Trang chủKhám phá
Face ID sẽ bị "soán ngôi" bởi phương pháp bảo mật cực dị này - Thở để mở khóa
Face ID sẽ bị "soán ngôi" bởi phương pháp bảo mật cực dị này - Thở để mở khóa

Face ID sẽ bị "soán ngôi" bởi phương pháp bảo mật cực dị này - Thở để mở khóa

Face ID sẽ bị "soán ngôi" bởi phương pháp bảo mật cực dị này - Thở để mở khóa

Sforum CTV, Tác giả Sforum - Trang tin công nghệ mới nhất
Sforum CTV
Ngày đăng: 16/10/2022-Cập nhật: 16/10/2022
gg news
Trong 'Thanh gươm diệt quỷ', hơi thở dùng để mở kỹ năng chém quỷ, còn ngoài đời thì để mở khoá điện thoại. Không cần quét mặt hay vân tay, giờ đây chỉ cần thở một hơi để mở smartphone của bạn, hơi bị 'đỉnh' phải không nào?

Công nghệ bảo mật sinh trắc học của smartphone đã đi qua nhiều dạng: Từ mở khoá bằng võng mạc, mống mắt, vân tay điện dung, quang học, siêu âm cho đến mở khoá nhận diện khuôn mặt 2D và 3D. Cho đến hiện tại, Face ID vẫn được nhiều trang tin công nghệ uy tín xem là phương án bảo mật và mở khoá tốt nhất và nhanh nhất, nhưng bảo mật hơi thở có thể 'soán ngôi' Face ID trong tương lai.

Thở để mở khóa smartphone?

Gần đây, trường đại học Kyushu và đại học Tokyo đã cùng nhau phát triển phương pháp bảo mật mới dựa trên hơi thở để có thể mở khoá trên điện thoại. Theo như các tác giả của nghiên cứu, tương tự như mặt, vân tay hay mống mắt, hơi thở của mỗi người đều riêng biệt và không thể nhái lại, một sự lựa chọn phù hợp để làm phương pháp bảo mật.

Câu hỏi được đặt ra trong phương thức bảo mật hơi thở là làm sao để có thể nhận diện được chúng. Trong khi các phương pháp bảo mật cũ đều có điểm chung là 'quét' để nhận diện, từ quét mống mắt, quét vân tay cho tới quét mặt,... nhưng hơi thở thì làm sao mà quét?

Công nghệ Electronic nose

Trước khi đi vào cách hoạt động của công nghệ nhận diện hơi thở, ta cần tìm hiểu đến công nghệ 'electronic nose' hay mũi điện tử. Công nghệ này đóng vai trò như một cảm biến điện tử để tái tạo mùi và vị dựa trên cơ chế phản ứng hoá học trong các cảm biến và chuyển tín hiệu thành dạng digital để máy có thể chính thức biết được đây là mùi hay vị gì.

Trở về với công nghệ nhận biết hơi thở trên smartphone, dựa trên những thành tựu đã đạt được từ 'mũi điện tử', giờ đây để nhận biết được hơi thở của riêng từng người, cảm biến sẽ dựa trên thành phần có trong hơi thở bao gồm tỷ lệ các thành phần hoá học đặc biệt có trong hơi thở mỗi người từ đó có thể nhận diện được hơi nào là của ai, bất chấp việc cả hai người ăn cùng một món và cùng thở ra một hơi thở thì công nghệ này vẫn sẽ nhận ra được.

Theo như công bố từ hai đại học Nhật Bản, có đến ít nhất 28 hợp chất trong một hơi thở. Để có thể phân tích chính xác, các nhà sáng chế đã sử dụng cảm biến nhận diện mùi với 16 kênh, mỗi kênh của cảm biến có thể nhận biết cùng lúc nhiều loại mùi. Sau khi đã thu thập được dữ liệu mùi từ người dùng, thông tin này sẽ được tổng hợp và sử dụng máy học (Machine Learning) để phân tích từng thành phần chi tiết trong những hợp chất mùi đó để hoàn thành việc phân tích hơi thở.

Công nghệ Face ID và vân tay đang rất phổ biến

Theo như công bố của từ các nhà nghiên cứu, tỷ lệ chính xác của công nghệ nhận diện qua hơi thở này lên đến 97.8%. Về mặt số liệu, công nghệ này hiện đang lép vế hơn về độ chính xác so với nhận diện khuôn mặt 3D (cao nhất với 99.97%) và tiếp đến là nhận diện vân tay (98.6%). Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu của công nghệ nhận diện hơi thở, trong tương lai độ chính xác hoàn toàn có thể được cải thiện.

Liệu phương pháp này có thực sự phổ biến trên smartphone? Hay là 'bom xịt'?

Công nghệ này hiện tại vẫn còn đang ở giai đoạn 'trứng nước'. Thành thật mà nói thì tương lai của nhận diện hơi thở sẽ khá mơ hồ bởi vì sự đầu tư vào phát triển, nâng cấp công nghệ bảo mật hiện tại vẫn còn lớn và vấn đề trong khâu 'nhét' linh kiện vào điện thoại.

Hiện tại, các mẫu cảm biến, bộ phận nhận diện mùi hương vẫn còn khá 'sơ khai' và kích thước chưa được tối ưu. Phần lớn do công nghệ này vẫn chưa được để mắt nhiều dẫn đến không có sự nhảy vọt trong phát triển công nghệ. Để nhét vào một chiếc smartphone, bộ phận bảo mật này cần được phải giảm kích thước xuống mức nhỏ nhất, bằng cỡ các cảm biến vân tay hoặc khuôn mặt hiện tại là tối ưu nhất.


Tiếp đến, công nghệ này phải phù hợp với cách người dùng sử dụng smartphone thông thường, tức nghĩa là có thể mở khoá ở khoảng cách cầm điện thoại tự nhiên thay vì 'dí' sát mũi miệng vào điện thoại để thở.

Có cần phải

Gác lại vấn đề tương thích trên điện thoại, công nghệ này còn phải 'cạnh tranh' với những công nghệ bảo mật khác về mức độ phát triển. Hiện tại, công nghệ vân tay trên smartphone đã 'chín', còn công nghệ nhận diện khuôn mặt thì đang ngày càng được cải tiến về mặt thu gọn kích thước lẫn nâng cao độ chính xác. Cảm biến nhận diện mùi cần phải bắt kịp sự tiến bộ của những công nghệ 'đối thủ' này trong khi đó nó vẫn đang nằm ở giai đoạn khởi đầu, vốn cần nhiều vốn và thời gian đầu tư để có thể khai thác.

Không chỉ dừng lại ở trên smartphone Vậy nếu không được áp dụng trên smartphone, liệu công nghệ này có 'chết'? Có lẽ còn tuỳ, có một lĩnh vực khác cũng phù hợp để áp dụng nhận diện hơi thở, đó là smart home và các thiết bị IoT. Cửa mở vân tay ư? Không, giờ là cửa mở bằng hơi thở, làm mật mã cho các thiết bị thông minh trong nhà bằng hơi thở, cũng tiện lợi phết.

Áp dụng vào smarthome khá hợp lý

Không có công nghệ bảo mật nào hoàn hảo cả, bảo mật cao như nhận diện khuôn mặt thì sẽ gặp khó trong việc nhét linh kiện và chiếm đi diện tích mặt trước, vân tay thì sẽ có những vấn đề cố hữu về độ nhận diện và độ chính xác của cảm biến, còn hơi thở thì có nguy cơ bị 'ám mùi' lên thiết bị điện tử? Ai biết được.

Công nghệ bảo mật mới này về căn bản đảm bảo cho chúng ta về vấn đề bảo mật cũng như sự tiện lợi trong mở khoá. Tuy nhiên, những thông tin hiện tại chúng ta biết chỉ là những thứ sơ khai theo như công bố từ nghiên cứu của hai trường đại học. Có những thứ quan ngại chúng ta cần được giải đáp nhiều hơn như liệu những anh chồng có bị vợ 'lén' mở khoá điện thoại trong khi ngủ hay không, liệu máy có mở khoá những lúc không mong muốn?

Có lẽ ta cần nhiều thời gian hơn để thực sự thấy được bảo mật hơi thở hoạt động ngoài thực tế.

danh-gia-bai-viet
(0 lượt đánh giá - 5/5)

Trang tin công nghệ Sforum.vn được thành lập từ năm 2012, đến nay đã hơn 10 năm tuổi. Chúng tôi vẫn không luôn ngừng đổi mới và thử nghiệm các chuyên mục, nội dung mới để phục vụ bạn đọc. Hi vọng các thông tin công nghệ, game hay mẹo vặt từ Sforum sẽ giúp ích được cho bạn đọc trong đời sống cũng như có những phút giây giải trí lành mạnh.

Bình luận (0)

sforum facebook group logo