Những tựa game nổi tiếng nhanh mà lụi tàn cũng nhanh không kém


- LMHT: Các tuyển thủ đường giữa Châu Âu “mất màu” trước LCK
- Những tựa game làm bởi một người sẽ khiến bạn bất ngờ
PUBG: Battlegrounds
Đã từng có một thời PUBG là tựa game nổi tiếng nhất thế giới, kẻ khai sinh cho nguyên một dòng game mới Battle Royale. Ở thời đỉnh cao của mình, có lúc game tới trên 3 triệu người chơi cùng lúc chỉ tính trên Steam, biến nó thành game bắn súng đồng đội thành công nhất thời điểm đó.
Nhưng hiện tại PUBG chỉ còn là cái bóng của chính mình, thậm chí một số game thủ cực đoan còn nói nó đã “dead” từ lâu rồi. Có rất nhiều lý do: từ các đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ như Fortnite hay Warzone, cách quản lý game yếu kém và việc thêm bot vô tội vạ… nhưng chủ yếu là do PUBG không có gì đột biến ngay cả sau khi chính thức phát hành, chưa kể còn lỗi tối ưu hàng đống.
PUBG là điển hình cho một tựa game nổi tiếng quá nhanh và không thể duy trì được lâu dài. Hack – cheat, bot, thiếu thốn nội dung và đến cả nhà sản xuất cũng “lười” cập nhật nữa. Một điều mỉa mai nhất là các tựa game “ăn theo” PUBG như Fortnite, Apex Legends… cũng góp phần không nhỏ khiến cho nó “dead” như hiện tại.
Among Us
Among Us thực tế đã ra mắt vào năm 2018 nhưng chẳng mấy ai quan tâm, chỉ tới khi các streamer đột ngột nhào vào chơi nó vào giữa năm 2020 thì Among Us mới trở thành một game nổi tiếng khủng khiếp. Nhà nhà người người đổ xô vào tấu hài với nhau, biến Among Us trở thành một thể loại game tương tác chưa từng có, kéo theo hàng triệu người đắm chìm trong nó.
Nhưng sau cơn sốt hype ban đầu, Among Us dần dần trở lại mặt đất khi các streamer bắt đầu chán tựa game này và tìm sang những thứ mới mẻ hơn. Thành công của Among Us thực tế đến hoàn toàn từ hiệu ứng cộng đồng, chứ bản thân nó không đủ sức để níu giữ game thủ, cũng như ngay cả nhà phát hành cũng không thể tạo thêm được nội dung mới nào.
Một điều nữa là thực tế Among Us chỉ hay khi xem chứ không phải chơi, tựa game này là ác mộng cho những ai chơi solo mà không có bạn bè. Chưa nói tới việc hack, cheat, troll và phá game nhan nhản, mà chỉ riêng việc nói chuyện bình thường thôi đã là điều không tưởng rồi. Với một game siêu “kén” người chơi như vậy, dead là điều sớm muộn.
Fall Guys
Xuất phát điểm của Fall Guys về cơ bản giống y chang Among Us, khi nó nổi tiếng phần nhiều nhờ cộng đồng và các streamer. Nhưng bản thân Fall Guys cũng có lối chơi rất độc đáo, cộng thêm nhà phát hành rất biết lắng nghe lời game thủ và chịu khó sửa chữa game. Có điều cũng giống như Among Us, Fall Guys là kiểu game nổi tiếng trong một thời gian ngắn rồi chìm mất tăm.
Vấn đề của Fall Guys là nó lớn quá nhanh, khiến cho nhà phát hành không chạy theo kịp. Chỉ riêng vấn đề server bị nghẽn liên tục những ngày đầu đã ngốn hết thời gian rồi, sau đó là hằng hà sa số các thể loại hack, cheat đầy rẫy. Chỉ riêng việc nâng cấp, sửa lỗi và tìm kiếm phần mềm chống hack đã tiêu tốn hết thời gian của đội ngũ làm Fall Guys.
Điều tiếp theo đến một cách rất dễ hiểu, đó là game không kịp update các nội dung mới để giữ chân người dùng. Cho tới khi các vấn đề về phần cứng tạm ổn, thì Fall Guys đã chẳng còn sức hút như lúc mới xuất hiện nữa, cộng đồng nhanh đến thì cũng nhanh đi, bọn họ rời bỏ tựa game này để đến với những thứ mới hơn ngay.
Farmville
Bạn có biết Farmville đã từng một thời là tựa game nổi tiếng nhất thế giới, với số lượng người chơi chiếm 1/3 người dùng trên Facebook và còn nhiều hơn cả tổng số user Twitter khi đó? Farmville chính là biểu tượng cho thời hoàng kim của những tựa game trên Facebook, nơi mọi người chăm chăm qua nhà của nhau để tương tác.
Farmville cũng là con gà đẻ trứng vàng, nó kiếm tiền nhiều hơn bất kì tựa game nào cùng nền tảng, nhưng việc mà Farmville dead vốn dĩ đã được định đoạt từ trước. Nó chỉ nổi được trong một khoảng thời gian ngắn ngủi bởi smartphone xuất hiện và trở nên phổ biến, các game casual gây nghiện mới xuất hiện tràn ngập trên smartphone tạo nên cơn lốc cuốn phăng đi Farmville.
Các nhà phát hành rời bỏ nền tảng trên Facebook để chuyển sang ngôi nhà mới, nơi việc thanh toán và nạp tiền dễ dàng hơn, cũng như số lượng người dùng thậm chí còn lớn hơn nhiều lần. Farmville trở nên nhỏ bé trước hàng ngàn tựa game mobile cùng loại, ra mắt liên tục hằng ngày với nội dung na ná nhau và thế là chẳng còn ai nhớ tới nó nữa.
Artifact
Ngoài việc luôn bị troll là không biết đếm tới số 3, thì Valve còn bị chê bai là chỉ giỏi bán game chứ không biết làm game nữa. Nguyên nhân của điều này chính là Artifact: từng được quảng cáo và giới thiệu là game thẻ bài thế hệ mới, kẻ sẽ lật đổ và leo lên ngôi vị số một của thể loại này, đối thủ đáng gờm của Hearthstone và nhiều nhiều nữa, nhưng đáng tiếc những gì Artifact để lại chỉ là nỗi thất vọng tràn trề.
Artifact rất được mong chờ một phần vì uy tín của Valve, một phần khác vì việc quảng cáo về một tựa game nơi mọi người có thể trao đổi card cho nhau, cũng như buôn bán bằng tiền như cộng đồng ngoài đời thực. Nhưng Artifact bị chỉ trích về lối chơi quá lằng nhằng, cũng như mang nặng tính hên xui một cách vô lý, cũng như việc hút máu quá đà từ Valve.
Có người ví von đây là game nổi tiếng nhất trong khoản “pay-to-win”, khi mà người chơi phải trả tiền mua game xong lại phải trả tiền để mở pack kiếm bài. Valve đã quá tham lam trong việc kiếm lời từ market của Artifact, mà quên béng việc phải xây dựng cộng đồng trước. Kết quả là từ chỗ có hơn 60 ngàn người chơi ở thời điểm ra mắt, Artifact sụt giảm 95% game thủ chỉ sau vài tháng phát hành, từ đó nó cũng bị “chôn” luôn và chẳng còn được nhắc tới nữa.
Cyberpunk 2077
Gần như mọi game thủ console hay pc đều nghe tới cái tên Cyberpunk 2077 ít nhất một lần, thực tế đây là tựa game được trông đợi nhất trong lịch sử và cũng là cú lừa lớn nhất từng có. Cyberpunk 2077 đã có lúc được đánh giá không thua một bộ phim bom tấn Hollywood, với các màn delay cùng trailer bị hoãn hàng năm trời, nhưng vẫn thuyết phục được tới 8 triệu người pre-order.
Vào thời điểm Cyberpunk 2077 ra mắt, cả thế giới đều phát cuồng vì nó, không một ai là không háo hức với siêu phẩm này, ức chừng đã có tới 1 triệu người theo dõi các luồng stream trên Twitch vào ngày game phát hành, đáng tiếc là tựa game nổi tiếng như vậy lại chết yểu với thời gian tính bằng ngày. Lý do cũng đơn giản thôi, Cyberpunk 2077 về cơ bản là thứ không thể chơi được vào ngày phát hành.
Lỗi và hàng đống lỗi, cơ chế vật lý khủng khiếp và vô số thứ có liên quan tới phần cứng đã khiến Cyberpunk 2077 trở tành game bị phàn nàn nhiều nhất lịch sử. Nó bị than phiền nhiều tới mức CD Projekt phải xin lỗi và hứa hoàn tiền cho game thủ, thậm chí Sony đã có lúc phải tạm dừng việc phân phối Cyberpunk 2077 trên PS Store – điều thực sự vô cùng muối mặt.
Doanh số của game giảm cắm đầu chỉ sau 4 ngày ra mắt, cho tới tận bây giờ Cyberpunk 2077 vẫn là một nỗi xấu hổ và minh chứng rõ ràng cho việc không bao giờ nên pre-order, bất kể sản phẩm đó có đáng để hype tới mức nào v2 được phát triển bởi ai.
Tạm kết
Số phận của những tựa game PC nổi tiếng ở trên rất khác nhau, chúng là các nhân chứng hay mốc thời gian sống động của làng game thế giới, dù ít dù nhiều cũng để lại rất nhiều tiếc nuối cho người hâm mộ.

Bình luận (0)