Trang chủS-GamesGame PCTrải nghiệm
Dở khóc dở cười với những lý do làm game bị “bốc hơi” khỏi Steam
Dở khóc dở cười với những lý do làm game bị “bốc hơi” khỏi Steam

Dở khóc dở cười với những lý do làm game bị “bốc hơi” khỏi Steam

Dở khóc dở cười với những lý do làm game bị “bốc hơi” khỏi Steam

Bookgrinder , Tác giả Sforum - Trang tin công nghệ mới nhất
Bookgrinder
Ngày đăng: 17/09/2021-Cập nhật: 16/12/2021
gg news
Trong lịch sử ngành game, đã có rất nhiều trò chơi biến mất vĩnh viễn. Không ít game trong số đó bị xóa sổ trên Steam vì nhiều lý do khác nhau, không ít lý do lại hết sức khó đỡ.
Trước đây, chúng tôi đã chia sẻ với bạn về những tình huống dở khóc dở cười khi game trên Steam bị bán hết hàng, dù chúng là các trò chơi được phân phối online. Bây giờ, hãy để Sforum nói với bạn về những tựa game đã biến mất hoàn toàn khỏi Steam vì nhiều lý do khác nhau, như chưa từng tồn tại.

Nhà phát hành không trả tiền thuê DRM

DRM – hay Digital Right Management, giải pháp bảo vệ bản quyền kỹ thuật số - là một điều mà game thủ đã quá quen thuộc. DRM khét tiếng nhất ngày nay là Denuvo đến từ Đức, nhưng trước đây chúng ta có một số DRM khác cũng không kém phần hung hãn. Ở đây, chúng tôi muốn nói tới SecuROM, một DRM đã khá cũ và được sử dụng trong nhiều trò chơi khác nhau. Tựa game Tron: Evolution của Disney là một trong số đó.

Sau 9 năm phát hành, Disney quyết định ngừng trả tiền thuê cho SecuROM. Điều này dẫn tới hậu quả là những game thủ đã bỏ tiền ra mua trò chơi không còn chơi tiếp được nữa, trong khi các key mới bán ra cũng không thể được kích hoạt. Vì vậy, Valve gỡ luôn trò chơi này khỏi nền tảng phát hành game của mình. Thật lòng mà nói nếu bạn chưa nghe tới tựa game này thì cũng chẳng mất mát gì đâu, bởi nó dở tệ.

Nhà phát hành “lạm dụng” công cụ Steam

Hồi năm 2019, bất ngờ game thủ thế giới phát hiện ra rằng có khoảng… 1,000 game bốc hơi khỏi Steam chỉ trong một đêm. Đa số các trò chơi biến mất là những tựa game có cực kỳ ít người biết tới, đôi khi không được ai đánh giá hoặc chỉ có vài ba bình luận trên Steam.

Lý do của việc này là do rất nhiều game trong số đó đều được phát hành bởi một công ty Nga với tên gị Dagestan Technology, nhưng dưới vô số tên gọi khác nahu. Valve không nói rõ lý do tại sao họ lại quyết định xóa sổ số game này, nhưng cho biết rằng mình đã “phát hiện một số đối tác lạm dụng các công cụ Steamwork. Chúng tôi đã email cho tất cả các đối tác bị ảnh hưởng.”

Nhà phát hành nhảy sang Epic Games Store

Nghe là bạn sẽ nghĩ ngay tới Metro Exodus, tựa game từng là tâm điểm của báo giới bởi nhà phát hành Deep Silver ký hợp đồng độc quyền có thời hạn với Epic Games Store dù đã cho phép game thủ đặt trước trên Steam nhiều tháng trời. Sau phi vụ này, game thủ không còn có thể mua Metro Exodus trên Steam trong một thời gian dài trước khi hạn độc quyền kết thúc.

Một tựa game tương tự là Satisfactory của Coffee Stain Studios. Nó vốn có trên Steam trong một thời gian, nhưng sau khi nhận được một cục tiền từ Epic thì nhà phát triển đã xóa trang Steam của mình và chuyển sang độc quyền Epic Games Store.

Nhà phát triển dọa… giết Gabe Newell

Đây có lẽ là lý do khó đỡ nhất trong danh sách này. Hồi tháng 10/2014, một thành viên nhóm phát triển game Paranautical Activity xuất hiện trên internet bày tỏ sự bực tức về lỗi kỹ thuật của Steam và đe dọa sẽ giết thánh Gabe. A lê hấp, trò chơi bị xóa khỏi Steam trong nháy mắt. Nhân vật này bày tỏ mình rất hối tiếc, rời khỏi đội ngũ phát triển trước khi quay trở lại sau đó không lâu. Paranautical Activity thì được bán cho một nhà phát hành khác và nhà phát hành này đem nó trở lại Steam.

Hết hạn bản quyền nhạc

Hiện tại thì bạn có thể mua tựa game kinh dị Alan Wake trên Steam (và bản remaster của nó cũng đang được phát triển) nhưng từng có thời điều này là bất khả thi. Lý do là bản quyền các bài hát được sử dụng trong trò chơi hết hạn, buộc nhà phát triển Remedy phải gỡ nó xuống và không bán ở bất kỳ đâu cho đến khi Microsoft ký lại được hợp đồng với các nghệ sĩ.

Trường hợp này không phải là hiếm trong ngành game. Rất nhiều trò chơi khác nhau đã vướng phải vấn đề này như Grid, Dirt 3, F1 2013, Tony Hawk Hawk Pro Skater HD,… và phải ngừng bán do rắc rối bản quyền.

Trò lừa đảo

173 game từ cùng một nhà phát triển bị Valve đá đít khỏi Steam vào tháng 9/2017 bởi chúng không phải game, mà được tạo ra nhằm “cày” các thẻ trên Steam để bán kiếm tiền. “Họ tạo ra hàng ngàn key Steam và giao chúng cho những con bot chạy tài khoản Steam, treo máy để thu thập thẻ,” Valve giải thích. Các thẻ này sau đó được bán với giá rẻ mạt nhưng vẫn đem về cho nhà phát triển một ít tiền.

Một nhà phát triển khác bị tống cổ vì “troll, có lịch sử bắt nạt khách hàng, phát hành các nội dung bản quyền của người khác, và thao túng đánh giá của người chơi,” theo lời đại diện Valve. Tất cả game của nhân vật này cũng bị xóa khỏi Steam bởi Valve không muốn hợp tác làm ăn với những người hành động như vậy với khách hàng của họ.

Có nội dung người lớn

Bây giờ thì game người lớn đầy rẫy trên Steam, nhưng ngày xửa ngày xưa (thật ra chỉ mới 4 năm trước) chúng hoàn toàn bị cấm. House Party, một tựa game với nội dung tiệc tùng, nhậu nhẹt, tán tỉnh được ra mắt trên Steam vào năm 2017 đã bất ngờ bị xóa khỏi Steam dù đang rất hot do một số game thủ gửi lời phàn nàn rằng trò chơi này có nội dung người lớn trong đó.

Vài ngày sau, nhà phát triển bổ sung tính năng tự động censor vào trò chơi giúp nó quay lại với Steam. Dĩ nhiên là họ cũng khôn khéo cung cấp một bản patch khác xóa bỏ tính năng censor này dành cho những game thủ cảm thấy hơi tò mò một tí!

Có bản nâng cấp

Một số trò chơi đủ hot để được làm lại (remake) hoặc nâng cấp hình ảnh (remaster) sẽ biến mất khỏi Steam để nhường chỗ cho người kế nhiệm mình. Có thể kể đến trường hợp của Dark Souls: Prepare to Die bị Dark Souls: Remastered thay thế hồi tháng 5/2019. Các trò chơi bị thay thế dĩ nhiên không bị xóa khỏi tài khoản của bạn, chỉ không còn được bán nữa mà thôi.

The Elder Scrolls V: Skyrim là một trường hợp khá đặc biệt. Phiên bản gốc của game vẫn còn nằm trên Steam, nhưng bạn sẽ không thể tìm thấy nó khi gõ Skyrim vào ô tìm kiếm bởi Bethesda muốn hướng game thủ tới bản mới hơn là Special Edition. Nếu muốn mua phiên bản này, bạn phải biết link đến trang Steam của nó.

Vấn đề kỹ thuật


Batman: Arkham Knight là ví dụ nổi tiếng nhất cho điều này. Phiên bản game trên máy tínhđược phát hành trên Steam vào năm 2015, nhưng nó “nát” tới mức được cập nhật nhiều lần mà vẫn không thể chơi được, buộc nhà phát hành Warner Bros. phải xóa game khỏi Steam.

Game dở tệ

Afro Samurai 2 bị nhà phát triển Versus Evil Steve Escalante gỡ khỏi Steam vào tháng 11/2015 và các nội dung kế tiếp đã được lên kế hoạch cũng bị hủy bỏ. Khi được hỏi về lý do của quyết định này, họ cho biết “trò chơi là một thất bại. Nếu bạn xem các review thì biết lý do không phải tại game nhiều bug mà đơn giản là vì người ta không thích nó.”

Five Nights at Freddy’s World, một tựa game indie của tác giả Scott Cawthon cũng tương tự. Trò chơi bị người tạo ra nó tự tay gỡ khỏi Steam sau khi đọc được những lời chê bai về chất lượng của trò chơi từ phía game thủ. Nhà phát triển này cho biết mình không hài lòng với những đánh giá đó và quyết định trả lại tiền cho tất cả game thủ đã mua nó trên Steam, bất kể họ đã mua bao lâu và chơi bao nhiêu giờ.
danh-gia-bai-viet
(0 lượt đánh giá - 5/5)

Game thủ nghiêm túc, mong muốn chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, và đam mê của tôi với mọi người qua những bài viết và video về trò chơi trực tuyến hot nhất của tôi.

Bình luận (0)

sforum facebook group logo