LED RGB là gì, hoạt động như thế nào và được dùng ở đâu?


Ngày nay, bạn có thể tìm thấy các đèn LED RGB ở khắp nơi, từ chỗ 'truyền thống' như bàn phím máy tính đến những vị trí mới lạ như mặt lưng của các smartphone chơi game hay màn hình cao cấp. Đã bao giờ bạn tự hỏi LED RGB là gì, hoạt động như thế nào và còn ứng dụng nào khác ngoài trang trí hay không?

LED RGB là gì?
LED RGB có nghĩa là các đèn LED màu đỏ (Red – R), xanh lục (Green – G) và xanh lam (Blue – B). Các sản phẩm đèn LED RGB kết hợp ba màu này để tạo ra hơn 16 triệu sắc độ ánh sáng khác nhau, nhưng thường được gọi một cách đơn giản là 16 triệu màu. Chúng ta dùng các đèn LED này để trang trí khắp nơi, từ bàn phím, chuột máy tính đến bên trong thùng máy, và dĩ nhiên là cả màn hình nữa.
Dù 16 triệu màu là một con số khá lớn, nhưng thật ra đây không phải là tất cả các màu sắc mà con người biết được. Bạn có thể tham khảo biểu đồ dưới đây để biết được khả năng tạo màu của LED RGB thật ra còn khá giới hạn: tam giác nhỏ nhất trong cùng là các màu có thể tạo ra bởi LED RGB, và hình lớn nhất bao bên ngoài là dải màu mà mắt người có thể nhìn thấy được.

Một số loại đèn LED RGB cao cấp sẽ được bổ sung thêm đèn để có khả năng tạo ra nhiều màu hơn nữa. Lấy ví dụ trong biểu đồ trên, hình đa giác lớn hơn bao quanh tam giác RGB là số màu có thể được tạo ra khi sử dụng các đèn LED được bổ sung màu sắc như màu hổ phách, xanh lá, xanh cyan. Ngoài ra, các sắc nâu hoặc hồng rất khó hoặc không thể đạt được bằng LED RGB.
LED RGB hoạt động như thế nào?
Mỗi bóng đèn LED RGB thật ra là sự kết hợp của ba đèn nhỏ, mỗi đèn chỉ phát ra một trong ba màu đỏ, xanh lá, xanh dương. Do chúng cực nhỏ, đôi mắt chúng ta không thể nhìn thấy được ánh sáng riêng lẻ của từng đèn, mà thấy kết quả hỗn hợp của ba màu này. Đây cũng là lý do mà LED RGB đắt tiền hơn nhiều so với các đèn LED đơn sắc.

Màu sắc mà đèn LED RGB phát ra được quyết định bằng cách tăng giảm độ sáng của các đèn này. Ví dụ để tạo ra ánh sáng hoàn toàn là xanh lam, bạn sẽ đặt đèn LED xanh dương ở cường độ cao nhất và đèn LED xanh lục và đỏ ở cường độ thấp nhất. Nếu muốn có ánh sáng trắng, bạn sẽ đặt cả ba đèn LED ở cường độ cao nhất. Việc tạo ra các màu sắc khác ngoài ba màu cơ bản này khó hơn đôi chút, khi cần tinh chỉnh độ sáng các đèn ở nhiều mức khác nhau.
LED RGB được dùng ở đâu?
Sau khi biết LED RGB là gì và chúng hoạt động như thế nào, hẳn bạn có thể dễ dàng tìm thấy các đèn một LED RGB quanh mình. Như Sforum đã nhắc đến bên trên, các đèn LED RGB được tìm thấy nhiều nhất trên các linh kiện máy tính. Các bàn phím chơi game đắt tiền thường được trang bị một đèn LED RGB dưới mỗi phím bấm, và có thể là trên khung viền hay ở mặt dưới bàn phím. Chuột chơi game hay các headset dành cho game thủ cũng được trang bị các LED RGB tương tự. Trong thùng máy, bạn có thể tìm thấy quạt, RAM được trang bị LED RGB và dĩ nhiên là có thể mua các dây đèn rời rồi lắp vào bất kỳ vị trí nào mình thích để trang trí.

Nhưng ứng dụng mới nhất của LED RGB trong việc trang trí máy tính có lẽ là trên màn hình. Đây là món linh kiện mà người dùng máy tính nhìn thấy nhiều nhất, nên việc LED RGB xuất hiện trễ nhất trên màn hình là một điều hơi khó hiểu. Nhưng không sao, vì các nhà sản xuất màn hình đã nhận ra sai lầm của mình và bắt đầu nhét LED RGB vào các sản phẩm thuộc dòng gaming cao cấp, phân khúc mà game thủ không chỉ quan tâm đến chất lượng mà còn chú trọng cả vẻ ngoài.
Một số màn hình chơi game thậm chí còn biến LED RGB thành một tính năng chứ không chỉ trang trí. Các đèn này có thể được lập trình để thay đổi màu sắc theo những gì xảy ra trên màn hình, ví dụ một vụ nổ lớn sẽ khiến LED đổi sang màu đỏ rực lửa, hay các khung cảnh ma quái khiến đèn giảm độ sáng và chớp nháy. Nếu không muốn chi đậm cho một màn hình mới, bạn cũng có thể mua các chuỗi đèn LED rời đem lại tính năng này cho màn hình của mình (bao gồm cả màn hình TV lẫn máy tính).

Với cách ứng dụng này, người dùng không chỉ có được trải nghiệm chân thực hơn nữa khi hình ảnh trên màn hình phần nào 'tràn ra' căn phòng của bạn, mà nó còn giúp giảm độ tương phản giữa bên ngoài và bên trong màn hình, giúp đôi mắt đỡ mỏi hơn.
Lời kết
Như vậy, hẳn bạn đã biết được LED RGB là gì, nó hoạt động ra sao và ứng dụng như thế nào. Hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết chia sẻ kiến thức khác của Sforum!


Bình luận (0)