WI-FI Mesh là gì? Nên dùng WI-FI Mesh hay bộ kích sóng WI-FI thì tốt hơn?

Nếu mạng WI-FI nhà bạn có điểm chết hoặc không phủ sóng được toàn bộ ngôi nhà thì hệ thống WIFI Mesh là một phương pháp hiệu quả. Vậy WI-FI Mesh là gì, khác gì với WI-FI thường, cùng tìm hiểu nhé.
WI-FI Mesh là gì?
WI-FI Mesh về cơ bản là một hệ thống mạng WI-FI diện rộng, là tập hợp bao gồm hai hoặc nhiều thiết bị phát sóng (bộ phát sóng access point hay bộ định tuyến router) hoạt động cùng nhau một cách thống nhất giúp tín hiệu WI-FI phủ kín ngôi nhà của bạn, mang lại kết nối rộng và ổn định cho người sử dụng. Ví dụ, bạn đang ở trong nhà, sau đó ra ngoài vườn hay sau nhà vẫn sử dụng được WI-FI như bình thường. Nói đơn giản, đây là một hệ thống gồm nhiều bộ phát sóng WiFi được kết nối với nhau dưới dạng lưới, nhưng dễ dàng cài đặt hơn nhiều, và không yêu cầu nhiều tên mạng hoặc các đòi hỏi bất kỳ nào khác. Bạn chỉ cần cắm điện cho các router trong hệ thống và làm theo một số bước đơn giản trong các ứng dụng đi kèm.

WI-FI Mesh đã xuất hiện được một thời gian, Eero là công ty đầu tiên giới thiệu hệ thống Wi-Fi Mesh đang phổ biến hiện nay và kể từ đó, nhiều công ty khác cũng đã tham gia vào cuộc đua này, bao gồm cả những gã khổng lồ mạng như Netgear và Linksys .
WI-FI Mesh mang lại lợi ích gì?
Trước đây, khi muốn khắc phục WI-FI bị chập chờn, hãy muốn tăng độ phủ sóng của mạng khắp nhà thì người dùng sẽ sử dụng cách là gắn thêm các router WIFI, kéo dây mạng để thiết lập cấu hình hoặc sử dụng bộ lặp. Tuy nhiên kể từ khi WI-FI Mesh ra đời, mọi thứ đã trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Dưới đây là những lợi ích chính mà WI-FI Mesh mang lại.
Đầu tiên, đây là một công nghệ mới có tính bảo mật cao. Việc kết nối mạng được tăng cường tính bảo mật sẽ giúp người sử dụng an toàn hơn và không bị mất mát hay bị đánh cắp thông tin.
Hơn nữa, hệ thống WI-FI Mesh có phạm phủ sóng cực kỳ rộng, có thể lên đến hàng ngàn km, từ đó giúp cải thiện việc kết nối WI-FI, rất phù hợp với những khu vực rộng lớn cần được cung cấp một mạng WI-FI ổn định xuyên suốt và độ bao phủ cao như trung tâm thương mại, các tòa nhà cao tầng, bệnh viện, khách sạn,...

Lí do tiếp theo, việc sử dụng hệ thống này sẽ giúp giảm tối đa chi phí thi công lắp đặt. Người sử dụng chỉ cần mua thêm một thiết bị và lắp đặt trong vùng muốn được phủ sóng. Cũng không cần phải rườm rà như đặt thêm các router WI-FI và kéo dây mạng để thiết lập cấu hình hoặc sử dụng bộ lặp như trước nữa. WI-FI mesh tạo ra một mạng WI-FI hoàn toàn mới, tách biệt rõ ràng với mạng WI-FI từ router hiện tại.
Bên cạnh đó, công nghệ WI-FI này còn mang lại một kết nối đồng nhất và xuyên suốt, đảm bảo không hề gặp bất cứ sự cố gì trong quá trình sử dụng WI-FI, các điểm phát sóng sẽ bổ sung cho nhau nếu có vấn đề ở các điểm kích sóng, do đó bạn hoàn toàn có thể yên tâm rằng kết nối sẽ được đảm bảo xuyên suốt trong quá trình sử dụng.
Ngoài ra, công nghệ WI-FI Mesh còn giúp tiết kiệm chi phí và tăng tính thẩm mỹ khi sử dụng khi không cần phải đi dây qua các điểm truy cập phức tạp. Sự hiện đại của công nghệ này còn được thể hiện qua việc dễ dàng quản lý hệ thống thông qua cài đặt để có thể chỉ định điểm phát một cách dễ dàng.

WI-FI Mesh khác gì với việc sử dụng thiết bị kích sóng?
Một khía cạnh mà nhiều người không nhận ra về các hệ thống Wi-Fi dạng lưới là chúng có thể thay thế bộ định tuyến hiện tại của bạn, thay vì hoạt động cùng nhau, khác biệt so với bộ kích sóng. Trong khi các bộ kích Wi-Fi chỉ giúp tăng tín hiệu Wi-Fi của bộ định tuyến chính thì các hệ thống Wi-Fi Mesh có thể tạo ra một mạng Wi-Fi hoàn toàn mới, tách biệt với Wi-Fi hiện tại.
Ngoài ra, nếu bạn cần quản lý mạng Wi-Fi Mesh, bạn có thể thực hiện đơn giản thông qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh của các nhà cung cấp, thay vì qua trang quản trị phức tạp của bộ định tuyến router. Nó giúp việc thay đổi cài đặt dễ dàng hơn rất nhiều và cho phép bạn theo dõi tình trạng WI-FI ở các khu vực trong nhà.

Hơn nữa, WI-FI Mesh cũng cho phép các router trong một hệ thống có thể giao tiếp được với nhau theo những trình tự bất kỳ để cung cấp vùng phủ sóng tốt nhất có thể cho tất cả các thiết bị. Trong khi đó, các thiết bị kích sóng WI-FI truyền thống chỉ có thể giao tiếp với router chính của bạn mà thôi, và trong trường hợp bạn thiết lập nhiều bộ kích sóng WI-FI, chúng thường không thể kết nối được với nhau. Đây là một ưu điểm rất lớn của WI-FI Mesh.
Bên cạnh đó, nếu dùng ứng dụng phân tích Wi-Fi, bạn sẽ nhận thấy rằng hẹe thống mạng Wi-Fi Mesh thực sự đang truyền các mạng Wi-Fi riêng biệt, mỗi mạng cho mỗi đơn vị mà bạn đã thiết lập. Còn với bộ kích sóng WI-FI, bạn thường phải chuyển đổi giữa các mạng theo cách thủ công (ví dụ giữa Network và Network_EXT).
Nhược điểm của hệ thống Wi-Fi Mesh
Bên cạnh những ưu điểm nói trên, Wi-Fi Mesh cũng có một số hạn chế nhất định. Đầu tiên là về chi phí lắp đặt và sử dụng, WI-FI Mesh đắt hơn nhiều so với chi phí sử dụng các bộ kích sóng Wi-Fi truyền thống. Tuy nhiên trong trường hợp không rành về các sản phẩm mạng thì Wi-Fi Mesh là lựa chọn đáng tiền hơn so với bộ kích sóng.
Thứ hai, hầu hết các hệ thống WI-FI Mesh không có tất cả các tính năng nâng cao mà đa phần các router thông thường cung cấp, có thể kể đến như chế độ khách, hạn chế quyền truy cập, quyền kiểm soát của phụ huynh,... Một cách giải quyết cho vấn đề này là bạn có thể cắm hệ thống Wi-Fi Mesh vào một cổng ethernet mở trên chính router, đi kèm cùng một số thiết lập đơn giản.
Tạm kết
Trên đây là những thông tin cơ bản về khái niệm, nguyên lí hoạt động, lợi ích cũng như nhược điểm của công nghệ này. Hy vọng bạn sẽ có được một số kiến thức bổ ích để có lựa chọn phù hợp cho gia đình mình thông qua những thông tin so sánh giữa WI-FI Mesh và bộ kích sóng WIFI.

Bình luận (0)