“Cuộc chạy đua” trong giới công nghệ của 2 gã khổng lồ Samsung và LG được xem là cuộc đua không hồi kết và là vấn đề được quan tâm hơn bao giờ hết.Luôn là những cái tên quen thuộc đầy tiếng tăm của giới chaebol Hàn Quốc (tập đoàn gia đình trị), LG và Samsung có bề dày lịch sử đáng ngưỡng mộ. Thế nhưng giữa hai đế chế khổng lồ này lại tồn tại một “mối thù truyền kiếp” cùng những lần “rượt đuổi” kéo dài hơn nửa thế kỷ đầy căng thẳng trên thương trường
'Ngôi sao' nào tỏa sáng hơn trên bầu trời Đại Hàn Dân quốc?
“Sự cạnh tranh” giữa hai tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc này từng được nhận định tựa như một “cuộc chiến giữa các vì sao”. Không phải vì sự ảnh hưởng to lớn của nó mà phần nhiều xuất phát từ “biểu tượng” trong chính cái tên của mỗi hãng.Cụ thể, chúng ta thường nghe Samsung được gắn liền với cái tên khác là “tam sao” của Hàn Quốc bởi lẽ đó chính là ý nghĩa được dịch ra từ tiếng Hàn (Sam là ba và Sung là sao sáng). Đồng thời, dành cho những ai chưa biết thì cái tên LG cũng có một ý nghĩa tương đương khi nó là từ viết tắt của Lucky-Goldstar (Ngôi sao may mắn). Không phải tình cờ nhưng cả hai đều mang hình ảnh “ngôi sao” trong chính tên của mình, cả LG và Samsung được kỳ vọng sẽ trở thành những biểu tượng thành công tỏa sáng trên bầu trời của Đại Hàn Dân Quốc cũng như trên toàn thế giới.
Và thực tế đã chứng minh, cả hai cái tên trên đều chính là ngôi sao sáng, góp công lớn trong “kỳ tích sông Hàn” lịch sử và chính là trụ cột cho một nền kinh tế quốc dân. Thậm chí có thể khẳng định nếu không có sự xuất hiện của hai ông lớn này sẽ không có cuộc lột xác để trở thành một cường quốc thịnh vượng như Hàn Quốc ngày nay.Đều vĩ đại là vậy thế nên mỗi khi đặt hai “ngôi sao” này lên bàn cân để chọn ra cái tên nhỉnh hơn thì lại xuất hiện rất nhiều sự tranh luận khác nhau. Sau khi tập đoàn Huyndai được phân chia làm nhiều nhóm kinh doanh nhỏ với những lĩnh vực hoàn toàn khác biệt thì cuộc chiến giành “ngôi vương” về mảng điện tử tiêu dùng chỉ còn lại cái tên LG và Samsung. Những tưởng cuộc chiến này chỉ đơn thuần như một sự cạnh tranh lành mạnh không thể tránh trên thương trường nhưng câu chuyện phía sau còn liên quan đến cả gia tộc và các mối quan hệ riêng tư giữa các thế hệ của hai tập đoàn khổng lồ này.
Từ “bằng hữu” hóa “kẻ thù”
Nhìn vào mối quan hệ “không đội trời chung” giữa LG và Samsung ngày nay không ai có thể nghĩ rằng cả hai gia tộc họ Lee (tập đoàn Samsung) và họ Koo (tập đoàn LG) đã từng có những mối quan hệ gắn bó đầy tình nghĩa thậm chí còn họ từng là sui gia với nhau. Sự thân thiết đã được tạo dựng từ thế hệ đầu tiên của cả hai tập đoàn, bởi những người đặt những nền móng đầu tiên cho sự phát triển khổng lồ của LG và Samsung sau này. Và cũng thật bất ngờ khi không lâu sau đó, cũng chính từ hai vị “tộc trưởng” này đã đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ tình nghĩa đầy ngắn ngủi.Để có thể hiểu rõ hơn, hãy cùng quay lại những ngày đầu lập nghiệp khi Samsung chỉ là một cửa hàng bán đồ ăn khô (1938) còn LG lại là một công ty mỹ phẩm chuyên sản xuất kem “Lucky”(1947). Khi đó, cả hai nhà sáng lập là Lee Byung-chul (Samsung) và Koo In-hwoi (LG) còn khá thân thiết với nhau bởi vì giữa họ tình cờ tồn tại khá nhiều điểm chung: đều lập nghiệp trong thời kỳ Hàn Quốc bị Nhật Bản chiếm đóng, đều chọn quê nhà là tỉnh Gyeongsang để đặt những nền móng đầu tiên, thậm chí cả hai cũng từng học chung một trường tiểu học ở Gyeongsang. Đều là những con người có cái đầu nhạy và tầm nhìn xa, ông Lee và ông Koo sớm trở nên thân thiết và dành cho nhau sự kính nể và tôn trọng nhất định. Thậm chí cả hai gia tộc từng có mối quan hệ sui gia khi con gái thứ hai của gia đình họ Lee kết hôn với con trai thứ ba của ông In-hwoi và sau khi kết hôn con trai của ông Koo còn được đầu quân về làm cho Samsung một thời gian.Sự rạn nứt của mối quan hệ tình nghĩa này bắt đầu khi ông chủ Samsung lăm le bước vào thị trường “sân nhà” của LG chính là mảng điện tử tiêu dùng. Năm 1958, sau khi ông Koo In-hwoi thành lập nên Goldstar - công ty tiền thân của LG Electronics sau này, đã được chính phủ Hàn Quốc vô cùng ủng hộ và đặc biệt bảo vệ quyền lợi. Tất nhiên là với một người có tầm nhìn rộng như ông Lee Byung-chul sẽ không thể bỏ qua được “miếng mồi béo bở” này, chính vì vậy Samsung đã rục rịch bắt đầu kế hoạch “đá chéo sân” qua mảng kinh doanh vốn được khai phá và thống trị bởi nhà thông gia.Theo hồi ký của con trai ông Lee, ông chủ Samsung đã từng gặp mặt trực tiếp “ông thông gia” để cùng bàn bạc về vấn đề việc “tiến công” của Samsung. Trái với mong đợi của ông Lee, ông chủ LG đã rất tức giận và thể hiện thái độ không hề dễ chịu trước bước đi “không thể tha thứ” được của người mà mình từng rất nể trọng. Kể từ sự việc đó, mối quan hệ hữu hảo giữa hai gia đình nhanh chóng đổ vỡ, con rể của ông Lee (cũng chính là con trai của ông Koo) đã sớm rời khỏi tập đoàn nhà vợ Samsung và hai vị chủ tịch cũng không bao giờ xuất hiện chung trong một bức hình thân thiết nào nữa. Thậm chí, sau khi Samsung đăng tải các bài viết của chủ tịch Lee Byung-chul lý giải cho việc Samsung lại tiến vào thị trường mới mẻ này thì ngay lập tức sau đó, tờ báo thuộc quyền sở hữu của LG đã đăng tải các bài báo công kích bước tiến của Samsung chính là một hành động “phản bội” nặng nề.Tất nhiên là đối với những con người làm kinh doanh với một cái đầu lạnh thì sự rạn nứt trong một mối quan hệ cũng không phải là vấn đề quá to lớn. Một thời gian sau đó, LG vẫn giữ thế chủ động trên thị trường mà mình đã làm chủ từ trước, đồng thời về phía Samsung dù có gia nhập thị trường muộn hơn nhưng lại sớm có những bước tiến lớn đáng kinh ngạc. Dù mối quan hệ giữa hai tập đoàn lớn bậc nhất Hàn Quốc này có trở nên như thế nào với tổng thống độc tài Park Chung-hee khi đó, cả hai đều tựa như một chìa khóa vàng để mở ra một cánh cửa phát triển mới cho ngành công nghiệp điện tử vốn rất tiềm năng ở đất nước này.
Thương trường là chiến trường
Những tưởng với bề dày lịch sử và kinh nghiệm, LG sẽ giữ vững vị thế của một tập đoàn khai phá và làm chủ mảng điện tử trong nước, thế nhưng sau khi Samsung bước vào chung “cuộc đua” thì vị trí dẫn đầu này đã sớm bị lung lay và thay đổi.Có thể nói Samsung đã nhập cuộc khá nhanh khi chỉ đến năm 1976, công ty “Tam sao” này đã vượt mặt nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn thứ 2 Hàn Quốc lúc bấy giờ là Taihan và trở thành đối thủ trực tiếp đáng gờm của LG. Cho đến những năm của thập niên 80, với sản phẩm chủ lực là TV và máy tính, cuộc đua của LG và Samsung đã trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Đáng chú ý hơn, đây cũng chính là thời kỳ “chuyển giao quyền lực” của các thế hệ của hai gia tộc. Nếu con trưởng của ông Koo là Koo Cha-kyung được lựa chọn để “kế vị” và sau đó giao quyền quản lý lại cho con cả Koo Bon Moo thì phía Samsung, ông Lee Byung-chul lại “truyền ngôi” cho người con trai thứ 3 là Lee Kun-hee - người được xem sẽ thay đổi vận mệnh của cả tập đoàn Samsung sau này. Thế hệ mới bắt đầu, cuộc đua cũ chưa dứt, liệu lợi thế sẽ nghiêng về phía “ngôi sao” nào?
Trải qua 50 năm rượt đuổi không mệt mỏi, dư luận trong nước và thế giới đã chứng kiến biết bao cuộc đối đầu trực tiếp, những màn “cà khịa” lịch sử giữa hai đế chế khổng lồ này.Sau khi thế hệ thứ 2 “lên ngôi”, cả hai ông lớn đều theo đuổi tôn chỉ “chất lượng hơn số lượng” và cố gắng chứng minh điều đó với người dùng thông qua các quyết định mạnh mẽ của mình. Một sự kiện đáng chú ý nhất mỗi khi nhắc đến màn đối đầu của LG và Samsung chính là sự cố 'đột nhập' năm 1993 khi 2 nhân viên của Samsung bị bắt giữ vì đã cố tình xâm nhập trái phép vào nhà máy sản xuất tủ lạnh của đối thủ là LG. Hành động “không mấy đẹp đẽ” này đã khiến Samsung mất điểm trước dư luận và đại diện từ phía tập đoàn phải lên tiếng xin lỗi và nhận trách nhiệm. Thế nhưng đồng thời, Samsung cũng không bỏ qua cơ hội này để chính thức cáo buộc LG cũng từng cài gián điệp vào các nhà máy chip bán dẫn của mình.Một sự kiện ầm ĩ khác xảy ra vào tháng 10 năm 2015, giám đốc mảng thiết bị gia đình của LG cũng phải “hầu tòa” vì bị buộc tội cố ý phá hoại hàng loạt máy giặt cao cấp của Samsung được trưng bày tại hội chợ công nghệ ở Berlin. Bị phía Samsung chỉ đích danh, người phát ngôn của vị giám đốc LG đó đã lên tiếng và khẳng định lý do dẫn đến sự hư hỏng của sản phẩm là do thiết kế cửa máy giặt của Samsung quá lỏng lẻo. Cuối cùng thì mọi việc cũng được dàn xếp một cách ổn thỏa thế nhưng chính sự cố đáng xấu hổ này đã bồi cho “bức tường thù hằn” giữa hai tập đoàn ngày một cao thêm.“Cuộc đua” kéo dài hơn nửa thế kỷ cả hai ông lớn này có vẻ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thế nhưng thế áp đảo của Samsung đối với LG đã dần được thể hiện và xác lập trong những thập kỷ gần đây. Vào năm 2014, Samsung đã vượt mặt LG để trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ nhất trên thế giới trong khi đối thủ của mình chỉ khiêm tốn ở vị trí thứ 5. Cũng trong năm đó, Samsung còn chính thức vươn lên dẫn đầu vị trí chaebol lớn nhất Hàn Quốc khi đạt đến mức 171 tỷ USD, chiếm hơn 17% tổng GDP của Đại Hàn Dân Quốc. Thậm chí báo Forbes còn từng nhắc đến tập đoàn “tam sao” này như một “nền cộng hòa dân chủ Samsung trong lòng Seoul” bởi sự bành trướng to lớn của nó. Có lẽ khá “hụt hơi” trong cuộc đua về mảng Smartphone nhưng LG vẫn giữ vững vị thế ổn định đối với các sản phẩm thế mạnh như điện tử tiêu dùng trên khắp thế giới
“Bình cũ, rượu mới”
Cho đến nay, cả hai gã khổng lồ Samsung và LG đã trải qua một bề dày lịch sử lâu đời và sự điều hành hiện tại đang trong tay thế hệ thứ 3. Rõ ràng có thể thấy, Samsung sau một thời gian tăng tốc thì đã sớm vượt mặt đối thủ của mình chính là LG. Nhiều nhà phân tích đã quay lại quãng thời gian phát triển của tập đoàn “Tam sao” này và nhận thấy “vũ khí” quyết định đã giúp Samsung giành lấy được vị thế vô cùng cạnh tranh như ngày hôm nay đó chính là “con chip bán dẫn” hay đúng hơn quyết định mang tính tầm nhìn của tộc trưởng Lee Byung-chul. Vào năm 1983, ông chủ Lee đã đưa ra một thông báo gây tranh cãi là Samsung sẽ tham gia sản xuất con chip bán dẫn ngay tại Tokyo - một trong những cường quốc về công nghệ khi ấy.Ngay lập tức, quyết định này của ông chủ Samsung đã được nhận định là một sự “liều lĩnh” và không biết lượng sức mình. Bởi khi đó, Samsung chỉ mới dấn thân vào ngành điện tử, sự thiếu thốn về nguồn vốn cũng như kinh nghiệm sẽ chính là sự ngăn cản lớn nhất của tập đoàn đến với việc sản xuất con chip bán dẫn - ngành được coi là “công nghệ cao nhất trong tất cả ngành công nghệ cao”. Đồng thời, sự cạnh tranh khốc liệt của các ông lớn Nhật Bản và Mỹ như NEC, Toshiba, Hitachi, Motorola,...đều là những tên tuổi số 1 về các sản phẩm chip nhớ thì khả năng cao là một “tân binh” như Samsung rồi sẽ sớm bị đánh bại một cách ê chề.Thế nhưng “người tính không bằng trời tính”, sau khi tận dụng mọi yếu tố “thời điểm” và “con người”, Samsung đã cho ra mắt chip nhớ DRAM 64KB đầu tiên vô cùng thành công. Không dừng lại, vẫn liên tục đầu tư vào ngành sản xuất “tiềm năng” này, cho đến năm 1993, Samsung chính thức trở thành nhà sản xuất chip nhớ số 1 trên thế giới, vượt mặt biết bao cái tên đình đám khác và vẫn giữ vững vị thế của mình cho đến ngày nay. 'Có lẽ đó là quyết định quan trọng nhất mà chủ tịch Lee và Samsung đã từng đưa ra' -ông Lee Sin-doo, giáo sư bộ môn Kỹ thuật Điện tại Đại học Quốc gia Seoul cho biết.
Cùng một loại vũ khí nhưng đối với Samsung đó là “ngỗng vàng” còn đối với đối thủ LG của mình thì mọi chuyện lại không hề suôn sẻ và may mắn đến như vậy. Đuổi theo sau Samsung chỉ một bước nhưng chưa kịp gặt hái bất kỳ thành công nào thì LG đã phải ngậm ngùi bán lại “vũ khí” cho 1 BIG4 Hàn Quốc khác là Hyundai để có thể tồn tại qua cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997. Và cũng chính bước tiến đầy dũng cảm này của Samsung đã góp phần nới rộng khoảng cách đối với LG trong cuộc đua miệt mài - “cuộc đua vũ trang” với vũ khí chính là “con chip bán dẫn” vô cùng quyền lực.Trên thương trường nói riêng và cuộc sống nói chung, có lẽ điều làm nên kỳ tích chỉ đơn thuần cách nhau một quyết định. Và thực tế đã chứng minh bằng cuộc đua khốc liệt của hai gã khổng lồ Hàn Quốc: LG và Samsung. Hơn 50 năm hình thành và phát triển, mỗi “ngôi sao” đều đã có riêng cho mình vị trí nhất định trên bầu trời của Đại Hàn Dân Quốc thậm chí còn “tỏa sáng” khắp Châu Á và thế giới. Vị thế đang dần nghiêng về “tam sao” Samsung nhưng không có nghĩa mai sau vị trí “dẫn đầu” này vẫn sẽ nằm trong tay thế hệ nhà họ Lee. Chúng ta đều hy vọng về những cái bắt tay mới, những sự cạnh tranh lành mạnh giữa hai đế chế công nghệ đầy quyền lực này
Trang tin công nghệ Sforum.vn được thành lập từ năm 2012, đến nay đã hơn 10 năm tuổi. Chúng tôi vẫn không luôn ngừng đổi mới và thử nghiệm các chuyên mục, nội dung mới để phục vụ bạn đọc. Hi vọng các thông tin công nghệ, game hay mẹo vặt từ Sforum sẽ giúp ích được cho bạn đọc trong đời sống cũng như có những phút giây giải trí lành mạnh.
Bình luận (0)