Đây là cách giúp camera phone phá vỡ giới hạn vật lý và thay thế DSLR

Tiz
Ngày cập nhật: 15/04/2019

Các bạn cũng biết, một chiếc điện thoại cho dù có tốt cỡ mấy, phần mềm hay phần cứng xịn cỡ nào thì chất lượng ảnh chụp cũng khó lòng vượt qua được máy ảnh chuyên nghiệp bởi lý do lớn nhất là kích thước cảm biến ảnh cũng như giới hạn vật lý kích thước một chiếc smartphone.Quay lại một chút với kích thước cảm biến ảnh, hầu hết smartphone hiện nay đều có cảm biến camera sau 1/2.3 inch và lớn nhất là Huawei P30 Pro 1/1.7 inch. Trong khi đó các loại máy ảnh thường có kích thước từ 4/3 inch đến 35mm hay thậm chí là hơn nữa. Trong đó phổ biến nhất có lẽ chính là loại 1.8 inch - máy ảnh crop 1.5x và 35mm - máy ảnh Full Fame.
Chúng ta sẽ xét thử cảm biến của một chiếc máy ảnh crop 1.5x thường được sử dụng trên dòng crop của Sony hay Fujifilm. Cảm biến này có kích thước 23,7 x 15,7mm. Mặc dù không phải quá lớn, nhưng với giới hạn về độ mỏng của điện thoại thì với công nghệ hiện nay không thể tạo ra được một hệ thống ống kính tương thích. Ý tưởng của Sforum là chia nhỏ cảm biến này ra làm nhiều phần. Ở đây là 16 phần, với mỗi phần có kích thước tương đương với cảm biến 1/2.3 inch - loại phổ biến trên smartphone hiện nay. Mỗi cảm biến này sẽ có góc nhìn 30 độ và được sắp xếp để bao quát đủ không gian 120 - tương đương ống kính siêu rộng của Galaxy S10. Từng cảm biến sẽ thực hiện chụp các tấm ảnh riêng biệt, phần mềm có nhiệm vụ ghép chúng lại thành một bức ảnh hoàn chỉnh. Các bạn có thể dễ hiểu hơn khi xem mô phỏng bên dưới.
Ví dụ mỗi cảm biến đều có độ phân giải 12MP, như vậy là chiếc “siêu camera phone” này có thể chụp những bức ảnh 192MP - và thật trùng hợp một số con chip của Snapdragon hiện nay đã hỗ trợ vừa đúng độ phân giải này. Với một tấm ảnh 192MP, việc zoom lên 5 - 10 lần chắc chắn vẫn thừa chi tiết như những chiếc smartphone hiện nay, lại có cả góc rộng như Galaxy S10 - đủ dải tiêu cự để sử dụng với những nhu cầu cơ bản.Còn khi chụp ảnh thiếu sáng, công nghệ gộp điểm ảnh sẽ biến những điểm ảnh lớn hơn rất nhiều. Ví dụ nếu gộp 4 điểm ảnh làm 1 sẽ tạo ra một chiếc “máy ảnh” 48MP, hay thậm chí nếu gộp 16 điểm ảnh thành 1 thì vẫn cho những bức ảnh 12MP - vẫn sắc nét nhưng khả năng thu sáng tăng đến… 16 lần.
Tất nhiên vẫn còn giới hạn về ống kính rời, zoom quang học, thế nhưng hệ thống 16 camera này sẽ giải quyết được vấn đề về chất lượng ảnh, khả năng chụp thiếu sáng không thua kém gì máy ảnh và đáp ứng được hầu hết nhu cầu phổ thông. Đặc biệt nếu kết hợp với những công nghệ phần cứng lẫn phần mềm, ống kính Leica được trang bị trên Huawei P30 Pro hiện nay, máy ảnh du lịch “không có cửa” nếu so về chất lượng ảnh.Nói thêm một chút về ý tưởng thiết kế, một chiếc điện thoại có tới 16 camera sau chắc chắn sẽ làm rất nhiều người rùng mình sợ hãi, đặc biệt là những ai mắc hội chứng sợ lỗ. Khó có thể loại bỏ hoàn toàn vấn đề này, nhưng nếu không làm cho camera lồi lên, mà tất cả nằm chìm dưới thân máy như LG G8 ThinQ, sử dụng một mặt kính đen phủ hoàn toàn mặt sau sẽ giảm đi khá nhiều sự “creepy”.
Các bạn thấy sao về ý tưởng có phần hơi điên rồi này của Sforum. Liệu tương lai có nhà sản xuất smartphone nào áp dụng giải pháp nào vào thực tế?





(0 lượt đánh giá - 5/5)
Bình luận (0)