Trên tay mẫu tablet sinh viên giá 2.99 triệu nhưng có màn hình lớn, sài mượt, pin dùng 7-8 tiếng

Trên tay mẫu tablet sinh viên giá 2.99 triệu nhưng có màn hình lớn, sài mượt, pin dùng 7-8 tiếng

Teclast M50 được xem là cái tên khá mới trong thị trường máy tính bảng tại Việt Nam, nổi bật với mức giá hấp dẫn nhưng lại sở hữu cấu hình tương đối ngon để ta có thể sử dụng lâu dài.

Gần đây mình vừa có cơ hội trải nghiệm một em máy tính bảng đến từ một thương hiệu khá lạ đó là Teclast. Sản phẩm mình đang sử dụng là Teclasst M50 với mức giá đâu đó chỉ 2.99 triệu đồng, một con số mà mình nghĩ các bạn sinh viên khá dễ tiếp cận. Tuy giá rẻ nhưng máy vẫn có đầy đủ tính năng và cấu hình theo mình là ổn, đủ để ta có thể giải trí và học tập một cách mượt mà. Vậy hãy cùng mình tìm hiểu thêm về em này ở bài viết dưới đây nhé!

Mở hộp Teclast M50

Sản phẩm Teclast M50 có thiết kế vỏ hộp màu trắng là chủ đạo cùng các dòng chữ màu cam nổi bật. Một vài chỗ có chữ tiếng Trung, mang đến cảm giác hàng Trung Quốc rõ rệt, nhìn khá rẻ tiền. Tuy vậy, hộp vẫn cứng cáp  đảm bảo sự chắc chắn và bảo vệ tốt cho sản phẩm bên trong.

Khi mở hộp, mình thấy bên trong ngoài chiếc máy tính bảng Teclast M50 còn có các phụ kiện đi kèm bao gồm một củ sạc, một dây sạc USB-C, một que chọc SIM và một vài xấp giấy hướng dẫn sử dụng. Dù thiết kế hộp có phần đơn giản và không quá sang trọng, nhưng mọi thứ cần thiết cho người dùng cơ bản đều có đủ. Các phụ kiện được sắp xếp ngăn nắp và bảo vệ tốt, mang lại cảm giác an tâm khi mở hộp sản phẩm.

Thiết kế của Teclast M50

Ấn tượng đầu tiên khi mình trên tay chiếc Teclast M50 là chất liệu kim loại của máy. Khi cầm lên, cảm giác rất cứng cáp, chắc chắn và không hề ọp ẹp. Điều này tạo ra một sự tin tưởng về độ bền và chất lượng của sản phẩm.

Máy có kích thước 238.4 mm × 157.7 mm × 8.4 mm, nhìn tương đối gọn, đâu đó bằng một cuốn tập học sinh bình thường. Với khối lượng khoảng 480g, máy không quá nhẹ để gây cảm giác rẻ tiền, mà vẫn mang lại cảm giác đầm tay và chắc chắn khi sử dụng.

Mặt sau của máy có lớp hoàn thiện nhám, cầm khá bám tay, giúp hạn chế dấu vân tay và mồ hôi xuất hiện. Mình rất ưng ý với thiết kế này vì nó giữ cho máy luôn sạch sẽ và không bị trơn trượt khi cầm nắm. Ngoài ra, tổng thể thiết kế vuông vức mang đến một cảm giác thanh lịch và hiện đại, đặc biệt là với màu xám xanh làm tăng thêm vẻ tối giản và tinh tế của máy.

Ở các cạnh, Teclast M50 được tích hợp cổng sạc Type-C, hai loa ở hai đầu, một khe cắm SIM và thẻ nhớ. Đây là một điểm cộng lớn vì nhiều mẫu tablet hiện nay có giá cao hơn nhưng chỉ hỗ trợ sử dụng Wi-Fi mà thôi. Đặc biệt, máy còn có cổng 3.5mm, giúp mình có thể sử dụng các thiết bị âm thanh như tai nghe giá rẻ có dây. Điều này mang lại thêm một tùy chọn kết nối mà mình rất thích.

Màn hình

Về màn hình, mình nghĩ đây là một điểm mà mình phải đánh đổi khi mua một sản phẩm máy tính bảng giá rẻ như Teclast M50. Máy sử dụng tấm nền IPS LCD 10.1 inch với độ phân giải 800 x 1280 pixels.

Đầu tiên là về màu sắc, mình cảm thấy nó khá nhợt nhạt so với những sản phẩm có tấm nền IPS khác trên thị trường. Có vẻ như máy thiếu đi các công nghệ phụ trợ về màn hình nên hình ảnh không thực sự bắt mắt và sống động.

Về độ nét, màn hình tạm ổn khi xem phim ở chất lượng trung bình. Tuy nhiên, khi xem phim điện ảnh đòi hỏi chất lượng cao, mình nghĩ máy khó có thể đáp ứng tốt. Màn hình vẫn xuất hiện răng cưa ở một vài khung hình nhất định, làm giảm trải nghiệm của người dùng. Điều này có thể không quá quan trọng đối với những ai chỉ cần sử dụng máy cho các tác vụ cơ bản, nhưng nếu bạn yêu cầu cao về chất lượng hình ảnh, đây sẽ là một điểm cần cân nhắc.

Kích thước màn hình 10.1 inch cũng khá ổn, nhưng mình thấy viền xung quanh khá dày. Nếu hãng tối ưu phần viền này và mở rộng màn hình lên 11 inch, có lẽ máy sẽ hấp dẫn hơn đối với người mua. Dù vậy, với mức giá của Teclast M50, màn hình vẫn đáp ứng được các nhu cầu cơ bản và mang lại trải nghiệm sử dụng chấp nhận được.

Camera

Teclast M50 được trang bị camera trước 5MP và camera sau 13MP. Chất lượng camera mình nghĩ chỉ dừng ở mức "chống cháy" thôi, đủ để chụp lưu trữ tài liệu, địa chỉ nhà, hay chụp ảnh hiện trường báo cáo công việc hàng ngày. Đối với những nhu cầu cơ bản này, camera của máy vẫn đáp ứng ổn, nhưng nếu bạn muốn chụp ảnh đẹp để đăng lên mạng xã hội thì có hơi xa vời với em này.

Chất ảnh từ camera sau cho ra không đẹp và màu sắc khá nhợt nhạt. Những bức ảnh mình chụp thử nghiệm dưới điều kiện ánh sáng tốt vẫn không thể làm nổi bật chi tiết và màu sắc. Khi chụp trong điều kiện ánh sáng kém, chất lượng ảnh giảm đi rõ rệt, ảnh trở nên mờ và xuất hiện nhiều nhiễu.

Camera trước 5MP cũng chỉ đủ dùng cho các cuộc gọi video, nhưng chất lượng hình ảnh không thực sự sắc nét. Mình thấy hình ảnh từ camera trước cũng khá nhạt nhòa và thiếu chi tiết, không thể so sánh với các camera selfie của những điện thoại thông minh hiện nay.

Cấu hình

Teclast M50 được trang bị con chip Unisoc T606, một con chip phổ biến trên các mẫu điện thoại giá rẻ hiện nay. Với hiệu năng khá ổn cho nhu cầu cơ bản, con chip này mang lại trải nghiệm sử dụng không tệ.

Trong các bài test hiệu năng, Teclast M50 đạt khoảng 274,726 điểm trên Antutu V10. Đối với Geekbench 6, máy cho kết quả 382 điểm đơn nhân và 1341 điểm đa nhân. Các con số này cho thấy máy có hiệu năng ổn định, đáp ứng đủ các tác vụ hàng ngày.

Về trải nghiệm thực tế, mình thấy máy đáp ứng khá tốt các nhu cầu cơ bản từ lướt web, xem phim cho đến nghe nhạc. Thậm chí, máy còn có thể chơi được một vài tựa game nhẹ một cách mượt mà. Mình đã thử chơi một số game phổ biến như Candy Crush, Subway Surfers và máy hoạt động khá trơn tru, không gặp hiện tượng giật lag.

Máy được trang bị RAM 6GB, đủ để đáp ứng việc đa nhiệm. Thông thường, cấu hình của máy chỉ hỗ trợ sử dụng tốt các ứng dụng nhẹ nên với mức RAM này, mình thấy rất ổn. Khi mở nhiều ứng dụng cùng lúc, máy vẫn chạy mượt mà và không bị đứng, mang lại trải nghiệm sử dụng dễ chịu.

Phần mềm

Teclast M50 chạy hệ điều hành Android 14, mang lại trải nghiệm người dùng khá thân thiện. Mình thấy nó gần gần giống với giao diện của Android thuần nên cảm giác dùng mượt mà và dễ sử dụng, tuy nhiên dùng một thời gian mình nghĩ em nó cũng khá là nhàm chán khi ít có tính năng để vọc vạch cũng như giao diện không quá bắt mắt. 

Pin và sạc

Pin của Teclast M50 có dung lượng 6000mAh, đủ để sử dụng liên tục trong khoảng 7-8 giờ với các tác vụ cơ bản. Mình cảm thấy hài lòng với thời lượng pin của máy, không cần phải sạc nhiều lần trong ngày. Còn về công suất sạc, hiện tại hãng không cung cấp thêm về thông tin này nhưng theo như thông số củ sạc mà hãng trang bị là 10W, có thể đoán khả năng sạc của máy sẽ không cao. Để sạc đầy được máy có khi mất đến 2 -3 giờ sạc liên tục.

Có nên mua Teclast M50?

Sau một thời gian ngắn sử dụng, mình thấy Teclast M50 là một lựa chọn tốt khi chỉ có giá 2.99 triệu đồng. Máy vẫn có đủ màn hình lớn, cấu hình ổn áp cho các tác vụ cơ bản. Dù camera và thời gian sạc pin còn một số hạn chế, nhưng với những ai đang tìm kiếm một chiếc máy tính bảng giá rẻ và đáp ứng tốt nhu cầu cơ bản, Teclast M50 là một sự lựa chọn không tồi.

Xem thêm: Trên tay Samsung Galaxy Z Flip6: Màn phụ thú vị hơn, camera 50MP, Snapdragon 8 Gen 3 for Galaxy, giá từ 28.9 triệu

Với những bạn đang có nhu cầu mua máy tính bảng giá rẻ, quan tâm đến em Teclast M50 này có thể click vào ô bên dưới đây để tham khảo nhé!

Máy tính bảng Teclast M50 (6+8)GB/128GB

2.990.000đ
Đặc điểm nổi bật
  • Màn hình IPS LCD 10.1 inch với độ phân giải 1280x800 cho hình ảnh sắc nét, màu sắc rực rỡ và góc nhìn rộng.
  • Bộ xử lý Unisoc T606 8 nhân cho hiệu năng mạnh mẽ, xử lý mượt mà các tác vụ hàng ngày và chơi game nhẹ nhàng.
  • Hỗ trợ 4G LTE cho bạn truy cập internet tốc độ cao mọi lúc mọi nơi.
  • Dung lượng lớn 6000mAh cho thời gian sử dụng lâu dài, đáp ứng nhu cầu sử dụng cả ngày dài của bạn.
Xem chi tiết

Nội dung liên quan