Trang chủĐánh giá
Flagship nào chụp xóa phông tốt nhất: iPhone XS, Galaxy S10+, LG G8, Pixel 3, Huawei P30 Pro, OnePlus 6T
Flagship nào chụp xóa phông tốt nhất: iPhone XS, Galaxy S10+, LG G8, Pixel 3, Huawei P30 Pro, OnePlus 6T

Flagship nào chụp xóa phông tốt nhất: iPhone XS, Galaxy S10+, LG G8, Pixel 3, Huawei P30 Pro, OnePlus 6T

Flagship nào chụp xóa phông tốt nhất: iPhone XS, Galaxy S10+, LG G8, Pixel 3, Huawei P30 Pro, OnePlus 6T

An Đông Nghệ
02:57 ngày 24/04/2019
gg news
Chụp ảnh xóa phông là một trong những tính năng trên camera được người dùng yêu thích hàng đầu và vẫn giữ được độ hot cho đến hiện tại. iPhone XS, Galaxy S10+, LG G8, Pixel 3, Huawei P30 Pro, OnePlus 6T, hãy cùng kiểm tra xem trong 6 chiếc smartphone này, đâu là smartphone có thể làm điều này tốt nhất nhé.

Nhắc lại về chế độ portrait (chụp ảnh xóa phông)

Kể từ khi Apple giới thiệu chế độ chụp chân dung trên chiếc iPhone 7 Plus vào cuối năm 2016, các hãng khác đã bắt đầu “sao chép” tính năng này. Đến hiện tại, sau gần hai năm rưỡi sau ra mắt, chụp ảnh xóa phông đã được trang bị trên hầu hết tất cả các dòng điện thoại thông minh, đặc biệt là trong phân khúc tầm trung và cao cấp.

Về cơ bản, chế độ chân dung là một tính năng trên camera cho phép tạo ra hiệu ứng nhòe nền giống như máy ảnh DSLR, từ đó làm chủ thể trở nên nổi bật hơn. Các dòng smartphone hiện nay thường đi kèm với ống kính góc rộng và có cảm biến máy ảnh nhỏ, về bản chất sẽ không thể làm mờ hậu cảnh. Do đó, các nhà sản xuất đã sử dụng phần mềm để giúp làm mờ “nhân tạo”.

Thách thức lớn nhất mà những chiếc smartphone gặp phải là làm thế nào để phân tách chính xác các chi tiết trên ảnh cần được lấy nét và các phần cần được làm mờ. Bên cạnh đó, chất lượng hình ảnh, khả năng tái tạo màu sắc và độ chi tiết cũng như dải tương phản động cũng là những vấn đề mà các nhà sản xuất cần tối ưu cho smartphone để mang lại chất lượng chụp ảnh tốt nhất.

Trong bài viết này, hãy cùng đánh giá xem chiếc smartphone nào hiện nay có khả năng chụp ảnh xóa phông bá đạo nhất dựa trên bài kiểm tra và trải nghiệm của PhoneArena với 6 chiếc flagship hàng đầu hiện nay, bao gồm: iPhone XS, Galaxy S10+, LG G8, Pixel 3 Huawei P30 Pro và OnePlus 6T.

Thử thách 1: Chế độ chân dung trong điều kiện lí tưởng

Trong thử nghiệm đầu tiên này, bài toán được đặt ra cho các “chiến binh” của chúng ta rất đơn giản, tất cả sẽ thực hiện chụp ảnh xóa phông trong điều kiện: ánh sáng dịu, không có bóng râm, khoảng cách giữa máy ảnh tới chủ thể hợp lí và phần nền phía sau cách xa đối tượng cần lấy nét. Không có gì quá ngạc nhiên khi tất cả đều có màn thể hiện xuất sắc trong thử thách này.

Khả năng chụp ảnh chân dung của camera phụ thuộc rất nhiều vào tính chất vật lý của ống kính. Đối với máy ảnh DSLR, các nhiếp ảnh gia thường sử dụng ống kính tele để chụp chân dung với tiêu cự cố định là 85mm hoặc dài hơn. Trong khi đó, nếu sử dụng ống kính góc rộng, một số chi tiết trên khuôn mặt sẽ trông không cân xứng, chẳng hạn như mũi to bất thường hoặc đầu lớn hơn.

Do đó, một chiếc smartphone được trang bị ống kính tele sẽ là lựa chọn hoàn hảo để chụp ảnh chân dung đẹp hơn. Tuy nhiên, trong số tất cả các dòng flagship kể trên, chỉ có iPhone XS sử dụng ống kính tele (52mm) để chụp chân dung và tất cả các điện thoại khác đều dựa vào ống kính góc rộng.

Chính vì vậy, mặt dù các bức ảnh đều được tái tạo màu sắc và dải tương phản động khá tốt nhưng iPhone XS mới là thiết bị cho ra bức ảnh hoàn hảo nhất, các chi tiết có tỉ lệ cân đối, màu sắc rực rỡ. Google Pixel 3 là chiếc điện thoại xuất sắc thứ hai khi có thể sử dụng phần mềm để thực hiện tốt thử thách.

Ngoài các vấn đề được đề cập phía trên, một yếu tố quan trọng khác để ảnh ở chế độ chân dung trông tự nhiên hơn chính là việc có sự tách biệt mượt mà giữa chủ thể và hậu cảnh. Tất cả các điện thoại làm điều này thông qua phần mềm, giúp tạo độ sắc nét trên khuôn mặt và làm mờ phông nền.

Mặc dù giữ ưu thế về khả năng tái tạo hình ảnh của chủ thể nhưng iPhone XS lại thực hiện công việc tách đối tượng khỏi nền tệ nhất. Phần viền phân cách giữa chủ thể và phần nền phía sau không được tự nhiên và còn hơi cứng. Trong khi đó, những chiếc điện thoại còn lại làm khá tốt nhiệm vụ này.

Thử thách 2: Chụp ảnh chân dung trong chiều hoàng hôn

Trong bộ ảnh tiếp theo này, bạn có thể sẽ nhận ra sự khác biệt về cách mà iPhone sử dụng ống kính tele để chụp ảnh xóa phông so với và các điện thoại còn lại sử dụng máy ảnh thông thường. Ảnh được chụp từ iPhone XS có chủ thể lớn và độ chi tiết cao hơn, màu sắc cũng được tái tạo khá ổn.

Google Pixel 3 nhìn chung thực hiện tương đối tốt bài toán này khi cho ra hình ảnh sắc nét, màu sắc dễ chịu và khả năng tách nền chính xác, Huawei P30 Pro cũng không hề thua kém. Về phía OnePlus 6T, chiếc smartphone này cho ra một bức ảnh khá đẹp nhưng màu sắc hơi nhạt.

Trong khi đó, LG đã đánh mất cơ hội để chiến thắng khi không thể tập trung chính xác vào khuôn mặt của chủ thể, mặc dù đã thử một vài lần. Đó cũng là chiếc điện thoại duy nhất yêu cầu người chụp phải đến thật gần chủ thể để có thể chụp ảnh xóa phông, tạo cảm giác khó chịu và không thuận tiện. Galaxy S10+ chưa thực sự gây được dấu ấn ở thử thách này.

Thử thách 3: Chụp cận cảnh

Trong tình huống cận cảnh, iPhone XS là thiết bị duy nhất sử dụng ống kính tele và cho phép người dùng có khoảng cách thoải mái hơn so với chủ thể, đồng thời tỉ lệ các chi tiết trên khuôn mặt cũng cân đối nhất. Tuy nhiên, nhược điểm là màu sắc được đẩy lên quá lố, da hơi vàng và phần rừng phía sau có tông màu xanh khá đậm.

Google Pixel cũng cho ra bức ảnh có tỉ lệ cân đối và màu sắc chân thực hơn nhiều so với iPhone XS. Trong khi đó, mặc dù các thiết bị khác làm rất tốt trong việc xóa phông nhưng khuôn mặt của chủ thể, đặc biệt là chiếc mũi trông có vẻ không cân xứng. Galaxy S10+ tạo ra bức ảnh hơi bệch và thiếu chi tiết trong khi OnePlus 6T là thiết bị có màn thể hiện tệ nhất, ảnh khá mờ mà màu sắc nhợt nhạt.

Thử thách 4: Chụp đêm với đèn đường

Bài toán tiếp theo được giao cho những người chơi của chúng ta là chụp vào ban đêm trên đường phố. Đây là một thách thức cực lớn đối với một máy ảnh điện thoại thông minh có cảm biến nhỏ. Không quá ngạc nhiên khi không có thiết bị nào làm tốt ở đây. iPhone XS lộ rõ điểm yếu trong điều kiện ánh sáng yếu với màu sắc hơi ám vàng và thiếu chi tiết.

Trong khi đó, Google Pixel 3 đã làm tốt hơn rất nhiều với khả năng cân bằng trắng và độ sắc nét cao, tuy nhiên phần đèn ở hậu cảnh trông không tự nhiên. Chiếc P30 Pro của Huawei có màn thể hiện có thể chấp nhận được với chủ thể nổi bật. LG là thiết bị tệ nhất ở đây khi hình ảnh bị bóp méo, màu sắc hơi ám vàng và yêu cầu người chụp phải đứng gần đối tượng.

Thử thách 5: Chụp trong điều kiện không có ánh sáng

Chụp ảnh trong điều kiện không có ánh sáng là một thử thách khó nhằn đối với cả máy ảnh DSLR chứ đừng nói tới smartphone, tuy nhiên các tác giả từ PhoneArena đã quyết định thử thực hiện thử thách này để kiểm tra xem liệu có kì tích xảy ra.

iPhone XS sử dụng camera thứ cấp là ống kính tele có khẩu độ f/2.4, trong khi những mẫu smartphone còn lại sử dụng ống kính góc rộng có khẩu độ rộng hơn f/1.8. Khẩu độ nhỏ khiến camera trên chiếc iPhone này không thể thu được nhiều ánh sáng, và kết quả là một bức ảnh gần như không thể thấy được gì.

Trong điều kiện tối đen này, không có chiếc điện thoại nào thực hiện tốt công việc của mình. Bức ảnh duy nhất có đủ ánh sáng và màu sắc, tạm chấp nhận được đến từ chiếc Google Pixel 3 trong khi hầu hết các thiết bị còn lại cho ra hình ảnh không “thảm họa” như trên iPhone XS nhưng nhưng chắc chắn là không tuyệt vời.

Tạm kết

iPhone XS là một trong những chiếc flagship hiếm hoi hiện nay sử dụng ống kính tele 2x để chụp ảnh chân dung và điều này mang lại lợi thế rất lớn: hình ảnh được chụp có tỉ lệ cân đối và không bị bóp méo. Đồng thời, việc cho phép người dùng xem trước hình ảnh và khả năng tùy chỉnh mức độ mờ sau khi chụp ảnh cũng là những điểm cộng cho thiết bị này. Tuy nhiên, khả năng phân tách đối tượng và chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng là hai yếu điểm mà Apple cần phải cải thiện.

Thiết bị có khả năng chụp ảnh xóa phông tốt thứ 2 theo đánh giá của PhoneArena là chiếc Google Pixel 3. Chiếc smartphone này vượt trội trong việc chụp ảnh chân dung ở mọi điều kiện ánh sáng khác nhau với màu sắc rực rỡ và chi tiết rất sắc nét. Tuy nhiên tiếc là Pixel 3 không có chế độ xem trước và điều chỉnh độ mờ như iPhone.

Huawei P30 Pro cũng là một lựa chọn khá tốt để chụp ảnh chân dung với khả năng chụp được những bức ảnh đẹp, nhiều chi tiết trong các điều kiện khác nhau. Trong khi đó, Samsung Galaxy S10+ mang lại cảm giác thất vọng khi chỉ có thể chụp ảnh bằng máy ảnh thông thường và ống kính của nó có góc nhìn quá rộng để chụp chân dung, đồng thời khả năng tái tạo màu sắc cũng không thực sự ấn tượng.

OnePlus 6T “trung thành” với những bức ảnh có màu sắc khá ảm đạm và nhợt nhạt. Và cuối cùng, LG G8 là thiết bị được đánh giá thấp nhất. Chiếc điện thoại này đòi hỏi người chụp phải đứng gần chủ thể, đồng thời khả năng xóa phông cũng như tái tạo màu sắc cũng không có gì nổi bật.


Hiện tại, để giúp quý khách hàng nắm được thông tin về những khuyến mãi khủng, CellphoneS chính thức thành lập group Facebook với tên gọi “CellphoneS Group”, tại đây các thông tin khuyến mãi sẽ luôn được ban quản trị cập nhật liên tục. Ngoài ra, group cũng sẽ là nơi để tất cả mọi người có thể trao đổi về các vấn đề liên quan đến công nghệ và đời sống. Hãy cùng tham gia group theo đường link:https://www.facebook.com/groups/cellphonesgroups/
avatar An Đông Nghệ
QTV
An Đông NghệBài đã đăng: 515