Trang chủTư vấnMáy tính
Cẩm nang build PC – Phần 9: Những thông số của một màn hình máy tính có ý nghĩa gì?
Cẩm nang build PC – Phần 9: Những thông số của một màn hình máy tính có ý nghĩa gì?

Cẩm nang build PC – Phần 9: Những thông số của một màn hình máy tính có ý nghĩa gì?

Cẩm nang build PC – Phần 9: Những thông số của một màn hình máy tính có ý nghĩa gì?

Bookgrinder , Tác giả Sforum - Trang tin công nghệ mới nhất
Bookgrinder
Ngày cập nhật: 22/09/2022
gg news
Ngày nay, màn hình máy tính cực kỳ đa dạng và khác biệt nhau ở rất nhiều yếu tố, từ quen thuộc kích thước, độ phân giải và tần số quét đến những thông số ít được quan tâm hơn như không gian màu (color space), HDR, độ cong, góc nhìn,… Nếu bạn là tay mơ hoàn toàn chưa biết gì về việc chọn màn hình để xây dựng cấu hình và muốn tìm hiểu sâu hơn để biết các thông số cơ bản đó có nghĩa là gì, hãy để bài viết này của chúng tôi giúp đỡ bạn. Tất cả những thông số quan trọng nhất của một màn hình đều sẽ được giải thích cặn kẽ tại đây. Nếu chỉ muốn biết cách chọn màn hình đơn giản và nhanh gọn, hãy tham khảo bài viết cách chọn màn hìnhtrong series này nhé!
Mời các bạn tham gia cộng đồng game thủ S-Games trên Discord, sân chơi mới cho các game thủ có thể trao đổi về các tựa game hot trên thị trường, chia sẻ kinh nghiệm chơi game, bắt cặp leo rank và trò chuyện cùng nhau sôi nổi. Tại Discord S-Games, bạn còn được nhận các code độc quyền những tựa game mới nhanh nhất, hấp dẫn nhất. Còn chờ gì nữa, THAM GIA NGAY DISCORD S-GAMES!

Độ phân giải

Một màn hình máy tính ngày nay thường được tạo thành từ hàng triệu điểm ảnh nhỏ li ti (pixel) xếp ngay hàng thẳng lối trên bề mặt khung hình. Độ phân giải của màn hình chính là số lượng pixel trên cạnh của nó, ví dụ màn có độ phân giải 1920x1080 thì cạnh ngang của nó có 1920 pixel, còn chiều thẳng đứng có 1080 pixel, tổng cộng là 2,073,600 pixel. Với hầu hết người dùng thì 1920x1080 là đủ cho các tác vụ bình thường, từ game đến công việc.


[caption id='attachment_585902' align='aligncenter' width='900'] Sự khác biệt về độ phân giải màn hình.[/caption]

Mật độ điểm ảnh

Viết tắt là PPI (Pixel Per Inch), nó cho biết có bao nhiêu pixel trong một inch của màn hình, được tính bằng cách chia kích thước màn hình cho độ phân giải theo đường chéo. Ví dụ màn hình 24 inch độ phân giải 1920x1080 thì theo định lý Pythagore, nó sẽ có đường chéo dài 2202 pixel, PPI là 2202/24 = 91,75, làm tròn thành 92. Con số này là một trong những thông số quyết định chất lượng hiển thị của hình ảnh.

Kích thước màn hình

Cũng như TV hay điện thoại, kích thước màn hình máy tính được đo theo đường chéo với đơn vị là inch. Nhưng khác với TV càng to càng tốt, khi dùng máy tính thì chúng ta thường ngồi ngay trước màn hình, rất gần các pixel. Do đó nếu màn hình quá to nhưng độ phân giải lại thấp, PPI sẽ rất nhỏ, bạn sẽ thấy rõ các pixel và khiến hình ảnh được hiển thị xấu hẳn đi.

Để tránh hiện tượng này, bạn có thể tuân theo một quy tắc đơn giản là nên tìm các màn hình có số PPI khoảng 100 đến 150. Quá cao thì sẽ phí tiền (và cần card đồ họa mạnh), quá thấp thì hình ảnh không đẹp. Nếu không may phải dùng màn hình có PPI thấp, bạn có thể cải thiện tình trạng thấy rõ pixel bằng cách… ngồi xa màn hình hơn.

Tần số quét

Chỉ số này đại diện cho số lần mà màn hình có thể cập nhật hình ảnh mới trong 1 giây, được đo bằng Hz. Các mức tần số quét thường cố định, chẳng hạn 60 Hz, 75 Hz, 90 Hz, 120 Hz, 144 Hz,… nói chung thì càng cao càng tốt và game thủ luôn có đòi hỏi rất khắt khe với thông số này. Một màn hình có tần số quét 144 Hz đồng nghĩa với việc nó có thể hiển thị 144 khung hình khác nhau mỗi giây.

Do đó, game thủ thường tìm kiếm các màn hình có tần số quét từ 90 Hz trở lên để có hình ảnh mượt mà hơn. Tuy nhiên bản thân card đồ họa cũng phải đủ mạnh để theo kịp tần số quét này – card tầm thấp có thể không làm được 60 khung hình / giây chứ đừng nói là 90 hay 144.

Thời gian phản hồi

Còn được gọi là Response Time, đây là khoảng thời gian mà một pixel cần để đổi từ màu này sang màu khác. Tuy nhiên cách đo của các nhà sản xuất có thể khác nhau, ví dụ hãng này đo từ đen trắng đen, trong khi hãng khác đo từ màu xám này sang màu xám khác.

Nếu thời gian này cao, hình ảnh có thể không được hiển thị rõ nét và chính xác, rất khó chịu khi bạn xem phim hoặc chơi game. Màn hình có thời gian phản hồi ở mức 1-5ms là lý tưởng cho game thủ. Nếu nhu cầu sử dụng của bạn là xem phim, lướt web, làm văn phòng thì 10ms vẫn OK.

Độ cong của màn hình

Với các loại màn hình cong đang trở nên phổ biến trong vài năm trở lại đây, chúng ta có thêm một thông số mới gọi là độ cong, được đo bằng Radius (R). Các màn hình phổ biến có độ cong từ 1800R đến 4000R, số càng nhỏ thì màn hình càng cong hơn. Ví dụ màn hình 4000R có nghĩa là khi bạn xếp nhiều màn hình loại này thành một hình tròn, bán kính của hình tròn đó sẽ là 4000mm.

Loại màn hình này có ưu điểm và nhược điểm rõ rệt. Nó đem lại góc nhìn tốt hơn, hình ảnh ít bị biến dạng so với khi bạn dùng nhiều màn hình vuông ghép lại với nhau. Nhược điểm là nếu phòng bạn có quá nhiều nguồn sáng, nó sẽ phản chiếu rất nhiều ánh sáng vào mắt bạn và khiến hình ảnh khó nhìn hơn.

Hỗ trợ G-Sync hoặc FreeSync

Nếu bạn chơi game thì hẳn đã từng trải nghiệm hiện tượng xé hình (screen tearing) trong các cảnh hành động tốc độ cao. Nó xảy ra khi số khung hình mà card đồ họa vẽ nên không đồng bộ với tần số quét của màn hình, nên cả AMD lẫn NVIDIA – hai nhà sản xuất card đồ họa lớn nhất hiện tại – cố gắng giảm hiện tượng này bằng công nghệ riêng của mình. AMD là FreeSync, còn NVIDIA là G-Sync. Tùy theo việc bạn đang dùng chip đồ họa của hãng nào mà chọn màn hình cho phù hợp. Thường thì màn hình FreeSync rẻ hơn do các nhà sản xuất không phải trả phí bản quyền cho AMD.

Góc nhìn

Đặc điểm chung của các màn hình LCD là chỉ hiển thị đúng màu sắc của hình ảnh khi bạn nhìn từ một góc độ nhất định. Góc độ đó lớn nhỏ khác nhau tùy vào loại tấm nền (panel) được sử dụng cho màn hình. Nó được đo bằng độ và thể hiện bằng 2 con số, ví dụ 160/140 nghĩa là hình ảnh sẽ giữ được màu sắc chính xác khi mắt bạn nằm trong phạm vi ngang 160 độ, dọc 140 độ trước màn hình.

Độ sáng

Độ sáng của màn hình máy tính được đo bằng đơn vị gọi là nits hoặc cd / m2. Hầu hết các màn hình tiêu chuẩn có độ sáng 200-300 nits, đủ cho người dùng thông thường miễn là không sử dụng nó trong môi trường quá sáng.

Bạn sẽ cần sử dụng màn hình có độ sáng cao hơn khi xung quanh rất sáng hoặc khi sử dụng màn hình từ khoảng cách xa hơn bình thường. Trong những trường hợp như vậy, bạn nên chọn màn có độ sáng 350-500 nits. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng màn hình có độ sáng cao hơn cũng sẽ đắt hơn màn hình thông thường.

HDR

HDR là một thông số kỹ thuật quan trọng khác của màn hình. Nó là viết tắt của “High Dynamic Range” hay “dải động cao”. Một màn hình hỗ trợ tính năng này sẽ có thể hiển thị các vùng sáng sáng hơn và các vùng tối tối hơn, mang lại hình ảnh ấn tượng hơn nhiều.


[caption id='attachment_585898' align='aligncenter' width='900'] HDR (trái) và không HDR (phải).[/caption]

Các chuẩn HDR phổ biến nhất là HDR (HDR10) và HDR10+. HDR10 được sử dụng cho các màn hình có khả năng tạo ra độ sáng tối đa 1,000 nits và HDR10+ được sử dụng cho các màn hình có thể tạo ra độ sáng lên đến 4,000 nits.

Độ tương phản

Độ tương phản (contrast ratio) là thước đo sự khác biệt giữa màu trắng sáng nhất và màu đen tối nhất mà màn hình có thể tạo ra. Độ tương phản được đo dưới dạng một tỷ lệ, ví dụ: 1000:1; số đầu tiên càng lớn thì độ tương phản càng cao.

Khi chọn màn hình, tốt nhất bạn nên xem xét độ tương phản tĩnh (contrast ratio) thay vì độ tương phản động (dynamic contrast ratio). Độ tương phản tĩnh là tỷ lệ độ sáng so sánh màu sáng nhất và màu tối nhất mà màn hình có thể tạo ra đồng thời tại bất kỳ thời điểm nào. Độ tương phản động được đo theo thời gian khi hiển thị hình ảnh chuyển động. Hầu hết các màn hình phổ biến trên thị trường hiện nay đều có độ tương phản 1000:1 tuy nhiên, có những màn hình có thể đạt được độ tương phản cao hơn.

Màn hình có tỷ lệ tương phản cao hơn được sử dụng bởi các nghệ sĩ hay dân chuyên nghiệp, những người cần mức độ rõ nét của hình ảnh để thực hiện các tác vụ như chỉnh sửa hình ảnh và video hoặc làm animation.

Công nghệ màn hình


Hiện nay có hai công nghệ màn hình chính là OLED và LCD, khác biệt nhau về cách chúng đưa ánh sáng đến mắt bạn. Màn hình LCD cần đèn nền để thắp sáng các pixel và vì thế có thể xảy ra hiện tượng hở sáng. OLED hoàn toàn không cần đèn nền do mỗi pixel có thể tự sáng lên, kết quả là nó hiển thị màu sắc chính xác hơn và không bị hở sáng nhưng giá cũng cao hơn.

Với các màn hình LCD, bạn sẽ gặp ba loại tấm nền khác nhau là TN, IPS và VA. Nói một cách đơn giản thì ưu nhược điểm của chúng như sau:

  • TN: Rẻ, tuổi thọ lâu dài, thời gian phản hồi nhanh, nhưng màu sắc kém và góc nhìn hẹp.
  • IPS: Đắt, tốn điện hơn, màu sắc trung thực, sáng hơn và góc nhìn rộng hơn.
  • VA: Nằm giữa TN và IPS về các thông số, chất lượng hình ảnh và giá cả. Thời gian phản ứng dài.

Không gian màu

Không gian màu (color space) của màn hình đề cập đến các màu sắc mà màn hình có thể hiển thị. Không một màn hình nào có thể hiển thị đầy đủ tất cả các màu sắc mà mắt người có thể nhìn thấy được (gam màu – color gamut), nên các tiêu chuẩn đã được tạo ra để “cân đo đong đếm” khả năng hiển thị màu sắc của màn hình và chúng được gọi chung là không gian màu.

Các gam màu phổ biến nhất là sRGB, DCI-P3 và Adobe RGB. Đối với hầu hết mọi người, màn hình có không gian màu 90% đến 100% sRGB là hoàn toàn ổn, còn chuẩn DCI-P3 và Adobe RGB được sử dụng bởi người dùng chuyên nghiệp.

Lời kết


Với những thông tin được chia sẻ trong bài viết này, Sforum hi vọng đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các thông số của một màn hình máy tính. Những con số này sẽ giúp bạn có thể so sánh và đánh giá tính năng của các loại màn hình với nhau, và từ đó chọn ra một sản phẩm phù hợp nhất cho mình. [Product_Listing categoryid='934' propertyid=' customlink='https://cellphones.com.vn/may-tinh-de-ban/pc-gaming.html' title='Danh sách PC Gaming đang được quan tâm nhiều tại CellphoneS']
danh-gia-bai-viet
(0 lượt đánh giá - 5/5)

Game thủ nghiêm túc, mong muốn chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, và đam mê của tôi với mọi người qua những bài viết và video về trò chơi trực tuyến hot nhất của tôi.

Bình luận (0)

sforum facebook group logo