Cẩm nang build PC: Mini PC là gì, và những điều bạn cần biết trước khi mua


Khi phải lựa chọn phương án build PC mới cho mình thì rất nhiều người dùng đều chỉ cân nhắc sử dụng PC “full size” hoặc laptop. Tuy nhiên còn có một lựa chọn khả thi khác thường bị bỏ qua là Mini PC. Trong bài viết này, cùng Sforum tìm hiểu về nó nhé!
Mini PC thường bị nghi ngờ về khả năng đáp ứng những nhu cầu khác nhau của người dùng, và hay bị chê là “chỉ để đọc báo” bởi kích thước thậm chí còn nhỏ hơn loại Mini ITX. Tuy nhiên điều này chỉ đúng vào khoảng hơn chục năm trước đây, còn vào 2023 thì Mini PC đã là một giải pháp hoàn toàn hợp lý cho công việc và thậm chí là cả giải trí nữa!
Xem thêm: Máy tính Mini ITX là gì, có đáng để sử dụng?
Mini PC là gì?
Có thể bạn sẽ nghĩ rằng đây là một dạng máy tính mới ra đời gần đây, nhưng không phải vậy. Chiếc Mini PC đầu tiên mang tên PDP-8 ra đời vào năm 1965, với kích thước nhỏ gọn chỉ khoảng… 2 mét.
Dù vậy thì khi so sánh với những máy tính khác thời bấy giờ to bằng cả căn phòng, PDP-8 thực sự đã là rất nhỏ. Cỗ máy này đã khuyến khích các công ty lớn thời bấy giờ như Varian Data Machines, Data General, HP gia nhập vào thị trường máy tính và sản xuất PC cho người tiêu dùng bình thường.
Theo thời gian, khi máy tính ngày càng nhỏ gọn hơn thì Mini PC cũng teo lại. Các Mini PC ngày nay có kích thước vào cỡ một chiếc tablet, nhưng dày hơn và mạnh mẽ hơn không ít. Nó hoạt động hệt như một PC bình thường, chỉ là hạn chế hơn về sức mạnh xử lý. Bạn vẫn có thể cài hệ điều hành, phần mềm, game để chơi và làm việc trên Mini PC.
Cũng như laptop, lợi ích chính của Mini PC là kích cỡ nhỏ gọn của nó. Bạn có thể dùng loại máy tính này khi thiếu không gian hoặc không cần sức mạnh xử lý quá lớn. Chi phí của chúng cũng thường rẻ hơn, tiêu thụ điện ít hơn.
Xem thêm: Làm thế nào để có dàn máy đồ họa tốt nhất?
Các loại Mini PC
Có 2 loại Mini PC chính trên thị trường, một là dạng khung (barebone) và hai là loại hoàn thiện sẵn. Trong đó, loại barebone rẻ hơn nhưng đúng như tên gọi, nó chỉ có bộ khung – thường là thùng máy, nguồn, mainboard – và có thể thiếu CPU, RAM, ổ cứng tùy model. Người dùng sẽ tự lựa chọn các linh kiện cần thiết và lắp vào máy theo đúng ý thích của mình. Loại thứ 2 hoàn thiện sẵn thì có đầy đủ mọi thứ, bạn chỉ việc mua và lắp thêm các thiết bị ngoại vi cần thiết (chuột, bàn phím, màn hình máy tính,…) là chạy được bình thường.
Sự khác biệt chính giữa PC và Mini PC nằm ở cấu tạo. Nếu như một dàn PC được tạo thành từ rất nhiều linh kiện rời và các nhà sản xuất không ngần ngại tạo ra những sản phẩm khủng như GPU chiếm 2 khe PCI hay tản nhiệt nặng cả kilogram, Mini PC hoàn toàn không có chỗ cho những món này. Thật ra, nhiều Mini PC thậm chí còn không có cả pin cho Real-Time Clock, linh kiện được dùng để theo dõi thời gian nên chúng không thể nhận biết thời gian sau khi bạn tắt máy.
Tuy nhiên do các Mini PC có kích thước cực nhỏ, cả 2 loại đều có chung một số điểm yếu là rất ít cổng mở rộng, thường chỉ gồm vài khe cắm USB, âm thanh, hình ảnh. Bạn cũng gần như không thể nâng cấp thêm do linh kiện cho các loại này rất khó tìm. Một số Mini PC thậm chí còn có CPU và GPU được hàn chết vào bo mạch chủ, không thể thay thế hay nâng cấp. Chúng ta thường chỉ có thể mua thêm RAM (loại dành cho laptop) hoặc thêm dung lượng lưu trữ (thường là ổ SSD chuẩn NVMe).
Những điều cần biết khi mua Mini PC
Nếu sau khi cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định mua một Mini PC phục vụ cho nhu cầu của mình, bạn sẽ cần chú ý những điều sau đây để có thể mua được một cỗ máy phù hợp.
Chọn đúng CPU
Đây là linh kiện quan trọng nhất trong một Mini PC, quyết định sức mạnh của cỗ máy và dĩ nhiên là giá tiền của nó. Bạn là người dùng bình thường chỉ cần Mini PC để đọc báo, lướt web, nhận email; hay thích chiến thêm game và thỉnh thoảng render, dùng Photoshop? Hãy chọn một CPU phù hợp với nhu cầu.
Xác định mức RAM cần thiết
Với Mini PC, 8GB RAM là điểm khởi đầu tốt. Nếu bạn không có nhu cầu dùng ứng dụng nặng thì cứ giữ nguyên ở mức này. Tuy nhiên nếu muốn chơi game thì hãy nâng lên ít nhất 16GB. Chú ý là Mini PC dùng RAM laptop nên đắt hơn một chút so với ram của desktop (PC).
Chọn loại ổ cứng
Thông thường thì các Mini PC đời mới đều sẽ sử dụng loại ổ SSD NVMe, nhằm mục đích tiết kiệm không gian. Những mẫu giá rẻ hơn hoặc cũ hơn vẫn còn sử dụng SSD SATA (loại trên laptop) hoặc thậm chí là HDD truyền thống. Nếu bạn chơi game, thường xuyên làm việc với lượng lớn dữ liệu thì hãy chọn SSD, còn chỉ lướt web, xem phim, nghe nhạc thì HDD là đủ.
Kích thước phù hợp
Dù Mini PC là các loại máy tính cỡ nhỏ, chúng không có một chuẩn chung nào về kích thước và vì thế các nhà sản xuất tự do biến tấu. Chúng có thể nằm gọn trong lòng bàn tay của bạn, nhưng cũng có thể to như một hộp bánh trung thu. Việc lựa chọn loại nào là tùy vào mắt thẩm mỹ, nhưng loại to hơn thường cho phép nâng cấp tự do hơn, trong khi loại nhỏ và nhẹ thì không thể nào.
Lời kết
Đó là tất cả những gì bạn cần biết về Mini PC và ưu điểm của chúng. Đây là một phương án rất tốt dành cho những người dùng chỉ cần một dàn máy tính nhỏ gọn, dễ dùng và không mất nhiều công sức lắp ráp, cài đặt. Hi vọng rằng những thông tin này đã có ích cho bạn, và hẹn gặp lại trong những bài viết sau.
[Product_Listing categoryid='1052' propertyid=' customlink='https://cellphones.com.vn/may-tinh-de-ban/van-phong.html' title='Danh sách PC Văn phòng đang được quan tâm nhiều tại CellphoneS']

Bình luận (0)