Torchlight Infinite: Tựa game mobile cho Diablo Immortal của Blizzard “hít khói”


Chưa đầy một tuần trước đây, game thủ mobile đã có cơ hội thưởng thức Torchlight Infinite, một tựa game hành động chặt chém (hack & slash) dành cho di động. Nó là đối thủ trực tiếp của Diablo Immortal mà Blizzard và NetEase đang phát triển.
Torchlight Infinite là tựa game mới nhất trong series Torchlight, một thương hiệu “ba chìm bảy nổi” kể từ sau phiên bản đầu tiên rất được yêu thích. Dòng game này được tạo ra bởi những người đã làm nên Diablo ngày nào – Max Schaefer và Eric Schaefer – và vì thế thường được game thủ gọi là kẻ kế vị tinh thần của Diablo. Khi nhà phát triển XD Inc. cho ra mắt phiên bản di động Torchlight Infinite, họ đã để cho Diablo Immortal “hít khói” về tốc độ làm game. Tuy nhiên nhanh hơn không đồng nghĩa với hay hơn – liệu Torchlight Infinite có đủ sức để giữ chân game thủ ngay cả sau khi Diablo Immortal ra mắt?
Bối cảnh và cốt truyện của Torchlight Infinite
Torchlight Infinite chọn mốc thời gian là thời đại Ember Tech, 200 năm sau những sự kiện đã xảy ra trong Torchlight 2. Kể từ thời điểm kết thúc của Torchlight 2, các vương quốc con người đã tiếp nhận công nghệ Ember và sử dụng chúng như nguồn nhiên liệu cho các máy móc và phép thuật của họ, chẳng khác gì chúng ta dùng xăng dầu hiện tại. Nó đem lại cho nhân loại sự phồn vinh chưa từng thấy trước đây, nhưng trong bóng tối, các thế lực tà ác vẫn đang âm ỉ cháy và chờ ngày quay lại phá hủy thế giới.
https://youtu.be/LAUS584JWXw
May mắn thay, có một nhóm nhỏ nhân loại nhận ra mối đe dọa này. Họ thành lập tổ chức Torchlight (ánh đuốc) và trở thành niềm hi vọng của nhân loại trong việc ngăn cản bóng tối. Bạn sẽ là một thành viên của tổ chức này, dấn thân vào những vùng đất đầy hiểm nguy để săn lùng và tiêu diệt mọi kẻ thù đang đe dọa nhân loại.
Hiện tại game đã mở cửa closed beta. Bạn có thể đăng ký trước ngay từ bây giờ tại trang web chính thức của game hoặc trên TapTap và chờ được mời.
Lối chơi và hệ thống kỹ năng của Torchlight Infinite
Torchlight Infinite là một tựa game hành động chặt chém giống hệt Diablo, nên bạn sẽ không gặp phải bất kỳ một khó khăn nào khi làm quen với lối chơi của nó. Kể từ phiên bản Torchlight đầu tiên, game đã được thiết kế dưới dạng dungeon crawler, tức là game thủ sẽ không ngừng chui vào phụ bản để cày quái. Torchlight Infinite giữ nguyên lối chơi này và để cho bạn liên tục đối mặt với hàng đàn quái vật, nhiều con trùm to lớn với các chiêu thức có sát thương cao, phạm vi rộng đầy thử thách.

Sự đa dạng trong lối chơi là một điểm cộng cho Torchlight Infinite. Game có nhiều nhân vật để lựa chọn nhưng lại không khóa người chơi vào bất kỳ một bộ kỹ năng nào. Thay vào đó, bạn được quyền tạo ra lối chơi riêng với 24 nhánh kỹ năng, tổng cộng hơn 180 chiêu thức và nội tại khác nhau để lựa chọn. Tương tự Diablo 3, một số kỹ năng trong số này có thể được dùng như đòn đánh cơ bản, không có thời gian hồi chiêu và không tốn tài nguyên nên có thể được kích hoạt liên tục để tiêu diệt kẻ thù.

Về cơ bản, game có bốn nhánh kỹ năng chính tương ứng với 4 nhân vật Carino, Gemma, Rena, Youga, mỗi nhánh chứa 8 kỹ năng chủ động (active) và 3 nội tại (passive). Nhiều kỹ năng trong số này lại có thể được chỉnh sửa để tạo ra các hiệu ứng mới. Để làm được điều này, bạn cần unlock các kỹ năng hỗ trợ (support) từ các nhánh khác. Lấy ví dụ Chromatic Shot: ban đầu kỹ năng này bắn ra ba mũi tên có khả năng tự tìm mục tiêu, nhưng bằng cách chọn kỹ năng hỗ trợ phù hợp, gamethủ có thể làm cho nó bắn ra nhiều mũi tên hơn, tên bay nhanh hơn, xuyên thủng nhiều kẻ địch, hoặc tạo ra một vụ nổ gây sát thương AOE cho nhiều kẻ địch cùng một lúc,…
Tương tự, game thủ được tự do thay đổi hiệu ứng nguyên tố của các kỹ năng này, nên mũi tên có thể gây sát thương lửa, băng, gió tùy theo ý thích của bạn. Ngoài ra, còn có một loại kỹ năng thứ 4 là kích hoạt (triggered). Nó sẽ “xí phần” một lượng Mana của nhân vật và tự động kích hoạt khi thỏa mãn điều kiện nào đó. Trong tương lai, nhà phát triển sẽ tiếp tục tung ra các nhân vật mới và nhánh kỹ năng mới để game thủ tiếp tục khám phá các cách build mới.

Vẫn chưa hết, game còn có hệ thống Talent giúp bạn tiếp tục thay đổi các kỹ năng một cách mạnh mẽ hơn nữa. Chromatic Shot là một kỹ năng thuộc dạng “Projectile” và “Spell”, nên bất kỳ talent nào ảnh hưởng đến hai dạng kỹ năng này đều sẽ buff hoặc thêm hiệu ứng mới cho Chromatic Shot.
Nhìn chung, khả năng tùy biến kỹ năng này thực ra không phải là xa lạ gì, bởi chúng ta đã được sử dụng nó trong Diablo 3 với các viên Rune. Torchlight Infinite chỉ học hỏi và chỉnh sửa tính năng này và đặt cho nó những cái tên mới, nhưng điều quan trọng là nó mở ra rất nhiều cách build nhân vật và tạo ra được sự đa dạng trong lối chơi cho game thủ.
Hình ảnh, âm thanh hợp với game thủ Việt
Vẫn như các phiên bản Torchlight dành cho PC và console, phiên bản mobile mà chúng ta có ở đây giữ nguyên sự hài hước và khoa trương vốn có trong tạo hình nhân vật, nhưng lại có phần “nâng cấp” về đồ họa khi tạo ra các nhân vật nữ theo phong cách Á Đông, xinh trai, đẹp gái hơn hẳn so với style hầm hố bặm trợn của các phiên bản do Runic Games phát triển.

Là một game thủ bị anime, manga Nhật Bản bao phủ suốt nhiều năm trời, cá nhân tác giả cho rằng phong cách thiết kế nhân vật này thực sự bắt mắt hơn rất nhiều, dù phần lớn thời gian trải nghiệm game bạn sẽ không được nhìn mặt nhân vật. Chỉ tiếc là game không cho phép chúng ta tạo ra nhân vật của riêng mình, nhưng nhà phát triển hứa rằng sẽ có nhiều nhân vật mới được tung ra trong tương lai.
Phần âm thanh của Torchlight Infinite thực sự ấn tượng. Mỗi nhân vật trong game đều được lồng tiếng, và các kỹ năng đều đi kèm với những hiệu ứng âm thanh khá chuẩn. Tiếng của các đòn đánh, phép thuật, hiệu ứng, đổ vỡ,… đều rõ ràng và tách biệt, giúp người chơi dễ dàng phân biệt điều gì đang xảy ra trên màn hình. Nhạc nền hơi trùng lặp nhưng cũng tạm đủ xài, vì trong game thì âm nhạc thường không phải là thứ thu hút sự chú ý của game thủ khi chơi.

Ngoài ra Sforum cảm thấy mình cũng phải khen ngợi giao diện của game. Không như những tựa game hạng bét của Trung Quốc với đủ thứ biểu tượng lấp lánh nhấp nháy che kín cả màn hình, Torchlight Infinite giấu hết các biểu tượng và thông báo vào trong một menu chính ở góc trên. Chúng vẫn tồn tại, chỉ là được giấu đi cho đỡ rối mắt, bao gồm thông báo, tin nhắn, cash shop,... Điều này giúp người chơi không phải bấm nhầm và có thể tập trung vào việc nghiền nát lũ quái vật xung quanh.
Về mặt cấu hình, Torchlight Infinite không đòi hỏi quá cao do nó lựa chọn phong cách hoạt hình với tông màu tươi tắn, trong khi độ chi tiết của các mô hình nhân vật, vật thể, môi trường chỉ ở mức trung bình. Đây không phải là vấn đề lớn do game có góc quay camera từ trên cao, và bạn chỉ cần biết nhân vật của mình đang ở đâu trong các cuộc chiến hỗn loạn chứ không cần nhìn thấy mặt mũi của họ. Các thiết bị di động tầm trung trở lên có thể giữ vững tốc độ 60 FPS một cách dễ dàng.

Nếu phải nói tới hạn chế thì có lẽ là việc game chưa hỗ trợ tay cầm. Việc điều khiển một tựa game hack & slash như Torchlight Infinite bằng màn hình cảm ứng thực sự khá… chán, chưa kể bạn không thể thay đổi vị trí của các nút trên màn hình cảm ứng. Dù các thao tác điều khiển game đều mượt mà và dễ hiểu, việc có một tay cầm thoải mái sẽ giúp ích rất nhiều khi chơi các tựa game cày cuốc và yêu cầu nhiều thao tác như Torchlight Infinite.
Lời kết
Nhìn chung, Torchlight Infinite là một tựa game hack & slash khá thú vị, đủ để game thủ giải trí trong khi chờ đợi các MMORPG khủng hay siêu phẩm mobile, PC của năm 2022. Thật ra, nó trông như một đối thủ đáng gờm của Diablo Immortal, dù studio làm ra trò chơi này còn ít tên tuổi và thương hiệu Torchlight cũng không ăn khách như dòng game kinh điển của Blizzard.
Cấu hình cần thiết để chơi Torchlight Infinite:

Bình luận (0)