Các nhà sản xuất cứ sáng tạo đi, rồi Apple sẽ biến điều đó thành xu hướng phổ biến

Smartphone Android - Cái nôi của nhiều ý tưởng độc và lạ
Phải công nhận rằng các hãng smartphone Android luôn sáng tạo không ngừng và có nhiều ý tưởng táo bạo. Chính vì thế mà làng di động những năm qua luôn liên tục thay đổi. Có thể xem họ là những “công thần” trong việc thay da đổi thịt cho smartphone, tạo bệ phóng cho nhiều dấu ấn công nghệ hiện đại.
Đầu tiên hãy nói đến trào lưu camera kép, một xu hướng smartphone nổi bật hàng đầu và chưa có dấu hiệu “lỗi thời”. Từ năm 2011, những chiếc smartphone có camera kép đầu tiên đã xuất hiện với 3 sản phẩm đến từ LG, Sharp và HTC là Optimus 3D, Aquos SH-12C và EVO 3D. Tiếp đó vào năm 2014, HTC là trở thành công ty tiên phong trong việc đưa thiết lập camera kép xóa phông lên smartphone với chiếc HTC One M8.
Ở thời điểm hiện tại, camera kép vẫn được sử dụng trên hầu hết các mẫu smartphone ở mọi phân khúc. Các nhà sản xuất đang cố gắng “biến tấu” thiết kế này bằng cách thay đổi vị trí đặt camera, thay đổi ống kính phụ hoặc thậm chí là phát triển lên nhiều camera hơn. Số lượng camera mặt sau hiện tại đã chạm đến con số 5.
Bên cạnh camera kép thì màn hình tràn viền cũng là một xu hướngđang thịnh hành hiện nay. Vào tháng 7/2017, Essential đã ra mắt chiếc điện thoại Essential Phone, chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới sử dụng thiết kế notch với màn hình có một phần khuyết nằm ở giữa, nơi chứa camera trước, đồng thời viền trên cũng được tinh gọn còn rất mỏng. Song song với nhà sản xuất này, Sharp cũng đã ra mắt chiếc điện thoại với thiết kế tương tự trong cùng khoảng thời gian.

Trước khi dùng đến thiết kế notch, vào năm 2014 Sharp đã đưa ra một giải pháp táo bạo hơn khi ra mắt chiếc smartphone Aquos Crystal không có viền ở bên trên. Họ đã chọn giải pháp đưa camera trước xuống viền màn hình phía dưới. Thiết kế này cũng đã được Xiaomi giới thiệu trên chiếc Mi MIX với hai viền mỏng đến kinh ngạc.
Ngoài ra, trong năm ngoái, Huawei đã trở thành nhà sản xuất đầu tiên trên thế giới mở ra kỷ nguyên mới cho cuộc đua về pin trên smartphone, đó là tính năng sạc ngược không dây với chiếc Huawei Mate 20 Pro. Công nghệ này đã được Samsung nâng cấp và tích hợp lên những chiếc Galaxy S10 vừa ra mắt và dự kiến sẽ được áp dụng rộng rãi trong tương lai.

Bên cạnh đó, trong năm 2018, chúng ta còn chứng kiến hàng loạt các thiết kế tràn viền khác như màn hình kép, màn hình trượt, camera pop-up,... được sáng tạo bởi các nhà sản xuất Android. Hơn nữa, xu hướng mặt lưng gradient, màn hình “lỗ đục”, smartphone “không lỗ” hay sự phát triển của hàng loạt công nghệ sạc nhanh ấn tượng hiện nay cũng là những đóng góp đáng ghi nhận của các hãng Android cho thị trường smartphone.
Những ý tưởng cứ lóe lên, chưa kịp huy hoàng đã vội vụt tắt....
Chúng ta không thể phủ nhận sự sáng tạo của các nhà sản xuất Android, tuy nhiên nếu để ý thì thời gian gần đây, hầu hết các ý tưởng đều không thể trở thành xu hướng. Đầu tiên, hãy nhớ lại HTC cùng trào lưu camera kép trên chiếc HTC One M8, trong đó camera thứ hai dùng để ghi nhận độ sâu trường ảnh và hỗ trợ lấy nét nhanh để chụp xoá phông, bokeh. Mặc dù được ra mắt vào năm 2014 nhưng thiết bị này không tạo được dấu ấn trên thị trường và sớm chìm vào quên lãng.

Cái kết cũng tương tự với Essential Phone. Chẳng ai biết notch là gì, chẳng ai quan tâm rằng Essential mới là nhà sản xuất sáng tạo ra notch, và cũng chẳng nhà sản xuất nào học theo thiết kế này cho đến khi Apple 'tái sinh' notch vào năm 2017.
OPPO và Vivo đã giới thiệu thiết kế camera pop-up trên chiếc OPPO Find X và Vivo NEX nhưng đáng buồn là kể từ đó, các nhà sản xuất khác đã không học theo cái mới này mà tìm cho mình những hướng đi khác. Tính tới thời điểm hiện tại, số lượng dòng smartphone được trang bị cơ chế camera trượt mở còn không thể đếm trên đầu ngón tay.
Tương tự, Xiaomi cũng ra mắt chiếc Mi MIX 3 với màn hình trượt vào nửa cuối năm 2018, và hiện tại, chỉ có hai chiếc smartphone sử dụng thiết kế này, đó là Mi MIX 3 và Honor Magic 2. Vivo và Meizu đã trình làng những chiếc smartphone “không lỗ” hồi đầu năm nay nhưng cũng chỉ có thể tạo nên cơn sốt ở thời điểm ra mắt. Thậm chí bây giờ, nhiều người trong chúng ta cũng đã quên bẵng đi cái tên của những thiết bị độc đáo này.
Nói về tính năng sạc ngược không dây của Huawei, mặc dù được ra mắt từ cuối năm ngoái và khoảng thời gian từ đó đến nay, chúng ta đã chứng kiến không ít sự ra mắt của những chiếc smartphone mới đến từ nhiều nhà sản xuất khác nhau, nhưng cũng chỉ có thêm Galaxy S10 được trang bị tính năng này. Kết cục cũng tương tự dành cho màn hình “nốt ruồi” xuất hiện trên các smartphone của Huawei và Samsung.

Ngoài ra, khi chưa giải quyết xong bài toán tràn viền, các hãng smartphone đã nhảy sang cuộc chiến màn hình gập với việc nhiều nhà sản xuất lần lượt trình làng những chiếc smartphone màn hình gập đầu tiên tại sự kiện MWC 2019 năm nay. Dự kiến nhiều công ty khác cũng sẽ “tham chiến” tại chiến trường này trong thời gian tới.
Có thể thấy, cuộc đua trên thị trường smartphone gần đây đã không còn trọng tâm nữa, thiết kế và công nghệ đang đi lan man và không có tính tập trung. Các hãng cứ mải đi tìm cho mình những phép thử nhưng vẫn chưa có phép thử nào gây được hiệu ứng tốt. Mọi thứ hiện tại chỉ dừng lại ở mức nửa vời và chưa thể trở thành xu hướng.
Chỉ đến khi Apple nhúng tay vào, ngọn lửa đó mới bừng sáng trở lại
Từ nãy đến giờ chúng ta đã quên bén đi cái tên Apple, một trong những nhà sản xuất đi đầu trong việc tạo ra xu hướng, để nhiều hãng khác phải “học hỏi” theo. Có thể tạm gọi Apple với cái tên “KOLs của làng di động” khi tầm ảnh hưởng của công ty này thực sự không nhỏ. Táo khuyết không phải là người làm đầu tiên nhưng luôn là người làm tốt nhất, và dường như những gì Apple nhúng tay vào mới có thể trở thành trào lưu.

Đầu tiên, hãy nhìn lại thiết kế notch. Mặc dù được ra mắt trước đó nhưng mãi đến khi Apple mang thiết kế này lên iPhone X, “tai thỏ” mới bắt đầu được biết đến. Ném đá, chê bai nhưng rồi cuối cùng “tai thỏ” mới là thiết kế smartphone phổ biến nhất trong năm 2018. Sở dĩ Apple làm được điều này vì hãng này đã biết cách tối ưu tốt vùng notch trên màn hình, nơi chứa camera và hàng loạt cảm biết phục vụ cho công nghệ Face ID. Hàng loạt các nhà sản xuất khác đều mang xu hướng này lên những thiết bị của họ, phủ kín mọi phân khúc.
Trước đó một chút, dù người nghĩ và đưa hệ thống 2 camera sau lên smartphone không phải Apple nhưng chính Apple mới thực tự tạo nên trào lưu camera kép sau khi giới thiệu iPhone 7 Plus. Mặc dù có nhiều cách phối hợp hai cảm biến trên camera kép nhưng hầu hết các dòng smartphone trong năm 2017 và 2018 đều chạy theo thiết kế camera kép của Apple.
Bên cạnh đó, khi Apple ra mắt chiếc iPhone X được tích hợp công nghệ nhận dạng khuôn mặt, hàng loạt các thương hiệu smartphone sau đó đều trang bị tính năng nhận diện khuôn mặt và liên tục truyền thông về nó như một điều gì đó rất mới có trên thiết bị của họ. Mặc dù trước đó Google đã xác nhận 'nhận diện khuôn mặt' là tính năng mặc định của Android.
Tất nhiên, một số cơ chế nhận diện khuôn mặt của máy Android chưa thể 'tốt' bằng Face ID của Apple, nhưng phải thừa nhận rằng nếu Apple không ra một phương thức bảo mật mới thì có lẽ nhận diện khuôn mặt trên Android mãi vẫn chỉ nằm ở đó và được xem như tính năng sẵn có mà thôi. So với Touch ID, cơ chế quét khuôn mặt để mở khóa vẫn chưa thể tiện lợi bằng, tuy nhiên có lẽ vì iPhone có nên chắc những hãng khác cũng sẽ có.

Theo một cách nào đó iPhone của Apple được xem là tiêu chuẩn của thị trường smartphone. Chính vì vậy, có lẽ một số công nghệ như sạc ngược không dây, âm thanh trong màn hình hay cả màn hình gập đều phải chờ đợi Apple nhúng tay vào mới có thể phổ biến và trở nên tiệm cận với người dùng. Các nhà sản xuất Android cứ “đẻ con” ra đi và Apple sẽ là người nuôi lớn những đứa con này.

Tạm kết
Đối với người dùng, họ không quan tâm ai làm ra đầu tiên mà quan trọng là ai làm điều đó tốt nhất. Điều này đã giải thích cho sự thành công ở hiện tại của Apple, không ai có thể tạo nên xu hướng tốt như nhà Táo. Chúng ta cần sáng tạo, cần đổi mới nhưng sự cẩn trọng, tỉ mỉ cũng là những điều không thể thiếu, chính vì thế các hãng smartphone Android nên chậm lại một chút để chỉnh chu hơn trước khi ra mắt bất cứ thiết kế hay công nghệ mới nào.

Bình luận (0)