Kế hoạch nâng giá smartphone - Nước cờ quyết định thương hiệu Xiaomi trong tương lai

Xiaomi - Khi hai chữ “giá rẻ” đã ăn sâu vào thương hiệu
Phải nói rằng Xiaomi chính là kẻ khơi nguồn cho trào lưu phá giá trên smartphone, hãng đã khiến nhiều ông lớn phải ngán ngẩm khi liên tục tung ra những thiết bị có cấu hình cao nhưng có giá rẻ hơn nhiều so với các nhà sản xuất khác. Nói vậy không có nghĩa là smartphone Xiaomi chỉ có phân khúc giá rẻ, mà là Xiaomi bán giá rẻ hơn tất cả mọi phân khúc.

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2013 khi Xiaomi ra mắt chiếc Xiaomi Mi 3 được trang bị vi xử lí hàng đầu thời điểm đó là Snapdragon 800, màn hình độ phân giải Full HD, camera 13MP với mức giá chỉ khoảng 300 USD. Tiếp theo đó, Xiaomi tung ra những chiêu bài “hiểm hóc” hơn với với mức giá chỉ khoảng 100 - 150 USD như các dòng Redmi, Redmi Note, Mi Pad... Kể từ đó, smartphone Android gần như thay da đổi thịt, công ty này đã định nghĩa lại từng phân khúc.
Từ khi Xiaomi tập trung phát triển các dòng smartphone giá rẻ - tầm trung như Redmi, Redmi Note, các nhà sản xuất khác đã phải bắt đầu thay đổi chiến lược với các sản phẩm của mình. Xiaomi là thương hiệu đầu tiên mang chip lõi tứ và màn hình HD lên những chiếc điện thoại thuộc phân khúc siêu rẻ. Và kể từ đó, những chiếc Galaxy hay Xperia giá rẻ đã được nâng cấp đáng kể về vi xử lí và màn hình, mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn.

CEO Xiaomi đã tuyên bố rằng hãng chỉ thu lợi nhuận 5% trên mỗi chiếc smartphone. Mức giá rẻ của Xiaomi được người dùng rất ưa chuộng, bằng chứng là sự thành công của thương hiệu này trong suốt nhiều năm qua, đặc biệt là tại Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong năm ngoái, Xiaomi đã vượt mặt Samsung và trở thành nhà sản xuất smartphone hàng đầu tại Ấn Độ. Redmi Note 4x hay Redmi Note 5 là những sản phẩm giá rẻ nổi bật nhất của Xiaomi khi được mệnh danh là “smartphone quốc dân” trong năm 2017 và 2018. Trong thời gian tới, Redmi Note 7 rất có thể sẽ kế nhiệm “ngôi vị” này từ những người đàn anh.

Không chỉ phân khúc giá rẻ, Xiaomi còn “đánh phủ đầu” các hãng smartphone lớn như Samsung hay Sony, Apple trong phân khúc cao cấp. Dòng Mi của công ty này được trang bị cấu hình cao cấp với những con chip hàng đầu, nhiều tính năng hiện đại nhưng giá bán luôn ở mức dưới 500USD.
Không những thế, vào mùa hè năm ngoái, Xiaomi đã ra mắt thương hiệu con Pocophone, những sản phẩm có cấu hình cao cấp nhưng được bán với mức giá tầm trung. Chiếc smartphone này đã chính thức định nghĩa lại khái niệm smartphone cao cấp và gây bão trên thị trường. Trước sự kiện ra mắt Pocophone, Xiaomi còn tuyên bố: 'Không có công nghệ nào khiến Xiaomi phải bán giá smartphone đến nghìn đô'. Phải nói rằng cuộc chiến cấu hình đã chết dưới tay Xiaomi.

Nâng giá bán, liệu có phải quyết định sai lầm của Xiaomi?
Sau khi chính thức được niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm ngoái, Xiaomi cần phải tăng tỉ suất lợi nhuận trên các sản phẩm của mình nhằm mang về lợi nhuận cho những nhà đầu tư, do đó việc tăng giá bán smartphone là điều gần như không thể tránh khỏi.
Từ đầu năm nay, Xiaomi đã quyết định tách dòng Redmi thành một thương hiệu con độc lập với đường đi riêng của mình. Thương hiệu này được tách ra nhằm phục vụ cho ý đồ tăng trưởng mới của Xiaomi. Trong khi Redmi tập trung vào các smartphone có hiệu năng cao với giá tốt thì Xiaomi sẽ có thể tập trung vào dòng Mi ở phân khúc trung cho đến cao cấp. Theo các thông tin mới đây, chủ tịch Lei Jun tiết lộ rằng điện thoại Xiaomi trong tương lai sẽ có giá đắt hơn.

Mục đích của động thái này là nhằm “định vị” lại thương hiệu Xiaomi từ một nhà sản xuất smartphone “giá rẻ” trở thành thương hiệu di động cao cấp hơn, từ đó nâng tầm thương hiệu của mình ngang hàng với các nhà sản xuất khác trên thị trường. Có lẽ Xiaomi đã có ý định này từ năm ngoái, công ty đã chuẩn bị kỹ lưỡng khi ra mắt hai thương hiệu con, phục vụ cho phân khúc tầm trung và giá rẻ.
Hướng đi này của Xiaomi là hoàn toàn cần thiết khi mà phân khúc giá rẻ đã không còn dễ dàng với Xiaomi. Samsung đầu năm nay đã ra mắt dòng Galaxy M và Galaxy A nhằm đối đầu trực tiếp với Xiaomi trong phân khúc trung cấp. Bên cạnh đó, sức ép từ Realme hay Honor sẽ buộc Xiaomi vào tình thế phải thay đổi nếu muốn tồn tại được lâu, chiến lược giá rẻ sẽ không còn là bước đi phù hợp cho Xiaomi trong tương lai.

Bên cạnh đó, xu hướng nâng tầm thương hiệu cũng là cách mà các nhà sản xuất khác đang theo đuổi. Vivo mới đây đã trình làng thương hiệu con iQOO, thương hiệu smartphone cao cấp, đi kèm với những tính năng và công nghệ hiện đại, tách biệt với những dòng smartphone tầm trung, giá rẻ trước đó của Vivo.
Tuy nhiên, liệu kế hoạch này của Xiaomi có dễ dàng được người dùng đón nhận. Sở dĩ Xiaomi bán smartphone với giá rẻ vì những phản hồi tích cực về doanh số bán của họ. Do đó, một khi Xiaomi thay đổi giá bán, chắc chắn người dùng sẽ không thể chấp nhận được ngay, và nhiều nguy cơ sẽ đẩy Xiaomi xuống bờ vực sụp đổ.
Kịch bản này có lẽ sẽ xảy ra tương tự cách mà ASUS đã gặp phải những năm về trước. ASUS được biết đến là một thương hiệu mạnh ở phân khúc smartphone phổ thông. Tuy nhiên, việc tung ra thị trường những chiếc smartphone có giá cao với tham vọng đánh chiếm vào phân khúc cao cấp, qua đó tái định vị thương hiệu đã khiến ASUS gần như biến mất khỏi bản đồ smartphone.

Quay lại với trường hợp của Xiaomi, nếu nhà sản xuất này định vị thương hiệu chính ở phân khúc cao cấp, vô hình chung sẽ làm cho nhiều người hiểu rằng smartphone Xiaomi từ nay trở đi sẽ có giá bán cao, và người dùng sẽ phải đặt ra một câu hỏi rằng nếu giá cao hơn thì tại sao họ lại phải lựa chọn Xiaomi trong khi lựa chọn những Samsung, Huawei vẫn sẽ 'an tâm' hơn về độ phủ thương hiệu.
Tuy nhiên, nếu Xiaomi chọn cách tương tự của Vivo, ra mắt một thương hiệu phụ định hình giá bán cao cấp và giữ lại hình tượng 'giá rẻ' cho Xiaomi, có lẽ sẽ hợp lý hơn.
Tạm kết
Hướng đi và kế hoạch nâng tầm thương hiệu bằng cách tập trung vào phân khúc cao cấp, nâng giá bán smartphone của Xiaomi là một điều cần thiết cho hãng ở thời điểm này. Tuy nhiên, Xiaomi cần cân nhắc kĩ trước khi thực hiện, sở dĩ sự thành công của công ty ở hiện tại là nhờ vào hai chữ “giá rẻ”, do đó nếu định vị lại thương hiệu, Xiaomi có thể sẽ đánh mất tất cả.


Bình luận (0)