King's Bounty II: Một đống thứ phiền phức phá nát cả huyền thoại


- Elden Ring là Dark Souls 4, nhưng cũng là một tựa game hoàn toàn mới
- Pearl Abyss công bố tựa “GTA cho trẻ em” DokeV
Nhưng trái với sự kì vọng đó, King's Bounty II chỉ là một đống hổ lốn phiền phức, với các lỗi lặt vặt và nhiều thứ nhảm nhí, rõ ràng nhà sản xuất 1C Entertainment đã phá nát trải nghiệm của game thủ.
King's Bounty II không giống phiên bản gốc
Những ai yêu thích phiên bản King's Bounty truyền thống hẳn sẽ thất vọng với King's Bounty II, vì nó đã thay đổi góc nhìn từ trên xuống thành góc nhìn thứ 3 giống các game nhập vai thế giới mở. Về cơ bản thì game vẫn có 3 class chính như cũ, các unit được mua liên tục trong quá trình khám phá thế giới, nhưng trong bài viết này tôi sẽ không đề cập tới gameplay, mà là những thứ quái đản đã khiến King's Bounty II thành một game không thể chơi được.
Đầu tiên là việc nhân vật di chuyển vô cùng buồn cười, hay nói chính xác là nó chậm một cách thảm thương, khi đi bộ bạn đúng nghĩa là “lết” trên đường chứ không phải chạy. Tiếp theo đó là cơ chế vật lý khi cưỡi ngựa cực kỳ ngớ ngẩn, khi tốc độ còn chẳng khá hơn đi bộ là mấy, việc quay đầu vô cùng khó khăn và con ngựa này không thể nhảy ra các chướng ngại vật được, bất kể khi nó chỉ là một thanh gỗ nhỏ chắn đường. Điều này khiến việc di chuyển trong King's Bounty II rất ức chế, đi bộ thì chậm mà đi ngựa thì mệt mỏi.
Một điều nữa mà tôi ghét ở King's Bounty II, đó là cách mà nó để cho quái vật cản đường. Ai chơi các bản King's Bounty cũ đều biết một mánh là “dụ” bọn quái mạnh ra khỏi chỗ đứng, sau đó đi một vòng tránh và nhặt món đồ phía sau mà bọn chúng đang canh giữ, đây là một trick phổ thông và được dùng rất nhiều trong game. Vì một lý do nào đó mà 1C Entertainmentd đột nhiên không thích điều này lắm, do đó họ đã để quái vật chắn đường 100%, người chơi muốn đi qua chỉ có duy nhất một cách là đánh bại chúng.
Điều này triệt tiêu đi tính sáng tạo và những trick nhỏ quen thuộc của King's Bounty, khiến game trở nên khá là đơn điệu và dễ đoán, đúng kiểu là đi từ điểm A tới điểm B đánh quái nhận nhiệm vụ xong về. Sự hào hứng mua khi mua được Paladin hay Red Dragon siêu mạnh ngay đầu game đã không còn nữa, nó khiến những fan gạo cội của series này thực sự rất thất vọng.
Một bản port của console nhiều hơn là PC
Thiết kế giao diện, cửa sổ thông tin và các phím tắt là một trải nghiệm kinh hoàng trong King's Bounty II, nó thực sự đã phá nát cái game này, ở đây tôi không nói game bị lỗi hay crash bất chợt, nó vẫn chạy khá tốt nhưng 1C Entertainmentd đã không thể tối ưu nó ra hồn hoặc họ quá lười để làm vậy.
Nói đơn giản thì giao diện của King's Bounty II không được thiết kế cho game PC, mà hình như ban đầu được phục vụ cho game thủ console. Các nút bấm, phím tắt, thông tin unit hay đồ vật cực kỳ rối rắm và phiền phức. Lấy ví dụ như khi bạn muốn mua một unit mới chẳng hạn, sau khi chúng ta chuẩn bị tiền đầy đủ và chuẩn bị nhấn nút mua (mặc định Space), nhưng đổi ý và muốn xem lại chỉ số máu hay tấn công, thì game sẽ tự động khóa vào cửa sổ mới khiến chúng ta không nhấn “mua” được nữa.
Để có thể mua lại, người chơi buộc lòng phải thoát khỏi cửa sổ đó hoặc nhấn một lần nữa vào unit định mua, nó cực kỳ phiền hà và vô cùng nhảm nhí. Nếu ai chơi game console nhiều thì chắc chắn nhận ra đây là kiểu thiết kế cho tay cầm, vì tay cầm nhỏ hơn và ít nút hơn do đó việc tương tác kiểu “thoát ra, chọn” sẽ rất nhanh, nhưng cái quái gì vậy 1C Entertainmentd – tôi đang chơi trên PC mà?
Tiếp theo, số lượng thông tin của unit không rõ ràng hay nói chính xác là bị giấu mất. Những game thủ gạo cội của dòng game Heroes hay King's Bounty cũ hẳn đều phải thường xuyên di chuột lên unit kẻ địch, để xem chỉ số và các kỹ năng đặc biệt của nó, từ đó quyết định các nước đi tiếp theo. Điều này cực kỳ quan trọng về giữa và cuối game, khi phép thì nhiều và quái vật cấp cao có kỹ năng gọi là hàng đống.
King's Bounty II đã làm một điều vô cùng “thông minh”, đó là giấu hết mớ thông tin này, hay nói chính xác hơn là bạn vẫn có thể xem được chúng nhưng phải nhấn vào unit đó và mở ra một cửa sổ mới. Tại sao không cho người chơi xem đơn giản như bản cũ, tại sao không hiển thị hết mớ thông tin quan trọng đó trực tiếp trong trận đánh, 1C Entertainmentd có biết việc cứ phải nhấp chuột ra nhấp chuột vào như vậy khó chịu đến thế nào không… đó là vô số câu hỏi mà tôi đặt ra, nhưng rất tiếc là không có câu trả lời.
Và còn hằng hà so số những thứ lặt vặt khác mà tôi chưa thể nói hết, thí dụ bạn không thể tăng tốc độ của unit trong trận đánh, cơ chế tự tìm đường siêu thảm họa, đồ họa của game chẳng có gì đặc biệt nhưng cấu hình thì cao ngất ngưởng, chơi ở chế độ 4K thì FPS tụt lên tụt xuống, câu thoại tệ hại và chán ngắt…. về cơ bản thì King's Bounty II khá giống một bản early access hơn là game hoàn chỉnh.
Kết luận về tựa game King's Bounty II
Kể cả với những game thủ chưa từng chơi qua King's Bounty với từng đó thứ vớ vẩn kể trên cũng đủ khiến bọn họ bực mình, chứ chưa nói tới các fan gạo cội – những người nhìn vào King's Bounty II mà thất vọng tràn trề. Gần 7 năm trời phát triển có lẽ vẫn là chưa đủ, thậm chí còn tệ hại hơn khi 1C Entertainmentd đang tự đào hố chôn mình với tựa game pc online này.

Bình luận (0)