Trang chủTrải nghiệmS-GamesGame PC
Bạn đã biết về những tựa game của quân đội Mỹ này hay chưa?
Bạn đã biết về những tựa game của quân đội Mỹ này hay chưa?

Bạn đã biết về những tựa game của quân đội Mỹ này hay chưa?

Bạn đã biết về những tựa game của quân đội Mỹ này hay chưa?

Bookgrinder , Tác giả Sforum - Trang tin công nghệ mới nhất
Bookgrinder
Ngày đăng: 28/01/2022-Cập nhật: 28/01/2022
gg news
Quân đội Mỹ đang chơi game gì? Câu hỏi này nghe hơi buồn cười vì chẳng mấy ai cho rằng quân đội và game lại có liên quan đến nhau. Nhưng sự thật là hoàn toàn trái ngược: quân đội Mỹ không chỉ có game, mà còn có nhiều game! Sau đây, Sforum sẽ giới thiệu đến bạn ba tựa game đáng chú ý nhất của họ.

America’s Army


Đây không phải là một game, mà là cả một series game bắn súng góc nhìn người thứ nhất (FPS) được phát triển và phát hành bởi quân đội Mỹ. Cho đến nay, đã có 5 phiên bản chính được tung ra là 1, 2, 3, Proving Ground và 5, cộng thêm một vài phụ bản cho các hệ máy console, arcade và mobile. Đây cũng là tựa game duy nhất trong danh sách này mà người thường cũng có thể chơi một cách tự do.

Chúng được tạo ra như một cầu nối giữa quân đội Mỹ với người bình thường, cho phép người Mỹ khám phá cách mà quân đội hoạt động theo nhịp độ của riêng mình, và xem liệu đi lính có phải là “nghề nghiệp” phù hợp với bản thân hay không. Nó là lần đầu tiên trong lịch sử chính phủ và quân đội Mỹ sử dụng game làm phương tiện để tuyển mộ binh sĩ cho mình.


Để đáp ứng được nhu cầu này, game được xây dựng tập trung vào tính chân thực, tương tự những tựa game FPS siêu khó mà có thể bạn sẽ không bao giờ chơikhác như Arma 3, Hell Let Loose, Squad. Mọi thứ từ cách sử dụng vũ khí đến sự khốc liệt của chiến trường đều được mô phỏng lại khá chân thực.“Trong tựa game này, bạn có thể chết 8 lần trong 15 phút,” một game thủ America’s Army cho biết.

Ngoài những pha đọ súng trên các chiến trường ảo được xây dựng dựa trên các điểm nóng trên thế giới, các tựa game America’s Army còn được bổ sung nhiều tính năng bên lề. Bạn có thể tìm thấy những bài huấn luyện làm quân y như cầm máu, nhận diện và chữa trị sang chấn, sơ cứu, cấp cứu; được lái các phương tiện cơ giới như xe HMMWV; tập nhảy dù; dùng các hệ thống vũ khí tiên tiến mà quân Mỹ sử dụng;...

Những bài tập này thực sự có tác dụng, khi một số game thủ dùng những gì mình học được trong game để cứu mạng người khác ngoài đời thực. Trường hợp nổi tiếng nhất xảy ra vào năm 2008 khi một game thủ có tên Paxton Galvanek dùng kỹ năng game của mình để giải cứu hai nạn nhân khỏi một chiếc xe SUV bị lật, sau đó sơ cứu các vết bầm, trầy xước, chấn thương đầu và hai ngón tay bị đứt rời. Game thủ này hoàn toàn không trải qua một trường lớp y tế nào, mà chỉ là một người chơi class Medic trong America’s Army.

Full Spectrum Warrior

Vào đầu thế kỷ 21, những người đứng đầu quân đội Mỹ nhận ra rằng thế hệ millenial lớn lên cùng với game, và đây sẽ là một công cụ huấn luyện tuyệt vời. Vì thế, họ hợp tác cùng nhà phát hành THQ để làm ra một game bắn súng có tên Full Spectrum Warrior. Cuối cùng, có hai phiên bản game được làm ra – một là Full Spectrum Warrior được phát hành rộng rãi vào năm 2004 để kiếm lời, và một phiên bản để làm công cụ huấn luyện cho binh sĩ. Tuy nhiên người chơi bình thường cũng có thể chơi thử phiên bản huấn luyện bằng cách nhập dòng mật mã “HA2P1PY9TUR5TLE” vào game.

Không giống như America’s Army, Full Spectrum Warrior tập trung vào khía cạnh hợp tác đồng đội trên chiến trường. Game thủ có thể ra mệnh lệnh cho các binh sĩ dưới quyền mình cũng như gọi hỏa lực hỗ trợ trong các tình huống chiến đấu. Về sau, một phiên bản nâng cấp gọi là Full Spectrum Command ra đời cho phép game thủ vào vai các chỉ huy đại đội Mỹ. Phiên bản thương mại của game đủ thành công để THQ tiếp tục phát triển phần kế tiếp có tên Ten Hammers.

Tuy nhiên phiên bản huấn luyện của game lại không được như mong muốn. Theo nhiều nguồn tin thì nó không đủ chân thực nên không được sử dụng trong huấn luyện, và chính phủ Mỹ đã lãng phí tiền của vào dự án này. Dòng game này đã 'chết' kể từ khi phiên bản Ten Hammers được phát hành vào năm 2006.

Game không chiến của không quân Mỹ


Theo một tài liệu vừa được tiết lộ, không quân Mỹ đã thuê đội ngũ phát triển engine Unity (được sử dụng trong vô số game khác nhau) làm một trò chơi mô phỏng không chiến cho mình. Cơ quan đứng ra làm điều này là “Kill Chain Intergration Branch” của không quân Mỹ, một bộ phận có nhiệm vụ cải thiện hiệu suất của các bước từ khi thu thập dữ liệu về mục tiêu cho đến khi thực sự tấn công mục tiêu đó. Tên của tựa game mô phỏng không chiến này không được tiết lộ, nhưng Unity nói rằng trò chơi của mình chỉ nhằm mục tiêu huấn luyện, và không hề nhằm cải thiện quá trình tiêu diệt mục tiêu của quân đội Mỹ. “Khi hợp tác cùng với bất kỳ tổ chức hay công ty nào, chúng tôi yêu cầu bản thân mình không được dính líu trực tiếp đến sinh mạng, hủy hoại hành tinh hay quyền con người,” ông Cavallin, một nhân vật cấp cao của Unity cho biết. Tài liệu của không quân Mỹ có vẻ xác nhận điều này khi nó nói rằng tựa game của Unity “cung cấp môi trường 3D và nền tảng cho trí tuệ nhân tạo nhằm mục tiêu kích hoạt các khả năng mới thông qua mô phỏng không chiến”. Và có thể không phải chỉ một mà tới hai tựa game như vậy đã được Unity làm ra bởi có hai hợp đồng khác nhau được không quân Mỹ ký kết, với giá trị tổng cộng khoảng 650,000 USD. Dù đây là số tiền lớn với chúng ta, nó lại rẻ đến bất ngờ khi so sánh với chi phí phát triển những tựa game thương mại mà chúng ta được chơi hiện tại.

Soldier-Squad Virtual Trainer

Đây là một game của quân đội Mỹ đang được phát triển bởi Raytheon – một trong những nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới – nhằm cung cấp môi trường huấn luyện thực tế ảo cho quân đội. Trò chơi này đem lại cho binh lính cơ hội luyện tập một cách chân thực hơn trong thế giới ảo, đặc biệt là những tình huống mà quân đội không thể tạo ra khi huấn luyện trong đời thực do quá đắt đỏ hoặc quá nguy hiểm.

https://www.youtube.com/watch?v=E6SfnRhEiTQ

“Trước đây bạn cần những thiết bị mô phỏng to lớn, nặng nề, hàng dãy máy tính và một không gian rộng lớn,” Harry Buhl của Raytheon cho biết. “Bây giờ thì nó chỉ là một thứ gì đó bạn mang trên người, như kính VR kết nối không dây với laptop và việc xử lý có thể được làm trên mây. Bạn có thể huấn luyện ở bất kỳ đâu trên thế giới.”

Trò chơi của Raytheon được phát triển sử dụng các thiết bị và công nghệ dân sự, từ engine đến card đồ họa và kính VR. Dù Soldier-Squad Virtual Trainer còn đang trong quá trình phát triển, Raytheon cũng đã hoàn thiện một số “tựa game” khác cho quân đội Mỹ. Hiện tại, Không quân và Thủy quân lục chiến Mỹ đang sử dụng các game mô phỏng của Raytheon để tập điều khiển máy bay V-22 Osprey, loại máy bay nổi tiếng là khó lái và nguy hiểm do thiết kế động cơ của nó.

Tạm kết


Ngoài những trò chơi đáng chú ý bên trên, quân đội Mỹ còn có kha khá game khác nữa. Có thể kể đến Virtual Battlespace 2, Tactical Iraqi, Virtual Reality Combat Training, Multi-purpose Arcade Combat Simulator,...Nói chung, những tựa game của quân đội Mỹ hiếm khi hấp dẫn với một game thủ bình thường. Chúng bị cắt giảm nhiều về hình ảnh và âm thanh, trong khi nhấn mạnh khả năng thao tác của người chơi nhằm làm cho binh sĩ quen với thao tác sử dụng vũ khí, trang bị trong thế giới ảo trước khi chạm tay vào đồ thật. Chỉ có America's Army và Full Spectrum Warrior quan tâm đến cảm nhận và trải nghiệm của game thủ, nhưng chúng cũng thiên hẳn về tính chân thực nên bạn sẽ không thể nào làm Rambo như khi chơi Call of Duty hay Battlefield, mà cần phải di chuyển và chiến đấu một cách thận trọng, kỹ càng.
danh-gia-bai-viet
(0 lượt đánh giá - 5/5)

Game thủ nghiêm túc, mong muốn chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, và đam mê của tôi với mọi người qua những bài viết và video về trò chơi trực tuyến hot nhất của tôi.

Bình luận (0)

sforum facebook group logo