"Kẻ phản diện" trong thế giới công nghệ - EU liệu có quá đáng khi bắt smartphone phải trang bị pin rời?


Trước đó, những dự luật liên quan đến thế giới công nghệ như bắt buộc sử dụng cổng USB-C cho các thiết bị cầm tay hay mở rộng chợ ứng dụng cho phép các bên thứ ba triển khai vốn không mang lại nhiều tính tranh cãi bởi có lẽ mỗi Apple bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng từ dạo đấy, đã có nhiều luồng ý kiến rằng EU đã và đang can thiệp quá sâu vào thế giới công nghệ và có khả năng cao vô tình giết chết sự mới mẻ của smartphone thông qua những điều luật cứng nhắc. Nỗi sợ ấy đang dần trở thành hiện thực nếu những điều luật về pin rời được ban hành.
Chi tiết hơn, thoả thuận giữa các nhà lập pháp từ Liên minh Châu Âu đã đề xuất rằng các thiết bị điện tử mang tính di động, cầm tay đều phải sử dụng các viên pin có thể được tự thay thế bởi người dùng mà không cần phải mang qua bất cứ bên nào sửa chữa thay pin. Dự luật áp dụng cho tất cả các dòng pin trên thiết bị cầm tay và nếu được thông qua sẽ cần ba năm rưỡi để các nhà sản xuất bắt đầu áp dụng. Hay nói cách khác, ba năm rưỡi để huỷ diệt sự sáng tạo trong giới smartphone nói chung và giới công nghệ nói riêng.
Pin rời - Nỗi ác mộng của những chiếc điện thoại
Có thể việc trang bị những viên pin thay thế được trên những món đồ công nghệ khác sẽ là một sự tiện lợi, nhưng đối với điện thoại thì không, đặc biệt là những chiếc smartphone. Một chiếc smartphone có pin rời là một chiếc smartphone không hề smart. Để nói về cái lợi của việc có thể tự thay pin của người dùng, có lẽ chỉ có một tác dụng duy nhất: dễ thay khi chai pin. Nếu quay qua về phía tác hại, có thể ai cũng nhận ra được, đó là sự xuống cấp về ngoại hình smartphone, sự đe doạ đến độ bền của điện thoại và hàng rào lớn ngăn chặn những bước sáng tạo trên smartphone hiện đại, cụ thể là màn hình gập.
Ngay cả các hãng điện thoại (trừ các hãng điện thoại bàn phím) từ lâu nay đã từ bỏ pin rời và chuyển sang pin liền trên smartphone, người dùng cũng không kêu ca gì thì EU lại muốn trang bị tính năng 'cổ xưa' này lên điện thoại, một sự tiến hoá lùi không nên có! Nếu như bạn đã từng sử dụng các smartphone có pin rời, có lẽ bạn sẽ hiểu được những khó chịu mà mình đã đề cập ở trên, những tác động nhỏ từ pin tháo rời lại gây những khó chịu lớn trong việc sử dụng điện thoại.
Dễ thấy nhất về hạn chế của pin rời là nằm ở sự xuống cấp về ngoại hình, tạm biệt sự liền lạc trên smartphone vì giờ đây chúng cần một chiếc khay to tướng để nhét pin như chiếc LG G5 hoặc chào đón những chiếc mặt lưng có thể mở ra dễ dàng để có thể thay pin. Ngoài việc xấu và kém liền lạc, chúng còn kém bền do có nhiều khe hở trên smartphone, vốn ảnh hưởng đến khả năng chống nước, chống bụi và lâu dài sử dụng các phần khớp sẽ dễ đóng bụi bẩn, cặn vốn gây khó chịu đến thẩm mỹ và trải nghiệm cầm nắm. Để 'đau khổ' hơn, hãy tưởng tượng chiếc smartwatch với những khe lấy pin to đùng, quá là kém sang.
Chưa hết, việc trang bị khả năng thay pin trên một chiếc điện thoại không khác gì một bước gián tiếp làm giảm thời lượng pin nói chung của tất cả các dòng máy. Để dễ hiểu, các hãng hiện nay xem các khoảng trống trong linh kiện là 'tất đất tất vàng', họ cố gắng làm ra những bộ phận pin có thể tận dụng được không gian trong máy nhất có thể, có thể kể đến như iPhone dòng Pro với pin chữ L để tối ưu khoảng trống nhỏ từ bo mạch. Nếu dùng pin rời, việc làm các khay đựng pin, chốt gắn tháo sẽ ép buộc các hãng phải làm nhỏ pin lại để có thể chứa được, hoặc làm smartphone dày lên, cái nào cũng 'chê'.
Tuy nhiên đó chưa phải là nặng nề nhất, việc bắt buộc smartphone phải tháo pin được sẽ phần nào làm rào cản một số smartphone công nghệ mới, như máy Galaxy Z Fold 4 của nhà Samsung vốn dĩ được chia pin thành hai phần để tối ưu dung lượng, tuy nhiên giờ đây hai phần đó EU lại muốn được tháo rời. Vậy một là máy có hai khe tháo pin? Hai là máy có một viên pin rời có thời lượng sử dụng thấp hơn đáng kể, Samsung mà biết Samsung buồn đó!
Ngoài ra, nói thêm về yếu tố con người lẫn thị trường. Không phải lúc nào mua pin về tự thay cũng là một ý kiến hay. Mặc dù EU đã đưa ra biện pháp trao đổi pin thông qua mã QR, việc mua nhầm, mua sai pin và các pin kém chất lượng dù ít nhưng chắc chắn sẽ gặp. Người dùng nếu không bảo đảm về nguồn pin có thể sẽ gặp nguy hiểm nếu tự thay pin cho smartphone, hoặc nặng hơn là những chiếc máy tính bảng, iPad,...
Liên minh Châu Âu có đang quá đáng?
Liên minh Châu Âu luôn đặt yếu tố bền vững về môi trường lên hàng đầu như một mục tiêu chung của khối, ngoài ra còn muốn đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trên sản phẩm. Vì thế, ở EU thường có những quy chuẩn và quy định về sản phẩm nghiêm ngặt hơn thị trường Việt Nam chúng ta, dễ thấy nhất là ở Châu Âu rất khó kiếm hàng 'xách tay' hay thậm chí hàng fake kiếm lòi mắt cũng không ra, hoặc các sản phẩm bằng nhựa dùng một lần đã bị hạn chế, thậm chí cấm ở một số nước.
Việc kiểm soát và nâng cao trách nhiệm môi trường của Liên minh này rất đáng hoan nghênh và dần hỗ trợ cho môi trường theo từng ngày. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực công nghệ, có lẽ EU sẽ cần nhiều sự xem xét kỹ lưỡng hơn để tránh ảnh hưởng đến sự tiến bộ của công nghệ và dần biến các luật lệ thành một sợi dây ràng buộc, ngăn chặn sự phát triển chung của các thiết bị cầm tay nói chung và smartphone nói riêng.
Sẽ ra sao nếu như Châu Âu ban hành lệnh bắt buộc các thiết bị cổng Micro USB vào những năm 2010 khi chúng đang rất phổ biến ở trên những chiếc điện thoại, pin sạc, thiết bị cầm tay và thậm chí trên tay cầm PS4? Nếu vậy, chắc chắn sự tồn tại và phổ biến của USB-C ở thời điểm hiện tại chắc chắn là con số không tròn trĩnh, vì EU bắt buộc phải trang bị cổng Micro USB, hãng nào dám làm cổng khác để không bán được máy?
Chúng ta đều không biết rõ sau chuẩn USB-C, liệu 10 hay 20 năm sau còn chuẩn kết nối nào khác phổ biến hơn và tiện lợi hơn nữa không? Chắc có lẽ là không vì EU đã gián tiếp ngăn chặn sự tìm tòi và nghiên cứu để mở rộng thêm chuẩn kết nối nữa, vì ai cũng muốn bán máy ở Châu Âu. Hay có thể ví von rằng cổng sạc và giao thức kết nối thiết bị cầm tay, đặc biệt trên smartphone đã 'bão hoà' với USB-C. Chờ ngày kết nối không dây đủ tốt để thay thế.
Giờ đây, việc đề xuất smartphone hay thiết bị công nghệ cầm tay có thể tháo pin còn là một bước 'bảo vệ' tiêu cực hơn nữa khi những quy định này nếu được ban hành chắc chắn sẽ làm thay đổi kích thước và hình dáng chung của điện thoại. Tước đi vẻ đẹp và sự liền lạc khi sử dụng smartphone nguyên khối để đổi lấy một chiếc smartphone có thể tự thay pin được.
Việc tự thay pin bởi người dùng có thể là một nước đi để bảo vệ quyền lợi của người dùng khi có thể tự thay thế pin trên máy mà không bị phụ thuộc bởi nhà sản xuất, tránh 'làm tiền'. Tuy nhiên, pin smartphone mất 2-3 năm mới đủ xuống cấp để thay, không phải dạng thay thường xuyên để bắt buộc thiết kế theo dạng dễ tháo lắp. Ngoài ra người dùng khi tiếp xúc với pin điện thoại ẩn chứa rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an nguy của họ, nhất là khi vô tình làm biến dạng pin để rò rỉ các chất hoá học bên trong. Trong trái lại họ có thể đem ra tiệm hoặc hãng để đưa những người chuyên môn thay pin hộ, vừa an toàn cho người vừa đảm bảo cho máy.
Nếu dựa trên góc nhìn vì người sử dụng và bảo vệ môi trường của EU. Việc tự thay pin vừa có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ vừa có cơ hội làm tăng rác thải ra môi trường nếu viên pin đã thay được xử lý không đúng cách. Vậy liệu có quá mâu thuẫn? và có lẽ Châu Âu phải ban hành những quy định bổ sung để những trường hợp không mong muốn trên không xảy ra? Có lẽ là có, và mọi thứ lại thêm rối rắm hơn.
Có lẽ nếu điều luật buộc smartphone tháo được pin rời thành hiện thực ở Châu Âu. Có lẽ đó là lúc các hãng sản xuất smartphone nên cân nhắc làm riêng máy cho thị trường EU và phần còn lại để đảm bảo tương lai cho những chiếc smartphone nguyên khối. Máy cho EU thay được pin nhưng thiết kế không liền lạc, máy cho thị trường khác pin nguyên khối. Tương tự như iPhone 14 series ở Mỹ không có khay SIM, hay iPhone ở Hong Kong có 2 khay SIM vật lý.
Tạm kết
Smartphone có thể thay được pin vật lý dù thiết kế có ra sao đi nữa thì cảm giác liền lạc trên smartphone chắc chắn vẫn sẽ bị ảnh hưởng và kéo theo những vấn đề về trải nghiệm sử dụng khác. Đứng trên góc nhìn của một người đam mê công nghệ và đã sử dụng smartphone có thể thay pin lẫn pin liền, có lẽ sẽ tốt hơn nếu như EU vẫn để yên cho các nhà sản xuất làm pin cho máy như hãng muốn vì không chắc nước đi này có bảo vệ môi trường và đảm bảo quyền lợi người trong EU hay không.
- Xem thêm các bài viết chuyên mụcThị trường

Bình luận (0)