So sánh NVIDIA RTX 5060 Ti 8GB vs 16GB qua từng bài test: Cùng tên gọi nhưng một trời một vực


Bài viết này sẽ thực hiện so sánh NVIDIA RTX 5060 Ti 8GB vs 16GB, để làm rõ tại sao dung lượng VRAM lại tạo ra một khác biệt vô cùng lớn.
Thị trường card đồ họa phân khúc tầm trung năm nay xuất hiện một số cái tên dễ làm người dùng bối rối ví dụ như Radeon 9060 XT và NVIDIA RTX 5060 Ti đều có phiên bản 8GB VRAM và 16GB VRAM. Cả hai phiên bản đều có cùng tên gọi nhưng hiệu năng của chúng cách biệt rất lớn khiến người dùng đôi khi có thể mua nhầm.

Dưới đây chúng ta sẽ cùng đi so sánh chi tiết phiên bản 8GB VRAM và 16GB VRAM của NVIDIA RTX 5060 Ti qua nhiều bài test để xem hiệu năng giữa chúng khác biệt như thế nào nhé.
Tổng quan về NVIDIA RTX 5060 Ti: Vấn đề VRAM và băng thông PCIe
Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta cần xem xét vai trò của VRAM và băng thông PCIe. Khi bạn chơi game, các tài nguyên đồ họa (textures, models,...) được lưu trữ trong VRAM của card đồ họa để GPU có thể truy cập nhanh chóng.
Với RTX 5060 Ti, băng thông VRAM đạt mức 448 GB/s, cực kỳ cao. Ngược lại, băng thông tối đa về mặt lý thuyết của bộ nhớ hệ thống thấp hơn nhiều – khoảng 96 GB/s cho DDR5-6000 kênh đôi và khoảng 50 GB/s cho DDR4-3600 kênh đôi, tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Khi VRAM bị đầy (đặc biệt với phiên bản 8GB), hệ thống buộc phải chuyển các tài nguyên này sang RAM hệ thống. Dữ liệu lúc này phải đi qua bus PCI Express, với băng thông thấp hơn nhiều (tối đa 64 GB/s trên PCIe 5.0 x8 của 5060 Ti và chỉ 16 GB/s trên PCIe 3.0 x8), kết hợp với độ trễ lớn gây ra hiện tượng sụt giảm hiệu năng nghiêm trọng và giật lag (stuttering).
Điều này càng trở nên quan trọng khi cả AMD và NVIDIA đều quảng cáo các card đồ họa tầm giá 300+ USD của họ cho khả năng chơi game 1440p. Ở độ phân giải này, việc vượt quá 8GB VRAM là điều rất dễ xảy ra trong các tựa game mới khiến phiên bản 8GB trở nên yếu thế. Bài viết này sẽ tập trung vào các bài test ở 1440p có upscale để chứng minh sự khác biệt này.
So sánh hiệu năng NVIDIA RTX 5060 Ti 8GB vs 16GB chi tiết
Các thử nghiệm đã đo hiệu năng của 5060 Ti 8GB trên PCIe 3.0, 4.0 và 5.0 và so sánh nó với 5060 Ti 16GB chạy trên PCIe 3.0. Dữ liệu này hữu ích cho những người dùng không có hệ thống PCIe 5.0, vì nhiều CPU và nền tảng vẫn còn phụ thuộc vào PCIe 4.0 hoặc thậm chí 3.0.

Dragon Age: The Veilguard
Với Dragon Age: The Veilguard, sự khác biệt là rất lớn. Hiệu năng của phiên bản 8GB đi từ tệ đến tệ hơn. Nhưng trước tiên, hãy nói về card 16GB chạy trên PCIe 3.0. Khi dung lượng VRAM không bị vượt ngưỡng, chế độ PCIe có rất ít tác động đến hiệu năng.

Trong trường hợp này, card 16GB đạt trung bình 66 fps với 1% low là 47 fps, mang lại trải nghiệm rất mượt mà. Trong cùng điều kiện sử dụng PCIe 3.0, phiên bản 8GB chỉ đạt trung bình 27 fps với 1% low là 9 fps. Điều này làm cho card 16GB nhanh hơn 130% về tốc độ khung hình trung bình và nhanh hơn tới 411% về 1% low.
Tăng băng thông PCIe lên 4.0 đã cải thiện tốc độ khung hình trung bình của card 8GB lên 22% và 1% low lên 111%.
Chuyển lên PCIe 5.0 mang lại thêm 12% về tốc độ khung hình trung bình, với sự cải thiện tương tự ở 1% low. Ngay cả với PCIe 5.0, phiên bản 8GB vẫn không thể mang lại hiệu năng có thể chơi được. Card 16GB sử dụng PCIe 3.0 vẫn nhanh hơn 68% về trung bình và 119% về 1% low.
F1 25
Trong F1 25, Techspot phải sử dụng thiết lập "High" vì thiết lập "Very High" đã khiến phiên bản 8GB hoạt động rất kém, trong khi các mẫu 16GB vẫn cho hiệu năng mượt mà.

Ngay cả ở mức "High", 1% low của bản 8GB vẫn thấp hơn đáng kể so với bản 16GB, ngay cả khi dùng PCIe 4.0 hay 5.0. Khi bị giới hạn ở PCIe 3.0, bản 16GB nhanh hơn tới 114% về tốc độ khung hình trung bình và 235% về 1% low, một khoảng cách quá lớn.
Indiana Jones and the Great Circle
Với Indiana Jones, phiên bản 16GB cho trải nghiệm siêu mượt ở 118 fps. Ngược lại, phiên bản 8GB gần như bị "bóp nghẹt" hoàn toàn.

Thật khó tin khi hai phiên bản này lại có cùng tên gọi, khi mà hiệu năng của bản 16GB cao hơn tới 883% trong cùng cấu hình PCIe 3.0. Việc chuyển đổi băng thông PCIe lên 4.0 hay 5.0 gần như không tạo ra sự khác biệt, cho thấy VRAM chính là yếu tố giới hạn tuyệt đối.
Marvel's Spider-Man 2
Techspot đã thử nghiệm Marvel's Spider-Man 2 ở 1440p có upscale chất lượng. Phiên bản 16GB đạt 90 fps ấn tượng. Trong khi đó, trên PCIe 3.0, bản 16GB nhanh hơn tới 592% so với bản 8GB.

Ngay cả khi card 8GB được chuyển sang PCIe 4.0, phiên bản 16GB vẫn nhanh hơn 210%, và vẫn nhanh hơn 120% khi sử dụng PCIe 5.0. Do giới hạn PCIe 8 làn, phiên bản 8GB trở nên gần như không thể sử dụng được một khi dung lượng VRAM bị vượt quá.
Monster Hunter Wilds
Monster Hunter Wilds là một ví dụ điển hình khác cho thấy PCIe không thể cứu vãn được khi VRAM là yếu tố giới hạn.

Để sử dụng thiết lập đồ họa ultra và thấy tất cả các vân bề mặt (texture) được render đúng cách, bạn bắt buộc phải có hơn 8GB VRAM, ngay cả khi chơi ở 1080p. Trong khi bản 16GB đạt trung bình 84 fps, bản 8GB chỉ đạt 34 fps với 1% low cực kỳ thấp ở mức 16 fps.
The Last of Us Part II
Về mặt kỹ thuật, The Last of Us Part II có thể chơi được trên card 8GB, nhưng bạn sẽ gặp phải hiện tượng giật lag thường xuyên.

Trong thử nghiệm, bản 16GB nhanh hơn 40% so với bản 8GB. Tuy nhiên, đây là một trong số ít trường hợp mà băng thông PCIe 5.0 đã giúp bản 8GB đạt được tốc độ khung hình trung bình ngang bằng với bản 16GB, dù các vấn đề về frame time vẫn còn tồn tại.
Ratchet & Clank: Rift Apart
Cuối cùng, Ratchet & Clank: Rift Apart chạy cực kỳ tốt trên bản 16GB với trung bình 133 fps, nhanh hơn 110% so với bản 8GB trên PCIe 3.0.

Việc chuyển bản 8GB lên PCIe 4.0 đã giải quyết được hầu hết các vấn đề giật lag và đạt 95 fps. Tuy nhiên, bản 16GB vẫn nhanh hơn 37%. Trên PCIe 5.0, bản 8GB hoạt động tốt nhưng bản 16GB vẫn nhanh hơn 11% về FPS trung bình.
Nên chọn mua NVIDIA RTX 5060 Ti 8GB hay 16GB?
Kết quả rất rõ ràng, nếu bạn có ý định chơi các tựa game AAA mới, muốn khám phá các độ phân giải cao hơn trong tương lai, hoặc có kế hoạch giữ card đồ họa của mình trong ít nhất 2 năm tới, thì bạn không nên mua phiên bản 8GB của RTX 5060 Ti và cả 9060 XT.

Việc lựa chọn mẫu card này có khả năng sẽ buộc bạn phải nâng cấp sớm hơn dự kiến và trong thời gian chờ đợi, bạn sẽ thường xuyên phải loay hoay tinh chỉnh cài đặt để tránh giật lag và hiệu năng kém. Việc tiết kiệm 50 USD để lấy phiên bản 8GB thực chất là một sự lãng phí, vì các mẫu 8GB sẽ mất giá nhanh hơn và khó bán lại trong tương lai do nhu cầu thấp.
Nhìn chung, ở thời điểm hiện tại nếu bạn đang có ý định mua một chiếc card đồ họa mới thì phiên bản 16GB là lựa chọn tối ưu, bạn không nên vì mức giá rẻ hơn một chút mà chấp nhận bản 8GB vì chắc chắn nó sẽ sớm lỗi thời và bạn sẽ phải hối hận.
Nguồn: Techspot
Xem thêm:
- So sánh RX 9060 XT 8GB và 16GB: Khi VRAM quyết định trải nghiệm chơi game năm 2025
- So sánh RTX 5060 Ti 16GB vs RTX 3060 Ti: Đã đến lúc nâng cấp sau 2 thế hệ?
- Đánh giá RTX 5060 Ti 8GB: Lỗi thời ngay khi ra mắt?
Nếu bạn đang quan tâm đến các dòng card đồ họa mạnh mẽ, mức giá phải chăng thì hãy tham khảo ngay danh sách sản phẩm dưới đây nhé:
[Product_Listing categoryid="952" propertyid="" customlink="https://cellphones.com.vn/linh-kien/card-man-hinh-vga.html" title="Sản phẩm Card màn hình đang được quan tâm nhiều tại CellphoneS"]

Bình luận (0)