Đòi lại công bằng cho Diablo Immortal: Game có thật sự dở như lời đồn?


Tính đến thời điểm hiện tại, Diablo Immortal cũng đã chính thức ra mắt được hơn một tuần. Và có vẻ như siêu phẩm cộng tác giữa NetEase và Blizzard đang nhận về không ít lời chê trách từ giới chuyên môn cũng như một bộ phận game thủ. Vậy liệu trò chơi có thật sự tệ đến như vậy hay không? Câu trả lời đang nằm ngay trong bài viết này.
Những trải nghiệm sau đây của mình sẽ là những cảm nhận thực tế từ một người chơi không đòi hỏi quá cao về game. Nếu anh em có ý kiến phản đối hãy cho mình biết ở phần comment nhé! Giờ thì bắt đầu thôi!

Những ý kiến tiêu cực về Diablo Immortal
Hiếm có tựa game mobile nào mà ngay vừa khi ra mắt đã phải chịu làn sóng chỉ trích nặng nề như Diablo Immortal. Trên Metacritic, điểm số của tựa game này đã xuống mức 0.2 – đánh bại “kỷ lục” mà Warcraft 3 Reforged từng lập được không lâu trước đây.
Trên diễn đàn Reddit, khá nhiều fan hâm mộ của dòng Diablo cũng đã lên tiếng chỉ trích gay gắt tựa game, tập trung chủ yếu vào cơ chế pay to win, cách game chặn người chơi tiếp cận cốt truyện khi chưa đủ cấp và hệ thống skill nghèo nàn. Nhìn chung có thể thấy khi được so sánh với các phiên bản tiền nhiệm, Diablo Immortal tỏ ra hụt hơi và kém rất xa.
Liệu Diablo Immortal có thật sự dở đến như vậy?
Câu trả lời là có, nhưng có lẽ nó chỉ dở với những ai đã là fan ruột của các phần Diablo trước đó hoặc với những game thủ theo kiểu try hard, thích thử thách bản thân với các pha phối hợp chiêu thức đòi hỏi sự tính toán để hạ gục những con boss khó nhằn như kiểu Elden Ring. Còn với một người từng trải qua khá nhiều tựa game thuộc thể loại MMORPG trên mobile, mình nghĩ tựa game này thật sự là một bom tấn. Hãy để tác giả giải thích cho bạn về lý do dẫn đến nhận định này thông qua bài viết nhé!

Từ những chi tiết nhỏ
Điểm cộng đầu tiên chính là việc tựa game được chăm chút đến từng chi tiết nhỏ, đơn cử như hệ thống lựa chọn nhân vật. Mỗi class trong game sẽ đều có một đoạn phim nhỏ thể hiện những nét đặc trưng nhất của mình ví dụ như Wizard thể hiện khả năng tích tụ phép thuật, Necromancer thì triệu hồi linh hồn người chết hay Monk toát lên một vẻ đạo mạo của một bậc thầy Kung-fu. Điều này là không lạ trên game PC nhưng là hiếm hoi đối với một tựa game mobile.

Với các trang bị bạn nhặt được trong game, món đồ mà bạn trang bị trong túi đồ sẽ xuất hiện trên thân hình nhân vật khi chiến đấu. Vậy nên ngay cả khi không mua skin thì bạn vẫn có thể liên tục thay đổi ngoại hình của nhân vật.
Một điểm nhỏ khác mà mình cảm thấy thích ở tựa game này đó chính là khả năng skip hội thoại. Với một người không quá chú trọng vào cốt truyện như mình, khi trải nghiệm các tựa game nhập vai vốn có nhiều cảnh nói chuyện, việc phải skip từng câu nói của nhân vật quả thực là một cực hình, nhất là khi mình tạo tài khoản mới để trải nghiệm một class nhân vật khác. Trong Diablo Immortal, mọi thứ đơn giản hơn rất nhiều, chỉ với một click skip nhẹ, bạn sẽ bỏ qua cả một đoạn hội thoại dài lê thê. Đây rõ ràng là một chi tiết nhỏ nhưng thật sự đem lại cho mình sự thoải mái.
Cho đến yếu tố đồ họa
Về đồ họa, game nhìn chung đã làm rất tốt khi thể hiện được bối cảnh về một châu Âu thời kì Trung Cổ đầy loạn lạc và có phần đen tối. Các bản đồ trong game cũng được làm hết sức chi tiết với đủ loại địa hình khác nhau như sa mạc, rừng cây u ám hay các ngôi làng cổ. Từng chi tiết nhỏ như đống đổ nát, hầm ngục, bia mộ, cây cối đều có hiệu ứng đổ bóng tốt, kết hợp với lượng ánh sáng vừa phải giúp tạo nên sự tưởng phản lớn giữa bối cảnh và các nhân vật lẫn NPC trong game.

Nói đến tương phản, các animation trong game cũng thật sự rất ổn, nếu không muốn nói là quá tốt nếu đem so sánh với các tựa game khác cùng thể loại trên mobile. Một ví dụ đơn giản chính là hiệu ứng của các chiêu thức, tuy được làm nổi bật giữa khung cảnh u ám, nhưng các skill của nhân vật sẽ được làm ở mức vừa đủ để bạn không cảm thấy bị chói hoặc rối mắt.
Nếu bạn đã từng trải nghiệm một số tựa game nhập vai kiếm hiệp, trong mỗi pha combat từ hai người trở lên, những gì bạn nhìn thấy sẽ chỉ là một tổ hợp nhiều loại ánh sáng chói chang, rối nùi và hoàn toàn chẳng nhìn thấy điều gì khác. Rất may là hiện tượng này không xảy ra ở Diablo Immortal.
Gameplay có Pay to win nhưng…
Ngay khi nhìn vào những trailer của Diablo Immortal và biết đây là game mobile, mình đã biết trước đây là một trò chơi Pay to win. Bản thân mình hoàn toàn không trách cứ nhà phát triển về điều đó bởi chẳng ai bỏ ra cả một đống tiền chỉ để cho game thủ chơi miễn phí phải không nào? Và cơ bản đây cũng là cách thức hoạt động của mọi tựa game MMORPG hiện nay.
Khá nhiều người game thủ nạp tiền đã chỉ trích việc họ bỏ ra cả đống tiền mà chỉ có thể nhận về những vật phẩm không quá giá trị. Trong số đó nổi tiếng có thể kể đến Quin69, một streamer người New Zealand đã đốt khoảng 4000 USD để kiếm Legendary Gem (ngọc khảm vào trang bị để tăng sức mạnh) nhưng kết quả là anh chàng không hề nhận được một viên Gem 4 sao nào chứ chưa nói đến là Gem 5 sao. Điều này có thể cho thấy độ “hút máu” của Diablo Immortal.
Nhưng với góc nhìn của một đứa chuyên cày chay như mình, đây lại là một điều... hay bởi nó sẽ giúp khoảng cách giữa game thủ cày cuốc và nạp tiền là không quá xa... Thật ra thì vẫn xa nhưng không đến mức như một số tựa game hành động hay chiến thuật theo lượt hiện nay.

Và bản thân mình, sau khi đã cày chay đến cấp 36 cũng chưa cảm thấy khó khăn trong việc đánh boss hay săn quái. Một phần là bởi tỉ lệ rớt đồ trong game khá cao, ngay cả đánh quái thường cũng có. Mình đã có tới 2 món đồ đỏ mà không nạp một đồng vào game, còn lại là đồ vàng. Về ngọc khảm thì mình cũng có đến hai viên Gem huyền thoại và thậm chí chỉ có thể trang bị một viên.
Bên cạnh đó, như đã nói ở trên, boss trong Diablo Immortal không hề khó như kiểu Elden Ring, bạn chỉ cần chú ý một chút để tránh né và tung đòn là được. Có thể một phần là do mình ở cấp bậc còn yếu nên tương đối dễ dàng nhưng ít nhất thì nếu bạn chơi game free cũng cần không lo lắng việc bản thân có thể trở nên quá yếu ớt.
Hơi tiếc là game chỉ có góc nhìn từ trên cao xuống. Vẫn biết đây là góc nhìn truyền thống của dòng game Diablo, nhưng trên một màn hình điện thoại thì điểm này khiến game thủ không thể có cái cảm nhận đầy đủ về sự xuất sắc của đồ họa. Nó cũng vô tình khiến tính năng thay đổi ngoại hình nhân vật mà mình nói ở phía trên trở nên kém ấn tượng đi đôi phần. Giá mà game có góc nhìn thứ 3 thì mọi thứ chắc chắn sẽ tuyệt hơn rất nhiều.
Tạm kết
Như đã nói ở phần đầu bài, Diablo Immortal sẽ không phải là một tựa game thích hợp dành cho dân chơi tryhard, người muốn đua top hay những fan trung thành của các phần game Diablo trước đó. Ngược lại, với những game thủ chỉ đơn giản là yêu thích dòng game hành động nhập vai, khám phá cốt truyện, thưởng thức những màn đánh đấm đầy hiệu ứng và không quá chú trọng đến thứ hạng, sức mạnh thì đây thật sự là một tựa game đáng để bạn trải nghiệm.

Bình luận (0)