Đánh giá Clair Obscur: Expedition 33 – Tìm kiếm hi vọng, giành lại tương lai


Cùng Sforum đánh giá Clair Obscur: Expedition 33 để hiểu được tại sao trò chơi này lại đang là một điểm sáng của tháng 5 nhé!
Trong những ngày qua, Clair Obscur: Expedition 33 là một trong những trò chơi gây ra sóng gió trong cộng đồng game thủ. Đại đa số mọi người đều thừa nhận rằng Clair Obscur: Expedition 33 xứng đáng với những lời khen ngợi và điểm số cao ngất trong những bài đánh giá, còn những ai không thích game cũng phải thừa nhận rằng nó có những ưu điểm sáng chói. Cá nhân tác giả đến với trò chơi này khá trễ, nhưng cũng muốn chia sẻ những nhận định của bản thân mình về Clair Obscur: Expedition 33 với bạn đọc Sforum trong bài viết hôm nay.

Một chuyến hành trình tuyệt vọng
Trong thế giới của Clair Obscur: Expedition 33, "tương lai" là không tồn tại. Tất cả những con người tại thành phố Lumiere đều biết trước ngày chết của mình bởi mỗi năm, vào đúng "ngày phán xét", một thực thể lạ lùng mang tên The Paintress (Nữ Họa Sĩ) sẽ xuất hiện, và vẽ một con số lên một hòn đảo ở xa xa. Con số này giảm dần theo từng năm, và bất kỳ ai có độ tuổi bằng với nó sẽ lập tức tan biến vào không khí. Không một ai biết được The Paintress là ai, sức mạnh của bà ta là gì, và tại sao những con số lại sở hữu quyền năng đáng sợ như vậy.
Những con người nơi đây không khuất phục. Hàng năm, luôn có những chuyến hải hành mới được tổ chức, nơi những người con dũng cảm nhất của thành phố tụ họp, mang theo vũ khí của bản thân và hi vọng của tất cả mọi người lên đường tìm cách đánh bại The Paintress. Đã nhiều thập kỷ trôi qua và rất nhiều đoàn khai phá như vậy lên đường, dù không một ai trở lại. Nhưng năm nay, khi con số giảm từ 34 xuống 33, mọi thứ có thể sẽ khác. Bạn – chàng trai Gustave sẽ dùng năm cuối cùng của mình để lên đường tìm lại tương lai cho tất cả mọi người.
Lối chơi mới lạ và gây tranh cãi của Clair Obscur: Expedition 33
Về cơ bản, Clair Obscur: Expedition 33 là một tựa game đánh theo lượt với đầy đủ những tính năng "truyền thống", như nhân vật quyết định lượt đi dựa trên chỉ số tốc độ của họ, và được phép hành động khi đến lượt mình. Mỗi nhân vật cũng sở hữu nhiều kỹ năng khác nhau, từ đơn giản như gây sát thương lên mục tiêu hay hồi máu cho đồng đội, đến lạ mắt như stack bài lên mục tiêu hay biến hình thành kẻ địch. Những bộ kỹ năng này là khá độc lạ, và không phụ thuộc nhiều vào đồng đội mà gần như hoàn toàn tạo thành một hệ thống riêng của mình.

Nhưng Clair Obscur: Expedition 33 không chỉ là một tựa game đánh theo lượt, mà còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những tựa game hành động, bao gồm cả dòng Souls. Bạn có thể nhận ra điều này qua tính năng hồi phục của game, khi Gustave buộc phải tìm được những lá cờ Expedition Flag của người đi trước mới có thể tiếp tế và hồi phục, nhưng phải trả giá bằng việc tất cả quái vật sẽ hồi sinh. Độ khó của trò chơi cũng khá cao, với những con boss sở hữu các cơ chế cực kỳ "tà ác" như tạo khiên cho chính mình hay làm cho nhân vật của bạn không thể hành động.

Yếu tố action cũng xuất hiện ngay cả trong phần chiến đấu theo lượt của game qua các tính năng Quick-Time Event (QTE). Khi kẻ địch ra đòn, game thủ không cần phải nhờ cậy vào chỉ số phòng thủ để giảm bớt sát thương, mà có thể trực tiếp né tránh hoặc đón đỡ các đòn tấn công này bằng thao tác của chính mình. Đây có lẽ là một tính năng chịu ảnh hưởng từ style Royal Guard của Dante trong Devil May Cry, bởi chúng ta đều biết rằng giám đốc dự án Clair Obscur: Expedition 33 là một fan hạng nặng của trò chơi này và sở hữu một kênh YouTube đầy những video về nó.

Chính những tính năng QTE của Clair Obscur: Expedition 33 đã tạo ra nhiều tranh cãi. Không ít game thủ tìm kiếm một trải nghiệm "chill" trong các game đánh theo lượt đã bị bất ngờ với cơ chế đòi hỏi sự tập trung này, trong khi những ai ủng hộ thì cho rằng việc bổ sung thêm chất hành động khiến cho hệ thống chiến đấu của trò chơi trở nên cuốn hút hơn. Việc yêu hay ghét là tùy mỗi người, còn cá nhân Sforum đánh giá rằng Clair Obscur: Expedition 33 sở hữu một hệ thống combat cuốn hút và hoàn chỉnh, nơi mà những game thủ chịu bỏ công tìm tòi có thể khám phá ra những chiêu thức siêu OP như chiêu "Vạn Kiếm" Stendhal của Maelle.
Một trò chơi đầy nghệ thuật
Clair Obscur: Expedition 33 khởi đầu một cách đầy lãng mạn mà u ám. Góc máy rộng mở màn cho thấy toàn cảnh thành phố Lumiere với một ngọn tháp Eiffel vặn xoắn đến lạ lùng. Những hình khối vặn vẹo không thể diễn tả lơ lửng trên nền trời, bao phủ không trung. Một Khải Hoàn Môn bị chẻ đôi, nhường chỗ cho con số "34" sáng rực xa xa. Nhân vật chính của chúng ta đứng dưới một mái nhà kinh đầy những hoa, và tất cả nằm trong giai điệu của bản nhạc nền Lumiere, với tiếng hát và tiếng đàn ngân nga réo rắt tạo nên những nốt nhạc buồn.
Chỉ ngay từ những giây phút đầu tiên này, những game thủ đam mê cái đẹp đã lập tức bị chinh phục và mở đường cho một cuộc phiêu lưu đầy những trầm bổng trập trùng kéo dài hàng chục giờ sau đó. Và họ sẽ không thất vọng: cái đẹp trong Clair Obscur: Expedition 33 không chỉ xuất hiện trong những giây phút đầu tiên, mà hiện diện suốt cả trò chơi. Nền tảng của vẻ đẹp mà Clair Obscur: Expedition 33 sở hữu là engine Unreal 5, được pha trộn với những hình ảnh của nước Pháp trong thời kỳ Belle Epoque và sức sáng tạo của đội ngũ phát triển.

Đặc biệt, phần hình ảnh của game chịu tác động mạnh mẽ của phong cách "Clair Obscur" – tương phản đúng như cái tên của nó. Người chơi sẽ bắt gặp sự đối chọi mạnh mẽ giữa các yếu tố trong cùng một khung hình, từ các màu sắc tươi sáng đến những mảng sáng tối rõ nét, tạo ra một bầu không khí bí ẩn, u ám và kịch tính. Nhờ đó, chúng ta được thưởng thức những hình ảnh tuyệt vời, siêu thực và phần nào mang đậm màu sắc của những giấc mơ.

Còn khi đến với phần âm nhạc, bạn sẽ được nghe rất nhiều tác phẩm của một nhà soạn nhạc chưa từng làm game. Với thời lượng tổng cộng hơn 8 giờ, những bản nhạc của Lorien Testard đã góp phần thổi hồn vào thế giới của Clair Obscur: Expedition 33, đem lại cho thành phố Lumiere và cả những vùng đất hiểm nguy xung quanh nó một bầu không khí nặng nề nhưng không thiếu những tia hi vọng. Bài nhạc chủ đề Lumiere là một trong số những tác phẩm nổi bật trong game, nhưng bạn cũng sẽ tìm thấy được nhiều giai điệu sâu lắng và chân thành khác từ đàn accordion trong suốt quá trình chơi.
Đánh giá Clair Obscur: Expedition 33
Với một thiết lập u ám và sầu thảm, Clair Obscur: Expedition 33 cân bằng lại bối cảnh của mình bằng hình ảnh đẹp mắt và những giai điệu tuyệt đẹp, ngay cả khi bi kịch đến gần. Bên dưới lớp vỏ nghe – nhìn tuyệt đỉnh của nó là một hệ thống chiến đấu thú vị và có chiều sâu, đủ để giữ chân game thủ cho đến khi họ khám phá hết toàn bộ nội dung của game, và tìm được câu trả lời cho những dấu hỏi xoay quanh The Paintress.

Cuối cùng, Sforum cũng cần phải nói rằng Clair Obscur: Expedition 33 không phải chỉ là công sức của một đội ngũ hơn 30 người như nhiều nguồn tin đã đăng tải. Phần credit của trò chơi có khoảng 400 cái tên, trong đó ngoài các nhân viên chính thức của nhà phát triển Sandfall Interactive thì còn phải kể đến những đội ngũ outsource nhận các phần việc khác như animation, kiểm tra chất lượng, bản địa hóa và bắt chuyển động. Tất cả những con người này cùng góp sức để tạo nên một trò chơi tuyệt vời mà những fan của thể loại RPG theo lượt, hay những ai tìm kiếm một câu chuyện đẹp nên trải nghiệm ngay hôm nay.
Xem thêm:
- 5 lý do người chơi tấp nập khi Lineage 2M mở open beta
- 10 tính năng ai cũng mong chờ quay lại trong GTA 6
- Tìm game hay nhất trên Steam cực dễ nhờ update mới của Valve
Nếu muốn tận hưởng hết vẻ đẹp hình ảnh của Clair Obscur: Expedition 33, bạn đọc SForum hãy trang bị một màn hình gaming tốt bên cạnh dàn PC khủng của mình nhé!
[Product_Listing categoryid="784" propertyid="" customlink="https://cellphones.com.vn/man-hinh.html" title="Danh sách Màn hình đang được quan tâm nhiều tại CellphoneS"]

Bình luận (0)