiết kế trau chuốt - mang đến trải nghiệm trọn vẹn
Điểm mình quan tâm nhất khi lựa chọn Galaxy Z Fold3 chính là cơ chế hoạt động của bản lề đã có sự nâng cấp đáng kể so với 2 đời trước. Có thể nói bản lề là phần quan trọng nhất của một chiếc điện thoại gập.
Bản lề này sử dụng cơ chế xoay bánh răng thế hệ mới đảm bảo được khả năng hoạt động trơn tru cũng như tính bền bỉ trong quá trình sử dụng. Đặc biệt là bản lề trên Galaxy Z Fold3 đã được cải tiến đáng kể khi mang đến khả năng kháng nước đạt chuẩn IPX8 cũng như hạn chế được bụi bẩn hiệu quả.
Thú thật là trải nghiệm lần đầu Galaxy Z Fold3 đối với mình khá là hồi hộp và có một chút lo lắng, phải nhẹ nhàng dùng hai tay mở ra, nâng niu như nâng trứng vậy. Tuy nhiên vọc vạch một hồi, sử dụng 2-3 ngày là quen ngay. Trong quá trình sử dụng thì mọi thứ diễn ra khá dễ dàng đối với mình, đặc biệt có thể điều chỉnh được các góc gập mở khác nhau mà màn hình vẫn giữ được độ nghiêng nhất định.
Phần khung bên ngoài của Z Fold3 sử dụng chất liệu Armor Aluminum phủ sơn nhám mờ, nhờ đó mà gia tăng 10% độ bền so với thế hệ trước. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng thì mình có một chút thất vọng với lớp sơn mới trên Z Fold 3. Phần sơn này khá dễ tróc nếu xài ốp mà không may có bụi lọt vào.
Các đốm trắng do bụi va vào có thể thấy được sau một thời gian sử dụng ở phần khung viền màn hình. Và đó là lý do mà mình từ bỏ ốp và chuyển sang dán PPF để sử dụng.
Ở mặt sau của máy thì dãy camera được sắp xếp gọn gàng thành 1 hàng dọc, cá nhân mình thích sự sắp xếp này, mang đến sự liền mạch trong thiết kế, không quá phô trương, vừa đủ nhưng vẫn rất tinh tế.
Loa của Z Fold3 được bố trí ở phần đỉnh và dưới thân máy, tạo hiệu ứng stereo khi sử dụng. Có một vấn đề mà mình gặp phải là Samsung chỉ bố trí có 2 dãy loa thay vì 4, nó hợp lý khi chúng ta sử dụng thông thường (không mở ra màn hình bên trong).


Tuy nhiên khi trải nghiệm với màn hình trong, nếu xoay ngang để sử dụng, trong trường hợp chơi game hay xem Netflix thì với tư thế cầm thông thường, hay bàn tay sẽ vô tình che đi hai phần loa này, do đó sẽ chặn mất một phần âm thanh. Nếu Samsung mà thiết kế thành 4 dãy loa như trên các mẫu tablet thì trải nghiệm giải trí với loa của máy sẽ được cải thiện đáng kể.
Màn hình ngoài hơi nhỏ nhưng bên trong quá đã
Trên Galaxy Z Fold3 thì màn hình đã có sự nâng cấp đáng kể, màn hình ngoài là điểm sáng khi đã được Samsung trang bị tấm nền cao cấp Dynamic AMOLED 2X, mang đến chất lượng hiển thị tuyệt vời như trên các mẫu điện thoại flagship của hãng. Đặc biệt là màn hình này đã hỗ trợ tần số quét 120Hz, trải nghiệm liền lạc và mượt mà hơn khi sử dụng song song với màn hình trong, không bị giới hạn như trên Fold 2 nữa.
Tuy nhiên khi sử dụng màn hình ngoài thì trải nghiệm đối với mình chưa thực sự đã, kích thước 6.2inch kết hợp với tỉ lệ khá dị là 25:9 đã làm giảm đi đáng kể cảm hứng sử dụng của mình. Thứ nhất là phần bàn phím bị thu hẹp lại, khi gõ thì đôi lúc mình bị gõ nhầm khá nhiều, mặc dù mình đã sử dụng khá thuần thục rồi. Thứ hai là các nội dung hiển thị trên màn hình này vẫn chưa được tối ưu, đôi lúc một số nội dung sẽ bị mất hoặc bị kéo gần lại che mất những nội dung khác.
Mặc dù đây chỉ là màn hình phụ nhưng mình lại sử dụng nhiều hơn màn hình chính bên trong. Một phần vì tiện, phần nữa thì với các nội dung mang tính riêng tư khi sử dụng ở nơi công cộng mình vẫn ưu tiên sử dụng màn ngoài hơn.
Còn với màn hình chính bên trong, chất lượng hiển thị vẫn rất là tốt với kích thước 7.6inch, tấm nền cao cấp Dynamic AMOLED 2X 120Hz, cùng với đó là công nghệ Ultra Thin Glass (UTG), theo mình thì Samsung đã làm thực sự tốt.
Mình từng lo lắng về nếp gấp ở giữa màn hình Z Fold 3, trải nghiệm khi sử dụng có bị giảm đi không? Đúng là khi sử dụng lần đầu mình hay để ý và khá khó chịu, nhưng khi đã quen rồi thì mình dần quên nếp gấp đó luôn, khi chạm vào còn thấy lạ và sướng nữa. Bạn nào còn lo lắng hay phân vân không biết có nên chọn màn hình gập vì lý do này không thì mình khuyên là cứ nên mạnh dạn trải nghiệm.
Một điểm đặc biệt nữa là màn hình bên trong của Galaxy Z Fold3 giờ đây đã được trang bị công nghệ camera ẩn dưới màn hình, có thể nói Z Fold3 là chiếc điện thoại gập đầu tiên trên thế giới được trang bị công nghệ này.
Quay về vấn đề có khó chịu khi sử dụng không, vì điểm ảnh ở khu vực camera này khá dễ nhận biết khi nhìn vào, cũng như nếp gấp vậy, nhưng nó còn nhỏ hơn nên khi sử dụng mình cũng dần lãng quên và không chú ý đến nó luôn. Chất lượng camera với mình thì tạm ổn thôi, video call với bạn bè, họp hành thì ổn hơn là dùng để selfie.
Thời gian trải nghiệm pin thực tế chưa thực sự tốt
Galaxy Z Fold3 được trang bị viên pin 4400mAh, phải nói thế nào nhỉ, mức dung lượng này theo mình đánh giá là trung bình thấp. Nhưng mình nghĩ do vấn đề về công nghệ chế tạo nên Samsung cũng không thể trang bị một viên pin quá lớn được.


Với những tác vụ thông thường mà mình sử dụng hằng ngày như lướt Facebook, Mess, Insta, check Mail công việc, xem Youtube, Netflix, khi ra ngoài thì mình có sử dụng 4G khoảng 2-3 tiếng, mình không chơi game.
Với cường độ sử dụng pin liên tục thì thời gian Onscreen mình tính được khoảng 5 tiếng, trung bình 1 ngày mình phải sạc 2 lần, có hôm phải sạc 3 lần nếu đi chơi chụp hình và quay video nhiều.
Phần mềm đã có sự nâng cấp tối ưu, nhưng vẫn chưa đủ
Từ phiên bản oneUI 4.1.1 mới thì phần mềm đã có nhiều sự nâng cấp, hiện tại mình đã cập nhật lên phiên bản oneUI 5.0 mới nhất. Thanh Taskbar là điểm sáng khi mang đến nhiều sự tiện lợi trong quá trình sử dụng. Có thể cài ứng dụng mong muốn để chuyển đổi qua lại mà không cần mở đa nhiệm. Ngoài ra còn có thể kéo ứng dụng từ thanh Taskbar để mở đa nhiệm nhiều cửa sổ.
Khi chuyển từ màn hình ngoài vào màn hình lớn bên trong thì một số ứng dụng bị mất nội dung đang xem trước đó, điển hình là Facebook, mình đang xem video ở màn hình ngoài thì khi chuyển vào màn hình trong thì video đó bị mất. Với ứng dụng Apple Music thì khi mở màn hình chính giao diện không tự động phóng ra mà phải nhấn tay thủ công, nhạc cũng sẽ tự động dừng.
Mình sẽ nâng cấp lên Fold4?
Về phần mình, khi trải nghiệm Galaxy Z Fold 4 khoảng 1 tháng thì mình quyết định vẫn tiếp tục ở lại với Fold 3. Trải nghiệm sử dụng vẫn không có quá nhiều điểm khác biệt, vẫn thiết kế đó nhưng được trau chuốt hơn đôi chút, viền màn hình ngoài đã mỏng hơn đáng kể, bản lề gập với cơ chế mới đã được nâng cấp nhưng cốt lõi vẫn không có nhiều sự đột phá.
Dung lượng pin vẫn như cũ, thời lượng sử dụng cũng chỉ tăng khoảng 20-30% so với Fold 3. Về camera nếu không chụp đêm quá nhiều thì mình thấy cũng không có gì khác biệt để khiến mình phải nâng cấp.
Galaxy Z Fold3 là món hời công nghệ hay chỉ là trào lưu nhất thời?
Đến thời điểm hiện tại, bên cạnh sự trau chuốt về thiết kế, cùng với những trải nghiệm của mình thì có thể nói rằng Z Fold3 là một món hời công nghệ mà bạn nên sử dụng qua một lần trong đời.
Mặc dù vẫn còn nhiều thiếu sót về phần mềm cũng như chất liệu lớp sơn của máy không thực sự tốt, nhưng mình tin với sự hợp tác cùng Google thì trong tương lai chúng ta sẽ có được một chiếc điện thoại gập với giao diện sử dụng tốt nhất. Với mức giá chỉ khoảng 17 triệu đồng tại CellphoneS thì anh em đã có thể sở hữu ngay một chiếc điện thoại gập với nhiều công nghệ xịn xò.
[Product_Info id='40604']

Bình luận (0)