Trang chủMáy tínhĐánh giá
Đánh giá GeForce RTX 5050: Nhỏ mà có võ, liệu có đủ sức gánh game 2025?
Đánh giá GeForce RTX 5050: Nhỏ mà có võ, liệu có đủ sức gánh game 2025?

Đánh giá GeForce RTX 5050: Nhỏ mà có võ, liệu có đủ sức gánh game 2025?

Đánh giá GeForce RTX 5050: Nhỏ mà có võ, liệu có đủ sức gánh game 2025?

Công Minh, Tác giả Sforum - Trang tin công nghệ mới nhất
Công Minh
Ngày cập nhật: 11/07/2025
gg news

GeForce RTX 5050 là mẫu GPU phổ thông mới của NVIDIA với DLSS 3.5, Ray Tracing và hiệu năng vừa đủ để gánh các tựa game eSports, AAA ở mức 1080p.

Với sự xuất hiện của RTX 5050, NVIDIA đang muốn lấp đầy khoảng trống ở phân khúc GPU phổ thông dưới RTX 4060. Dù là dòng entry-level, chiếc card này vẫn được trang bị các công nghệ cao cấp như DLSS 3.5 và Ray Tracing, hứa hẹn đem lại trải nghiệm chơi game mượt mà cho người dùng không dư dả ngân sách.

RTX 5050 mang DLSS 3.5 và Ray Tracing đến phân khúc phổ thông dưới RTX 4060.

Chi tiết đánh giá GeForce RTX 5050

GeForce RTX 5050 là nỗ lực mới nhất của NVIDIA nhằm đưa các công nghệ đồ họa cao cấp như DLSS 3.5 và Ray Tracing đến gần hơn với phân khúc phổ thông. Mặc dù là sản phẩm entry-level trong dòng RTX 5000 series, RTX 5050 vẫn hứa hẹn mang lại hiệu năng đủ dùng cho game thủ ở độ phân giải Full HD. Vậy chiếc card này thực sự mạnh cỡ nào, và có điểm gì đáng cân nhắc? Cùng tìm hiểu kỹ hơn qua các mục sau.

RTX 5050 sở hữu thiết kế nhỏ gọn, dễ lắp đặt

GeForce RTX 5050 có thiết kế khiêm tốn với kích thước chỉ chiếm hai khe PCIe và độ dài tổng thể ngắn hơn đáng kể so với các mẫu RTX 4060 trở lên. NVIDIA và các đối tác OEM hướng đến kiểu dáng đơn giản, gọn nhẹ để đảm bảo khả năng tương thích tối đa với các case mini tower hoặc micro-ATX phổ thông.

Thiết kế hai slot gọn gàng, RTX 5050 dễ dàng lắp vừa trong các case mini phổ thông.

Tùy phiên bản, RTX 5050 sẽ sử dụng giải pháp tản nhiệt một hoặc hai quạt, đủ để kiểm soát lượng nhiệt tỏa ra từ mức TDP chỉ khoảng 75–100W. Điều này không chỉ giúp giảm áp lực cho bộ nguồn (có thể chạy tốt với PSU 300–450W), mà còn khiến chiếc GPU này trở nên lý tưởng cho các dàn máy học sinh, sinh viên hoặc người dùng không dư dả không gian và ngân sách.

Dù là dòng phổ thông, một số phiên bản custom của các hãng như MSI, ASUS hay Gigabyte vẫn có backplate kim loại mỏng, giúp tăng độ cứng và hỗ trợ tản nhiệt thụ động ở mức cơ bản.

RTX 5050 và những giới hạn từ thông số kỹ thuật

Việc đánh giá RTX 5050 không chỉ nằm ở hiệu năng mà còn bắt đầu từ cách NVIDIA tiếp cận thị trường. Lần này, họ tiếp tục lối đi quen thuộc: không công bố thông số chi tiết, không gửi mẫu review và không cấp driver sớm cho báo chí công nghệ. Chiến thuật "giấu bài" từng được dùng với RTX 5060 Ti 8GB và RTX 5060 trước đó và RTX 5050 là nạn nhân tiếp theo.

Việc ra mắt RTX 5050 tiếp tục theo phong cách giấu bài quen thuộc của NVIDIA, gây khó khăn cho giới reviewer.

Cụ thể, RTX 5060 Ti 8GB từng bị hạn chế gửi mẫu, trong khi bản 16GB được ưu ái truyền thông hơn. Khi đến lượt RTX 5060 ra mắt trong khuôn khổ Computex, NVIDIA gửi review kit nhưng không cho driver, khiến việc đánh giá gần như bất khả thi. Đến RTX 5050, thậm chí ngay cả việc mua hàng sau công bố cũng bị delay vài ngày, tạo nên một cú rollout lạ đời ngay cả với chuẩn NVIDIA.

Về mặt kỹ thuật, RTX 5050 sử dụng kiến trúc Blackwell với GPU GB207. Tuy nhiên, card đã bị cắt giảm đáng kể để đạt mức giá thấp hơn RTX 5060. Dưới đây là bảng so sánh nhanh giữa RTX 5050 và các đối thủ cùng phân khúc:

Thông số RTX 5050 RTX 5060 RTX 4060 RTX 5060 Ti
Giá MSRP $250 $300 $380 / $430
Ngày ra mắt July 1, 2025 May 19, 2025 June 29, 2023 April 16, 2025
Tiến trình TSMC 4N TSMC 4N TSMC 4N TSMC 4N
Kích thước die 149 mm² 181 mm² 158.7 mm² 181 mm²
Cấu hình nhân 2560 / 80 / 32 3840 / 120 / 48 3072 / 96 / 48 4608 / 141 / 48
L2 Cache 32 MB 24 MB 32 MB
Xung boost 2572 MHz 2497 MHz 2460 MHz 2572 MHz
Dung lượng VRAM 8GB 8GB / 16GB 8GB 16GB
Tốc độ VRAM 20 Gbps 28 Gbps 17 Gbps 28 Gbps
Loại bộ nhớ GDDR6 GDDR7 GDDR6 GDDR7
Bus / Băng thông 128-bit / 320 GB/s 128-bit / 448 GB/s 128-bit / 272 GB/s 128-bit / 448 GB/s
Chuẩn PCIe PCIe 5.0 x8 PCIe 4.0 x8 PCIe 5.0 x8 PCIe 4.0 x8
Tổng điện năng (TBP) 130W 150W 115W 180W

Qua bảng trên, có thể thấy rõ RTX 5050 đã bị cắt giảm ở nhiều khía cạnh:

  • Số lượng nhân thấp hơn 33% so với RTX 5060,
  • Giảm tốc độ VRAM,
  • Giảm băng thông bộ nhớ xuống chỉ còn 320 GB/s.
Một vài điểm sáng như PCIe 5.0 và xung boost cao giúp RTX 5050 vẫn giữ được chút lợi thế kỹ thuật.

Tuy vậy, chiếc card vẫn giữ được một vài điểm sáng:

  • Xung nhịp boost cao tương đương RTX 5060 Ti,
  • Cache L2 32MB và PCIe 5.0 x8 giúp giảm nghẽn băng thông nếu dùng CPU đời mới.

RTX 5050 rõ ràng là sản phẩm cắt giảm để tối ưu chi phí. Nhưng liệu hiệu năng thực tế có còn “đủ xài” khi đưa vào thực chiến, hay chỉ là một cú downgrade trá hình? Phần tiếp theo sẽ cho thấy rõ hơn khi chúng ta đi sâu vào hiệu năng.

Cấu hình thử nghiệm và danh sách GPU so sánh

Tất cả các kết quả benchmark được thực hiện trên hệ thống cấu hình cao cấp để đảm bảo GPU là yếu tố giới hạn chính. Dưới đây là thông số chi tiết:

Cấu hình test:

  • CPU: AMD Ryzen 7 9800X3D

  • Mainboard: Gigabyte X670E Master (BIOS F34b)

  • RAM: G.Skill Trident Z5 RGB DDR5-6000 CL30-38-38-96

  • Resizable BAR: Enabled

  • SSD: TeamGroup T-Force GE Pro M.2 PCIe Gen5 NVMe

  • PSU: Kolink Regulator Gold ATX 3.0 – 1200W

  • Case: MSI Prospect 700R

  • OS: Windows 11 24H2

  • Driver:
     + Nvidia GeForce Game Ready 576.88
     + AMD Adrenalin 25.6.3
     + Intel Graphics 32.0.101.6913

GPU RTX 5050 mạnh mẽ, nâng tầm hiệu năng chơi game phổ thông

Marvel Rivals – 1080p High Settings

Trong tựa game Marvel Rivals ở độ phân giải 1080p, RTX 5050 đạt trung bình 50 FPS mức hiệu năng đủ chơi mượt mà với thiết lập High. Nếu hạ preset xuống nữa, người dùng có thể đạt FPS cao hơn đáng kể.

So với RX 7600 mẫu card cùng tầm giá đời trước, RTX 5050 nhanh hơn khoảng 25%. Hiệu năng của nó cũng ngang với Intel Arc B580, nhưng vẫn kém RX 9060 XT khoảng 25%, trong khi 9060 XT lại có giá nhỉnh hơn ~20%. Điều này cho thấy sự chênh lệch không quá đáng kể về hiệu quả đầu tư.

Tổng thể, RTX 5050 thể hiện "tạm ổn" trong bài test này không mạnh đến mức gây ấn tượng, nhưng đủ dùng cho nhu cầu phổ thông nếu ngân sách không quá dư dả.

Star Wars Jedi: Survivor – 1080p High Settings

Chuyển sang Star Wars Jedi: Survivor một tựa game nặng đô hơn, RTX 5050 vẫn duy trì được mức hiệu năng chấp nhận được với trung bình khoảng 70 FPS ở 1080p. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn, con số này thực tế chỉ tương đương với Arc A770 hay RX 6650 XT – những mẫu GPU đã cũ và không còn nổi bật.

Điều đáng nói là RX 9060 XT nhanh hơn tới hơn 40% trong bài test này, dù giá chỉ cao hơn đôi chút. Đây là khoảng cách đáng kể và cũng là minh chứng rõ cho việc RTX 5050 đang chạm ngưỡng giới hạn trong các tựa game AAA hiện đại.

Cyberpunk 2077: Phantom Liberty – 1080p High Settings

Với một tựa game bom tấn đòi hỏi phần cứng như Cyberpunk 2077: Phantom Liberty, RTX 5050 vẫn gồng gánh được mức thiết lập High ở 1080p với khoảng 72 FPS đủ để chơi mượt nhưng chưa thật sự ấn tượng.

Vấn đề là: chiếc GPU này chỉ nhỉnh hơn chút xíu so với RTX 3060 đời cũ, và hiệu năng gần như ngang ngửa RX 6650 XT hay Intel Arc A770. Tức là nếu bạn từng sở hữu một trong các mẫu card tầm trung của 1–2 năm trước, thì việc lên RTX 5050… gần như không mang lại cải thiện rõ rệt.

Khoảng cách càng thêm rõ ràng khi so với RX 9060 XT vốn đạt tới 111 FPS trong bài test này. Tức là hơn tới 54% về hiệu năng, trong khi mức giá chỉ cao hơn một chút. Đây mới là thứ “nâng cấp thật sự” cho ai muốn chiến Cyberpunk mượt và bền lâu.

Hogwarts Legacy – 1080p High Settings

Hogwarts Legacy là một tựa game hành động nhập vai có đồ họa chi tiết và yêu cầu cấu hình tương đối cao. Ở thiết lập High, RTX 5050 vẫn “gánh được” game với mức khung hình khoảng 70 FPS tương đương RTX 4060, Arc B580 hay RX 6650 XT.

Tuy nhiên, nếu nhìn sang RX 9060 XT, sự chênh lệch bắt đầu trở nên khó bỏ qua: hiệu năng cao hơn đến 50%, đạt trung bình 105 FPS. Trong khi đó, giá lại chỉ nhỉnh hơn RTX 5050 khoảng vài chục đô.

Nếu xét đến hiệu quả đầu tư, rõ ràng RTX 5050 đang rơi vào thế khó không tạo được khác biệt về hiệu năng, lại không thực sự rẻ để gọi là “hời”.

The Last of Us Part I – 1080p Ultra Settings

Với cấu hình Ultra ở 1080p, RTX 5050 đạt khoảng 62 FPS khi chơi The Last of Us Part I đủ mượt, nhưng không để lại nhiều ấn tượng. Mức hiệu năng này chỉ nhỉnh hơn RX 6650 XT đôi chút và vẫn kém RX 7600 vài khung hình.

Quan trọng hơn, RX 9060 XT tiếp tục cho thấy sự vượt trội khi bỏ xa RTX 5050 gần 40% hiệu năng, dù cùng chạy ở mức thiết lập cao nhất. Với các game AAA đòi hỏi VRAM và băng thông cao như The Last of Us, chiếc GPU phổ thông của NVIDIA bắt đầu lộ rõ hạn chế.

RTX 5050 vẫn “gánh” được game, nhưng nếu bạn đang tìm một trải nghiệm ổn định, bền lâu ở preset cao, lựa chọn này rõ ràng là một canh bạc đặc biệt khi chỉ cần bù thêm một ít là đã có thể chạm tới RX 9060 XT.

Star Wars Outlaws – 1080p Ray Tracing ON

Đây là một trong những bài test “chính chủ” để kiểm tra khả năng ray tracing của RTX 5050 công nghệ vốn được quảng bá là “điểm sáng” của dòng card này. Nhưng thực tế thì sao? 34 FPS là con số quá thấp, và... bằng y chang RX 7600 một GPU vốn không được tối ưu cho RT workload.

So ra, RX 9060 XT chạy ngon lành ở mức 50 FPS nhanh hơn tới gần 50%. Điều đó càng cho thấy RTX 5050 tuy có "tick" ray tracing, nhưng khó mà mang lại trải nghiệm trọn vẹn nhất là khi dùng ở các tựa game AAA hiện đại.

Warhammer 40,000: Space Marine 2 – 1080p Ultra

Ở tựa game hành động đậm chất chiến đấu này, RTX 5050 vẫn thể hiện ổn ở mức thiết lập cao, giữ được ~77 FPS. Kết quả tương đương với RTX 4060 hay RX 6700 XT vốn là những GPU tầm trung thuộc thế hệ trước.

RX 9060 XT tuy nhanh hơn 22% nhưng cũng không vượt trội áp đảo. Đây là một trong số ít những game mà RTX 5050 thể hiện được giá trị, ít nhất là khi xét riêng hiệu năng/giá. Tuy vậy, đừng vì một chiến thắng nhỏ mà quên rằng... những giới hạn phần cứng vẫn còn nguyên đó.

Call of Duty: Black Ops 6 – 1080p High Settings

Đây là bài test "đau lòng" nhất dành cho RTX 5050. Dù Call of Duty: Black Ops 6 vốn tối ưu khá tốt cho GPU NVIDIA, nhưng mức trung bình 60 FPS vẫn là một kết quả khó nuốt không vượt nổi Arc B580 hay RX 6650 XT, và thậm chí chỉ ngang RTX 3060 đời cũ.

Trong khi đó, RX 9060 XT chạy như “đi trên mặt nước” gấp đôi hiệu năng với khoảng 120 FPS. Rõ ràng, RTX 5050 bắt đầu hụt hơi khi đối mặt với các tựa game nặng, yêu cầu VRAM và băng thông ổn định.

Clair Obscur: Expedition 33 – 1080p High Settings

Ở tựa game hành động nhập vai vừa ra mắt này, RTX 5050 tiếp tục cho thấy vị thế “vừa đủ xài” của mình: mức hiệu năng ngang ngửa với RTX 4060, RX 7600 XT và Arc B580 đều là những GPU phổ thông quen mặt.

Nhưng cũng như đa số các tựa game khác trong bài test, 9060 XT lại một lần nữa thể hiện ưu thế khi đạt hiệu năng cao hơn đến 38%. Với chênh lệch như vậy, việc chi thêm để có trải nghiệm mượt hơn và bền hơn là điều hoàn toàn xứng đáng đặc biệt với những tựa game có khung hình động cao và cảnh nền phức tạp như Clair Obscur.

Tiêu thụ điện năng RTX 5050 “ăn nhẹ” hơn đối thủ

Khi thử chơi Warhammer 40,000: Space Marine 2 ở 1440p chế độ Ultra, tổng công suất hệ thống (CPU + GPU) của RTX 5050 đo được chỉ khoảng 219W, thấp hơn đáng kể so với 246W của RX 7600 và hẳn nhiên thấp hơn hẳn con số 278W của RX 9060 XT.

Con số này chứng tỏ RTX 5050 không chỉ là lựa chọn tiết kiệm điện mà còn giảm áp lực cho nguồn và hệ thống làm mát điểm cộng cực kỳ đáng giá cho dân build PC phổ thông hoặc những ai ưu tiên sự ổn định lâu dài.

Tổng kết hiệu năng RTX 5050 ở 1080p – Không yếu, nhưng cũng chẳng “ngon”

Trung bình qua 18 tựa game ở độ phân giải 1080p, RTX 5050 đạt mức khung hình khoảng 66 FPS tức là kém hơn RX 7600 khoảng 3%, dù hai mẫu GPU này đang có mức giá khá tương đồng. Nói cách khác: hiệu năng tầm tầm, giá cũng không rẻ khó tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Vấn đề lớn hơn nằm ở RX 9060 XT 8GB chỉ đắt hơn khoảng $50 nhưng lại mạnh hơn tới 44% hiệu năng trung bình. Nếu chấp nhận thêm một chút chi phí ban đầu, bạn đã có thể sở hữu một GPU vượt trội hoàn toàn về sức mạnh và khả năng “xài lâu dài”.

Năm 2025, một chiếc card đồ họa 8GB thực sự không còn là lựa chọn khôn ngoan. Nếu bạn đang cân nhắc đầu tư, hãy hướng đến 9060 XT bản 16GB mức hiệu năng tốt hơn nhiều, và khả năng trụ vững với các game nặng trong vài năm tới.

Hiệu năng ở 1440p RTX 5050 bắt đầu đuối sức

Khi bước lên độ phân giải 1440p, những điểm yếu về băng thông, VRAM và kiến trúc cắt giảm của RTX 5050 bắt đầu lộ rõ. RX 9060 XT dù chỉ nhỉnh hơn 20% về giá lại bỏ xa đối thủ với hiệu năng trung bình cao hơn đến 56%.

Với phiên bản 16GB, khoảng cách này còn nới rộng gần 80%, đồng thời duy trì mức ổn định cao hơn gần gấp đôi về 1% low FPS yếu tố quan trọng để đảm bảo trải nghiệm mượt mà trong các pha combat hỗn loạn hoặc phân cảnh nặng hiệu ứng.

Ở tầm giá phổ thông, RX 9060 XT 16GB đang là lựa chọn gần như vô đối, khi vừa mạnh vượt trội, vừa có khả năng xử lý game 1440p tốt hơn và ít bị “đụng trần” bởi giới hạn bộ nhớ trong tương lai gần.

Với chỉ 8GB VRAM và băng thông hạn chế, RTX 5050 nhanh chóng đuối sức ở độ phân giải 1440p.

RTX 5050 vốn đã ở ngưỡng “vừa đủ” cho 1080p, nên nếu bạn cần một GPU để “xài lâu dài” hay có ý định nâng cấp màn hình trong tương lai, thì việc chọn RTX 5050 gần như là… tự đóng khung khả năng của dàn máy ngay từ đầu.

Nhiệt độ và độ ồn có đủ hấp dẫn?

Trong thử nghiệm với phiên bản MSI Shadow RTX 5050, một mẫu card nhỏ gọn 2 quạt với backplate nhựa, GPU đạt đỉnh nhiệt độ 73°C sau 1 giờ test với tựa game F1 25. Đây là mức nhiệt mát mẻ, nằm trong vùng an toàn cho GPU phổ thông.

MSI Shadow RTX 5050 mát mẻ ở 73°C nhưng phát ra tiếng quạt 38 dBA không hẳn tàng hình như tên gọi.

Tuy nhiên, để đạt mức nhiệt đó, quạt đã phải quay ở 1.900 RPM, tạo ra độ ồn khoảng 38 dBA hoàn toàn có thể nghe thấy rõ ràng, nhất là trong môi trường yên tĩnh. Dù không tới mức “ồn ào khó chịu”, nhưng chắc chắn không phải dạng “im lặng như tàng hình” như tên gọi MSI Shadow gợi ý.

Có nên mua GeForce RTX 5050 không?

Ở mức giá khởi điểm từ 7.49 triệu đồng được bán chính thức tại Việt Nam, GeForce RTX 5050 rõ ràng là một nỗ lực của NVIDIA nhằm chen chân vào phân khúc GPU phổ thông. Tuy nhiên, sản phẩm này lại thiếu đi điểm nhấn thực sự để tạo lợi thế cạnh tranh.

Hiệu năng trung bình: RTX 5050 (66 fps) thua nhẹ RX 7600 và bị RX 9060 XT bỏ xa ở cả 1080p lẫn 1440p.

Về hiệu năng, RTX 5050 chỉ ngang ngửa hoặc thua nhẹ RX 7600 ở độ phân giải 1080p, và hoàn toàn đuối sức khi lên 1440p. Trong khi đó, RX 9060 XT một đối thủ cùng phân khúc giá lại vượt trội ở mọi mặt: nhanh hơn, mượt hơn, VRAM lớn hơn và sẵn sàng cho các tựa game nặng.

Khi xét đến giá trị trên mỗi khung hình (cost per frame), RTX 5050 không mang lại cải thiện đáng kể so với các thế hệ trước. Thậm chí còn tệ hơn RTX 5060 Ti 8GB hoặc RX 9060 XT nếu so sánh thực tế ngoài thị trường. Đây là một nghịch lý vì theo logic, GPU dòng entry-level lẽ ra phải là lựa chọn tối ưu về giá/hiệu năng.

Xét về giá trị thực tế, RTX 5050 có cost per frame kém hơn cả RTX 5060 Ti 8GB lẫn RX 9060 XT.

RTX 5050 cũng bị giới hạn bởi:

  • Dung lượng VRAM 8GB đã bắt đầu lỗi thời với các game AAA 2024–2025.

  • Bus nhớ hẹp, dễ nghẽn ở 1440p.

  • Không có bản nâng cấp thực sự (như 12GB hay 16GB).

RTX 5050 không phải là một món hời ở thời điểm 2025. Với số tiền tương đương hoặc nhỉnh hơn một chút, bạn đã có thể sở hữu RX 9060 XT bản 8GB hoặc 16GB lựa chọn đáng tin cậy hơn cả về hiệu năng lẫn tuổi thọ sử dụng.

Xem thêm:

Bạn có thể tham khảo các mẫu card màn hình khác đang được phân phối chính hãng tại CellphoneS để chọn được sản phẩm phù hợp với nhu cầu và ngân sách.

[Product_Listing categoryid="952" propertyid="" customlink="https://cellphones.com.vn/linh-kien/card-man-hinh-vga.html" title="Sản phẩm Card màn hình đang được quan tâm nhiều tại CellphoneS"]

 

Thẻ: NVIDIARTX
danh-gia-bai-viet
(0 lượt đánh giá - 5/5)

Đánh giá công nghệ với cái nhìn thật – chia sẻ kinh nghiệm để bạn lựa chọn mua dễ dàng, đúng thứ mình cần.

Bình luận (0)

sforum facebook group logo