Huawei: Những thành tích "đáng nể" và tương lai còn bỏ ngỏ sau lệnh cấm của Mỹ

Vào ngày 15/5/2019, chính phủ Hoa Kỳ đã bổ sung Huawei vào danh sách công ty bị cấm mua sản phẩm của Mỹ vì lí do an ninh quốc gia. Huawei đã phải gánh chịu những hệ lụy gì?
Huawei và những con số ấn tượng mặc cho lệnh cấm của Mỹ
Trước những bất lợi liên tiếp dồn dập cho Huawei, nhiều người cho rằng công ty này sẽ sớm sụp đổ. Tuy nhiên, như một “người bất tử”, sau 6 tháng kể từ lệnh cấm, công ty này vẫn hoạt động rất tốt mà không hề có dấu hiệu sẽ sớm đến ngày tàn.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, Huawei đã tạo ra doanh thu là 610,8 tỷ nhân dân tệ (~ 87.3 tỷ USD), tăng 24.4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù kém hơn so tốc độ tăng trưởng 39% hàng năm mà Huawei tự hào đạt được trong Q1/2019, đây vẫn là một sự tăng trưởng ấn tượng cho một công ty đang nằm trong tình thế phải chiến đấu cho sự sống của mình.
Với những gì đang thể hiện, Huawei đang băng băng trên con đường đạt được cột mốc 100 tỷ đô la doanh thu vào cuối năm nay, con số này vượt cả những gì người sáng lập Huawei, Ren Zhengfei dự đoán công ty sẽ thực hiện vào năm 2019. Nói cách khác, công ty đang đánh bại chính tham vọng của chính mình.

Các trạm cơ sở 4G và 5G của họ vẫn đang bán rất chạy, bất chấp các lời kêu gọi từ Mỹ nhằm “xúi giục” các đồng minh tẩy chay sản phẩm của Huawei. Huawei kiếm khoảng một nửa doanh thu từ bộ phận người tiêu dùng, chủ yếu là điện thoại thông minh. Công ty đã xuất xưởng 185 triệu chiếc trong năm nay. Các công ty nghiên cứu thị trường như Canalys và Counterpoint đều ước tính lô hàng được xuất xưởng của Huawei trong quý 3/2019 là 66.8 triệu chiếc.
Với mức tăng trưởng 29% so với cùng kỳ, Huawei không những giữ vững vị trí mà còn đe dọa trực tiếp tới kẻ ngồi trên, Samsung. Rõ ràng, nếu không nằm trong danh sách đen và dính lệnh cấm của Mỹ, Huawei đã có thể dễ dàng đánh bại Samsung để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.

Chính quê nhà đã cứu Huawei khỏi “cõi chết”
Có thể nói sự thành công và phát triển của Huawei ngày hôm nay chủ yếu đến từ sự giúp sức của chính thị trường quê nhà. Các khách hàng Trung Quốc đã giúp công ty đạt mức tăng doanh số khổng lồ, lên đến 66% so với năm ngoái, từ đó chiếm 42% thị trường Trung Quốc trong quý 3/2019, mức cao kỷ lục.
Trong khi đó, Apple giảm 2%, mức yếu nhất trong 5 năm qua, còn Samsung gần như biến mất khỏi thị trường với thị phần dưới 1%. Bên cạnh đó, Huawei cũng đã giành được sự tin dùng từ các thị trường khác với 25 triệu chiếc smartphone được bán ra trong quý 3. Ở các quốc gia mà ứng dụng Google là thứ bắt buộc phải có, Huawei đang đẩy mạnh các mẫu cũ của mình.

Đồng thời, công ty cũng đã phát hành một vài mẫu smartphone mới với ứng dụng Google “lậu”. Ngoài ra, Huawei cũng đang sử dụng các danh mục sản phẩm khác để giữ vững sức nặng thương hiệu của mình trên thị trường, chẳng hạn như chiếc tai nghe true wireless FreeBuds 3 hay smartwatch Huawei GT Watch 2 cũng đang tạo nên cơn sốt tại thị trường Việt Nam.
Khả năng tự lực đáng nể của Hoa Vỹ
Để bán tất cả các sản phẩm này, trước tiên Huawei cần sản xuất chúng. Khoản đầu tư vào mảng kinh doanh bán dẫn đã chứng minh rằng Huawei đã có một bước đi cực kỳ đúng đắn. Công ty không cần phụ thuộc vào Qualcomm, một công ty của nước mà mình đang bị cấm vận để sản xuất vi xử lí cho các thiết bị của mình.
Hơn nữa, Huawei sẽ tiếp tục hợp tác với ARM và có thể sử dụng kiến trúc ARM v9 thế hệ tiếp theo để trình làng các mẫu chip di động cho các thiết bị vào năm 2020 và hơn thế nữa. Theo Canalys, công ty cũng có một kho dự trữ các linh kiện không tự sản xuất trong khoảng một năm trước khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen.

Có thể thấy, sau 180 ngày kể từ lệnh cấm của Hoa Kỳ, rõ ràng Huawei có khả năng phục hồi tốt hơn so với nhiều người đang suy nghĩ. Nhờ công nghệ độc quyền mạnh mẽ, chiến lược thâm nhập sâu vào thị trường toàn cầu và củng cố vị thế ở Trung Quốc, Huawei đã có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong điều kiện có thể giết chết bất kỳ công ty nào khác.
Tương lai của Huawei vẫn còn là một dấu chấm hỏi
Mặc cho những nỗ lực sinh tồn đáng nể mà Huawei đang thể hiện, vẫn chưa thể kết luận được gì về tương lai của Huawei trong thời gian tới sẽ đi về đâu. Liệu những linh kiện, thành phần và Huawei đang dự trữ sẽ có thể tồn tại được bao lâu, Mỹ có tiếp tục gia hạn lệnh cấm vận của mình nữa không. Đây là những thử thách khiến chúng ta phải hoài nghi về khả năng phát triển của công ty này.
Vào ngày 19/11 tới, thời hạn 90 ngày của Huawei để thực hiện một số hoạt động kinh doanh với các công ty Mỹ sẽ hết hạn. Chính phủ Hoa Kỳ từng ra cảnh báo rằng không có sự gia hạn miễn trừ này một lần nào nữa, đồng nghĩa với việc Huawei không thể đưa ra các bản cập nhật hệ thống cho các sản phẩm Android hiện có, một cú đánh quá hiểm vào mảng kinh doanh di động của công ty.

Cùng ngày, FCC cũng sẽ bỏ phiếu về việc có cho Huawei thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh nào với các nhà mạng Mỹ hay không, cũng như yêu cầu loại bỏ trên các thiết bị đã được cài đặt. Đây là một động thái cực gắt của Hoa Kỳ trong việc chống lại tham vọng 5G của Huawei nói riêng và Trung Quốc nói chung.
Ánh sáng cuối đường hầm dành cho Huawei
Một tia hy vọng le lói cho Huawei khi chính quyền Trump đề nghị họ có thể hoãn lệnh cấm cho Huawei bằng cách cấp giấy phép xuất khẩu cho các công ty muốn bán sản phẩm cho Huawei. Vào ngày 4/11, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross cho biết, giấy phép sẽ được ra mắt trong thời gian ngắn, chính phủ Mỹ đã nhận được 260 đơn xin cấp phép, trong đó có Google.
Điều này có nghĩa là trong thời gian tới, các dòng smartphone của Huawei có thể sẽ được sử dụng trở lại dịch vụ của Google, tuy nhiên chính phủ Hoa Kỳ sẽ quyết định liệu các ứng dụng của Android và Google có nhạy cảm với bảo mật hay không.


Bình luận (0)